Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo về nhân quyền đã thông tin về tình hình nhân quyền thời gian qua. Theo đó, các cơ quan báo chí được đánh giá cao về việc tuyên truyền công tác nhân quyền và đối ngoại khi thông tin, phản ánh chân thực, kịp thời về các vấn đề, sự kiện, nổi bật là các thông tin về cơn bão số 3, về chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân từ ngày 10 - 13/9/2024... Định hướng thời gian tới, các cơ quan báo chí cần tiếp tục tập trung những nội dung như duy trì hiệu quả các tuyến tin bài về thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, đặc biệt trong việc khắc phục hậu quả cơn bão số 3; đấu tranh phản bác những nội dung sai sự thật về nhân quyền tại Việt Nam trên một số báo cáo riêng của cơ quan Liên Hợp quốc và một số nước trên thế giới; phản bác những cáo buộc, xuyên tạc về lao động tại Việt Nam trong báo cáo của một số tổ chức quốc tế.
Đại diện các cơ quan báo chí tại Hội nghị được nghe các báo cáo viên chia sẻ một số nội dung liên quan đến công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại. Một trong những nội dung nổi bật đó là vấn đề nỗ lực phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam. Theo đó, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Việt Nam là một trong ít nước thực hiện khảo sát cấp quốc gia về lao động trẻ em. Kết quả khảo sát lao động trẻ em năm 2018 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực về tình hình trẻ em tham gia lao động ở Việt Nam so với kết quả cuộc điều tra quốc gia lao động trẻ em năm 2012. Quy mô và xu hướng trẻ em tham gia lao động đã giảm hơn 6% (năm 2012, tỷ lệ trẻ em tham gia lao động trong dân số trẻ em từ 5 - 17 tuổi là 15,5% giảm xuống còn 9,1% vào năm 2018). Đây là một thành công lớn, thể hiện sự nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Bên cạnh đó, báo cáo viên cũng đề cấp đến việc hoàn thiện pháp luật, chính sách của Việt Nam về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em được thể hiện trong các văn bản pháp luật như Luật Trẻ em năm 2016, Bộ luật Lao động năm 2019, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Thống kê năm 2015 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Chính phủ cũng ban hành nhiều chương trình mục tiêu quốc gia với các chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học, lao động trái pháp luật. Đồng thời, ông Đặng Hoa Nam cũng đưa ra định hướng trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; triển khai các dịch vụ và mô hình hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em…
Kết luận Hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông cảm ơn những đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí trong thời gian qua đã thông tin, phản ánh rất đầy đủ, kịp thời về các nội dung, sự kiện trong công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại; đồng thời, Cục trưởng tin tưởng rằng, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí vẫn tiếp tục nỗ lực, cố gắng thực hiện thật tốt, đạt hiệu quả cao về công tác này.
Uyên Nhi