Bộ luật Dân sự năm 2005 là văn bản pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ xã hội trong giao lưu dân sự. Bộ luật này cũng là nền tảng pháp lý cho hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mới cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, các quan hệ dân sự đã có những thay đổi đáng kể và nhanh chóng cần có sự điều chỉnh phù hợp của pháp luật. Trong bối cảnh như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, tổ chức, các cán bộ làm công tác thực thi Bộ luật Dân sự trong thời gian qua. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng khẳng định, việc ra đời và đi vào cuộc sống của Bộ luật này đã góp phần ổn định các quan hệ dân sự và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, nhiều những nội dung của Bộ luật không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, chưa theo kịp thực tiễn cuộc sống, lạc hậu so với quy định của luật chuyên ngành... những hạn chế, bất cập nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của Bộ luật Dân sự nói riêng, hệ thống pháp luật dân sự nói chung, làm cản trở quá trình phát triển và hội nhập của đất nước.
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Hội nghị tập trung đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc những kết quả đã đạt được và hạn chế của Bộ luật Dân sự, cũng như làm rõ nguyên nhân của những hạn chế đó. Đồng thời, xác định rõ mục tiêu, quan điểm và những định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự năm 2005, trong đó, cần chú trọng việc kế thừa, phát huy các quy định có tính truyền thống, mang bản sắc riêng và hợp lý của pháp luật dân sự Việt Nam qua các thời kỳ, tham khảo kinh nghiệm xây dựng luật dân sự của các nước trên thế giới, bảo đảm cho Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của đất nước. Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự nhận thức đầy đủ, sâu sắc về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và từng cá nhân, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, trong tương lai, chúng ta sẽ xây dựng được một Bộ luật Dân sự có chất lượng, tính ổn định cao, giúp người dân yên tâm khi thực hiện các quyền dân sự cơ bản của mình.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các đại biểu tham dự Hội nghị đã trình bày những tham luận và tiến hành thảo luận xung quanh những vấn đề về vị trí của Bộ luật Dân sự trong hệ thống pháp luật Việt Nam, kết cấu của Bộ luật Dân sự và những hạn chế, bất cập trong nội dung cụ thể của Bộ luật (như: Về áp dụng tập quán, về cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế...).
1. Về vị trí của Bộ luật Dân sự
Bộ luật Dân sự là nền tảng pháp lý cơ bản (luật chung) của hệ thống luật tư, luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được thiết lập trên nguyên tắc bình đẳng giữa các bên tham gia. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự hiện hành và hệ thống văn bản pháp luật trong hệ thống luật tư chưa thực sự đáp ứng được các yêu cầu của hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền về tính ổn định, tính khái quát, tính hệ thống, tính dự báo, tính minh bạch. Đặc biệt, trong việc đáp ứng sự phát triển thường xuyên, liên tục của các quan hệ pháp luật thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự. Mặc dù, Bộ luật Dân sự có quy định về phạm vi điều chỉnh bao gồm tất cả những quan hệ thuộc lĩnh vực luật tư nhưng chưa thể hiện rõ là các quy định mang tính nguyên tắc của các quan hệ chuyên ngành, chưa có cơ chế áp dụng luật trong trường hợp có sự khác nhau giữa luật chuyên ngành và Bộ luật Dân sự.
Về vấn đề này, đại diện của Viện Hàn lâm Khoa học, xã hội Việt Nam cho rằng, sự bất cập của luật dân sự Việt Nam không nằm trong kết cấu của Bộ luật, mà ở nhận thức lý luận về luật dân sự và Bộ luật Dân sự, mối quan hệ giữa Bộ luật dân sự với các đạo luật khác. Để hiểu rõ hơn cấu trúc Bộ luật Dân sự và vai trò của nó trong hệ thống pháp luật, cần có cách nhìn khái quát về luật dân sự và hệ thống luật tư; phân biệt luật dân sự với ý nghĩa là ngành luật (hệ thống quy phạm) với luật dân sự với ý nghĩa là ngành lập pháp về dân sự (Bộ luật hay đạo luật). Giá trị chung của Bộ luật Dân sự là ở vai trò luật gốc của hệ thống luật tư; nghĩa là cùng với Bộ luật Dân sự, các đạo luật chuyên ngành đang ngày càng phong phú hơn như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Thương mại, Luật Nhà ở, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bất động sản v.v… Khi có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật chuyên ngành về cùng một vấn đề, thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự.
