Đầu tư công đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, như tạo động lực, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tạo công ăn việc làm cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội… Chính vì vậy, Luật Đầu tư công năm 2019 được Quốc hội thông qua đã giúp cho các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức chủ động hơn trong việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công nhằm tạo ra không gian phát triển mới, động lực mới, năng lực mới cho sự phát triển của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sau gần 05 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Vì vậy, để khắc phục căn bản những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, khơi thông mọi nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Luật Đầu tư năm 2024 bao gồm 07 chương, 103 điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công, trong đó:
1. Cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C)
Luật Đầu tư công năm 2024 cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án. Theo đó, điểm b khoản 2 Điều 6 quy định: “Cấp có thẩm quyền khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C có quyền quyết định việc tách hoặc không tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập. Thời gian thực hiện dự án thành phần độc lập bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng được tính trong tổng thời gian bố trí vốn thực hiện dự án quy định tại Điều 57 của Luật này”.
Trước đó, Quốc hội đã ban hành một số luật, nghị quyết để thí điểm cho phép tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập như đối với tỉnh Khánh Hòa (Nghị quyết số 55/2022/QH15), thành phố Đà Nẵng (Nghị quyết số 136/2024/QH15), tỉnh Nghệ An (Nghị quyết số 137/2022/QH15), thành phố Hà Nội (Luật Thủ đô năm 2024). Việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập có tác động tích cực đến việc triển khai dự án, cho phép phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng được tách riêng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể, không cần chờ đến khi phê duyệt quyết định đầu tư dự án mới thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, qua đó, đẩy nhanh việc phê duyệt và tạo điều kiện để bố trí vốn ngay cho công tác giải phóng mặt bằng, giảm chi phí, thời gian và thúc đẩy việc thực hiện dự án.
Quy định này tạo sự linh hoạt cho cấp quyết định chủ trương đầu tư trong lựa chọn hình thức giải phóng mặt bằng phù hợp với yêu cầu triển khai dự án. Cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án đồng thời quyết định việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, bảo đảm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nguồn vốn để triển khai.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Vì thế, nhu cầu thực hiện và triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là các dự án đường cao tốc trong thời gian qua cũng như trong giai đoạn tới là rất lớn. Để đạt được mục tiêu này, cần có năng lực quản lý, triển khai thực hiện lớn, không phải chỉ từ Bộ Giao thông vận tải mà còn cả các địa phương liên quan[1].
Ngày 28/11/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó cho phép thí điểm giao 01 địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện một số dự án giao thông cụ thể trên địa bàn của 02 địa phương. Thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy chính sách này đã phát huy hiệu quả, giúp tăng tính chủ động, huy động, tận dụng được nguồn lực, năng lực quản lý và thực hiện dự án của địa phương[2].
Luật hóa nội dung này, khoản 3 Điều 84 Luật Đầu tư công năm 2024 quy định, Thủ tướng Chính phủ: “Quyết định giao một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên”. Quy định này giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án, tăng tính chủ động, huy động, tận dụng nguồn lực, năng lực quản lý và thực hiện dự án, tăng cường kinh nghiệm, năng lực của các địa phương trong quản lý thực hiện dự án. Đồng thời, các địa phương được chủ động triển khai dự án, gắn kết chặt chẽ hơn trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và xây lắp trên địa bàn địa phương; có động lực để triển khai đẩy nhanh tiến độ dự án do có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và khai thác quỹ đất nằm 02 bên của dự án.
3. Cho phép ủy thác vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương
Trong thời gian qua, việc cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đã đạt kết quả tích cực như giải ngân đạt 38.400 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch được giao[3]. Vì vậy, Quốc hội đã cho phép thí điểm ủy thác vốn ngân sách địa phương để cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Một số địa phương có khả năng thu ngân sách địa phương tốt, vượt thu ngân sách địa phương, có nhu cầu ủy thác để cho vay thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tuy nhiên lại chưa có quy định cụ thể của pháp luật để thực hiện triển khai.
Để khắc phục hạn chế này, khoản 7 Điều 5 Luật Đầu tư công năm 2024 quy định: “Bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chính phủ quy định điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc bố trí vốn để ủy thác thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định cơ chế, chính sách cụ thể và bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện chính sách này. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện ủy thác vốn ngân sách địa phương để thực hiện chính sách ưu đãi theo quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”.
Quy định mới này sẽ tạo căn cứ pháp lý cho các địa phương có khả năng huy động vốn ngân sách địa phương để ủy thác cho vay thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn, bổ sung nguồn lực không gây phát sinh bộ máy để thực hiện. Việc bổ sung đối tượng đầu tư công theo hướng cho phép ủy thác ngân sách địa phương để cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, mở rộng đối tượng thực hiện, cho phép các địa phương có nguồn thu chủ động ủy thác vốn để cho vay. Hội đồng nhân dân chủ động quyết định các nội dung liên quan đến điều kiện cho vay, qua đó đáp ứng được các nhu cầu cụ thể của địa phương.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Minh Trí
[1] Báo cáo số 6661/BC-BKHĐT ngày 20/8/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết thi hành Luật Đầu tư công năm 2019.
[2] Báo cáo số 6663/BC-BKHĐT ngày 20/8/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tác động chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi).
[3] Báo cáo số 6663/BC-BKHĐT ngày 20/8/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tác động chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi).