Abstract: The paper analyzes legal provisions of Japan on bitcoin and initial bitcoin public offering, and from this point, makes recommendations for setting up a legal framework for regulating this issue in Vietnam.
Hiện nay, xu hướng mua bán, trao đổi, sử dụng tiền ảo trên toàn thế giới đang ngày càng phát triển. Tính đến ngày 07/3/2018, có tổng cộng 1.541 đồng tiền ảo được lưu hành, 9.121 sàn giao dịch tiền ảo hoạt động, với tổng giá trị vốn hóa thị trường của các đồng tiền ảo trên 441 tỷ USD[2]. Nhận biết được xu thế này, nhiều quốc gia trên thế giới đã sớm có những nghiên cứu, đánh giá tác động và tiến hành sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật có liên quan để phù hợp với sự phát triển của thị trường tiền ảo. Nhật Bản là một ví dụ điển hình cho nỗ lực xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý quản lý tiền ảo và các vấn đề có liên quan, trong đó một trong những nội dung quan trọng là quản lý hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu ra công chúng - Initial Coin Offerings (ICOs, sau đây xin gọi tắt là “chào bán tiền ảo”).
Tại Nhật Bản, đạo luật điều chỉnh các vấn đề chính về tiền ảo là Luật Dịch vụ thanh toán (Payment Services Act), có hiệu lực từ ngày 01/4/2017. Theo Đạo luật này, tiền ảo được hiểu là một loại phương tiện thanh toán mà không phải là tiền. Ngoài ra, một số đạo luật khác có những quy định liên quan đến quản lý tiền ảo và các hoạt động chào bán tiền ảo là Luật Công cụ tài chính và sàn giao dịch (Financial Instruments and Exchange Act), Luật Giao dịch thương mại riêng biệt (Specified Commercial Transaction Act) và một số luật về bảo vệ người tiêu dùng.
1. Pháp luật Nhật Bản về tiền ảo và chào bán tiền ảo
1.1. Quy định về tiền ảo
Theo Điều 2.5 Luật Dịch vụ thanh toán, thuật ngữ “tiền ảo” được hiểu: Giá trị tài sản (giá trị này chỉ áp dụng đối với loại tài sản được lưu trữ trên thiết bị điện tử hoặc phương tiện khác thông qua các phương thức điện tử, không bao gồm tiền Nhật hay tiền nước ngoài và tài sản được gọi là tiền;…) có thể được sử dụng để thanh toán cho một người không xác định giá của bất kỳ hàng hóa được mua hay mượn hoặc bất kỳ dịch vụ nào được cung cấp, cũng có thể bán cho hoặc mua từ một người không xác định và có thể được giao dịch bằng cách sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu điện tử; hoặc giá trị tài sản có thể được sử dụng để trao đổi với giá trị tài sản được liệt kê ở mục trên với người không xác định thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.
Từ quy định trên về tiền ảo, có thể thấy có 03 đặc trưng của tiền ảo hoặc tiền mã hóa để có thể phân biệt với tiền pháp định:
Một là, giá trị của tiền ảo không được quốc gia hay ngân hàng trung ương nào bảo đảm. Đặc điểm này xuất phát từ thực tế tiền ảo được tạo ra từ việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối để giải các thuật toán. Việc giải thành công thuật toán tạo ra các đồng tiền ảo được gọi là “đào” tiền ảo. Công nghệ chuỗi khối là một công nghệ mở, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận và sử dụng, do đó, chỉ cần một người sở hữu một máy tính có cấu hình đủ mạnh và có kiến thức đủ về công nghệ chuỗi khối thì có thể tạo ra một đồng tiền ảo mới. Như vậy, khác với tiền pháp định, tiền ảo có thể do bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào tạo ra và phát hành mà không cần thông qua ngân hàng trung ương, vì vậy tiền ảo cũng không được ngân hàng trung ương bảo đảm giá trị.
Hai là, tiền ảo được phân tán dưới hình thức dữ liệu điện tử trên mạng. Đặc điểm này cũng xuất phát từ việc tiền ảo được tạo ra từ công nghệ chuỗi khối và được những người sử dụng trao đổi, mua bán qua mạng internet.
