1. Những nguyên tắc hình thành chế định
1.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân quyền
Là một nội dung cơ bản của Hiến pháp, chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xây dựng dựa trên một nền tảng tư tưởng vững chắc. Những giá trị mang tính định hướng và xuyên suốt cho toàn bộ các quy định về quyền, nghĩa vụ là những luận điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, về quyền con người, dân quyền, nơi kết tinh những quan điểm tích cực về nhân quyền trong lịch sử tư tưởng nhân loại và Việt Nam.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền con người được gắn với độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Bản án chế độ thực dân Pháp và các bài chính luận của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chỉ ra tình cảnh vô quyền của người dân bản xứ dưới chế độ thuộc địa. Một luận điểm quan trọng được Người rút ra là: Khi cả một dân tộc vẫn còn ở dưới ách nô lệ đang bị áp bức, bóc lột thì chưa thể có quyền con người cho những thành viên hợp thành dân tộc đó. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và quyền sống của cả một dân tộc đã trở thành hòn đá tảng trong tư tưởng nhân quyền của Hồ Chí Minh. Cũng cần nhấn mạnh rằng, bên cạnh ý tưởng về độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, Hồ Chí Minh chỉ ra: Nếu được độc lập mà dân chúng không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì.
Lịch sử phát triển quyền con người cho thấy, tư tưởng về tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia đã được thừa nhận chung ở cấp độ quốc tế. Hai công ước quốc tế quan trọng về quyền con người đều dành Điều 1 quy định về quyền tự quyết của tất cả các dân tộc: Các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.
Trong quan niệm đương đại, cùng với sự phát triển của xã hội cũng như các thế hệ quyền, quyền tự quyết là tổng hòa của các nội dung: Quyền chống lại chuyên chế, áp bức, khẳng định địa vị dân tộc và quyền phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của cả cộng đồng dân tộc; quyền tự quyết dân tộc vừa là tiền đề, vừa là điều kiện cơ bản để thực hiện quyền con người.
Là văn kiện quan trọng làm cơ sở cho nền lập hiến Việt Nam nói chung và chế định quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân nói riêng, tuyên bố tại Bản Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập” vẫn còn nguyên giá trị tư tưởng cho đến ngày nay.
Nội dung cơ bản trong tư tưởng nhân quyền của Hồ Chí Minh là dân là gốc và quyền lợi cho người dân. Tư tưởng về một xã hội dân chủ, tôn trọng, dành quyền cho người dân của Hồ Chí Minh đã được thể hiện qua yêu cầu về việc thực hiện các quyền: Tự do báo chí và tự do tư tưởng; tự do lập hội và tự do hội họp; tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương. Những công việc mà chính quyền Cách mạng Việt Nam phải “thực hiện ngay”, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều được tôn trọng và nhiệm vụ bảo vệ các quyền đó được xem là “giúp sức được cho tự do, độc lập”. Những quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh “trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, “việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm” đã làm nên sức sống mãnh liệt và tính dẫn đường của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng này đã trở thành nền tảng cho chế độ Hiến pháp của Việt Nam và được khái quát hóa qua một trong những nguyên tắc của đạo luật cơ bản đầu tiên là “đảm bảo các quyền tự do dân chủ”.
Một trong những luận điểm hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân quyền là quyền con người phải được bảo vệ bằng chế độ pháp luật và bên cạnh đó, nền pháp luật phải được xây dựng theo lý tưởng dân quyền. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ và lý tưởng dân quyền được gắn chặt với tinh thần pháp luật; các quyền, tự do, nghĩa vụ phải được ghi nhận trong văn bản lập hiến. Đồng thời, Hồ Chí Minh khẳng định “chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ” và nền Hiến pháp phải được xếp đặt “theo những lý tưởng dân quyền”.
Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và tư tưởng Hồ Chí Minh đã hình thành những giá trị có tính định hướng cho việc xây dựng và hoàn thiện chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
1.2. Quan điểm định hướng cho việc xây dựng chế định quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân
Chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xây dựng dựa trên nền tảng lý luận về chủ quyền nhân dân, về bản chất “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” của Nhà nước, về “quyền làm chủ” của nhân dân. Chủ quyền nhân dân, một nội dung quan trọng của chế độ Hiến pháp Việt Nam là nơi quy tụ tư tưởng về sức mạnh của nhân dân, đại đoàn kết toàn dân, dân là gốc, dân là chủ, dân là lực lượng vĩ đại và nhân dân là nền tảng của Nhà nước. “Của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” được coi là bản chất, nguyên tắc, đồng thời là phương châm hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước. Những tư tưởng trên đây vừa là nguyên lý cho việc quy định chế độ chính trị của Nhà nước, vừa định hướng cho việc điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Tương quan vị thế của hai chủ thể có quy chế pháp lý hoàn toàn khác nhau: Nhà nước và công dân đã được nghiên cứu dưới các góc độ. Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, khẳng định nghĩa vụ của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền, tự do và còn hơn thế, dành ưu thế cho người dân trong quan hệ với công quyền đã và đang là chủ đề được nghiên cứu. Trong mô hình Nhà nước pháp quyền, quyền công dân được hòa quyện với mục đích hoạt động của bản thân Nhà nước. Với tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân, chức năng phục vụ của Nhà nước được nhấn mạnh. Như vậy, chế định quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân được xây dựng thống nhất với các nguyên tắc chung của Hiến pháp, với bản chất của Nhà nước và sứ mệnh của Nhà nước “bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xây dựng dựa trên các nguyên tắc tôn trọng quyền con người. Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã đề cập trong nội dung hai khái niệm “quyền con người” và “quyền công dân”. Trong tư duy lâu nay, quyền con người có phạm vi rộng hơn quyền công dân, mang tính phổ quát; còn quyền công dân được gắn với pháp luật quốc gia mà nội dung của pháp luật đó được quy định bởi điều kiện kinh tế - xã hội tương ứng. Khi nghiên cứu Điều 14 Hiến pháp năm 2013, vấn đề đặt ra xem xét và giải quyết về mặt pháp lý tương quan giữa hai khái niệm quyền con người, quyền công dân để thấy rõ khoảng cách giữa chúng về lý thuyết, đồng thời, thấy được xu hướng bảo đảm quyền cá nhân và công dân trong cơ chế xây dựng pháp luật.
Một nguyên tắc xây dựng chế định là quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Cùng với việc thụ hưởng quyền, cá nhân phải có nghĩa vụ với những thành viên khác trong xã hội, với cộng đồng và với Nhà nước. Dưới góc độ của “luật chính trị”, Hiến pháp điều chỉnh mối quan hệ cơ bản giữa Nhà nước và cá nhân công dân, thể hiện không chỉ ở hệ thống quyền, mà cả nghĩa vụ. Tính cơ bản ở đây là ở chỗ, các nghĩa vụ của công dân với Nhà nước đều có liên quan đến chế độ Hiến pháp, chế độ chính trị, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự xã hội.
Trong chế độ pháp quyền, không thể không nhắc đến hai loại nghĩa vụ cơ bản của công dân là tuân thủ các văn bản pháp luật và duy trì trật tự xã hội. Việc thực hiện nghĩa vụ không chỉ hoàn toàn được tiếp cận dưới khía cạnh pháp lý mà phải nói đến cơ sở đạo đức để tạo ra sự tự nguyện, niềm tin của công dân khi thực hiện quyền cũng như gánh nghĩa vụ. Bản thân các quyền và nghĩa vụ là những giá trị gắn với đạo đức nên việc thực hiện chúng phải dựa trên một nền tảng văn hóa.
Một nguyên tắc quan trọng xuyên suốt chế định này là trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm các quyền công dân. Quyền con người, quyền công dân là một giá trị và cam kết bảo vệ các quyền này là lý do hình thành Nhà nước và là nội dung cơ bản của “khế ước xã hội”. Sự khẳng định nguyên tắc này có mối liên hệ chặt chẽ với tư tưởng về bản chất, mục đích hoạt động của Nhà nước được xác định ngay từ các quy định chung về chế độ chính trị. Nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước cũng là biểu hiện của sự phù hợp giữa pháp luật của Việt Nam với các nguyên tắc chung của pháp luật quốc tế và các cam kết của Việt Nam khi gia nhập các công ước trong lĩnh vực nhân quyền. Điều 14 Hiến pháp năm 2013 sử dụng thuật ngữ “bảo đảm” các quyền của công dân. Đây là mức độ cao trong các nấc thang bậc về trách nhiệm của Nhà nước: Từ tôn trọng cho đến bảo vệ và bảo đảm bằng cơ chế thực hiện, cơ chế giải quyết vi phạm và cao hơn nữa, hỗ trợ cho việc thực hiện quyền.
