Tóm tắt: Bài viết này nghiên cứu cơ sở pháp lý, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tham nhũng của pháp nhân thương mại nói riêng và pháp nhân nói chung, để đề xuất hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Abstract: This article studies the legal basis, practice and international experience on criminal prosecution for corrupt acts of commercial legal entities in particular and legal entities in general, in order to propose improvement of the law on this issue.
Tại Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ III, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Đảng ta đã nhấn mạnh: “… Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý ngân sách, thu thuế, phí; quản lý, sử dụng vốn trong doanh nghiệp nhà nước, tín dụng, ngân hàng, công tác cán bộ, quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp… gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước”.
Tuy nhiên, trong nhận thức chung, Nhà nước ta chỉ mới nhìn nhận hành vi tham nhũng của các cá nhân mà chưa đề cập về hành vi này ở các pháp nhân nói chung và pháp nhân thương mại trước tình hình kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ và có nhiều biến động. Với nhiều chính sách kinh tế mới, ngày càng có nhiều pháp nhân thương mại được thành lập cũng như các pháp nhân nước ngoài tham gia hợp tác ở Việt Nam, theo tác giả, nếu không có sự nghiên cứu, đánh giá hành vi tham nhũng của các pháp nhân thương mại nhằm truy cứu hành vi này bằng pháp luật hình sự thì hậu quả để lại cho xã hội sẽ rất lớn.
Vì vậy, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tham nhũng của pháp nhân thương mại, cần có hành lang pháp lý đầy đủ. Việc nghiên cứu các cơ sở để từ đó định hướng xây dựng các tội danh trong Bộ luật Hình sự phù hợp với hành vi tham nhũng của pháp nhân thương mại là điều cần thiết. Cụ thể:
1. Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về phòng, chống tham nhũng đối với pháp nhân
Trong giai đoạn 2012 - 2022, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng. Để thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đã cải cách về quản lý kinh tế và ban hành nhiều văn bản pháp quy phạm pháp luật khác nhau điều chỉnh tương đối hoàn chỉnh về vấn đề phòng, chống tham nhũng. Trong 10 năm qua, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, trong đó, có các văn bản quy phạm pháp luật hình sự. Tại Mục A Chương 23 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015) quy định về tội phạm tham nhũng như tham ô tài sản, nhận hối lộ và những hành vi liên quan đến tham nhũng như tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ… Tuy nhiên, những tội danh này chỉ áp dụng đối với cá nhân mà không điều chỉnh hành vi tham nhũng của pháp nhân thương mại. Một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại cũng chưa được hoàn thiện và chưa tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ để đấu tranh với hành vi tham nhũng của pháp nhân. Cụ thể như:
- Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015, điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân phải là: (i) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân; (ii) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; (iii) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; (iv) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Các điều kiện này cho thấy, pháp nhân chỉ thực hiện được hành vi phạm tội khi thông qua cá nhân được pháp nhân trao quyền, chỉ đạo.
- Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung thể hiện rõ chính sách phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, tuy nhiên, trong văn bản này cũng chỉ quy định chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn (Điều 2), nghĩa là pháp nhân thương mại không bị truy cứu pháp lý về hành vi tham nhũng hoặc những hành vi liên quan tới tham nhũng.
- Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã áp dụng quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Bộ luật Dân sự năm 2015 để xử lý đối với các trường hợp vi phạm của tổ chức, trong đó có pháp nhân thương mại. Đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, cơ quan chức năng chỉ xử lý dân sự hoặc hành chính vì trên thực tế, rất khó để chứng minh được có việc các doanh nghiệp đưa hối lộ để được có sự ưu tiên hay không. Để có đủ chứng cứ chứng minh, đòi hỏi phải có cơ quan điều tra chuyên trách được trang bị đầy đủ trang thiết bị cũng như có đủ nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Tuy nhiên, trong trường hợp chứng minh được pháp nhân có hành vi tham nhũng, các cơ quan chức năng cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được vì không có cơ sở pháp lý để áp dụng.
- Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, người đứng đầu các công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần… là giám đốc, tổng giám đốc… có thể là người được thuê và làm công ăn lương (khoản 1 Điều 100, khoản 1 Điều 162). Họ là người trực tiếp triển khai thực hiện các quyết định cũng như được yêu cầu giải quyết các công việc của doanh nghiệp mà thực chất là từ Hội đồng thành viên hay Ban giám đốc, Ban điều hành công ty… Hành vi của những người này đương nhiên bị truy cứu trách nhiệm pháp lý (trong đó có trách nhiệm hình sự) tương ứng với mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Tuy nhiên, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự của cá nhân là chưa đủ vì họ thực hiện hành vi không phải (hoặc không chỉ) là vì lợi ích cá nhân mà chủ yếu là nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân; thực hiện dưới sự chỉ đạo của pháp nhân. Điều này hoàn toàn phù hợp với điều kiện để truy cứu trách nhiệm của pháp nhân thương mại theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015. Nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân là chưa thỏa đáng và bảo đảm công bằng; đặc biệt, điều này sẽ dẫn tới việc Hội đồng quản trị, Ban giám đốc điều hành công ty tiếp tục thực hiện hành vi “mượn tay” của các cá nhân làm thuê để tìm kiếm lợi nhuận và cơ hội kinh doanh.
- Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về các hành vi tham nhũng, trong đó có hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi (tại điểm h khoản 1 và điểm c khoản 2). Điều này một lần nữa khẳng định, có một số trường hợp các cá nhân có hành vi đưa hối lộ hay môi giới hối lộ không phải hoặc không chỉ nhằm mục đích tư lợi mà hành vi đó còn nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp không thể vô can, đứng ngoài cuộc trong những trường hợp này được vì thực chất, cá nhân đưa hối lộ hay môi giới chỉ như một công cụ phạm tội của pháp nhân. Để giành lợi thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đấu thầu, nhận nguồn tài trợ…, các pháp nhân thường thực hiện các hành vi như đưa hối lộ, mua chuộc người có chức vụ, quyền hạn, móc ngoặc hoặc gây khó dễ cho các doanh nghiệp khác bằng cách sử dụng các cá nhân được thuê này nhằm né tránh sự trừng phạt của pháp luật. Điều này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, làm méo mó môi trường tự do cạnh tranh trong kinh doanh, cản trở sự phát triển lành mạnh của thị trường và đe dọa niềm tin vào sự liêm chính trong thương mại. Việc bỏ lọt tội phạm trong những tình huống này là quá rõ ràng bởi nếu không vì sự chỉ đạo của pháp nhân thì chắc chắn không có các hành vi phạm tội của cá nhân hoặc nếu có xử lý pháp nhân thì không xử lý hành vi tham nhũng mà xử lý bằng những hành vi khác như cạnh tranh không lành mạnh và đi kèm là trách nhiệm dân sự hoặc hành chính. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng các cá nhân núp bóng pháp nhân, doanh nghiệp để tham nhũng.
Những lý luận và cơ sở pháp lý trên cho thấy sự cần thiết phải xác định pháp nhân thương mại khi thực hiện hành vi tham nhũng cần bị xử lý bằng pháp luật hình sự để bảo đảm công bằng, không bỏ lọt tội phạm cũng như bảo đảm nguyên tắc pháp chế, đặc biệt, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn của nước ta hiện nay.
2. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can phạm tội tham nhũng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng chỉ có thể xử lý hình sự hành vi tham nhũng của cá nhân, trong đó có cá nhân đứng đầu các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực mà không thể truy cứu hay xác định được trách nhiệm hình sự của doanh nghiệp.
