1. Khái quát pháp luật châu Âu và Việt Nam về yêu cầu pháp lý của trách nhiệm sản phẩm, chủ thể chịu trách nhiệm sản phẩm
1.1. Pháp luật Liên minh châu Âu (EU)
Pháp luật của Liên minh châu Âu về bảo vệ người tiêu dùng chủ yếu là các chỉ thị, Chỉ thị số 85/374/EEC ngày 25/7/1985 của Hội đồng châu Âu về trách nhiệm đối với thiệt hại do sản phẩm gây ra (Chỉ thị số 85/374/EEC) được ban hành để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng đối với những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản gây ra bởi sản phẩm có khuyết tật, đồng thời tạo nền tảng cho sự thống nhất pháp luật các nước thành viên trong vấn đề trách nhiệm sản phẩm, nhằm hướng đến việc xây dựng thị trường chung châu Âu. Chỉ thị số 85/374/EEC cũng tạo nên sự cân bằng lợi ích giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng thông qua các hạn mức về trách nhiệm sản phẩm và các trường hợp miễn, giảm trách nhiệm của nhà sản xuất, đồng thời tạo điều kiện cho người bị thiệt hại có cơ sở pháp lý để yêu cầu bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra[2].
Theo nguyên tắc trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt, thì nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngay cả khi nhà sản xuất không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại, miễn là sản phẩm của những người cung ứng này có khuyết tật[3]. Chế độ trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt cho phép người bị thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra được quyền khởi kiện nhà sản xuất mà không cần chứng minh lỗi của nhà sản xuất. Để thắng một vụ kiện liên quan đến trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt, theo Điều 4 Chỉ thị số 85/374/EEC, người bị thiệt hại phải chứng minh được: (i) Sản phẩm của nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ hoặc bất kì người nào trong chuỗi cung ứng sản phẩm có khuyết tật. Và khuyết tật của sản phẩm phải chứa đựng sự nguy hiểm bất hợp lý. (ii) Có thiệt hại xảy ra, có thể là thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc thiệt hại về tài sản. (iii) Khuyết tật của sản phẩm là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng. Đây là nghĩa vụ chứng minh của người tiêu dùng khi có thiệt hại xảy ra. Với nghĩa vụ này, người tiêu dùng đã tránh được việc chứng minh lỗi từ phía nhà sản xuất. Trên thực tế, lỗi là yếu tố rất khó để chứng minh, kể cả đó là nghĩa vụ từ người tiêu dùng hay chủ thể có quyền xem xét, đánh giá chứng cứ như Tòa án4. Bằng quy định này, Chỉ thị đã tạo một cơ chế pháp lý hữu hiệu nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Điều 7 Mục E của Chỉ thị số 85/374/EEC thì nhà sản xuất chỉ được miễn trách nhiệm sản phẩm khi họ chứng minh được rằng: “Tình trạng khoa học và kỹ thuật tại thời điểm đưa sản phẩm vào lưu thông trên thị trường không cho phép khả năng nhận biết được các khuyết tật”[5]. Với quy định này, Hội đồng muốn nhấn mạnh vào yếu tố “nhận biết” khi xem xét khía cạnh rủi ro phát triển. Điều này có nghĩa là việc phát hiện ra khuyết tật dựa vào tính khách quan của tình trạng khoa học kỹ thuật lúc sản phẩm được lưu thông mà không phải kiến thức hay khả năng nhận biết được khuyết tật của nhà sản xuất hay những nhà sản xuất tương tự. Ví dụ điển hình từ vụ kiện nổi tiếng tại Anh vào năm 1985, nguyên đơn đã nhiễm vi rút Hepatitis C sau khi truyền máu tại một cơ sở huyết học[6]. Theo lời giải thích của Tòa châu Âu, bị đơn không thể dùng quy định Điều 7 Mục E để miễn trách nhiệm sản phẩm khuyết tật vì “sản phẩm này được biết với tư cách là thông tin có thể kiểm soát được”[7]. Việc máu nhiễm vi rút Hepatitis A và B (một loại vi rút gây viêm gan) đã được phát hiện vào thập niên 60 tại Đức và có thể tiếp tục phát triển thêm loại vi rút mới theo đường truyền máu và ẩn chứa nhiều rủi ro. Vì vậy, đối với trường hợp tại Anh, thẩm phán cho rằng đây là thông tin có thể tiếp cận được và bị đơn không được miễn trừ điều khoản rủi ro phát triển.