Ba là, quản lý tiền ảo mang tính không tập trung. Nếu như tiền pháp định được ngân hàng trung ương của một quốc gia ban hành, bảo đảm giá trị và được quản lý một cách tập trung, thống nhất bởi cơ quan này, thì tiền ảo, hoàn toàn ngược lại, không mang những đặc tính trên.
Ngoài ra, quy định trên cũng phân biệt tiền ảo với tiền điện tử. Tại Nhật Bản, tiền điện tử được phát hành bởi tổ chức hoặc cá nhân cụ thể và được sử dụng trong giao dịch giữa nhà phát hành với một đối tác cụ thể được nhà phát hành chỉ định. Trong khi đó, tiền ảo không có nhà phát hành xác định và có thể được bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào sử dụng, miễn là có sự đồng thuận giữa các bên trong giao dịch đó.
Một số nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tiền tệ - tài chính tại Nhật Bản lưu ý, theo định nghĩa trên, tiền ảo được coi là một loại tài sản. Tuy nhiên, theo các luật chuyên ngành như Luật Thi hành án dân sự và Luật Thu hồi thuế quốc gia của Nhật Bản, tiền ảo không thuộc diện tài sản có thể kê biên để thi hành án. Do đó, trường hợp một cá nhân hay công ty quy đổi tài sản của mình sang tiền ảo trước khi công ty bị phá sản, các chủ nợ sẽ không thể thu hồi được lượng tài sản đã được quy đổi sang tiền ảo đó[3].
1.2. Quy định về hoạt động chào bán tiền ảo
- Khái niệm chào bán tiền ảo: Ngày 27/10/2017, Cơ quan Dịch vụ tài chính của Nhật Bản (Financial Services Agency - FSA) đã ra cảnh báo đối với người sử dụng và kinh doanh tiền ảo về các nguy cơ của hoạt động chào bán tiền ảo[4]. Theo cảnh báo này, về cơ bản, chào bán tiền ảo được hiểu chung là hoạt động gây quỹ của doanh nghiệp hoặc cá nhân từ cộng đồng thông qua việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số mới[5]. Chào bán tiền ảo cũng có thể được hiểu là việc bán token (một đồng tiền ảo mới) và nhận về một đồng tiền ảo khác đã có giá trị sẵn trên thị trường. Chẳng hạn, một công ty tạo ra và phát hành 1.000 đồng X mới dựa trên công nghệ chuỗi khối và quy ước với nhà đầu tư 100 đồng X có giá trị bằng 1 đồng Etherium tại thời điểm thực hiện việc chào bán tiền ảo. Sau khi huy động được một lượng tiền ảo nhất định đã có giá trị sẵn (như Bitcoin, Etherium, Litecoin hoặc Tether) đủ để phát triển dự án, công ty có trách nhiệm sử dụng lượng vốn này để đầu tư vào dự án, hiện thực hóa mô hình kinh doanh của mình[6] .
- Những nguy cơ đối với hoạt động chào bán tiền ảo: Cũng theo cảnh báo của FSA, việc chào bán đồng tiền ảo mới tiềm ẩn những nguy cơ như: (i) Biến động về giá: Token có thể sụt giảm giá hoặc thậm chí trở nên vô giá trị một cách đột ngột; (ii) Nguy cơ lừa đảo: Các dự án chào bán tiền ảo thường cung cấp các tài liệu đi kèm, trong đó có sách trắng (white paper)[7]. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ các dự án, thông tin trong sách trắng đưa ra không chính xác hoặc hoàn toàn mang tính lừa đảo. Nói cách khác, hàng hóa hoặc dịch vụ được dự kiến đầu tư từ hoạt động chào bán tiền ảo sẽ không được sản xuất hoặc triển khai trên thực tế.
