1. Khái quát chung
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) là các tình tiết làm giảm đi tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội trong một khung hình phạt so với các trường hợp phạm tội tương tự khác nhưng không có tình tiết giảm nhẹ đó. Các tình tiết giảm nhẹ TNHS là một trong những căn cứ quan trọng để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đánh giá khách quan, toàn diện khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Khác với tình tiết định tội, định khung hình phạt, các tình tiết giảm nhẹ TNHS chỉ có ý nghĩa trong việc lượng hình để quyết định hình phạt, mà không có ý nghĩa trong việc định tội và định khung hình phạt. Việc quy định các tình tiết giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng, bởi điều đó thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu về cá thể hóa trách nhiệm và hình phạt trong áp dụng pháp luật đối với người phạm tội trong chính sách pháp luật hình sự nước ta.
Về thực tiễn, tình tiết giảm nhẹ TNHS là tình tiết liên quan, có thật trong vụ án hình sự, có ý nghĩa trong việc giải quyết TNHS do làm giảm đi mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, đòi hỏi cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh, làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Theo quy định Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015) có 22 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 và tại khoản 2 quy định “khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”. Đối với các tình tiết tại khoản 1 được quy định rõ ràng hơn và được áp dụng trong trường hợp người phạm tội đáp ứng đầy đủ dấu hiệu của tình tiết đó. Đối với tình tiết tại khoản 2, đây là quy định “quét” các trường hợp khác có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ, mặc dù tại Nghị quyết số 01/2000/NQ- HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã giải thích một số trường hợp được coi là “tình tiết khác”[1], nhưng có thể được quyết định áp dụng hay không còn do việc đánh giá chứng cứ, tình tiết trong vụ việc, thể hiện tính linh hoạt, sáng tạo của chủ thể áp dụng pháp luật. Tuy vậy, trên thực tế, vẫn còn những vấn đề về cách hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất. Trong phạm vi bài nghiên cứu, tác giả đưa ra ý kiến về việc áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ TNHS.
2. Tình tiết “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”
Tình tiết “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” là tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự còn có một số quan điểm khác nhau như sau: Thứ nhất, người phạm tội phải thỏa mãn cả 02 nội dung “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” mới được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này; thứ hai, quy định này bao gồm hai nội dung: Người phạm tội thành khẩn khai báo và người phạm tội ăn năn hối cải, đây là 02 tình tiết độc lập, thỏa mãn nội dung nào, áp dụng nội dung đó. Gần đây, Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 và Điều 52 Bộ luật Hình sự của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giải thích: “Tình tiết “thành khẩn khai báo”, “ăn năn hối cải” không phải là hai tình tiết độc lập. Do đó, nếu người phạm tội “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” thì chỉ được coi là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự”[2]…
Quan điểm của tác giả đối với tình tiết này như sau:
Một là, theo giải thích của Tòa án nhân dân tối cao tại Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử (Công văn số 212/TANDTC-PC), người phạm tội “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” là “trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra”. Nếu căn cứ vào ý nghĩa của từng cụm từ thì được hiểu là hai khái niệm hay hai tình tiết giảm nhẹ khác nhau cùng được quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Xét theo cấu trúc điều luật, giữa hai nội dung “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” có dấu phẩy (,) ngăn cách mang ý nghĩa liệt kê nội dung, khác so với một số quy định có từ “và” (được hiểu là phải thỏa mãn cả nội dung A và nội dung B mới được áp dụng). Nếu quy định này không dùng dấu phẩy mà dùng liên từ “và” thì mới được hiểu là một tình tiết, thiếu một trong hai thì chưa phải là tình tiết giảm nhẹ[3], ở đây được hiểu là hai nội dung trong một tình tiết (người phạm tội thành khẩn khai báo, người phạm tội ăn năn hối cải). Khi người phạm tội đủ điều kiện thỏa mãn một trong hai tình tiết nào (“thành khẩn khai báo” hoặc “ăn năn hối cải hoặc cả hai) thì được áp dụng tình tiết đó.