2. Về cấu trúc của Bộ luật Dân sự
Lấy cảm hứng từ Luật La Mã, các Bộ luật Dân sự trên thế giới thường được cấu trúc theo 2 mô hình: Một là, mô hình Institutiones dựa trên quan sát thực tế của cuộc sống hàng ngày đã thiết kế bộ luật theo các yếu tố: Chủ thể, vật và hành vi. Nói cách khác, mô hình Institutiones tập trung vào chức năng của các chế định; Hai là, mô hình Pandekten đã áp dụng một phương pháp tiếp cận trừu tượng hơn, đó là lấy quyền lợi làm trục trung tâm và sự phân biệt giữa vật quyền và trái quyền để xây dựng nên cấu trúc của Bộ luật Dân sự. Theo đó, bộ luật được xây dựng theo nguyên tắc chung – riêng (từ quy định chung đến các lĩnh vực pháp luật cụ thể) và nguyên tắc khái quát, trừu tượng hóa cao, tạo nên các quy định mang tính lý luận.
Tiêu biểu cho mô hình Institutiones là Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804, cấu trúc theo cách tiếp cận dùng hoặc mở rộng quy tắc lý thuyết của trường hợp cụ thể cố gắng điều chỉnh các trường hợp có thể (casuistry) gồm Chương mở đầu và 3 quyển: Quyển 1 về Người (Cá nhân); Quyển 2 về Tài sản và những thay đổi về Sở hữu; Quyển 3 về Các phương thức xác lập quyền sở hữu. Tiêu biểu cho mô hình Pandekten là Bộ luật Dân sự Đức năm 1896. Ra đời sau Bộ luật Dân sự Pháp gần 100 năm, Bộ luật Dân sự Đức được cấu trúc thành 5 quyển thay vì cấu trúc theo chức năng như Bộ luật Dân sự Pháp: Quyển 1: Những quy định chung; Quyển 2: Trái vụ; Quyển 3: Vật quyền; Quyển 4: Luật gia đình và Quyển 5: Luật thừa kế.
Theo tham luận của Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, thì đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam bắt đầu quá trình tái pháp điển hóa Bộ luật Dân sự với kỳ vọng Bộ luật Dân sự mới sẽ bao hàm những quy phạm pháp luật mới được sắp xếp theo một cấu trúc mới, khoa học và hiện đại dựa trên nền tảng những nguyên lý cơ bản của luật dân sự.
Tuy nhiên, việc lựa chọn cấu trúc nào cho Bộ luật Dân sự là vấn đề các nhà lập pháp Việt Nam phải nghiên cứu thận trọng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Bộ luật này cần phù hợp với hoàn cảnh xã hội Việt Nam, đồng thời cần đảm bảo tương thích với pháp luật dân sự các quốc gia khác, tạo cơ sở vững chắc để chúng ta có thể hội nhập kinh tế quốc tế.
Nghiên cứu cấu trúc dự kiến của Bộ luật Dân sự sửa đổi, nhiều đại biểu cũng cho rằng, không nên sử dụng thuật ngữ "vật quyền" và "trái quyền", vì đây là những thuật ngữ pháp lý chuyên sâu, còn mới mẻ và xa lạ với người Việt Nam, ngay cả những người đã từng học luật ở Việt Nam không phải ai cũng có thể hiểu được một cách thấu đáo và chuẩn xác.
3. Về những nội dung cụ thể
* Về áp dụng phong tục tập quán
Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định tập quán đươc áp dụng khi pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận. Tuy nhiên, việc áp dụng tập quán trong giải quyết quan hệ dân sự còn gặp nhiều vướng mắc do quy định của pháp luật về áp dụng tập quán chưa cụ thể.
Đại biểu của tỉnh Sơn La cho rằng, Bộ luật Dân sự chỉ nhấn mạnh đến vai trò của tập quán khi văn bản quy phạm pháp luật không có quy định và các bên không có thỏa thuận là chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Vì trong quan hệ dân sự, các chủ thể vẫn tự nguyện áp dụng tập quán mà không phụ thuộc vào quy định của pháp luật, bởi lẽ những tập quán đó bảo đảm tốt hơn cho lợi ích của họ và việc áp dụng đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
* Về năng lực hành vi dân sự
Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định trường hợp hạn chế năng lực hành vi dân sự là người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phát tán tài sản gia đình.... Tuy nhiên, trên thực tế còn có trường hợp người có nhược điểm về thể chất, tinh thần, hạn chế khả năng giao tiếp không thể tự mình xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự, bị một số bệnh.... Do nhu cầu cần chuyển dịch tài sản cho con, người vợ có đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố người chồng bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (sau khi có kết luận của tổ chức giám định). Nhưng do Điều 23 không có quy định những trường hợp này, nên Tòa án căn cứ vào đó không giải quyết, dẫn đến bức xúc cho đương sự. Vì vậy, đại diện của Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị, pháp luật dân sự cần quy định để bảo vệ quyền lợi của họ thông qua chế định giám hộ, đại diện.