Như vậy, mặc dù Đảng và Nhà nước đã thể hiện rất rõ sự quyết tâm trong cuộc chiến chống tham nhũng trên nhiều phương diện và đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, cơ quan, ban, ngành và lĩnh vực, gây bức xúc dư luận. Đặc biệt, những tiêu cực tham nhũng tiềm ẩn trong quản lý vận hành ở tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022 dựa trên cảm nhận của doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công Việt Nam được 42/100 điểm, đứng thứ 77/180 (tiến 10 bậc so với năm 2021) quốc gia, vùng lãnh thổ trên bảng xếp hạng toàn cầu, nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng. Điều này cho thấy, cuộc chiến chống tham nhũng còn rất cam go và quyết liệt, trong đó không thiếu các hành vi tham nhũng trong các doanh nghiệp mà chủ thể thực hiện không chỉ là cá nhân mà bao gồm cả chính các doanh nghiệp đã chỉ đạo cho các cá nhân này thực hiện.
Có ý kiến cho rằng, không thể xác định được hành vi tham nhũng của một tổ chức vì thực chất, hành vi đó cũng do chính con người thực hiện nên việc quy định trách nhiệm pháp lý đối với cá nhân là đủ. Tuy nhiên, trong báo cáo tại Hội thảo “Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam thông qua hành động tập thể” diễn ra ngày 12/4/2017 đã đưa ra con số: 66% doanh nghiệp dân doanh trong nước đã trả phí, 59% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục hải quan. Đồng thời, 61,5% doanh nghiệp có hành vi biếu tiền và hầu như tất cả các doanh nghiệp đều có hành vi “lại quả” cho đối tác. Đến năm 2021, hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến chiếm 57,4%, cao hơn con số 54,1% của năm 2019 - 2020. Những con số này đã phần nào cho thấy, chúng ta nhìn nhận tham nhũng chỉ có thể là cá nhân và tham nhũng chỉ xảy ra trong khu vực công mà không thể xảy ra trong khu vực tư là chưa chính xác. Vì không coi pháp nhân thương mại là chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng nên chúng ta chưa nhận diện được những hành vi và thấy được sự cần thiết phải có sự kiểm soát của pháp luật đối với hành vi tham nhũng như thế nào… Vì vậy, nếu không kịp thời đánh giá đúng, xác định được vai trò sự kiểm soát của pháp luật đối với hành vi tham nhũng thì sẽ không tìm được nguyên nhân tạo điều kiện cho (hoặc buộc) các pháp nhân thương mại thực hiện hành vi tham nhũng. Nếu không xử lý được những hành vi này trong thực tế hoặc không có biện pháp phòng, chống thì trong thời gian tới, các pháp nhân thương mại sẽ thực hiện hành vi tham nhũng ngày càng nhiều với mức độ tinh vi cũng như hậu quả gây ra cho nền kinh tế nói riêng và cho xã hội nói chung ngày càng nghiêm trọng.
3. Quy định của pháp luật quốc tế về phòng, chống hành vi tham nhũng của pháp nhân thương mại
Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng năm 2003 (Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước ngày 19/8/2009) có quy định chi tiết về các vấn đề liên quan đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong đó, tại Điều 26 Công ước quy định về trách nhiệm pháp nhân như sau: “1. Mỗi quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật của mình, để quy định trách nhiệm của pháp nhân về việc tham gia vào các tội phạm được quy định theo Công ước này. 2. Phụ thuộc vào các nguyên tắc pháp luật của quốc gia thành viên, trách nhiệm của pháp nhân có thể là trách nhiệm hình sự, dân sự hoặc hành chính… 4. Cụ thể, mỗi quốc gia thành viên sẽ đảm bảo các pháp nhân chịu trách nhiệm theo quy định của Điều này phải chịu chế tài hình sự hoặc phi hình sự hiệu quả, tương xứng và có tác dụng ngăn ngừa, kể cả hình phạt tiền”.
