1. Tình huống pháp lý
Căn cứ Bản án hôn nhân gia đình số 127/2019/HNGĐ-ST ngày 23/7/2019 (Bản án số 127) của Tòa án nhân dân huyện X giữa chị M với anh H, cùng nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Theo đó, Bản án đã tuyên:
- Anh H được nhận các tài sản là thửa đất số 37, tờ bản đồ 40, diện tích 4.467,8m2, 01 căn nhà, 06 lò sấy lúa, 01 kho và đất cặp lộ 869 và tài sản trong nhà; anh H trả lại cho chị M một phần hai giá trị tài sản chung là gần 8,5 tỷ đồng và lãi suất chậm trả.
- Anh H, chị M có trách nhiệm liên đới trả cho Ngân hàng TMCP KTVN gần 7,8 tỷ đồng, cùng lãi suất chậm trả, cũng như Ngân hàng có quyền yêu cầu xử lý tài sản thế chấp theo hợp đồng thế chấp là quyền sử dụng đất đối với thửa đất nêu trên.
- Anh H, chị M liên đới trả cho anh N 173 triệu đồng, trả cho bà C 174 triệu đồng, trả cho chị T và anh V 1,15 tỷ đồng, trả cho chị B 420 triệu đồng, trả cho chị D hơn 1,54 tỷ đồng, trả cho bà Đ 500 triệu đồng, trả cho chị T và anh P gần 2,5 tỷ đồng, trả cho anh Q hơn 210 triệu đồng, trả cho anh K 98 triệu đồng, trả cho bà A 30 chỉ vàng 24kr; cùng tiền lãi chậm trả.
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, vào ngày 30/8/2019, chị B, chị D, bà Đ, anh Q, anh K, bà A đã nộp đơn yêu cầu thi hành án. Ngày 20/9/2019, chấp hành viên đã ban hành Quyết định về việc cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 79/QĐ-CCTHADS. Ngày 07/10/2019, anh N, bà C nộp đơn yêu cầu thi hành án. Ngày 09/10/2019, chị T và anh V nộp đơn yêu cầu thi hành án. Ngày 02/3/2020, Ngân hàng nộp đơn yêu cầu thi hành án (đã trừ số tiền gốc anh H, chị M đã trả, còn lại hơn 4,2 tỷ đồng). Ngày 20/8/2020, chị R, anh S (cùng bản án khác) nộp đơn yêu cầu thi hành án. Ngày 11/01/2021, bà Đ, anh P; ông Y (bản án khác) nộp đơn yêu cầu thi hành án.
Đến ngày 20/7/2020, chấp hành viên tiến hành thông báo về việc cưỡng chế và ngày 20/8/2020, chấp hành viên kết hợp với chính quyền địa phương tiến hành kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của anh H và chị M.
Sau nhiều lần giảm giá, đến ngày 17/01/2023, đã bán đấu giá thành tài sản kê biên với số tiền là hơn 13 tỷ đồng.
2. Chênh lệch tiền thi hành án giữa hai lần thông báo về xử lý và phân phối tiền thi hành án
Ngày 17/3/2023, chấp hành viên có Thông báo số 200/TB-CCTHADS về việc xử lý tiền bán tài sản của anh H và bảng kê phân phối tiền để thi hành án. Theo đó, sau khi trừ các khoản chi phí cưỡng chế, án phí,…thì số tiền thi hành án còn hơn 12 tỷ đồng. Ngân hàng được ưu tiên thanh toán đủ tiền nợ gốc và lãi là gần 7,8 tỷ đồng; những người được thi hành án theo Bản án số 127 đều cùng hàng ưu tiên thanh toán, mỗi người được nhận tương ứng 63,65% so với số tiền Bản án đã tuyên. Trong đó, chị T và anh V được nhận hơn 732 triệu đồng. Những người yêu cầu thi hành án đối với bản án khác thì không được nhận tiền.
Những người được thi hành án đã nộp đơn yêu cầu thi hành án vào ngày 30/8/2019 đã khiếu nại đối với Thông báo số 200/TB-CCTHAD và bảng phân phối nhưng Chi cục Thi hành án dân sự huyện X trả lời không chấp nhận đơn khiếu nại.
