Khi nghiên cứu về tội chống người thi hành công vụ, vấn đề có tính đặc thù của tội phạm này mà người nghiên cứu cần phân tích, làm rõ là vấn đề nạn nhân của tội chống người thi hành công vụ. Nạn nhân của tội chống người thi hành công vụ là người thi hành công vụ, tức là họ có thẩm quyền thực hiện công vụ nhất định và họ đã thực sự thực hiện công vụ đó - tiến hành các hoạt động quản lý nhà nước đúng pháp luật. Nạn nhân của tội chống người thi hành công vụ với những đặc điểm đặc biệt mà khi phân tích cụ thể, toàn diện các đặc điểm này có thể cho phép chúng ta đánh giá khách quan về tính nguy hiểm của tội chống người thi hành công vụ, xác định được các yếu tố góp phần vào việc làm phát sinh tội chống người thi hành công vụ cũng như xác định một số biện pháp cần thiết để phòng ngừa có hiệu quả đối với tội chống người thi hành công vụ ở Việt Nam hiện nay. Nạn nhân của tội chống người thi hành công vụ có nhiều đặc điểm khác nhau, nhưng trong bài này, chúng tôi chỉ tập trung đi sâu phân tích những đặc điểm "nổi bật" của nạn nhân của tội chống người thi hành công vụ - những đặc điểm liên quan đến các yếu tố làm hình thành nguyên nhân của tội chống người thi hành công vụ cũng như có ý nghĩa đối với việc xác định các biện pháp cần thiết để phòng ngừa tội chống người thi hành công vụ.
1. Các đặc điểm về nạn nhân của tội chống người thi hành công vụ ở Việt Nam
Để nghiên cứu các đặc điểm về nạn nhân của tội chống người thi hành công vụ, tác giả đã sử dụng phương pháp thống kê các bản án đã xét xử về tội chống người thi hành công vụ (số lượng bản án thống kê là 100 bản án đã xét xử từ năm 2005 đến 2015) hoặc qua phân tích số liệu của các cơ quan có thẩm quyền cung cấp.
Trong số 100 vụ án về tội chống người thi hành công vụ mà tác giả nghiên cứu, tác giả thống kê được có 187 nạn nhân. Như vậy, trung bình có 1,87 nạn nhân trên một bản án, nghĩa là cứ một bản án xét xử về tội chống người thi hành công vụ thì có tới gần 2 nạn nhân. Con số này đã phần nào thể hiện thái độ coi thường sức khỏe, tính mạng của những người phạm tội đối với lực lượng thi hành công vụ.
Thứ nhất, đặc điểm về nhân thân của nạn nhân
(i) Về giới tính của nạn nhân: Qua thống kê 100 bản án chống người thi hành công vụ có 187 nạn nhân thì số nạn nhân là nam chiếm tỷ lệ khá cao có 185 nạn nhân/187 nạn nhân (chiếm tỉ lệ 98,9%); chỉ có 2 nạn nhân là nữ giới (chiếm tỉ lệ 1,1%). Sở dĩ có thực tế trên là bởi lẽ chủ thể của công vụ có thể là người có thẩm quyền ban hành các quyết định cá biệt (ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật), là người có thẩm quyền thi hành các quyết định cá biệt đó hoặc là người có thẩm quyền tiến hành các hoạt động khác mang tính chất pháp lý mà không cần ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật(1). Tuy nhiên, trên thực tế, người ban hành các quyết định cá biệt rất ít khi bị chống lại; bởi vì, quyết định cá biệt được ban hành nhưng chưa thi hành thì chưa tác động đến lợi ích của người phạm tội. Do đó, nạn nhân của tội chống người thi hành công vụ đa phần là người thi hành các quyết định cá biệt hoặc người tiến hành các hoạt động khác mang tính chất pháp lý mà không cần ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật (như kiểm tra giấy phép lái xe, kiểm tra việc đăng ký tạm trú…) - những người trực tiếp tác động đến lợi ích của người phạm tội. Trong khi đó, việc thi hành các quyết định cá biệt hoặc tiến hành các hoạt động mang tính chất pháp lý mà không cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu do người thi hành công vụ là nam giới thực hiện. Mặt khác, cách cư xử của người thi hành công vụ là nữ giới thường nhẹ nhàng, mềm mỏng hơn nam giới. Do đó, họ ít khi bị chống lại hơn nam giới.