Hai là, tại điểm d khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự năm 2015 về nguyên tắc xử lý quy định: “Đối với người phạm tội: Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”. Điều luật quy định 02 nội dung “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” tách rời với nhau, mặt khác, quy định tại Điều 3 mang tính nguyên tắc, đường lối định hướng xử lý nên phải giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội, nghĩa là “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” là hai tình tiết độc lập nhau.
Mặc dù vậy, với cách quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 cần hiểu nếu người phạm tội đáp ứng một trong hai điều kiện “thành khẩn khai báo” hoặc “ăn năn hối cải” hoặc đáp ứng cả hai điều kiện này thì cũng “chỉ được áp dụng một tình tiết giảm nhẹ chung”. Không thể tự ý phân tách điều luật thành hai tình tiết giảm nhẹ để tùy tiện áp dụng pháp luật hình sự trong quá trình giải quyết vụ án, trường hợp người phạm tội đáp ứng đủ cả hai điều kiện sẽ có mức giảm nhẹ đáng kể hơn so với chỉ đáp ứng một trong hai điều kiện.
Bên cạnh đó, không phải mọi trường hợp khi người phạm tội thỏa mãn tình tiết “thành khẩn khai báo” thì họ cũng đồng thời thỏa mãn tình tiết “ăn năn hối cải” bởi “thành khẩn khai báo cũng là sự ăn năn hối cải nhưng không phải sự ăn năn hối cải nào cũng là thành khẩn khai báo. Do hai tình tiết này đều có cùng một tính chất nên nhà làm luật mới quy định trong cùng một điểm. Nhưng không vì thế mà cho rằng thành khẩn khai báo chỉ là mức độ khác của ăn năn hối cải”[4]. Vì vậy, việc quy định đây là hai nội dung độc lập trong một tình tiết có ý nghĩa trong việc xác định đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ TNHS mà người phạm tội được hưởng. Thực tế có trường hợp bị can, bị cáo đã khai toàn bộ diễn biến hành vi trong các giai đoạn tố tụng trước xét xử và giai đoạn xét hỏi tại phiên tòa nhưng họ luôn cho rằng hành vi của mình không phải là tội phạm, do đó Hội đồng xét xử căn cứ vào nội dung này nên không áp dụng tình tiết “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” vì cho rằng họ không năn hối cải đối với hành vi phạm tội của mình. Ngược lại trường hợp trên, có những phiên tòa, bị cáo không khai báo, khai báo không trung thực mà phải đấu tranh bằng các biện pháp nghiệp vụ đến khi bị cáo thấy không thể chối cãi mới nhận tội nên được Hội đồng xét xử áp dụng tình tiết “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” vì cho rằng sau khi được cơ quan tiến hành tố tụng giải thích, đấu tranh nhưng đến cuối cùng bị cáo vẫn nhận thức được hành vi của mình là tội phạm, vẫn khai báo đầy đủ, trung thực thể hiện thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải.
Thực chất, quyền khai báo hay không khai báo trước cơ quan tố tụng là quyền năng của bị can, bị cáo. Đây là quyền năng tố tụng của một chủ thể khi họ bị đưa vào tham gia tố tụng với tư cách bị can, bị cáo - quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Bởi trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, mặt khác lời khai của bị can, bị cáo chỉ là một trong số các chứng cứ. Vì vậy, nếu “người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án”[5], hoặc/và “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” thì cơ quan tố tụng áp dụng tình tiết tại điểm t hoặc/và điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 để giảm nhẹ TNHS cho bị cáo trong quá trình quyết định hình phạt. Ngược lại, nếu người phạm tội không khai báo, khai báo không thành khẩn, không trung thực, quanh co… phải đấu tranh bằng các biện pháp nghiệp vụ mà vẫn không thừa nhận hành vi phạm tội thì không cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 chứ không thể đánh giá họ không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải thì quyết định hình phạt tăng nặng TNHS đối với họ.