1.2. Pháp luật Việt Nam
Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có một chế định riêng về trách nhiệm sản phẩm. Tuy nhiên, có rất nhiều văn bản quy định có liên quan đến vấn đề này nhưng chủ yếu có ba văn bản chính có nhắc đến trách nhiệm của chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý là Bộ luật Dân sự, Luật Quản lý chất lượng hàng hóa và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là văn bản quy định trực tiếp cơ chế bảo vệ quyền lợi người bị thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra. Trong phạm vi bàn về yêu cầu khởi kiện, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là văn bản pháp luật chuyên ngành gần với các quy định của các nước nhất sẽ được phân tích cụ thể.
Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật”. Như vậy, có thể khẳng định rằng, pháp luật Việt Nam có những điểm tiến bộ đáng kể khi quy định tương tự chế định trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt như bản Chỉ thị của Liên minh châu Âu[8]. So với nhiều nước trên thế giới, việc thừa nhận nguyên tắc này được xem là một điểm tiến bộ trong pháp luật Việt Nam. Để thực hiện nguyên tắc này, người tiêu dùng sẽ phải có nghĩa vụ chứng minh để phù hợp quy định của pháp luật. Các điều 25, 26, 42 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định về nghĩa vụ chứng minh của các bên. Với ba điều luật này phát sinh nhiều điểm bất hợp lý nếu như trong thực tế áp dụng vào các vụ kiện liên quan đến trách nhiệm sản phẩm. Theo đó, khoản 2 Điều 25 có quy định: “Người tiêu dùng, tổ chức xã hội có nghĩa vụ cung cấp thông tin, bằng chứng có liên quan đến hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”. Ngoài ra, khoản 1 Điều 26 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có quy định: “Khi nhận được yêu cầu của người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu các bên giải trình, cung cấp thông tin, bằng chứng hoặc tự mình xác minh, thu thập thông tin, bằng chứng để xử lý theo quy định của pháp luật”. Với những quy định này, cơ quan quản lý sẽ yêu cầu bên thiệt hại cung cấp chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Việc này đồng nghĩa với việc nghĩa vụ chứng minh của người tiêu dùng liên quan đến cả việc chứng minh lỗi của nhà sản xuất. Khoản 1 Điều 42 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có quy định: “Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”. Với cách quy định này, người tiêu dùng chỉ phải chứng minh thiệt hại, khuyết tật và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và khuyết tật. Việc chứng minh không có lỗi lại thuộc nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ[9]. Ngoài ra, với khái niệm rủi ro phát triển, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có quy định điều khoản miễn trừ trách nhiệm và nội dung điều luật phản ánh được tinh thần của khái niệm này. Theo quy định tại Điều 24 của Luật này, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá và dịch vụ được miễn trừ trách nhiệm bồi thường khi chứng minh được “khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng”. Có thể thấy được rằng, quy định này gần giống với bản Chỉ thị số 85/374/EEC khi dựa vào trình độ khoa học kỹ thuật để đưa ra yếu tố loại trừ trách nhiệm. Những quy định trên của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 dẫn đến những khó khăn và phức tạp trong việc áp dụng trong thực tiễn liên quan đến sản phẩm khuyết tật.