(ii) Về nghề nghiệp của nạn nhân: Qua thống kê 100 vụ chống người thi hành công vụ thì có 76 vụ (chiếm tỉ lệ 76%) là chống lại lực lượng Công an; có 24 vụ (chiếm tỉ lệ 24%) là chống lại các lực lượng đang thi hành công vụ khác. Như vậy, có thể thấy, lực lượng Công an là đối tượng bị người phạm tội chống người thi hành công vụ chống đối lại nhiều nhất. Sở dĩ Công an là lực lượng bị chống đối lại nhiều nhất; bởi vì, Công an là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, lực lượng Công an phải trực tiếp đấu tranh với các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Phạm vi hoạt động của Công an nhân dân rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực và trực tiếp giải quyết những việc liên quan đến quyền và lợi ích của người dân.
Trong 76 vụ chống lại lực lượng Công an thống kê được có: Chống lại Công an xã có 26 vụ (chiếm tỉ lệ 26 %); chống lại Công an phường có 25 vụ (chiếm tỉ lệ 25%); chống lại Công an huyện có 3 vụ (chiếm tỉ lệ 3%); chống lại Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động có 18 vụ (chiếm tỉ lệ 18%); chống lại Cảnh sát điều tra, Công an thành phố có 4 vụ (chiếm tỉ lệ 4%). Nhìn vào số liệu trên chúng ta thấy rằng, các đối tượng chống lại lực lượng Công an xã, phường chiếm một tỷ lệ khá lớn (chống lại Công an xã 26 vụ và Công an phường 25 vụ), bởi họ là những người thường xuyên tiếp xúc với dân, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của một bộ phận nhân dân, ảnh hưởng đến quyền lợi của một số ít người nên đã tạo tâm lý không thiện cảm của số ít người. Hơn nữa, kiến thức về nghiệp vụ, trang bị công cụ hỗ trợ còn thiếu và chưa đồng bộ nên thường bị các đối tượng có hành vi vi phạm tấn công, chống đối gây cản trở. Bên cạnh đó, việc chống lại lực lượng Cảnh sát giao thông và Cảnh sát cơ động cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ 18% (18 vụ/100 vụ). Các đối tượng khi bị Cảnh sát giao thông xử lý lỗi vi phạm thường không tuân theo mà còn chửi bới, mạt sát, kích động thậm chí còn tấn công gây thương tích cho lực lượng Cảnh sát.
Trong 24 vụ chống lại lực lượng thi hành công vụ khác tác giả thống kê được: Chống lại đoàn cưỡng chế thi hành án, cưỡng chế giải phóng mặt bằng có 12 vụ (chiếm tỉ lệ 12%); chống lại nhân viên Ủy ban nhân dân có 1 vụ (chiếm tỉ lệ 1%); chống lại Bộ đội biên phòng có 3 vụ (chiếm tỉ lệ 3%); chống lại lực lượng Kiểm lâm có 4 vụ (chiếm tỉ lệ 4%); chống lại Đội chống buôn lậu có 2 vụ (chiếm tỉ lệ 2%); chống lại lực lượng hải quan có 02 vụ (chiếm tỉ lệ 2%). Như vậy, nhìn vào những số liệu trên, chúng ta thấy rằng các vụ chống đối lại các lực lượng khác như bộ đội biên phòng, kiểm lâm, cán bộ cơ quan thi hành án, lực lượng cưỡng chế… cũng chiếm tỉ lệ cao 24 vụ (chiếm tỉ lệ 24%). Điều này phần nào thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức cũng như ý thức chấp hành pháp luật của những người có hành vi vi phạm.