Cách hiểu trên phù hợp với hướng dẫn tại Mục 23 Phần I Công văn số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải đáp một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng: “Trường hợp bị cáo thật thà khai báo, ăn năn hối cải về những hành vi mà họ đã thực hiện như cáo trạng truy tố, nhưng cho rằng hành vi của mình là hợp pháp, không thừa nhận là đã phạm tội thì họ được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 1985. Bởi lẽ, trong trường này, người phạm tội thật thà khai báo về những hành vi mà họ đã thực hiện nhưng do chủ quan họ chưa nhận thức được hành vi của mình là sai và do không hiểu biết pháp luật nên cho rằng hành vi của họ là hợp pháp, không thừa nhận là đã phạm tội, nhưng sau khi được cơ quan tiến hành tố tụng phân tích, giải thích, họ biết được tội lỗi và ăn năn hối cải thì họ vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ này (tương ứng với điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự hiện nay). Còn đối với những trường hợp tuy khai nhận đầy đủ những hành vi mà họ đã thực hiện nhưng quanh co không nhận tội và mặc dù đã được cơ quan tiến hành tố tụng phân tích, giải thích nhưng vẫn tỏ ra ngoan cố, không chịu ăn năn hối cải, thì khi xét xử, Tòa án không áp dụng tình tiết “thật thà khai báo, ăn năn hối cải” đối với họ”.
Tuy nhiên, hướng dẫn tại Mục 5 Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ (thời điểm Bộ luật Hình sự năm 1999 có hiệu lực) cho rằng: “Mặc dù người phạm tội bị bắt quả tang nhưng sau khi bị bắt đã khai báo đầy đủ hành vi phạm tội của mình phù hợp với tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án thì Tòa án áp dụng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo” quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 2015 cho họ. Nếu sau khi bị bắt người phạm tội quanh co, chối tội hoặc khai báo không đúng sự thật của vụ án và chỉ sau khi cơ quan tiến hành tố tụng đã chứng minh được đầy đủ hành vi phạm tội của họ, họ mới nhận sự việc phạm tội của họ đúng như cơ quan tiến hành tố tụng đã chứng minh, thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, trong trường hợp tại cơ quan điều tra hoặc tại phiên tòa sơ thẩm người phạm tội quanh co chối tội hoặc khai báo không đúng sự thật, nhưng sau khi có kết luận điều tra hoặc sau khi xét xử sơ thẩm đến phiên tòa phúc thẩm đã khai báo lại một cách đầy đủ và đúng sự thật diễn biến việc phạm tội, thì vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo” đối với họ, nhưng mức độ giảm nhẹ trong trường hợp này không thể bằng trường hợp ngay từ đầu họ đã khai báo đầy đủ và đúng sự thật diễn biến việc phạm tội”. Theo tác giả, Công văn số 81/2002/TANDTC hướng dẫn đối với trường hợp người phạm tội bị bắt quả tang và quá trình giải quyết vụ án trong trường hợp bắt do phạm tội quả tang; mặt khác, giới hạn “chỉ sau khi cơ quan tiến hành tố tụng đã chứng minh được đầy đủ hành vi phạm tội của họ” là chưa rõ ràng, đã làm hạn chế quyền năng của bị can, bị cáo trong giai đoạn tố tụng.
3. Tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”
Tình tiết giảm nhẹ TNHS “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” là tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là tình tiết quy định trường hợp người phạm tội đã gây ra thiệt hại, tức là thiệt hại đã xảy ra trên thực tế nhưng người phạm tội đã sửa chữa, bồi thường những thiệt hại do mình gây ra cho bên bị thiệt hại hoặc đã tự nguyện khắc phục hậu quả của tội phạm. Điều luật quy định “sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả” là ba hành vi có nội dung khác nhau của người phạm tội trong cùng một điểm, có nghĩa là điểm b khoản 1 Điều 51 có tới 03 tình tiết giảm nhẹ (quy định ghép) bởi các tình tiết này có nét tương đồng nhau, chứ không đơn thuần chỉ là một tình tiết giảm nhẹ. Phân theo mức độ có thể thấy, sửa chữa là hình thức “khắc phục nhẹ nhất”, tiếp đến là bồi thường thiệt hại (áp dụng đối với thiệt hại gây ra làm cho tài sản không còn nữa và cũng chỉ bồi thường được những thiệt hại về vật chất chứ không bồi thường được những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự), cuối cùng khắc phục hậu quả là hình thức khắc phục đối với những thiệt hại mà không thể bồi thường hay sửa chữa được.
Hiểu tính chất, mức độ tăng nặng, giảm nhẹ khác nhau là phải xác định trong mỗi tình tiết đó thì trường hợp nào nghiêm trọng hơn trường hợp nào. Ví dụ: “Người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại” thì phải xác định tỷ lệ tiền bồi thường so với tổng số tiền thiệt hại mà người phạm tội gây ra, để xem mức độ giảm nhẹ nhiều hay ít.
Điều kiện đủ ở đây là người phạm tội phải “tự nguyện” (tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả) mới được coi là tình tiết giảm nhẹ. Sự tự nguyện của người phạm tội bao gồm suy nghĩ chủ quan và hành vi khách quan thể hiện ra bên ngoài, có thể trực tiếp thực hiện hoặc thông qua tác động đến gia đình, người thân, bạn bè... sửa chữa, bồi thường thiệt hại hay khắc phục hậu quả thay cho người phạm tội trong lúc họ không có khả năng. Đối với người phạm tội dưới 18 tuổi thì người giám hộ, người đại diện tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả sẽ được xem là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt cho họ. Thời điểm tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả phải thực hiện trước khi tuyên án
Một số vấn đề đặt ra khi áp dụng tình tiết này: Một là, qua thực tế, cơ quan tố tụng vẫn chấp nhận trường hợp người phạm tội chỉ sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả một phần là tình tiết giảm nhẹ, tức là không phải khắc phục hết hậu quả thì mới được coi là tình tiết giảm nhẹ mà người phạm tội chỉ khắc phục được một hoặc một số hậu quả thì cũng áp dụng là tình tiết giảm nhẹ, khắc phục càng nhiều thì được xem xét giảm nhẹ càng nhiều khi quyết định hình phạt. Điều luật không quy định mức độ sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả là bao nhiêu nên cơ quan tố tụng sẽ “tùy nghi” áp dụng, điều đó đặt ra trường hợp chưa thống nhất. Hai là, trong trường hợp người phạm tội có đủ cả ba tình tiết tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả nhưng cách thức quy định của điều luật chỉ thể hiện trong một điểm của khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, do đó, chỉ được xem là một tình tiết giảm nhẹ. Điều này sẽ bất lợi đối với người phạm tội khi áp dụng để quyết định hình phạt.
Quan điểm và đề xuất của tác giả đối với tình tiết này như sau:
Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể về việc đánh giá khả năng phục hồi của tài sản bị hư hỏng, mức độ bồi thường thực tế so với thiệt hại xảy ra… để áp dụng tình tiết giảm nhẹ này về tỷ lệ sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả như thế nào thì được xem xét giảm nhẹ, có thể hướng dẫn giảm nhẹ theo hướng tính tỷ lệ:
+ Nếu người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả đến dưới 50% tỷ lệ thiệt hại thì xem xét giảm nhẹ ở mức không quá 50% mức thiệt hại.
+ Nếu người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả từ 50% tỷ lệ thiệt hại đến dưới 100% tỷ lệ thiệt hại thì xem xét giảm nhẹ ở mức không quá 100% mức thiệt hại.
+ Nếu người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả đạt 100% tỷ lệ thiệt hại thì xem xét giảm nhẹ ở mức 100% mức thiệt hại.
Trường hợp người gây ra thiệt hại đã nộp tiền cho cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết bồi thường cho bị hại và người liên quan trong giai đoạn truy tố, xét xử mà bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không yêu cầu bồi thường hoặc khi nhận lại tài sản, họ từ chối bồi thường do thiệt hại không đáng kể thì vẫn phải áp dụng tình tiết này cho người gây ra thiệt hại, bởi bị hại và người liên quan đã tự nguyện từ bỏ quyền được bồi thường, sửa chữa, khắc phục, việc bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan từ chối nhận bồi thường là khách quan, điều này không làm thay đổi ý chí, mong muốn muốn bồi thường, khắc phục của người gây ra thiệt hại.
Thứ hai, trước mắt, để có lợi cho người phạm tội, khi họ có hai hoặc ba hành vi được thể hiện tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì được xem xét giảm nhẹ nhiều hơn đáng kể so với người phạm tội chỉ có một trong ba hành vi. Về lâu dài, cần nghiên cứu để tách thành ba tình tiết độc lập gồm: (i) người phạm tội tự nguyện sửa chữa thiệt hại; (ii) Người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại; (iii) Người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả.
Tóm lại, tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” là những tình tiết có lợi cho người phạm tội khi quyết định hình phạt được áp dụng để giảm nhẹ mức hình phạt cho họ. Đây là quy định thể hiện tính nhân đạo nên quá trình áp dụng cần phải được xem xét chi tiết, khoa học và quy định cụ thể từng trường hợp.
4. Quy định liên quan đến các tình tiết “người đủ 70 tuổi trở lên”, “người già yếu” và “người đã quá già yếu” (người quá già yếu)
Bộ luật Hình sự đầu tiên của nước ta đã sử dụng thuật ngữ “người già” trong các quy định về tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ TNHS, cụ thể tại điểm e khoản 1 Điều 38 và điểm đ khoản 1 Điều 39 Bộ luật Hình sự năm 1985. Đến Bộ luật Hình sự năm 1999 tiếp tục sử dụng thuật ngữ “người già” trong các quy định về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS (điểm m khoản 1 Điều 46 và điểm h khoản 1 Điều 48)... Đến nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 không sử dụng thuật ngữ “người già” mà thay vào đó là thuật ngữ “người đủ 70 tuổi trở lên”, lưu ý khi áp dụng tình tiết này cũng cần phân biệt giữa khái niệm “người đủ 70 tuổi trở lên” với khái niệm “người cao tuổi”. Theo Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định “người cao tuổi là người từ đủ 60 tuổi trở lên”, như vậy, những người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 70 tuổi mà phạm tội thì không được hưởng tình tiết giảm nhẹ này[6].
Thuật ngữ “người đủ 70 tuổi trở lên” được quy định tại điểm o khoản 1 Điều 51 và điểm i khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS. Ngoài ra, thuật ngữ này còn được sử dụng định tại Điều 66 (tha tù trước thời hạn có điều kiện); khoản 2 Điều 301 (tội bắt cóc con tin)… Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, điểm khác biệt của Bộ luật Hình sự năm hiện hành là bên cạnh việc quy định thuật ngữ “người đủ 70 tuổi trở lên”, Bộ luật Hình sự còn sử dụng thuật ngữ “người đã quá già yếu” là tình tiết và là điều kiện để xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 64 Bộ luật Hình sự năm 2015 (giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt) và tiếp tục sử dụng thuật ngữ “người già yếu” trong các tình tiết định khung tại một số điều luật quy định trong các tội phạm cụ thể, bao gồm: Điểm c khoản 1 Điều 134, điểm c khoản 2 Điều 137, điểm a khoản 2 Điều 140, điểm e khoản 2 Điều 157, điểm e khoản 2 Điều 168, điểm c khoản 2 Điều 170, điểm g khoản 2 Điều 171, điểm a khoản 2 Điều 185, điểm b khoản 2 Điều 297, điểm c khoản 2 Điều 368...