Xuất phát từ thực tế, FSA cảnh báo các nguy cơ của hoạt động chào bán tiền ảo, theo đó, nhiều dự án chào bán tiền ảo tại các quốc gia hiện nay mang mục đích lừa đảo. Người huy động vốn, sau khi phát hành ra token mới, hứa hẹn với các nhà đầu tư về quy mô, tầm cỡ, khả năng phát triển của dự án, khả năng thu hồi vốn nhanh, mức lãi được hưởng cao gấp nhiều lần số vốn đầu tư…[8] Tuy nhiên, thông tin cần thiết về những dự án này (như thông tin về nhà phát hành token, địa chỉ công ty…) lại rất hạn chế. Nhiều dự án thậm chí chỉ cung cấp địa chỉ trang web, mạng xã hội của công ty và đăng tải các tài liệu về dự án chào bán tiền ảo qua các kênh này[9]. Do đó, khi các nhà đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền phát hiện ra thủ đoạn lừa đảo của dự án chào bán tiền ảo thì thông thường, chủ của những dự án này đã biến mất cùng số tiền huy động được.
- Về quản lý hoạt động chào bán tiền ảo: Dù FSA đã ra cảnh báo về những nguy cơ đối với hoạt động chào bán tiền ảo, tuy nhiên vẫn còn những quan điểm sai lệch về các dự án chào bán tiền ảo tại Nhật Bản, cụ thể như: (i) Pháp luật Nhật Bản không có quy định nào về chào bán tiền ảo; hoặc (ii) Không có đạo luật nào áp dụng đối với hoạt động chào bán tiền ảo bên ngoài biên giới Nhật Bản; và (iii) Một chủ thể nước ngoài có thể gạ gẫm hay xúi giục công dân Nhật Bản mua token từ một dự án chào bán tiền ảo ở nước ngoài mà không có bất kỳ hạn chế nào. Do đó, ngày 18/11/2017, Hiệp hội Công nghệ chuỗi khối Nhật Bản (Japan Blockchain Association - JBA) đã ban hành Hướng dẫn dành cho công dân Nhật Bản về hoạt động bán token từ những dự án chào bán tiền ảo[10]. Có thể coi bản Hướng dẫn này là một nỗ lực của ngành công nghiệp chuỗi khối Nhật Bản nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật của người dân đối với những mặt trái của hoạt động chào bán tiền ảo[11].
Cảnh báo của FSA và Hướng dẫn của JBA ghi nhận, trong thực tế, chưa có quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh về việc chào bán tiền ảo, đồng thời cũng không có quy định nào cấm chào bán tiền ảo tại Nhật Bản. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Nhật Bản cho phép mọi hoạt động chào bán tiền ảo. Những quy định hiện hành trong lĩnh vực tài chính như quy định về tiền ảo, công cụ thanh toán trả trước… được áp dụng đối với các hình thức chào bán tiền ảo nhất định. Trường hợp một hoạt động chào bán tiền ảo không thuộc vào phạm vi điều chỉnh của những quy phạm trực tiếp nêu trên, những quy phạm khác về dân sự, giao dịch thương mại, bảo vệ người tiêu dùng và hình sự cũng sẽ được vận dụng linh hoạt tùy theo tình huống cụ thể. Cũng theo Hướng dẫn của JBA, cụm từ gạ gẫm, xúi giục trong pháp luật Nhật Bản được giải thích theo nghĩa rất rộng đối với các hoạt động bán hàng qua mạng internet. Do đó, các chủ dự án chào bán tiền ảo đang sinh sống ở nước ngoài được khuyến cáo không nên thực hiện bất cứ hành vi môi giới, quảng cáo hoặc gạ gẫm nào với công dân Nhật Bản để đầu tư vào dự án của mình, nếu không muốn dự án đó chịu sự điều chỉnh của pháp luật Nhật Bản.
Hiện nay, những đạo luật chính điều chỉnh các hoạt động chào bán tiền ảo tại Nhật Bản bao gồm:
+ Luật Dịch vụ thanh toán: Nếu đồng token được phát hành của một dự án chào bán tiền ảo thỏa mãn những điều kiện tại Điều 2.5 Luật Dịch vụ thanh toán về tiền ảo thì sẽ được coi là tiền ảo và những hoạt động kinh doanh có dịch vụ trao đổi tiền ảo một cách thường xuyên sẽ phải đăng ký tại Cục Tài chính địa phương - cơ quan được Thủ tướng Chính phủ trao quyền quản lý vấn đề này (Điều 104 Luật Dịch vụ thanh toán).