Tuy nhiên, sau khi họp liên ngành thì Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện X đã ban hành Quyết định thu hồi Quyết định giải quyết khiếu nại, chấp hành viên đã thu hồi Thông báo số 200/TB-CCTHAD và bảng phân phối.
Ngày 25/12/2023, chấp hành viên ra Thông báo số 117/TB-CCTHADS về việc xử lý tiền bán tài sản của anh H và bảng kê phân phối tiền để thi hành án. Theo đó, sau khi trừ các khoản chi phí cưỡng chế, án phí,… thì số tiền thi hành án còn hơn 12 tỷ đồng. Cùng hàng ưu tiên thanh toán với Ngân hàng là các đương sự nộp đơn vào ngày 30/8/2019 (trước thời điểm ban hành Quyết định về việc cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 79/QĐ-CCTHADS ngày 20/9/2019), các đương sự này được nhận đủ số tiền theo Bản án tuyên và lãi chậm trả theo quy định; còn lại hơn 500 triệu đồng được chia theo tỷ lệ đối với những người đã nộp đơn yêu cầu thi hành án sau ngày 20/9/2019. Trong đó, chị T và anh V được nhận hơn 120 triệu đồng (đã ít hơn tới 600 triệu đồng so với việc chia theo thông báo về việc xử lý tiền trước đó). Bên cạnh đó, những người được thi hành án theo Thông báo số 200/TB-CCTHAD không được nhận tiền (trường hợp thuộc bản án khác) nhưng theo Thông báo số 117/TB-CCTHADS thì lại được nhận tiền.
Rõ ràng, giữa hai lần phân phối tiền thi hành án đã có sự chênh lệch rất lớn về số tiền của mỗi người được thi hành án được nhận.
Nguyên nhân của tình trạng chênh lệch như trên là do hướng dẫn của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực từ ngày 01/9/2015 (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) và Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/5/2020 (Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) có sự khác nhau về trường hợp thi hành án đối với những người được thi hành án trong cùng một bản án.
3. Áp dụng điều khoản chuyển tiếp sao cho đúng trong việc xử lý tiền thi hành án
3.1. Thực tiễn xử lý tiền thi hành án theo Nghị định số 62/2015/NĐ-CP
Khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định:
“Trường hợp thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên xác định số tiền được thanh toán của những người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế.
Trường hợp bản án, quyết định đang do cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành xác định nhiều người được thi hành án nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu thi hành án mà tài sản của người phải thi hành án không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo bản án, quyết định thì cơ quan thi hành án dân sự thanh toán cho người đã yêu cầu thi hành án theo tỉ lệ mà họ được nhận, số tiền còn lại gửi vào ngân hàng theo loại tiền gửi kỳ hạn 01 tháng, đồng thời thông báo và ấn định thời hạn không quá 01 tháng cho những người được thi hành án chưa yêu cầu về quyền yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp đã hết thời hiệu.
Hết thời hạn thông báo mà cơ quan thi hành án dân sự không nhận được yêu cầu thi hành án thì số tiền đã gửi và tiền lãi được thanh toán tiếp cho những người đã có yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm hết thời hạn thông báo; số tiền còn lại, nếu có, được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán hoặc trả lại cho người phải thi hành án”.
Thực tiễn khi thực hiện hướng dẫn này thì trong trường hợp những người được thi hành án trong cùng một bản án, quyết định của Tòa án sẽ cùng hàng thứ tự ưu tiên thanh toán mà không lệ thuộc vào việc nộp đơn yêu cầu thi hành án trước hay sau thời điểm chấp hành viên ban hành quyết định cưỡng chế kê biên tài sản để thi hành án. Căn cứ vào quy định này của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì cách xử lý theo Thông báo số 200/TB-CCTHADS là phù hợp.
3.2. Cần áp dụng thống nhất điều khoản chuyển tiếp
Nghị định số 33/2020/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 01/5/2020 đã có hướng dẫn về thứ tự ưu tiên thanh toán khác với hướng dẫn của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, Điều 3 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP có quy định về việc chuyển tiếp các quy định của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP trong một số trường hợp cụ thể như sau: “Đối với việc thi hành án đã thi hành một phần hoặc chưa thi hành xong trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng đã thực hiện các thủ tục về thi hành án theo đúng quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành thì kết quả thi hành án được công nhận; các thủ tục thi hành án tiếp theo được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị định này”. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định chuyển tiếp của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP còn nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Do thủ tục thanh toán tiền thi hành án được thực hiện trong giai đoạn Nghị định số 33/2020/NĐ-CP có hiệu lực nên không thể áp dụng điều khoản chuyển tiếp. Do đó, việc ra Thông báo số 117/TB-CCTHADS là phù hợp với quy định pháp luật.