(iii) Về trình độ, năng lực chuyên môn của người thi hành công vụ: Qua nghiên cứu trình độ, năng lực chuyên môn của lực lượng Cảnh sát giao thông - lực lượng thường xuyên bị các đối tượng chống lại khi thi hành nhiệm vụ cho thấy: Trong tổng số 12.940 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông trên toàn quốc, có 515 người được bồi dưỡng nghiệp vụ (chiếm 3,97%), 780 người có trình độ sơ cấp (chiếm 6,02%), 6.825 người có trình độ trung cấp (chiếm 52,7%), 2.702 người có trình độ cao đẳng, đại học (chiếm 20,8%), 09 người có trình độ trên đại học (chiếm 0,07%), 560 người chưa học nghiệp vụ Công an (chiếm 4,3%). Trong số 206 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông bị hi sinh và thương tật do tội phạm chống người thi hành công vụ trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2005 đến 2010 cũng cho thấy, có 73 người có trình độ sơ cấp (chiếm 35,5%), 97 người có trình độ trung cấp (chiếm 47,1%), 36 người có trình độ cao đẳng, đại học (chiếm 17,4%)(2).
Các con số nêu trên tuy không phản ánh đầy đủ toàn bộ bức tranh về trình độ, năng lực chuyên môn của những người thi hành công vụ, nhưng cũng cho thấy một bộ phận cán bộ thi hành công vụ có trình độ, năng lực chuyên môn thấp, có trường hợp còn chưa được học nghiệp vụ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm, không làm đúng quy trình công tác của người thi hành công vụ.
Thứ hai, về tình huống trở thành nạn nhân của người thi hành công vụ
Trong 100 bản án xét xử về tội chống người thi hành công vụ, có thể thống kê được các tình huống trở thành nạn nhân như sau: Khi giải quyết các vụ vi phạm trật tự công cộng có 12 vụ (chiếm tỉ lệ 12%); khi giải quyết các vụ vi phạm giao thông có 21 vụ (chiếm tỉ lệ 21%); khi giải quyết các vụ đánh nhau, gây rối trật tự công cộng có 22 vụ (chiếm tỉ lệ 22%); khi làm nhiệm vụ tuần tra, giữ gìn trật tự xã hội có 6 vụ (chiếm tỉ lệ 5%); khi làm nhiệm vụ giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến vấn đề đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng có 16 vụ (chiếm tỉ lệ 15%); khi làm nhiệm vụ cưỡng chế thi hành án, cưỡng chế thi hành lệnh bắt, lệnh khám xét, cưỡng chế đi cai nghiện có 8 vụ (chiếm tỉ lệ 8%); khi làm nhiệm vụ xử lý việc buôn lậu có 5 vụ (chiếm tỉ lệ 5%); làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát rừng, xử lý việc vận chuyển gỗ trái phép có 4 vụ (chiếm tỉ lệ 2%); khi đang thực hiện công vụ khác có 6 vụ (chiếm tỉ lệ 6%).
Với những phân tích trên, chúng ta thấy rằng, tình huống trở thành nạn nhân của người thi hành công vụ đều là khi thi hành các quyết định cá biệt hoặc là khi tiến hành các hoạt động khác mang tính chất pháp lý mà không cần ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật như tuần tra, giữ gìn trật tự xã hội, tuần tra, kiểm soát rừng…; không có trường hợp nào trở thành nạn nhân của tội chống người thi hành công vụ khi ban hành các quyết định cá biệt. Điều này phản ánh một thực tế rằng, hoạt động thi hành công vụ càng tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân thì càng dễ nảy sinh tình huống chống người thi hành công vụ. Mặt khác, các tình huống thi hành công vụ độc lập, đơn lẻ, không có sự phối hợp, hỗ trợ lực lượng để đối phó với các hành vi chống đối cũng dễ nảy sinh hành vi chống người thi hành công vụ.