* Về giám hộ
Các đại biểu cho rằng, đây là vấn đề gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn thực thi, đặc biệt là trong công tác xét xử. Chẳng hạn như, pháp luật không quy định điều kiện là quyền lợi của người giám hộ và người được giám hộ không được mâu thuẫn nhau, nên thực tế xét xử gặp trường hợp quyền lợi của người giám hộ và người được giám hộ mâu thuẫn nhau, thì quan hệ giám hộ khó đạt được nhưng Tòa án không có căn cứ pháp luật để bác bỏ việc quan hệ giám hộ này. Do vậy, cần quy định bổ sung điều kiện của người giám hộ với người được giám hộ là không xung đột về lợi ích.
Ngoài ra, quy định trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ cũng có nhiều bất cập. Trong thực tiễn xét xử, rất nhiều trường hợp người vợ hoặc người chồng xin ly hôn đối với người mất năng lực hành vi dân sự, khi đó quyền lợi của họ mâu thuẫn với nhau, rất dễ gây thiệt hại cho người bị mất năng lực hành vi dân sự, lợi ích của người được giám hộ sẽ không được bảo đảm.
Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ. Quy định này bất hợp lý ở chỗ người con cả chưa hẳn đã là người thương yêu, có hiếu, quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng, có trách nhiệm với cha, mẹ, có trường hợp chính người này đang mâu thuẫn với quyền lợi của người cha, mẹ.
* Về pháp nhân
Theo đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thì Bộ luật Dân sự không quy định về các điều kiện để một tổ chức được coi là pháp nhân mà Bộ luật Dân sự và/hoặc pháp luật chuyên ngành trong các lĩnh vực tự xác định loại hình tổ chức nào là pháp nhân trong các quan hệ pháp luật. Theo cách này, Bộ luật Dân sự chỉ cần quy định: “Pháp nhân là tổ chức mà pháp luật Việt Nam quy định hoặc thừa nhận là pháp nhân”. Chuyển các điều kiện “có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó” và “nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập” tại Điều 84 hiện tại thành các đặc điểm của pháp nhân (theo nghĩa tổ chức nào được coi là pháp nhân thì đương nhiên có các năng lực, đặc điểm này).
* Về tài sản và quyền sở hữu
Thứ nhất, khái niệm tài sản quy định tại Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2005 chưa cụ thể, chưa rõ nên cón có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm này, cụ thể: Đối với giấy tờ có giá như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng minh thư, bằng lái xe… có phải là tài sản hay không? Có thuộc đối tượng khởi kiện tại tòa án hay không? - Đại biểu Tòa án nhân dân tối cao băn khoăn.
Thứ hai, quyền sở hữu: (i) Việc phân loại hình thức sở hữu căn cứ vào các loại hình tổ chức là chưa phù hợp; (ii) Theo Điều 211, thì sở hữu tư nhân là sở hữu của cá nhân đối với tài sản hợp pháp của mình. Như vậy, quy định sở hữu tư nhân thực chất là sở hữu của cá nhân là chưa đầy đủ, chưa bao quát được sở hữu của một loại chủ thể pháp lý khác là pháp nhân; (iii) Việc quy định sở hữu chung hỗn hợp tại Điều 218 là không có ý nghĩa pháp lý, vì bản chất nó là một loại sở hữu chung theo phần.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự cũng đưa ra những bất cập về quyền của người không phải là chủ sở hữu và mối quan hệ với quyền sở hữu, pháp luật nước ta chưa có quy định thống nhất về biến động của quyền sở hữu, quyền của người không phải chủ sở hữu và mối quan hệ với nghĩa vụ và hợp đồng.
Bộ luật Dân sự năm 2005 chưa quy định đầy đủ, rõ ràng các loại quyền của người không phải là chủ sở hữu, chưa quy định cụ thể nội dung của một số loại vật quyền phổ biến. Ví dụ: Quyền hưởng dụng, quyền địa dịch…; các quyền tự do cá nhân của chủ sở hữu trong việc khai thác, sử dụng bất động sản hầu như chưa được quy định.
