Tuy nhiên, để kế hoạch, chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đạt kết quả trong thực tiễn, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ nhà nước đối với DNVVN. Từ thực tiễn cho thấy, yêu cầu khách quan phải hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này xuất phát từ những lý do sau đây:
Thứ nhất, từ vị trí quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Hiện nay, DNVVN là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo… Nhà nước xác định mục tiêu phát triển DNVVN giai đoạn 2011 - 2015 là thành lập mới 350.000 doanh nghiệp và phấn đấu đến ngày 31/12/2015, cả nước sẽ có khoảng 700.000 doanh nghiệp hoạt động. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực DNVVN chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc; đầu tư của khu vực này chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp 40% GDP; 30% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN); tạo thêm 3,5 - 4 triệu việc làm mới trong giai đoạn 2011 - 2015… Số tiền thuế và phí mà các DNVVN đã nộp cho Nhà nước đã tăng 18,4 lần sau 10 năm. Sự đóng góp của DNVVN đã hỗ trợ lớn cho việc chi tiêu của Nhà nước vào các công tác xã hội và các chương trình phát triển khác nên đã tạo ra 40% cơ hội cho dân cư tham gia đầu tư có hiệu quả, huy động các khoản tiền đang phân tán, nằm trong dân cư để hình thành các khoản vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh thiếu vốn hiện nay[1].
Thứ hai, từ thực trạng pháp luật hiện hành về hoạt động hỗ trợ nhà nước cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế, rào cản, chưa tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động hiệu quả
Pháp luật hiện hành còn tạo rào cản cho DNVVN tiếp cận vốn vay: Phần lớn các doanh nghiệp còn lại gặp các trở ngại như sau: 55% trở ngại do quy định về thủ tục vay (hồ sơ vay vốn phức tạp, không đủ thủ tục vay vốn đơn giản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ); 50% trở ngại do quy định về yêu cầu thế chấp (thiếu tài sản có giá trị cao để thế chấp, ngân hàng không đa dạng hóa tài sản thế chấp như hàng trong kho, các khoản thu…); trở ngại do quy định hiện nay đến 80% tỷ lệ lãi suất chưa phù hợp; dẫn đến khó khăn nhất vẫn là thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, chỉ có 30% các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác (trong số này có nhiều doanh nghiệp vẫn phải chịu vay ở mức lãi suất cao 15 - 18%); quy định hiện nay chưa phù hợp với DNVVN, rất ít các doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện không được nợ thuế quá hạn, không nợ lãi suất quá hạn.
Theo quy định hiện hành, đa số DNVVN Việt Nam chưa có cơ hội vì thiếu điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, khó tiếp cận chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ (thay thế Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19/9/2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước). Kể từ khi Nghị định số 151/2006/NĐ-CP và sau đó là Nghị định số 75/2011/NĐ-CP nêu trên được triển khai thực hiện, số lượng DNNVV tiếp cận được chương trình tín dụng này chưa nhiều.
Về tín dụng đầu tư: Báo cáo của Ngân hàng Phát triển (NHPT) cho biết: Giai đoạn 2006 - 2011 chỉ có 437 dự án của hơn 300 DNNVV làm chủ đầu tư vay vốn tín dụng đầu tư tại NHPT, trong đó chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, cung cấp điện nước, công nghiệp điện tử, cơ khí, khai thác,… Tổng số vốn đã ký theo hợp đồng tín dụng cho 437 dự án nói trên gần 19.000 tỷ đồng. Như vậy, ở giai đoạn này, chỉ có khoảng 72 dự án/năm được tiếp cận vốn vay tín dụng đầu tư với số vốn vay khoảng 43 tỷ đồng/dự án.