+ Luật Công cụ tài chính và sàn giao dịch: Các quy định về quản lý quỹ đầu tư của Luật này sẽ áp dụng đối với hoạt động chào bán tiền ảo thỏa mãn 03 điều kiện của một dự án/quỹ đầu tư tập thể, bao gồm: Dự án có mục đích thu nhận tiền từ các chủ thể khác; số tiền thu được dùng để đầu tư vào một hoạt động kinh doanh cụ thể; và dự án sẽ trả cổ tức cho các cổ đông theo mức đóng góp.
+ Luật Giao dịch thương mại riêng biệt: Nếu một dự án chào bán tiền ảo không thuộc phạm vi điều chỉnh của 02 đạo luật nói trên, thì các quy định của Luật Giao dịch thương mại riêng biệt được áp dụng chung cho các hoạt động mua bán token qua mạng internet. Trường hợp này, dự án chào bán tiền ảo sẽ phải thỏa mãn các điều kiện về công bố thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại của người chịu trách nhiệm bán token, giá cả, phương thức thanh toán, giới hạn bảo hiểm (nếu có)… Ngoài ra, đạo luật này còn đặt ra một số hạn chế như nghiêm cấm các hành vi quảng cáo quá mức hoặc sai sự thật (Điều 12 Luật Giao dịch thương mại riêng biệt).
+ Các đạo luật về bảo vệ người tiêu dùng: Hiện nay, tại Nhật Bản, có 02 đạo luật chính trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng là Luật Người tiêu dùng (Basic Consumer Act) và Luật Hợp đồng tiêu dùng (Consumer Contract Act). Căn cứ vào các quy định này, các nhà đầu tư có quyền yêu cầu được giải thích thỏa đáng từ chủ dự án chào bán tiền ảo, dù dự án đó thuộc lĩnh vực điều chỉnh của Luật Dịch vụ thanh toán, Luật Công cụ tài chính và sàn giao dịch hay Luật Giao dịch thương mại riêng biệt.
1.3. Nhận xét khung pháp lý của Nhật Bản về tiền ảo và hoạt động chào bán tiền ảo
Từ những nội dung đã phân tích, có thể thấy, khung pháp lý của Nhật Bản về tiền ảo và hoạt động chào bán tiền ảo là tương đối bao quát, hoàn thiện, phù hợp với thực tế tồn tại và xu hướng phát triển của thị trường tiền ảo. Cụ thể:
- Pháp luật Nhật Bản đã đưa ra định nghĩa tương đối hoàn chỉnh về tiền ảo và một số loại hình khác có liên quan (như công cụ thanh toán, công cụ thanh toán trả trước…);
- Tùy theo từng hình thức chào bán tiền ảo ra công chúng, pháp luật Nhật Bản điều chỉnh hoạt động chào bán tiền ảo bằng các đạo luật khác nhau. Tuy nhiên, trong mỗi đạo luật đều quy định cụ thể trình tự, thủ tục, phương thức quản lý đối với loại hình chào bán tiền ảo tương ứng.
Tuy nhiên, khung pháp lý của Nhật Bản điều chỉnh về tiền ảo vẫn còn một số hạn chế đang được nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện, như tiền ảo chưa được ghi nhận là một loại tài sản có thể kê biên để thi hành án. Do đó, các chủ doanh nghiệp khi đứng trước nguy cơ phá sản có thể lợi dụng kẽ hở này của pháp luật để tẩu tán tài sản, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ đối với các chủ nợ.
