Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu gợi ý thảo luận tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, qua thực tiễn công việc, ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý thì vấn đề về xây dựng và thi hành pháp luật trong kỷ nguyên mới cần phải có tư duy mở, cách làm mới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và điều này rất cần các chuyên gia, các nhà khoa học tâm huyết hiến kế tại Hội thảo.
Tuy nhiên, xây dựng và thi hành pháp luật tựu chung lại là do con người, nhưng nhận thức của con người thì lại không thể thay đổi tức thì, vậy cần phải thay đổi tư duy như thế nào cho đúng? Về vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, phát triển kinh tế là vấn đề cần được ưu tiên nhưng vẫn phải lấy con người làm chủ thể, vì vậy, nếu chỉ đặt vấn đề phát triển đơn thuần thì sẽ rất khó có thể bền vững. Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài để lắng nghe các tâm tư của doanh nghiệp, theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng rất băn khoăn khi pháp luật được điều chỉnh, thay đổi. Bộ trưởng nhận định, việc điều chỉnh, thay đổi pháp luật mục đích là nhằm đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy. Mặc dù pháp luật có sự điều chỉnh, thay đổi nhưng sẽ không làm thay đổi cam kết của Việt Nam đối với các nước khác. Việc điều chỉnh, thay đổi pháp luật cũng không làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, thậm chí còn giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp theo yêu cầu của đồng chí Tổng bí thư, của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính.
Trong công tác xây dựng pháp luật thì việc xây dựng chính sách là rất quan trọng. Bộ trưởng cho rằng, hiện nay, việc xây dựng đánh giá tác động chính sách còn chưa tốt, có hồ sơ mang tính hình thức, kinh phí rất hạn chế, phân bổ chưa kịp thời. Vậy cần có giải pháp gì để tạo đột phá trong công tác xây dựng chính sách, có nên lập Quỹ xây dựng chính sách với cơ chế công khai, minh bạch hay không? Bên cạnh đó, trong xây dựng pháp luật thì việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật một cách chuyên nghiệp là vấn đề rất quan trọng, tuy nhiên, hiện chưa có quy chuẩn nào liên quan đến soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, trong văn bản luật, câu từ thì rất chặt chẽ nhưng khi áp dụng lại có nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí không thể hiện đúng bản chất, tinh thần của luật. Các vấn đề về tuyên truyền luật, ứng dụng công nghệ thông tin… sẽ phải giải quyết ra sao? Bộ trưởng cho rằng, đối với các vấn đề được đặt ra phía trên rất cần được các đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong giai đoạn mới./.
PV