Thứ ba, người thi hành công vụ có lỗi/không có lỗi
Khi nghiên cứu 100 bản án về tội chống người thi hành công vụ, chúng tôi nhận thấy số vụ chống người thi hành công vụ mà người thi hành công vụ cũng có lỗi chiếm tỉ lệ tương đối đáng kể (17/100 = 17%). Cụ thể là:
- Số vụ mà người thi hành công vụ có thái độ hách dịch, cửa quyền (như quát tháo, nói xẵng, không trả lời khi đương sự hỏi, đuổi không tiếp đương sự…) có 8 vụ, chiếm tỉ lệ 8%. Những người thi hành công vụ thuộc nhóm này rất đa dạng như Công an phường, xã, Cảnh sát giao thông, cán bộ địa chính, kiểm lâm…
- Số vụ mà người thi hành công vụ có hành vi sai trái trong đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp hoặc đô thị mới, sân golf hoặc giao đất (như áp sai mức đền bù đất nông nghiệp; áp đặt, ép người dân nhận tiền đền bù giá rẻ, lừa dân ký hợp đồng giao đất, giao đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng…) có 5 vụ chiếm tỉ lệ 5%.
- Số vụ mà người thi hành công vụ có thái độ không cương quyết, không khách quan trong giải quyết tranh chấp, xung đột trong nhân dân (trong đó có tranh chấp đất đai, tài sản thừa kế) là 4 vụ chiếm tỉ lệ 4%.
Qua khảo sát riêng đối với lực lượng Công an xã cũng cho thấy, một bộ phận Công an xã thiếu rèn luyện tu dưỡng, vi phạm phẩm chất đạo đức của người Công an nhân dân, cửa quyền, hách dịch, ức hiếp quần chúng, tham nhũng… nên đã vi phạm pháp luật, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân (hàng năm, tỷ lệ vi phạm của Công an xã bị kỷ luật và bị xử lý theo pháp luật chiếm tỷ lệ từ 0,56% - 0,65%, tương đương 64 - 74 người trên tổng số 115.036 Công an xã). Theo báo cáo của Công an các địa phương từ năm 1999 - 2007, toàn quốc có 750 trường hợp vi phạm phải xử lý; trong đó có 89 trường hợp bị truy tố trước pháp luật, 661 trường hợp bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo(3). Chính việc người thi hành công vụ cũng có lỗi đã tác động xấu đến người dân khiến họ phản ứng, bức xúc và có hành vi chống đối người thi hành công vụ.
Thứ tư, về trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người thi hành công vụ
Qua nghiên cứu việc trang bị vũ khí và công cụ hỗ trợ cho lực lượng Công an xã cho thấy: Với tổng số 115.036 Công an xã trên toàn quốc nhưng lực lượng này mới được trang bị 1.502 khẩu súng ngắn (trong đó, 1.367 khẩu cấp trực tiếp cho Trưởng Công an xã, 71 khẩu cấp cho Phó trưởng Công an xã, 64 khẩu cấp cho Công an viên thường trực); 1.392 khẩu súng dài (trong đó 750 khẩu cấp cho Trưởng Công an xã; 313 khẩu cấp cho Phó trưởng Công an xã; 194 khẩu cấp cho Công an viên thường trực và 135 khẩu cấp cho Công an viên thôn, ấp, bản, làng); 4.637 dùi cui điện (trong đó, 3.092 chiếc cấp cho Trưởng Công an xã, 897 chiếc cấp cho Phó trưởng Công an xã, 384 chiếc cấp cho Công an viên thường trực và 264 chiếc cấp cho Công an viên thôn, ấp, bản, làng); 26.032 gậy cao su; 14.476 khóa số 8 và 11.916 các loại công cụ, phương tiện khác như còi, đèn pin…(4). Các số liệu trên cho thấy, việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Công an xã nói riêng và cho một bộ phận người thi hành công vụ nói chung còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác và chiến đấu.
