Tiềm năng xuất khẩu trực tuyến của doanh nghiệp Việt
Khảo sát của Bộ Công thương cho thấy[1], năm 2023, 53% số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử, 47% doanh nghiệp tham gia khảo sát sử dụng website hoặc ứng dụng tương tự. Đáng chú ý, 60% doanh nghiệp cho biết, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm khoảng 10 - 30% tổng hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Trong đó, tỷ trọng hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử với Hàn Quốc chiếm 45%, Nhật Bản 40% và Trung Quốc là 38%. Số liệu từ báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam cho thấy, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số lượng đối tác bán hàng. Tổng quan, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng khoảng 26% so với năm trước[2].
Trước những con số ấn tượng nêu trên, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương khẳng định: “thương mại điện tử là phương thức hữu hiệu để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian qua… Những con số này là minh chứng rõ nét cho tiềm năng lớn và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế”. Như vậy, có thể thấy, xuất khẩu trực tuyến không chỉ mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp lớn mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (doanh nghiệp MSME) vươn mình ra thị trường quốc tế. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp MSME chiếm tỷ trọng lớn, bước đầu đang tìm cách xây dựng thương hiệu riêng. Mặt khác, Việt Nam là quốc gia có nhiều đặc sản vùng miền có thể xây dựng thương hiệu và thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ có cơ hội tham gia trực tiếp vào khâu bán hàng, tăng doanh thu xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Trong 05 vừa qua, đặc biệt là trong 03 năm trở lại đây (từ sau đại dịch Covid-19), các doanh nghiệp MSME Việt Nam đã nỗ lực đổi mới không ngừng, liên tục mở rộng, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đáp ứng thị hiếu ngày càng tăng của khách hàng. Lấy khách hàng làm trọng tâm, đổi mới tư duy tiếp cận, tạo yếu tố cạnh tranh quan trọng cho các doanh nghiệp. Điều này cũng cho thấy, khả năng thích ứng linh hoạt để phát triển trên thị trường quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung ứng quan trọng trong chuỗi thương mại điện tử xuyên biên giới. Bên cạnh đó, chính sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử xuyên biên giới đã khiến các doanh nghiệp MSME Việt Nam tự tin hơn và quyết tâm mở rộng quy mô hiện diện cho thương hiệu trên toàn cầu, nâng cao khả năng hiển thị trực tuyến và khả năng cạnh tranh trên toàn thế giới.
Đánh giá điểm mạnh của doanh nghiệp Việt Nam khi bán hàng trên Amazon, theo ông Gijea Seong[3]: đó là sự năng động, sôi nổi hàng đầu trong khu vực. Chính điều này góp phần làm cho số lượng doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng tăng, cũng như có kỹ năng ban đầu nhất định để nhập cuộc nhanh chóng. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất, cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam ở những ngành hàng mũi nhọn được đánh giá cao. Một số ngành hàng như gỗ, dệt may cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam có kỹ năng tốt, lợi thế trên thị trường. Chất lượng sản phẩm Việt Nam cũng không thua kém những sản phẩm được sản xuất ở các nước phát triển khác.
Còn nhiều thách thức đặt ra
Mặc dù trong những năm gần đây, hàng nghìn doanh nghiệp MSME của Việt Nam đã gia nhập sân chơi xuất khẩu trực tuyến và mang về kết quả tích cực thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên gới như Amazon, Alibaba… Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mức độ tham gia xuất khẩu qua thương mại điện tử của các doanh nghiệp MSME còn nhiều hạn chế do phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường. Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thường có xu hướng kinh doanh kiểu “lướt sóng”, không xây dựng cho mình chiến lược, kế hoạch kinh doanh ngắn hạn, dài hạn; chỉ tham gia với tâm thế “thử nghiệm”, vì vậy, hiệu quả và tính bền vững không cao, không thể mang lại thành công dài hạn trên sân chơi xuất khẩu trực tuyến toàn cầu.
Bên cạnh những khó khăn xuất phát từ phía doanh nghiệp Việt, xuất khẩu hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều những thách thức, đặc biệt là vấn đề về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi xuất khẩu bao gồm: bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bằng sáng chế, quyền tác giả... Trong đó, nhãn hiệu là quan trọng nhất mà các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải bảo hộ, nhất là xuất khẩu trực tuyến. Còn đối với những doanh nghiệp có sản phẩm đặc thù, gia tăng doanh số nhanh cũng cần lưu ý trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với những nội dung khác, như kiểu dáng công nghiệp hay sáng chế…
Không chỉ có rủi ro về bảo hộ sở hữu trí tuệ, khi tham gia vào các mô hình xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, như: hạn chế về kiến thức và kỹ năng số; năng lực cạnh tranh chưa cao; thiếu thông tin thị trường và các vấn đề khó khăn liên quan đến rào cản pháp lý, thuế quan, logistics, thanh toán… Vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng, ngăn chặn tình trạng trốn thuế, buôn lậu, bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài qua thương mại điện tử… là những thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, cần phải tối ưu hóa chi phí logistics, bảo đảm giao hàng đúng thời hạn; am hiểu rõ ngôn ngữ, văn hóa, quy định pháp luật của nước ngoài… cũng là những áp lực, khó khăn rất lớn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.... Hơn nữa, những biến động của thị trường quốc tế, các căng thẳng thương mại, cùng các yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp MSME.
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng “nhập cuộc” mạnh mẽ
Để thúc đẩy sản phẩm Việt vươn tầm thế giới thông qua thương mại điện tử, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp MSME nói riêng phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, nghiên cứu, tìm hiểu thị trường để sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng; đặc biệt, cần đầu tư nâng cao năng lực vận hành khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định của thị trường tiêu dùng quốc tế. Bên cạnh sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, để việc xuất khẩu hàng hóa qua sàn thương mại điện tử phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong môi trường cạnh tranh quốc tế khốc liệt hiện nay, cần phải có sự quan tâm, hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước bằng những cơ chế, chính sách thiết thực, cụ thể:
Một là, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia, trong đó đưa xuất khẩu trực tuyến là một bộ phận quan trọng của phát triển thương mại điện tử.
Việt Nam chuẩn bị bước qua “giai đoạn khởi động” của xuất khẩu trực tuyến, năm 2025 là năm bản lề để năm 2026 xuất khẩu trực tuyến bước sang giai đoạn mới - “giai đoạn cất cánh”, vì vậy, Bộ Công thương đang khẩn trương xây dựng Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030. Theo đó, cần đưa xuất khẩu trực tuyến là một bộ phận quan trọng của phát triển thương mại điện tử với các mục tiêu, chính sách và giải pháp cụ thể để hỗ trợ cho các doanh nghiệp MSME xuất khẩu trực tuyến, tạo động lực cho doanh nghiệp MSME trong nước bắt tay vào đầu tư và phát triển. Từ đó, giúp nhiều thương hiệu Việt trở thành thương hiệu quốc gia, thương hiệu toàn cầu và gia nhập được vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.
Hai là, xây dựng hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến để hỗ trợ cho các doanh nghiệp MSME.
Trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành “kênh” xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp MSME tại Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, như hạn chế về kiến thức và kỹ năng số; năng lực cạnh tranh chưa cao; thiếu thông tin thị trường; đồng thời, các vấn đề liên quan đến rào cản ngôn ngữ, pháp lý, thuế quan, logistics, thanh toán… cũng là những khó khăn, thách thức với doanh nghiệp. Do đó, việc hình thành hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc đưa những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế là hết sức cần thiết.
Tại Diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024 với chủ đề “Thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt”, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã giới thiệu tổng quan về EcomEX (Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến), Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã giao Trung tâm Phát triển thương mại điện tử nghiên cứu, phát triển Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến với các giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa định hướng của Chính phủ, chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đưa những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế qua thương mại điện tử. Theo đó, các daonh nghiệp tham gia EcomEX, bên cạnh sự hỗ trợ về mặt chính sách từ phía Nhà nước, còn được tư vấn nhiều vấn đề: từ phát triển nguồn nhân lực phù hợp với chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu thị trường đích đến, hệ thống logistics[4]…
Ba là, xây dựng Luật Thương mại điện tử - cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến.
Mặc dù hiện nay, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử đã có các quy định ban đầu liên quan đến các điều kiện áp dụng cho chủ thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam, tuy nhiên, các quy định này chưa đủ mạnh để lan tỏa, dẫn đến hiện tượng những năm qua nhiều nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý chính thức[5]. Bên cạnh đó, các vấn đề pháp lý liên quan đến: thanh toán quốc tế, các loại thuế xuất nhập khẩu, giấy phép, thủ tục hải quan, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, vận chuyển quốc tế… cũng chưa được quy định rõ ràng. Vì vậy, trong thời gian tới cần xây dựng Luật Thương mại điện tử, trong đó có thiết kế chương riêng quy định về “thương mại điện tử xuyên biên giới” hoặc “xuất nhập khẩu trực tuyến” để làm cơ sở pháp lý thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trực tuyến phát triển./.
Quỳnh Vũ
[1] Song Linh, Xuất khẩu trực tuyến: Tăng trưởng cao, tiềm năng lớn, https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-khau-truc-tuyen-tang-truong-cao-tiem-nang-lon-167147.html, truy cập ngày 24/12/2024.
[2] Song Linh, Tlđd.
[3] Vũ Khuê, Doanh nghiệp phải có kế hoạch xuất khẩu trực tuyến nghiêm túc, https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-phai-co-ke-hoach-xuat-khau-truc-tuyen-nghiem-tuc.htm#:~:text=%C4%90%C3%A1nh%20gi%C3%A1%20%C4%91i%E1%BB%83m%20m%E1%BA%A1nh%20c%E1%BB%A7a,%C4%91%E1%BB%8Bnh%20%C4%91%E1%BB%83%20nh%E1%BA%ADp%20cu%E1%BB%99c%20nhanh, truy cập ngày 24/12/2024.
[4] Xuất khẩu trực tuyến có “chắp cánh” cho thương mại điện tử xuyên biên giới, https://www.baogiaothong.vn/xuat-khau-truc-tuyen-co-chap-canh-cho-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-192241126150327799.htm, truy cập ngày 24/12/2024.
[5] Sẽ đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử trong năm 2025, https://www.vietnamplus.vn/se-de-xuat-xay-dung-luat-thuong-mai-dien-tu-trong-nam-2025-post1003704.vnp, truy cập ngày 24/12/2024.