Về tín dụng xuất khẩu: NHPT đã cho vay đối với hầu hết các mặt hàng thuộc đối tượng khuyến khích xuất khẩu quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP nêu trên. Giai đoạn 2006 - 2011, tín dụng xuất khẩu tại NHPT mới hỗ trợ được 162 DNNVV với tổng doanh số cho vay gần 17.000 tỷ đồng để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sang hơn 120 nước (trong đó chủ yếu là thị trường châu Âu và Mỹ) với các mặt hàng chủ lực là: thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ, cà phê, dệt may, hạt tiêu, hạt điều, gạo,... Dư nợ bình quân tín dụng xuất khẩu cả giai đoạn đạt khoảng 15.000 tỷ đồng. Sở dĩ các DNNVV khó tiếp cận được chương trình do đối tượng thụ hưởng các chính sách vay vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu là các doanh nghiệp nói chung, không ưu tiên cho DNNVV. Theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP, các dự án được hưởng ưu đãi chủ yếu giới hạn thuộc nhóm A, B có quy mô vốn đầu tư lớn (hạn chế các dự án có quy mô nhỏ), trình độ công nghệ phức tạp và thường có tính liên ngành cao (chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Xây dựng hạ tầng giao thông, cung cấp điện, nước sạch sinh hoạt, công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng, chế biến lâm, thủy sản, xử lý rác thải, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu,...), do đó, các DNNVV khó có đủ điều kiện để tiếp cận được nguồn vốn này.
Về vốn chủ sở hữu: Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tham gia tối thiểu 20% tổng mức đầu tư tài sản cố định, song các DNNVV hiện nay hầu hết không đủ khả năng về vốn chủ sở hữu để tham gia đầu tư dự án quy mô nhóm A, B.
Về tài sản đảm bảo: Do quy mô doanh nghiệp nhỏ nên khả năng đáp ứng các yêu cầu về tài sản đối với vốn vay bị hạn chế, làm giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng để thực hiện các dự án quy mô lớn.
Về đồng tiền cho vay: Theo quy định hiện hành, tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước chỉ hỗ trợ cho vay bằng đồng Việt Nam, do đó, các chủ đầu tư, doanh nghiệp có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ sau khi vay vốn tại NHPT phải thông qua NHTM để thực hiện mua/bán ngoại tệ trong thanh toán, gia tăng rủi ro tỷ giá đối với doanh nghiệp, hạn chế khả năng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh những khó khăn nêu trên, những khó khăn về phía chủ quan của doanh nghiệp cũng làm hạn chế khả năng phát huy hiệu quả cao hơn của chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu, đó là tính chủ động của các DNNVV chưa cao, một bộ phận DNNVV còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, xuất hiện tình trạng chây ỳ, cố tình chiếm dụng vốn của Nhà nước dẫn đến nợ quá hạn, hạn chế khả năng quay vòng vốn[2]. Bên cạnh đó, có nguyên nhân từ năng lực tiếp cận với các chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế trong kinh doanh của DNVVN.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đẩy nhanh tốc độ với cột mốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 và tiếp theo là việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN, với các nền kinh tế phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, NewZealand, Ấn Độ… Do đó, sự tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của Việt Nam rất lớn. Áp lực lớn nhất việc gia nhập tổ chức WTO là cải cách về mặt thể chế. Chính phủ Việt Nam phải thực hiện cải cách và tiến hành thay đổi các chính sách nhằm phù hợp với các cam kết, còn việc tham gia các hiệp định thương mại FTA cùng với Asean chủ yếu là Việt Nam phải thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan.
Trước bối cảnh đó, hội nhập kinh tế với kỳ vọng là cơ hội tiếp cận thị trường tốt cho các doanh nghiệp, trong đó có DNNVV vì các hàng rào bảo hộ được gỡ bỏ, mức độ giảm thuế hàng hóa, nhưng thực tế lại chứng minh rằng, việc tận dụng các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế lại tùy thuộc rất nhiều vào chính sách thuận lợi hóa của Chính phủ, khả năng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để hưởng các ưu đãi, việc liên kết mạng lưới và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Song việc triển khai chương trình, kế hoạch hỗ trợ nhà nước đối với DNNVV lại lồng ghép với các chương trình hành động khác như chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia…; chỉ riêng có 03 hoạt động cụ thể dành riêng cho đối tượng DNNVV là: (i) Thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV (theo Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg, Quyết định số 115/2004/QĐ-TTg, Thông tư số 93/2004/TT-BTC); (ii) Thành lập 03 trung tâm hỗ trợ kỹ thuật DNNVV tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh (Quyết định số 290/2003/QĐ-BKH); (iii) Triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV giai đoạn 2004 - 2008 (theo Quyết định số 143/2004/QĐ-TTg). Các giải pháp trên đây chủ yếu tập trung cho các yếu tố đầu vào, trong khi đó, khó khăn lớn nhất của DNNVV là chi phí đầu vào sản xuất quá lớn, do đặc thù khối này là các doanh nghiệp tư nhân, nguồn vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu phần lớn dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng vốn có lãi suất rất cao và khả năng tiếp cận rất khó khăn; còn nguồn lao động bị cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong nước và cả doanh nghiệp nước ngoài; nội tại doanh nghiệp hạn chế về tiếp cận công nghệ mới cũng như những chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ hay áp dụng quản trị sản xuất tiên tiến của Chính phủ; việc hỗ trợ đầu ra từ các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia của Chính phủ cũng chỉ dừng lại ở khâu quảng bá, gian hàng, hỗ trợ kết nối, thông tin tổng quan… còn lại kinh phí cho chuyến đi xúc tiến rất lớn, đòi hỏi phải thực hiện trong dài hạn lại là thử thách lớn cho DNNVV; cộng thêm áp lực cạnh tranh trên thị trường trong nước lại càng lớn hơn cũng làm cho số lượng lớn các DNNVV trong giai đoạn vừa qua rơi vào tình trạng "chết trên sân nhà".