Thứ nhất, theo quy định, cơ quan nhận chứng cứ từ người tiêu dùng có bao gồm việc chứng minh vi phạm của tổ chức hay không? Nếu bao gồm cả việc chứng minh vi phạm thì Điều 42 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 không còn ý nghĩa khi đưa ra quy định người tiêu dùng không cần chứng minh lỗi của nhà sản xuất. Bởi lẽ, ngay từ giai đoạn đầu tiên lúc khởi kiện, người tiêu dùng đã gặp khó khăn và trở ngại khi chứng minh vi phạm, đặc biệt là lỗi của nhà sản xuất. Trong thực tiễn gần đây đã có rất nhiều hành vi vi phạm xảy ra nhưng với quy trình tố tụng như trên đã gây trở ngại rất lớn cho người tiêu dùng. Ví dụ như vụ việc nhãn hàng C2, ngày 31/5/2016, 1184 thùng C2 tương đương với 10 tấn sản phẩm vừa bị thu hồi bởi quyết định của Thanh tra Bộ Y tế do hàm lượng chì trong nước giải khát này vượt quá mức cho phép. Theo các chuyên gia y tế, nếu lượng chì ngấm 1mg/ngày trong vòng 1 tháng thì bệnh bắt đầu trông thấy là “lợi” đen, thay đổi vị giác và nguy hiểm đến tính mạng[10]. Nếu như người tiêu dùng thông thường thì không thể nào đủ tiềm lực để cung cấp chứng cứ về việc vi phạm của tổ chức được. Nói cách khác, người tiêu dùng phải chứng minh việc hàm lượng chì quá mức cho phép trong sản phẩm C2 của nhà sản xuất URC tại Hà Nội và việc này tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc của họ. Cho nên chưa có một tiền lệ hay một nguyên tắc nào để một cá nhân khởi kiện trong trường hợp này và quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị vi phạm hằng ngày mà chưa có một cơ chế bảo vệ hữu hiệu.
Thứ hai, so sánh với pháp luật châu Âu, bản Chỉ thị số 85/374/EEC có quy định dựa theo nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt kèm với quy định không quan tâm đến việc nhà sản xuất có lỗi hay không. Trái lại, với pháp luật Việt Nam dường như có sự pha trộn giữa nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt và trách nhiệm dựa vào lỗi. Nói cách khác, theo quy định tại Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, không quan trọng nhà sản xuất hay kinh doanh có lỗi hay không nhưng trong Điều 42 của Luật này thì yêu cầu nhà sản xuất, kinh doanh phải chứng minh mình không có lỗi. Với cách quy định như vậy rất khó khăn trong việc xem xét chứng cứ của các bên trong vụ việc liên quan đến sản phẩm khuyết tật.
Thứ ba, khi phân tích kỹ về mặt nội dung rủi ro phát triển, điều luật này khác với bản Chị thị số 85/374/EEC. Theo đó, việc chứng minh trình độ khoa học kỹ thuật trong pháp luật Việt Nam phụ thuộc ý chí chủ quan của nhà sản xuất. Nếu như bản Chỉ thị sử dụng cụm từ “được phát hiện” nhằm nhấn mạnh kiến thức để nhận biết khuyết tật và không chỉ ra chủ thể nào phát hiện, thì pháp luật Việt Nam lại hướng đến việc cá nhân, tổ chức kinh doanh sản phẩm phát hiện khuyết tật. Nói cách khác, bản Chỉ thị này đưa ra tình trạng khách quan của khoa học kỹ thuật khi phát hiện ra khuyết tật còn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 hướng đến việc chứng minh mang tính chủ quan của bị đơn[11]. Điều này dẫn đến tình trạng nhà sản xuất sẽ dựa vào kiến thức chủ quan của mình để chứng minh không có lỗi đối với sản phẩm có khuyết tật và quyền lợi người tiêu dùng sẽ không được đảm bảo một cách hiệu quả.
2. Kinh nghiệm cho pháp luật Việt Nam
Pháp luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu pháp lý của trách nhiệm sản phẩm có những lúng túng đáng kể trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, tác giả có đề xuất một số kiến nghị liên quan đến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nên sửa đổi những quy định như sau:
Một là, nếu pháp luật Việt Nam muốn tiếp cận nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt, thì Điều 42 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 nên quy định nhà sản xuất nên chứng minh sản phẩm của mình là an toàn cho người tiêu dùng. Với cách quy định này, pháp luật Việt Nam sẽ tránh mâu thuẫn về cách thức áp dụng nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt và trách nhiệm dựa vào yếu tố lỗi.
Hai là, trong quy định tại Điều 24, 25 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 không nên quy định việc yêu cầu cung cấp chứng cứ hành vi vi phạm của nhà sản xuất hay kinh doanh hàng hoá. Thay vào đó, nên quy định tương tự như bản Chỉ thị số 85/374/EEC bằng cách yêu cầu người tiêu dùng cung cấp chứng cứ liên quan đến khuyết tật sản phẩm, thiệt hại xảy ra và mối liên hệ giữa thiệt hại và khuyết tật. Cách quy định như vậy sẽ hỗ trợ hiệu quả tốt hơn cho việc khởi kiện của người tiêu dùng đối với hàng hóa khuyết tật. Bởi lẽ việc cung cấp bằng chứng, thông tin hành vi vi phạm của nhà sản xuất trong một vài trường hợp không phải là đơn giản. Ví dụ như trường hợp vụ xăng, dầu pha acetone, có rất nhiều điểm nghi vấn liên quan đến hiện tượng cháy xe do xăng pha acetone dẫn đến làm hư hỏng pôngtu của xe gắn máy[12]. Nếu việc làm đó là nguyên nhân gây thiệt hại cho người tiêu dùng, thì người thiệt hại phải cung cấp chứng cứ cho hành vi vi phạm đó từ nhà sản xuất hay kinh doanh. Tuy nhiên, để chứng minh hay cung cấp chứng cứ cho hành vi vi phạm đó không phải người tiêu dùng nào cũng làm được.
Ba là, quy định về miễn trừ trách nhiệm sản phẩm nên dựa vào tính khách quan của sự phát triển trình độ khoa học kỹ thuật hơn là việc dựa vào kiến thức chủ quan của nhà sản xuất. Với cách quy định đó, ngoài việc giúp cho việc bảo vệ quyền lợi ngưới tiêu dùng hiệu quả hơn thì đây cũng là biện pháp nhằm thúc đẩy quá trình cải tiến sản phẩm phù hợp, tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
3. Kết luận
Yêu cầu pháp lý cho trách nhiệm sản phẩm không còn là điều mới mẻ trong pháp luật châu Âu. Với việc tiếp cận nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt, người tiêu dùng ở châu Âu không cần phải chứng minh lỗi của nhà sản xuất nếu phát hiện ra khuyết tật. Tuy nhiên, với pháp luật Việt Nam liên quan đến vấn đề này còn khá nhiều bất cập trong nghĩa vụ chứng minh. Ngoài ra, quy định miễn trừ trách nhiệm là quy định tiến bộ trong pháp luật châu Âu mà Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm. Thiết nghĩ, trong thời gian gần đây có rất nhiều vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần phải làm rõ hơn những yêu cầu pháp lý nhằm giải quyết hiệu quả sản phẩm khuyết tật gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Đại học Đà Nẵng
[1]. Bryan A. Garner, ed., Từ điển Black Law (Black’s Law Dictionary), Nxb. Thomas Reuters, Mỹ, năm 2009, tr. 1328.
[2]. Whitaker Simon, The Development of Product Liability (Cambridge University Press, 2010), tr. 45.
[3]. Khoản 2 Điều 3 Chỉ thị số 85/374/EEC.
[4]. Christopher Hodges, Product Liability European Laws and Practice. (Sweet & Maxwell, 1993), tr. 322.
[5]. Theo quy định tại Điều 7 Mục E Chỉ thị có quy định như sau: “The producer shall not be liable as a result of this Directive if he proves: […] that the state of scientific and technical knowledge at the time when he put the product into circulation was not such as to enable the existence of the defect to be discovered”.
[6]. Ducan Fairgrieve, Trách nhiệm sản phẩm dưới góc độ so sánh, Nxb. Cambridge University Press, 2005, tr. 32.
[7]. Ibid, tr. 15.
[8]. Nguyen Thi Van Anh, Giáo trình Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, (Hanoi University of Law: Vietnam People’s Public Security, 2012), tr. 205.
[9]. Khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
[10]. Trần Ngọc Kha, “Thiệt hại, ai đền''
[11]. GS. TS Lê Hồng Hạnh, Chế định trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, 2013, tr. 180-192.