Hiện nay, khi áp dụng tình tiết “người đã quá già yếu” vẫn phải dựa vào hướng dẫn tại điểm a Mục 4.1 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, theo đó “người quá già yếu là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm”. Bên cạnh đó, tại Mục 2.4 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự thì “người già được xác định là người từ 70 tuổi trở lên”. Còn tình tiết “người già yếu” là tình tiết định khung được quy định trong các tội danh nói trên chưa có hướng dẫn thì được hiểu như thế nào? Rõ ràng, “người quá già yếu” và “người già” với “người già yếu” là các thuật ngữ khác nhau nên không thể áp dụng cách giải thích của “người quá già yếu” hay “người già” cho “người già yếu”, bởi vì, người già nhưng có thể không yếu, hoặc người già nhưng mức độ nào để xác định “yếu” hay “quá yếu” thì hiện nay lại không được hướng dẫn cụ thể, không đảm bảo tính thống nhất của pháp luật hình sự nói chung và Bộ luật Hình sự nói riêng. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy là nhận thức của mỗi đơn vị, địa phương sẽ có sự khác nhau nên áp dụng thiếu thống nhất.
Quan điểm và đề xuất của tác giả đối với tình tiết này như sau:
- Để bảo đảm tính thống nhất trong nhận thức và áp dụng Bộ luật Hình sự hiện hành, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn để các đơn vị, địa phương thực hiện, cụ thể: Cần sửa đổi, bổ sung theo hướng thay thế thống nhất các khái niệm “người đã quá già yếu”, “người già yếu” bằng khái niệm “người đủ 70 tuổi trở lên hoặc người đủ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm” là tình tiết giảm nhẹ TNHS và tình tiết định khung tại các điều luật quy định về các tội phạm cụ thể.
- Hiện nay, đối với những cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết vụ việc đối với những người hợp này, để xác định “già yếu” hay “quá già yếu” cần thống nhất nhận thức và thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh khi áp dụng những tình tiết này. Trường hợp cần thiết, cần trưng cầu giám định để có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn làm căn cứ cho việc áp dụng tình tiết phù hợp.
5. Tình tiết “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”
Tình tiết “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cơ sở của pháp luật quy định tình tiết này là do sự hạn chế về thiệt hại của tội phạm xảy ra. Mức độ giảm nhẹ của tình tiết này phụ thuộc vào hậu quả chưa xảy ra hoặc mức độ xảy ra của thiệt hại trên thực tế. Do điều luật có từ “hoặc” nên tình tiết trên là hai tình tiết giảm nhẹ TNHS. Tuy nhiên vì cùng tính chất nên nhà làm luật đã quy định hai tình tiết đó trong cùng một điểm.
Một là, tình tiết “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, mặc dù hành vi đã thỏa mãn các dấu hiệu bắt buộc của một cấu thành tội phạm, có xảy ra hậu quả pháp lý, nhưng thực tế chưa gây ra hậu quả thiệt hại. Không phải chỉ trong đoạn phạm tội chưa đạt hoặc chuẩn bị phạm tội thì hậu quả thiệt hại chưa xảy ra mà đối với một số tội phạm, mặc dù hậu quả của tội phạm chưa xảy ra nhưng vẫn đủ yếu tố cấu thành một tội phạm tương ứng (tội phạm có cấu thành hình thức). Dù hậu quả thiệt hại chưa xảy ra nhưng chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm được miêu tả trong cấu thành của tội phạm đó thì tội phạm đã hoàn thành.