Bên cạnh các yếu tố trên là hạn chế, bất cập trong các quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Cơ sở pháp lý hiện hành về tổ chức và hoạt động của cơ quan hỗ trợ pháp lý cho DNNVV ở Việt Nam hiện nay là Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 55), giao thêm nhiều nhiệm vụ công tác mới quan trọng cho tổ chức pháp chế nói chung và tổ chức pháp chế sở, ngành địa phương nói riêng, trong đó có công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (bên cạnh công tác theo dõi thi hành pháp luật, công tác bồi thường nhà nước)... Với quy định này, tổ chức pháp chế sở, ngành phải thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ khác của công tác pháp chế; Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 25/8/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển với 2 phương thức cơ bản sau đây: (i) Hỗ trợ thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước như: Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp và tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật; (ii) Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đây là phương thức hỗ trợ được xác lập căn cứ vào thực trạng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, ở từng địa phương, được áp dụng ưu tiên cho các đối tượng khác nhau. Phương thức này giúp khai thác được các nguồn lực và sự tham gia của các chủ thể khác ngoài cơ quan nhà nước trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ quy định về trợ giúp phát triển DNNVV. Tuy nhiên, các văn bản trên chưa có quy định chính thức về cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả giữa các tổ chức pháp chế trung ương cũng như sở, ngành địa phương trong quá trình thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do các sở, ngành thực hiện hiện nay. Do vậy các sở, ngành chưa chủ động nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp và hỗ trợ đúng các nhu cầu doanh nghiệp cần để tìm ra “chìa khóa” giải quyết tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trong tương lai.
Các quy định hiện hành chưa đảm bảo tính đồng bộ nên chưa tạo cơ chế hữu hiệu cho hoạt động trợ giúp pháp lý cho DNNVV. Vì vậy, để tạo nguồn lực đảm bảo cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong tình hình mới, cần quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn các tổ chức pháp chế trên cơ sở sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan, như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước, các luật về tổ chức của Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân… và các Nghị định về tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan Chính phủ và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương[3]. Từ đó cho thấy, việc triển khai nghiên cứu, rà soát chính sách pháp luật để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới đảm bảo tính phù hợp, tính khả thi cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV là yêu cầu cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.