2. Các biện pháp hạn chế nguy cơ trở thành nạn nhân của tội chống người thi hành công vụ
Việc phòng ngừa tội phạm nói chung, tội chống người thi hành công vụ nói riêng có thể được đặt ra với các đối tượng khác nhau như: Đối với người phạm tội (người có khả năng thực hiện tội phạm), đối với mọi người dân trong xã hội (cộng đồng xã hội) và đối với nạn nhân của tội phạm (người có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm).
Trong các nguyên nhân của tội chống người thi hành công vụ thì có nguyên nhân thuộc về nạn nhân của tội phạm. Vì vậy, việc phòng ngừa tội chống người thi hành công vụ đối với các nạn nhân của tội phạm nhằm mục đích là "tăng cường các biện pháp làm khó hơn cho việc thực hiện tội phạm"; "khắc phục tình trạng vô tình tạo điều kiện cho việc phạm tội của người khác đối với chính mình"(5) là rất cần thiết. Việc phòng ngừa tội chống người thi hành công vụ đối với các nạn nhân của tội phạm, theo chúng tôi cần thực hiện các biện pháp cụ thể sau:
Một là, tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nhằm chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm, thiếu sót trong quá trình thi hành công vụ của người được giao thực thi công vụ
Như đã phân tích ở phần trên cho thấy, 17% số vụ chống người thi hành công vụ là có lỗi của người thi hành công vụ. Công tác kiểm tra, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo có vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế sai phạm, thiếu sót trong quá trình thi hành công vụ, từ đó cũng góp phần phòng ngừa với tình trạng chống người thi hành công vụ. Qua công tác kiểm tra, không những biểu dương những người có thành tích trong thi hành công vụ mà còn phát hiện kịp thời những sai phạm của người thi hành công vụ để kịp thời sửa chữa, khắc phục. Đặc điểm của hoạt động thi hành công vụ là thường làm việc theo tổ, nhóm độc lập, rất dễ bị những tác động từ cám dỗ xung quanh. Đây là một trong những điều kiện dễ xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ. Vì vậy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch cụ thể để kiểm tra, đôn đốc kịp thời. Đồng thời, qua công tác kiểm tra có sự phân công lực lượng, phương tiện hợp lý, đảm bảo hiệp đồng tác chiến, hỗ trợ lẫn nhau khi có vụ chống người thi hành công vụ xảy ra. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ việc kiểm tra và duyệt các phương án, kế hoạch tuần tra, sổ sách, chương trình công tác do những người thi hành công vụ báo cáo; đồng thời, thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo kết quả hoạt động thi hành công vụ gồm báo cáo ngày, báo cáo tuần, báo cáo tháng, báo cáo đột xuất về các vụ việc phức tạp và báo cáo theo chuyên đề mà người thi hành công vụ thực hiện. Kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, làm việc đúng quy trình công tác và chấn chỉnh ngay cả phong cách, thái độ, lời nói của từng cán bộ, chiến sĩ khi giao tiếp với nhân dân để giảm thiểu các sai phạm xảy ra của cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ.
Hai là, tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn của người thi hành công vụ
Người thi hành công vụ là người trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, một mặt phải đụng chạm đến quyền lợi của cá nhân người vi phạm, mặt khác lại chịu tác động từ mặt trái cơ chế thị trường và nhiều cám dỗ. Một bộ phận người thi hành công vụ ý thức tổ chức kỷ luật kém, không tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện bản thân, có thái độ cửa quyền, sách nhiễu, không khéo léo trong xử lý tình huống. Vì vậy, thực tế đòi hỏi cơ quan, đơn vị quản lý người thi hành công vụ thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho họ, thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Đồng thời, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho người thi hành công vụ học tập nâng cao trình độ, xây dựng cho người thi hành công vụ có ý thức tổ chức kỷ luật cao, phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, liêm khiết, vững vàng trước những tiêu cực của đời sống xã hội; có tư thế, tác phong, thái độ đúng mực, có quan điểm quần chúng tốt, luôn tận tụy với nhiệm vụ được giao. Người thi hành công vụ phải nắm chắc quy trình công tác, biết cách sử dụng linh hoạt các công cụ, phương tiện và các nguyên tắc, phương pháp, chiến thuật trong khi thi hành công vụ; rèn luyện kỹ năng thực hành, thao tác, xử trí linh hoạt các phương án đấu tranh với tình trạng chống người thi hành công vụ, rèn luyện bản lĩnh khi thi hành nhiệm vụ và giải quyết các vụ chống người thi hành công vụ, không bị lúng túng, sơ hở, vi phạm pháp luật trong khi thi hành công vụ.