Như vậy, theo quy định của Công ước thì không chỉ cá nhân mới phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi tham nhũng mà pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm này tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi. Việt Nam đã bảo lưu điều luật này vì thời điểm đó, Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa quy định pháp nhân là chủ thể của tội phạm. Đến Bộ luật Hình sự năm 2015 đã đưa quy định pháp nhân thương mại vào Bộ luật với tư cách là chủ thể của tội phạm. Vì vậy, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi tham nhũng của pháp nhân thương mại được coi như là sự thay đổi để tạo ra sự tương thích, đồng bộ giữa luật pháp Việt Nam và Công ước cũng như phù hợp với pháp luật của nhiều quốc gia thành viên của Công ước này.
Tham khảo một số bộ luật hình sự của các quốc gia trên thế giới cũng cho thấy, không chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân phạm tội tham nhũng mà còn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân (không phân biệt pháp nhân thương mại hay phi thương mại). Theo quy định của Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng bao gồm 03 nhóm: Chủ thể thường, công nhân viên nhà nước và đơn vị. Điều 30 của Bộ luật này quy định đơn vị phạm tội gồm công ty, xí nghiệp, cơ quan, tổ chức, đoàn thể. Các pháp nhân này có thể phạm các tội danh cụ thể là Tội đơn vị nhận hối lộ (Điều 387), Tội đưa hối lộ cho đơn vị (Điều 391), Tội đơn vị đưa hối lộ (Điều 389), Tội phân chia tài sản nhà nước (Điều 396). Trách nhiệm hình sự áp dụng cho đơn vị (pháp nhân) là phạt tiền.
Năm 1977, Hoa Kỳ thông qua Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA). Đạo luật này được củng cố vào năm 1998, áp dụng cho các pháp nhân có địa điểm kinh doanh tại Mỹ và cả các pháp nhân bị nghi ngờ tham gia hối lộ trên lãnh thổ Mỹ. Đạo luật này được ban hành sau khi có hơn 400 doanh nghiệp Hoa Kỳ thừa nhận đã đưa hối lộ cho quan chức Chính phủ và chính trị gia nước ngoài để có được những thuận lợi, ưu tiên trong quá trình kinh doanh, hợp tác. Điều này cũng có nghĩa, nếu một pháp nhân của Hoa Kỳ đưa hối lộ cho quan chức Việt Nam khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, có thể bị truy cứu theo đạo luật này và ngược lại; trong khi đó, pháp luật Việt Nam lại không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân Hoa Kỳ khi các pháp nhân này có hành vi hối lộ cho những người có chức vụ, quyền hạn của Việt Nam.
Ngày 25/12/2008, Liên bang Nga ban hành Luật Chống tham nhũng gồm 14 điều, trong đó có quy định cụ thể về trách nhiệm của pháp nhân đối với hành vi tham nhũng. Cụ thể, Điều 14 quy định: “1. Nếu nhân danh hoặc vì lợi ích của pháp nhân mà có hành vi chuẩn bị và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng … thì có thể áp dụng các biện pháp trách nhiệm pháp lý với pháp nhân theo quy định của pháp luật Liên bang Nga; 2. Việc …truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm pháp lý khác đối với tội phạm tham nhũng với pháp nhân không loại trừ trách nhiệm pháp lý cho cá nhân với hành vi phạm tội tham nhũng này; 3. Các quy định của điều này được áp dụng với pháp nhân nước ngoài…”. Như vậy, pháp luật của Liên bang Nga quy định rất rõ ràng về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hành vi tham nhũng và điều này không ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự của cá nhân thuộc pháp nhân đó.
Có thể nói, từ những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về phòng, chống tham nhũng đối với pháp nhân thương mại; thực tiễn đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này và pháp luật quốc tế cho thấy, để hạn chế được khó khăn trong quá trình giải quyết cũng như tránh sự không tương thích trong quá trình hợp tác, việc kiểm soát hành vi tham nhũng của pháp nhân thương mại bằng pháp luật hình sự là điều cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Phạm Thanh Tú
Khoa Luật, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 377), tháng 3/2023)