Mô hình tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được quy định tại Chương IX với tên gọi mới “Chính quyền địa phương” - tập trung từ Điều 110 đến Điều 116. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định nước ta chia thành 3 cấp địa giới hành chính là cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, ở các đơn vị hành chính được tổ chức chính quyền địa phương. Theo Điều 113 Hiến pháp năm 2013, thì vị trí, vai trò của Hội đồng nhân dân vẫn được giữ nguyên như ở Hiến pháp năm 1992, nhưng tại khoản 1 Điều 114 có một số điểm mới: “Uỷ ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên”. Quy định này tiếp tục khẳng định Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra, vẫn là cơ quan song trùng trực thuộc, nhưng về tính chất lại cho ta hai cách hiểu: Cách hiểu thứ nhất, Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương sẽ do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra; cách hiểu thứ hai, là Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền khác thì do chính quyền địa phương cấp trên bổ nhiệm. Với tư cách là đạo luật gốc, Hiến pháp năm 2013 chỉ quy định những vấn đề có tính nguyên tắc về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Quá trình chi tiết hóa, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp như thế nào còn phải dựa vào tình hình thực tế và sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành trong xây dựng mô hình chính quyền địa phương giai đoạn hiện nay.
Để tìm hiểu về những yêu cầu mới phải tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương đáp ứng với nhu cầu thực tiễn và một số ý kiến nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay kính mời quý bạn đọc đón đọc bài viết "Xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo Hiến pháp năm 2013" của tác giả Đặng Thị Hà đăng tải trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số định kỳ tháng 2 (275) năm 2015.
Thủy Nguyên