* Về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
Bộ luật Dân sự quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như là một nội dung của quan hệ nghĩa vụ và hợp đồng, cách quy định này đã làm phát sinh nhiều vướng mắc. Cụ thể:
Bộ luật Dân sự chưa triệt để thừa nhận các nguyên tắc của vật quyền bảo đảm, chưa tạo thành hành lang pháp lý an toàn để khai thác tối đa giá trị kinh tế của tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, quy định tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thuộc sở hữu của bên bảo đảm là không hợp lý, làm hạn chế các quyền của chủ thể và làm mất tính linh hoạt của các giao dịch dân sự, vì trên thực tế, bên bảo đảm có thể sử dụng tài sản của người thứ ba làm vật bảo đảm nếu được chủ sở hữu đồng ý.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, thì trong một số trường hợp, quyền và lợi ích của bên nhận bảo đảm vẫn chưa được bảo vệ thỏa đáng.
* Về hợp đồng dân sự
Chế định hợp đồng dân sự có vai trò đặc biệt trong việc điều chỉnh các quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực tư là quy định có tính nguyên tắc của hệ thống các văn bản trong lĩnh vực tư. Về cơ bản, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã đáp ứng được vai trò này. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, những quy định của Bộ luật Dân sự bộc lộ nhiều bất cập, như: (i) Trùng lặp, thiếu nhất quán, không đồng bộ với các luật chuyên ngành về lĩnh vực hợp đồng, dẫn đến sự không thống nhất trong xử lý vi phạm về hợp đồng; (ii) Chưa có phương thức hợp lý để bảo đảm có đủ nguyên tắc và căn cứ pháp lý điều chỉnh phù hợp với sự đa dạng của các hợp đồng thông dụng trên thực tế.
Theo ý kiến của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, thì nên sửa đổi theo hướng Bộ luật Dân sự sẽ quy định về các nguyên tắc chung của hợp đồng, những vấn đề chung của hợp đồng (một phần của quy định về giao dịch dân sự trong Bộ luật Dân sự năm 2005 hiện tại); các loại hợp đồng cụ thể. Còn pháp luật thương mại sẽ quy định về các loại hợp đồng thương mại cụ thể mà quy định trong loại hợp đồng tương ứng ở Bộ luật Dân sự là chưa đủ.
* Về thừa kế
Có tham luận cho rằng, một số quy định về thừa kế đã không được xây dựng đầy đủ trên nền tảng văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam, dẫn đến phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.
Đại diện Tòa án nhân dân tối cao đề nghị: Về thời hiệu khởi kiện thừa kế, cần bổ sung quy định đối với phần di sản hết thời hiệu khởi kiện thì thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người đang quản lý, sử dụng di sản thừa kế; quy định chi tiết, rõ ràng, chặt chẽ hơn về di chúc chung của vợ chồng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định: Việc sửa đổi Bộ luật Dân sự được tiến hành tại thời điểm quan trọng trong lịch sử lập pháp, lập hiến của đất nước. Dựa trên những quan điểm của Đảng về sửa đổi Hiến pháp để áp dụng vào những quy định của Bộ luật Dân sự. Có thể coi đây là tiền đề pháp lý cơ bản trong sửa đổi Bộ luật Dân sự. Bên cạnh đó, Bộ luật này phải là văn bản pháp luật của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó, các nhà soạn thảo cần bám sát và nghiên cứu kỹ quy luật của nền kinh tế thị trường để thể chế hóa vào Bộ luật Dân sự, cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh, tránh "ôm đồm" như Bộ luật Dân sự hiện hành.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý, sửa đổi Bộ luật Dân sự phải xuất phát từ tình hình thực tiễn trong nước và nghiên cứu kỹ khoa học pháp lý về dân sự của các nước trên thế giới, làm sao cho những quy định của Bộ luật vừa mang tính truyền thống, vừa có tính tương thích với pháp luật thế giới. Cuối cùng, Bộ trưởng hy vọng rằng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của các bộ, ngành, địa phương, cùng tinh thần làm việc nghiêm túc của các nhà làm luật, chúng ta sẽ xây dựng một Bộ luật Dân sự đảm bảo chất lượng, tiến độ, tầm nhìn lâu dài, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Bùi Huyền