2. Xây dựng khung pháp lý về quản lý tiền ảo ở Việt Nam
Sự phát triển của tiền ảo là xu thế tất yếu và ngày càng rõ rệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Bản thân tiền ảo, về mặt khoa học công nghệ, có thể coi là một phát minh mang tính đột phá của nhân loại, góp phần giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn tại của tiền giấy truyền thống. Tuy nhiên, cùng với ưu điểm, những đặc tính của tiền ảo như tính ẩn danh cao, khả năng luân chuyển nhanh qua mạng internet cũng gây nên không ít khó khăn, thách thức cho các cơ quan quản lý. Thực trạng này đang diễn ra không chỉ tại Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, từ đó dẫn đến nhu cầu cấp thiết cần xây dựng các quy phạm pháp luật chuyên biệt, tạo cơ sở pháp lý phù hợp cho quá trình quản lý, điều chỉnh. Từ những kinh nghiệm của pháp luật Nhật Bản trong lĩnh vực tiền ảo và quản lý tiền ảo, việc xây dựng khung pháp lý điều chỉnh vấn đề này tại Việt Nam cần:
- Xác định cụ thể khái niệm tiền ảo, theo đó, cần coi tiền ảo là một loại tài sản, cụ thể hơn, là một phương tiện thanh toán hoặc một hình thức tương tự như phương tiện thanh toán mà không phải là tiền pháp định. Nhật Bản, cũng như nhiều quốc gia khác, đều đã áp dụng cách xác định này. Đây là bước đầu tiên và có thể coi là quan trọng nhất trong quá trình xây dựng khung pháp lý quản lý tiền ảo, bởi chỉ khi xác định được tiền ảo là gì (tài sản, phương tiện thanh toán hoặc tương tự) thì mới có thể định hướng được cách thức quản lý các vấn đề có liên quan (như việc chào bán tiền ảo, giao dịch sử dụng tiền ảo, thuế đối với tiền ảo…). Cách xác định khái niệm như trên sẽ đảm bảo phù hợp với những quy định pháp luật hiện hành có liên quan ở Việt Nam hiện nay và xu hướng quản lý của nhiều nước trên thế giới.
- Phân loại các hoạt động chào bán tiền ảo thành từng loại hình riêng biệt dựa trên các tiêu chí cụ thể (như mục đích phát hành tiền ảo; mục đích, bản chất, tính chất của token được phát hành…) để tạo thuận lợi cho việc quản lý.
- Trong bối cảnh Việt Nam đang mở rộng hợp tác, tự do hóa thương mại trong trên phạm vi khu vực và toàn cầu, hoạt động chào bán tiền ảo đang phát triển mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, các hoạt động chào bán tiền ảo biến tướng (như lừa đảo theo hình thức đa cấp) cũng đang diễn ra ngày càng phức tạp, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở phạm vi quốc tế. Do đó, một nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần khẩn trương hình thành cơ quan quản lý nhà nước về tiền ảo. Chẳng hạn, hiện nay ở Việt Nam, cơ quan trực tiếp quản lý các hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có thể cân nhắc, nghiên cứu khả năng bổ sung chức năng quản lý hoạt động chào bán tiền ảo cho cơ quan này, hoặc thành lập một đơn vị mới có phạm vi chức năng tập trung quản lý việc chào bán tiền ảo nói riêng và thị trường tiền ảo nói chung. Việc đăng ký chào bán tiền ảo có thể thuộc phạm vi chức năng chung của một cơ quan hoặc từng cơ quan chuyên biệt đối với từng loại hình chào bán tiền ảo.
- Có những quy định chặt chẽ, cụ thể về hoạt động chào bán tiền ảo. Theo đó, những hoạt động chào bán tiền ảo không đăng ký đều bị coi là không hợp pháp; đồng thời, tổ chức, cá nhân thực hiện chào bán tiền ảo không đăng ký có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy mức độ vi phạm. Đây là những biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền về những nguy cơ, rủi ro của hoạt động chào bán tiền ảo để nâng cao hiểu biết cho người dân, khuyến khích các chủ thể thực hiện chào bán tiền ảo đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước để được tư vấn và hưởng những lợi ích hợp pháp cho hoạt động huy động vốn này.
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp
[1]. Thuật ngữ “Hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu ra công chúng” được người viết dịch từ cụm từ “Initial Coin Offerings” (ICOs).
[2]. Số liệu theo trang https://coinmarketcap.com/.
[3]. Kazuyuki Shiba, Viện Nghiên cứu Tiền tệ quốc tế (Institute for International Monetary Affairs), Nhật Bản, Bản tin số 20 (Newsletter No.20), 10/4/2017, “Các biện pháp thi hành pháp luật Nhật Bản về tiền mã hóa và Các vấn đề trong tương lai” (Enforcement of Japanese Law on Crypto Currency and Future Issues).