Quan điểm thứ hai: Căn cứ vào thời điểm Bản án có hiệu lực pháp luật, thời điểm này trong giai đoạn Nghị định số 62/2015/NĐ-CP có hiệu lực nên được áp dụng chuyển tiếp. Do đó, việc ra Thông báo số 200/TB-CCTHADS là phù hợp với quy định pháp luật.
Quan điểm thứ ba (cũng là quan điểm của tác giả): Cả hai quan điểm về áp dụng pháp luật của chấp hành viên qua hai lần phân phối đều không phù hợp với các quy định của pháp luật. Trong trường hợp này cần áp dụng điều khoản chuyển tiếp nhưng thời điểm để tính việc chuyển tiếp phải là thời điểm các đương sự nộp đơn yêu cầu thi hành án. Bởi vì, khi nộp đơn yêu cầu thi hành án trước thời điểm Nghị định số 33/2020/NĐ-CP có hiệu lực thì đã phát sinh thủ tục thi hành án đối với việc thi hành án đó. Đồng thời, khi nộp đơn yêu cầu thi hành án, các đương sự vẫn cho rằng Nghị định số 62/2015/NĐ-CP còn hiệu lực thi hành, họ không thể biết trước được có sự thay đổi từ những quy định của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP nên không thể không áp dụng điều khoản chuyển tiếp để tước bỏ quyền lợi của các đương sự nộp đơn yêu cầu thi hành án trước thời điểm Nghị định số 33/2020/NĐ-CP có hiệu lực.
Mặt khác, khi xây dựng hoặc thay đổi một chính sách pháp luật khác so với các văn bản pháp luật trước đó thì các văn bản pháp luật đều có điều khoản chuyển tiếp để bảo lưu các quyền lợi của các đương sự theo các văn bản pháp luật trước đó. Vì vậy, tác giả kiến nghị cần hướng dẫn nghiệp vụ về việc áp dụng điều khoản chuyển tiếp của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP một cách thống nhất theo hướng như quan điểm thứ ba.
4. Xác định số tiền thi hành án phân phối sao cho phù hợp
Theo quan điểm thứ ba đã nêu trên về áp dụng quy định chuyển tiếp của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP thì số tiền thi hành án sẽ được phân phối cụ thể như sau: Số tiền còn lại, sau khi trừ án phí, chi phí, thuế… là hơn 12 tỷ đồng:
- Hàng ưu tiên thứ nhất là Ngân hàng được nhận hơn 7,8 tỷ đồng (do có thế chấp tài sản bảo đảm), còn lại khoảng 4,2 tỷ đồng.
- Hàng ưu tiên thứ hai là những người đã nộp đơn yêu cầu thi hành án trước thời điểm Nghị định số 33/2020/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật: Chị B nhận 420 triệu đồng, chị D nhận hơn 1,54 tỷ đồng, bà Đ nhận 500 triệu đồng, anh B nhận hơn 141 triệu đồng (vì đã được trả một phần), anh K nhận 98 triệu đồng, bà A nhận 165 triệu đồng (vàng quy đổi ra tiền), bà C nhận 174 triệu đồng, anh N nhận 173 triệu đồng, chị T và anh V nhận 1,15 tỷ đồng. Tổng số tiền nợ là hơn 4,36 tỷ đồng, trong khi số tiền thi hành án còn lại là 4,2 tỷ đồng. Như vậy, mỗi người trong hàng ưu tiên này được nhận là 96,33% trên số tiền nợ gốc của mình.
- Những người được thi hành án còn lại không được nhận tiền xử lý tài sản vì nộp đơn yêu cầu sau thời điểm Nghị định số 33/2020/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật nên không áp dụng điều khoản chuyển tiếp.
Trần Tú Anh & Huỳnh Minh Khánh