Ba là, thực hiện tốt quy chế phối hợp lực lượng nhằm phục vụ tốt yêu cầu đấu tranh, trấn áp các đối tượng chống người thi hành công vụ
Đối với các lực lượng thi hành công vụ thường xuyên phải độc lập tác chiến, tự mình xử lý tình huống, đấu tranh với các đối tượng quá khích, thậm chí là tấn công của người vi phạm và những người xung quanh như Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Công an xã…, việc tăng cường thêm lực lượng cho họ khi làm nhiệm vụ là rất cần thiết, có thể giải tỏa đám đông quá khích, tạo thế cân bằng lực lượng với các đối tượng quá khích, chống đối, tạo sự vững vàng về tinh thần cho người thi hành công vụ khi làm nhiệm vụ. Qua phân tích tình huống trở thành nạn nhân của người thi hành công vụ ở phần trên cho thấy, trong nhiều trường hợp người thi hành công vụ trở thành nạn nhân của tội chống người thi hành công vụ khi thi hành nhiệm vụ độc lập, đơn lẻ, không có sự phối hợp, hỗ trợ lực lượng để xử lý các hành vi chống đối như khi giải quyết các vụ vi phạm giao thông (chiếm tỉ lệ 21%); khi giải quyết các vụ đánh nhau, gây rối trật tự công cộng (chiếm tỉ lệ 22%). Do đó, lực lượng thực thi hành công vụ phải phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ có liên quan từ việc điều tra, nắm tình hình địa bàn, hỗ trợ trấn áp, truy đuổi, bắt giữ đối tượng… cho đến việc thu thập tài liệu, củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng chống người thi hành công vụ; thường xuyên trao đổi thông tin giữa các lực lượng nghiệp vụ có liên quan, phối hợp và cơ động trong việc triển khai lực lượng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ.
Bốn là, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ tốt yêu cầu thi hành công vụ
Các trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng thi hành công vụ phải đáp ứng được yêu cầu đủ cả về số lượng cũng như chất lượng, bảo đảm yêu cầu ngăn chặn kịp thời mọi hành vi chống đối của các loại đối tượng, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho lực lượng thi hành công vụ. Các biện pháp trên đây có quan hệ chặt chẽ với nhau, qua đó giúp người thi hành công vụ phòng ngừa có hiệu quả đối với tội chống người thi hành công vụ trong những năm tiếp theo.
ThS. Trần Ngọc Đường
Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp
Bộ Công an
(1). Xem: GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, "Vấn đề thi hành công vụ và chế định phòng vệ chính đáng trong luật hình sự Việt Nam", Tạp chí Luật học số 2/2012, tr.27.
(2). Đề tài khoa học cấp cơ sở "Tội phạm chống người thi hành công vụ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ - Thực trạng và giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn của lực lượng Cảnh sát giao thông", Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Văn Chức, Hà Nội, 2010, tr 34, 35.
(3). Xem: Bộ Công an, Báo cáo số 154/BC-BCA(X28) ngày 18/4/2008 tổng kết 9 năm thực hiện Nghị định số 40/1999/NĐ-CP về Công an xã.
(4). Xem: Bộ Công an, Kỷ yếu hội thảo khoa học "Chống người thi hành công vụ trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân - Thực trạng và giải pháp", Hà Nội, tháng 10/2008, tr.294, 295.
(5). Xem: GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, "Phòng ngừa tội phạm trong tội phạm học", Tạp chí luật học số 6/2007, tr.31.