Luật Công chứng năm 2006 sau bảy năm thi hành đã thực sự đi vào cuộc sống, đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta đã phát triển nhanh về số lượng và ngày càng tăng cường về chất lượng. Những kết quả bước đầu đạt được cho thấy chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là hết sức đúng đắn. Thông qua việc đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch dân sự và kinh tế, hoạt động công chứng đã góp phần tạo lập môi trường pháp lý tin cậy cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, thương mại, đồng thời, cũng góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp, được Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương mới đây ghi nhận và đánh giá cao.
Bài viết “Xây dựng Dự án Luật Công chứng đáp ứng yêu cầu công cuộc cải cách tư pháp” của tác giả Đỗ Hoàng Yến và Nguyễn Thị Vân đăng trên Số chuyên đề tháng 5/2014 Pháp luật về công chứng đã tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn triển khai thi hành luật, để từ đó thấy được sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Công chứng. Quan điểm chỉ đạo sửa đổi Luật Công chứng và một số nội dung cơ bản của dự án Luật Công chứng (sửa đổi) cũng được các tác giả nêu ra trong bài viết này. Ngoài ra, nội dung bài viết còn đề cập đến những vấn đề còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau nhằm góp ý cho dự thảo Luật, như: Phạm vi công chứng; công chứng viên; tổ chức hành nghề công chứng; thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch; phí công chứng; thù lao công chứng...
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Như Quỳnh