[4]. FSA là cơ quan trực thuộc Văn phòng Nội các Nhật Bản, chịu trách nhiệm bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính của Nhật Bản, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và nhà đầu tư chứng khoán, bảo đảm chính sách bảo hiểm và tài chính thuận lợi thông qua các biện pháp kế hoạch chính sách về hệ thống tài chính, khảo cứu và giám sát các tổ chức tài chính tư nhân, và giám sát các giao dịch chứng khoán. FSA đóng vai trò quan trọng cho quá trình phát triển vững chắc của nền kinh tế Nhật Bản.
[5]. Xem http://www.fsa.go.jp/policy/virtual_currency/07.pdf.
[6]. Sau khi hoàn tất quá trình chào bán tiền ảo, các công ty hoặc cá nhân phát hành token thường sẽ tiến hành ngay các thủ tục với sàn giao dịch tiền ảo để đưa các token này vào giao dịch trên sàn. Sau khi chính thức được đưa vào danh sách niêm yết của một sàn giao dịch tiền ảo, đồng tiền ảo mới sẽ không còn được gọi là token nữa, mà được gọi là coin.
[7]. Sách trắng là văn bản giới thiệu cách sử dụng của quỹ gây được từ hoạt động chào bán tiền ảo, nội dung của dự án, phương thức bán token…
[8]. Chẳng hạn, cuối năm 2017, dự án chào bán tiền ảo do Công ty PlexCorp của doanh nhân Dominic Lacroix tiến hành đã bị Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Hoa Kỳ (Securities and Exchange Commission - SEC) thực hiện biện pháp đóng băng tài sản khẩn cấp. Dự án này bị phát hiện đã huy động khoảng 15 triệu USD từ hàng ngàn nhà đầu tư từ tháng 8/2017 bằng những cam kết mang dấu hiệu lừa đảo, theo đó, dự án hứa hẹn sẽ trả lãi suất cho các nhà đầu tư ở mức 1.354% so với mức đầu tư ban đầu trong vòng tối đa là 29 ngày. Chi tiết xem https://www.sec.gov/news/press-release/2017-219.
[9]. Chẳng hạn, dự án chào bán tiền ảo mang tên Confido của doanh nhân Joost van Doorn bị phát hiện có dấu hiệu lừa đảo sau khi đã huy động được 375.000 USD trong tháng 11/2017. Token của dự án này được giao dịch với mức giá 1,20 USD/token vào ngày 14/11, tuy nhiên, sau sự biến mất của toàn bộ nhóm sáng lập dự án Confido (trang web và tài khoản mạng xã hội của công ty và nhóm sáng lập dự án đều đã bị xóa bỏ), giá đã giảm sâu xuống mức 02 cent/token. Đại diện TokenLot, trang web đăng tải thông tin và hỗ trợ dự án trên, đã tuyên bố sẽ liên lạc với FBI và hợp tác trong quá trình điều tra vụ việc. Chi tiết xem https://www.cnbc.com/2017/11/21/confido-ico-exit-scam-founders-run-away-with-375k.html.
[10]. Hiệp hội Công nghệ Blockchain Nhật Bản (JBA) được thành lập vào tháng 4/2016, thay thế Hiệp hội Tài sản kỹ thuật số Nhật Bản (Japan Association of Digital Asset - JADA). Thành viên của JBA bao gồm đại diện các doanh nghiệp lớn của ngành công nghiệp blockchain tại Nhật Bản và một số chính trị gia ủng hộ công nghệ này. JBA hoạt động chủ yếu trên 02 lĩnh vực: (i) Quản lý tài chính, thuế và người tiêu dùng - bao gồm cả những sàn giao dịch tiền ảo như Kraken, bitFlyer và Coincheck; và (ii) Đề xuất các khái niệm và chính sách liên quan đến công nghệ blockchain. Đối tác của JBA gồm nhiều tập đoàn, công ty lớn trong lĩnh vực tài chính, thanh toán như Deloitte, KPMG, SMBC, JCB…
[11]. Xem http://jba-web.jp/archives/20171118_guidance-for-ico-token-sales-to-japanese-residents.