Hai là, tình tiết “phạm tội gây thiệt hại không lớn” là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thỏa mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm, đã gây ra hậu quả thiệt hại, nhưng hậu quả của tội phạm không lớn; hay có thể hiểu là “khi tội phạm đã được thực hiện, nhưng thiệt hại xảy ra nhỏ hơn thiệt hại mà người phạm tội mong muốn và ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội”[7]. Phải khẳng định, hậu quả của tội phạm chưa xảy ra hoặc tuy có xảy ra nhưng không lớn là do những nguyên nhân khách quan đưa lại. Nếu do người phạm tội có những hành động đã làm cho hậu quả không xảy ra hoặc tuy có xảy ra nhưng không lớn thì không thuộc trường hợp giảm nhẹ của tình tiết này mà có thể áp dụng cho người phạm tội hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS là “người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm” được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Vấn đề đặt ra là hậu quả bị thiệt hại như thế nào là thiệt hại không lớn? Thiệt hại không lớn do ai đánh giá, xác định theo ý chí chủ quan của bên bị thiệt hại hay do cơ quan tiến hành tố tụng xác định?...
Quan điểm và đề xuất của tác giả đối với tình tiết này như sau:
Khi quyết định hình phạt, mức giảm nhẹ hình phạt phụ thuộc vào mức thiệt hại nên mức thiệt hại càng thấp thì mức giảm nhẹ hình phạt càng đáng kể. Do vậy, cần hướng dẫn xác định thiệt hại không lớn dựa vào mức độ thiệt hại xảy ra trên thực tế cho người bị thiệt hại và cho xã hội (thiệt hại vật chất, tinh thần, thiệt hại khác), các quy định cụ thể của từng loại tội phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm trong từng trường hợp cụ thể. Việc xác định thiệt xảy ra không phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của người bị thiệt hại hay của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, không phụ thuộc loại cấu thành nào mà có thể phụ thuộc vào tính chất của tội phạm là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.
Việc quy định về tình tiết giảm nhẹ TNHS thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật, là căn cứ xác định hình phạt cụ thể cho người phạm tội trên cơ sở xem xét các yếu tố liên quan. Chính bởi vậy, nghiên cứu và hoàn thiện theo hướng thống nhất các thuật ngữ và có hướng dẫn chính thức, phù hợp với từng tình tiết giảm nhẹ TNHS là cần thiết nhằm bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật hình sự trong quá trình giải quyết vụ án hình sự./.
ThS. Trần Trọng Hoàn
Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội
[1] Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì “tình tiết khác” được hiểu như sau:
“- Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước:
- Bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột là liệt sỹ;
- Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
- Người bị hại cũng có lỗi;
- Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;
- Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;
- Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;
- Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.
Ngoài ra, khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án”.
[2] Https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/portal/htvb/chi-tiet-vbdt?dDocName=TAND327502, truy cập ngày 28/03/2024.
[3] Đinh Văn Quế, “Thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải không phải là một” tại: Http://credent.net/uploads/files/Th%C3%A0nh%20kh%E1%BA%A9n%20khai%20b%C3%A1o%20v%C3%A0%20%C4%83n%20n%C4%83n%20h%E1%BB%91i%20c%E1%BA%A3i%20kh%C3%B4ng%20ph%E1%BA%A3i%20l%C3%A0%20m%E1%BB%99t.pdf tr.1, truy cập ngày 23/02/2024.
[4] Sđd 4, tr.2.
[5] Mục I.3 Công văn số 212/TANDTC-PC giải thích: Đây là “trường hợp người phạm tội có những hành vi, lời khai thể hiện sự hợp tác tích cực với cơ quan có trách nhiệm trong việc nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án, giúp các cơ quan này phát hiện thêm tội phạm mới hoặc đồng phạm mới”.
[6] Nguyễn Đức Hạnh (2018), “Những điểm mới về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS”, Tạp chí Khoa học Kiểm sát số 04-2018, tr. 6.
[7] Dẫn theo: Https://amilawfirm.com/wp-content/uploads/2023/10/16.10.2023-So-Tay-HDAP-Tinh-tiet-tang-nang-giam-nhe-TNHS-CO-WATERMARD.pdf, truy cập ngày 01/03/2024.