Thứ ba, từ kinh nghiệm thực hiện thành công chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nước trên thế giới là cần phải có luật riêng điều chỉnh hoạt động này
Theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc, việc khởi động xây dựng một luật riêng dành cho DNNVV cần phải nhanh chóng được tiến hành. Ở Nhật Bản, Luật cơ bản DNNVV được ban hành năm 1963 khi nước này bắt đầu quá trình dịch chuyển sang nền kinh tế mở (chuẩn bị là thành viên chính thức của IMF và OECD vào năm 1964), là bước ngoặt thứ hai trong chính sách phát triển DNNVV sau khi Cục Doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập năm 1948. Mặc dù, trên thực tế, theo Cố vấn trưởng Dự án Jica Miki Miyamoto, Luật cơ bản DNNVV được biên soạn lại từ các bộ luật khác đã được ban hành, nhưng Luật này đã chỉ ra 2 định hướng rõ ràng cho chính sách phát triển DNNVV. Một là, nâng cao cấu trúc DNNVV thông qua chính sách cải thiện năng suất: Hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao công nghệ, hợp lý hóa quản lý kinh doanh và tối ưu hóa quy mô doanh nghiệp (liên minh, hợp tác xã)…; Hai là, khắc phục các bất lợi của DNNVV bằng cách cải thiện các điều kiện cho giao dịch kinh doanh: Phòng, chống cạnh tranh quá mức, hợp lý hoặc giao dịch với nhà thầu phụ và bảo đảm cơ hội cho hợp đồng đấu thầu của Chính phủ…
Còn ở Hàn Quốc, theo Chuyên gia Dong Kon Lee, Hà Quốc đã sớm nhận thức được đây là loại hình doanh nghiệp chính tạo ra công ăn việc làm, đóng góp vào phát triển cân bằng trong thời đại của tăng trưởng kinh tế thiếu việc làm, Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc sớm ra đời từ năm 1966 gồm 19 đạo luật với mục đích rất rõ ràng là thúc đẩy DNNVV khởi sự và tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ cho một cơ cấu phát triển thích hợp và tiên tiến. Cung cấp những vấn đề cơ bản đi đôi với việc định hướng cho DNNVV để cải tiến và các biện pháp thúc đẩy phát triển trên cơ sở hỗ trợ các DNNVV này phát triển độc lập, sáng tạo; giúp nền kinh tế quốc dân phát triển cân bằng qua việc tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng kinh doanh cơ bản cho DNNVV bằng cách hỗ trợ đạt được cơ cấu công nghiệp tinh xảo hơn; đóng góp vào việc thành lập kết cấu công nghiệp vững chắc qua việc phát triển hợp lý các DNNVV bằng việc tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mới thành lập và phát triển cơ sở vững chắc cho sự tăng trưởng.
Bài học cho Việt Nam là cần xác định việc xây dựng và triển khai luật dành cho DNNVV không phải là mục tiêu mà là khởi đầu để thúc đẩy kinh doanh cho DNNVV. Thậm chí, nếu là vấn đề vốn, có thể thành lập riêng một ngân hàng để cho vay, cấp bảo lãnh riêng cho DNNVV như Ngân hàng Shoko Chukin của Nhật Bản hoặc Quỹ xúc tiến DNNVV của Hàn Quốc để thúc đẩy DNNVV khởi sự kinh doanh. Nguồn tiền của quỹ này lấy từ trái phiếu Chính phủ và lợi tức từ Xổ số kiến thiết… Thực tế yêu cầu việc xây dựng luật dành cho DNNVV không phải là mục tiêu mà là bước đi đầu. Cần phân biệt rõ DNNVV khác khu vực tư nhân bởi hỗ trợ DNNVV cũng là thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân, nhưng các chính sách thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân có thể vẫn chưa đủ để thúc đẩy phát triển DNNVV nếu không có chính sách riêng biệt. Hiện nay, nước ta đã có một số chương trình hỗ trợ xúc tiến DNNVV do các bộ, ngành chủ trì nhưng chưa có định hướng tập trung cho DNNVV và dưới sự điều phối của một cơ quan đầu mối nên hầu như các DNNVV không được hưởng lợi từ các chương trình đó. Đồng thời, quỹ hỗ trợ được giao nhiều quyền hạn trong việc huy động vốn, phạm vi sử dụng vốn cũng rộng, có thể gây ra rủi ro lớn đối với DNNVV[4].
Tóm lại, DNNVV ở Việt Nam hiện nay chiếm đến hơn 97% lượng đăng ký thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp. Không thể phủ nhận tầm quan trọng cũng như đóng góp của DNNVV, tuy nhiên, loại hình doanh nghiệp này chưa thực sự trở thành đối tượng thụ hưởng chính sách của Nhà nước vì hệ thống pháp luật kinh doanh hiện chưa có quy định cụ thể ở bất kỳ điều khoản luật nào hoặc nếu có chỉ ở tầm nghị định, thông tư và chỉ thị và các quy định cũng chưa đúng trọng tâm, trọng điểm khiến cho nguồn lực của DNNVV bị phân tán, dàn trải và không phát huy được hiệu quả hoạt động kinh doanh. Do đó, hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ nhà nước đối với DNNVV trong xu thế hội nhập và phát triển ở Việt Nam hiện nay là yêu cầu khách quan, cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.
ThS. Bùi Bảo Tuấn
Thanh tra Chính phủ