Về mặt lý thuyết, bản thân quyền là đặc quyền của cá nhân công dân và việc thực hiện nó được quy định trước hết bởi tính tự giác, chủ động và tích cực của họ. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải mọi cá nhân đều nhận thức đầy đủ về khả năng thể hiện ý chí, lựa chọn hành vi đã được pháp luật ghi nhận. Mặt khác, có trường hợp việc tự bảo vệ quyền đối với những nhóm người được coi là dễ bị tổn thương là không hoàn toàn dễ dàng. Vì vậy, vai trò của Nhà nước là thúc đẩy nhận thức về quyền và hình thành cơ chế thực hiện các quyền trên nguyên tắc bình đẳng, nhân đạo.
Một trong những yếu tố của chế độ pháp quyền là bảo đảm các quyền cơ bản. Tự do, bình đẳng, phẩm giá con người và bảo đảm quyền với những hình thức khác nhau là những biểu hiện đặc trưng của Nhà nước pháp quyền. Việc đưa ra nguyên tắc quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân phải là đối tượng quy định của Hiến pháp và luật là hướng tới tư tưởng về “ý chí chung”.
Với đặc tính như vậy và với cơ chế làm luật bởi chính dân chúng và người đại diện của dân chúng, việc đưa ra nguyên tắc chỉ luật mới có thể quy định quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân và cũng chỉ luật mới được hạn chế quyền đã tạo ra cơ chế phòng ngừa sự giới hạn quyền, tự do bằng các hình thức văn bản khác.
2. Nội dung cơ bản của chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Cũng như các quy định của Hiến pháp nói chung, chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xây dựng xuất phát từ những nguyên tắc và quan điểm lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó phải nhấn mạnh: Chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; quyền lực nhà nước thống nhất, thuộc về nhân dân; sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện dân chủ và nhân đạo, tôn trọng quyền con người, bảo đảm các quyền tự do cơ bản của công dân; thực hiện vai trò xã hội của Nhà nước; bảo đảm sự bình đẳng của công dân trước pháp luật; quản lý nhà nước bằng pháp luật. Những nguyên tắc này chi phối một cách nhất quán khi xây dựng các quy định về quyền, nghĩa vụ, cơ chế bảo đảm quyền, chế độ trách nhiệm của Nhà nước, vai trò của Nhà nước và sứ mệnh, mục đích hoạt động của các cơ quan nhà nước, người đại diện Nhà nước.
Trên cơ sở tư tưởng tôn trọng quyền con người, bảo đảm quyền công dân, chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận đầy đủ, khái quát các quyền, tự do của cá nhân - công dân. Các quy định này được xây dựng và hoàn thiện dựa trên quan điểm chủ đạo về phát huy nhân tố con người, chăm lo và bảo vệ các quyền, tự do của con người, nhất là những cá nhân có mối quan hệ khăng khít với Nhà nước được thể hiện qua quy chế công dân. Hệ thống pháp luật Việt Nam được xây dựng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và là công cụ pháp lý thực hiện cam kết của Việt Nam với tư cách thành viên tham gia các công ước quốc tế về nhân quyền.
2.1. Nội dung của chế định
Chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân bao gồm các nội dung chính: Các nguyên tắc hình thành chế định; các quy định về các quyền, nghĩa vụ trên lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, tại đây hiện diện một nhóm quy định về quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam và từ đó, đã có ý kiến đề nghị nghiên cứu về độ bao quát của tên gọi Chương II của Hiến pháp năm 2013, nơi chủ thể được nêu là “công dân”.
Chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã quy định một cách toàn diện các nhóm quyền tự do cá nhân, các quyền trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; quyền của các nhóm người đặc thù như trẻ em, thanh niên, người có công với nước. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu chế định đã có ý kiến đề nghị bổ sung một số quy định trong đạo luật cơ bản như: Quyền được bảo lãnh tại ngoại thay vì tạm giam; đặt tiền hay tài sản có giá trị để bảo đảm; quyền tự bảo vệ trước những hành vi xâm hại quyền của mình; quyền im lặng không đưa ra bằng chứng chống lại chính mình; quyền được thông báo về lời buộc tội khi bị bắt…
Là một chế định của đạo luật cơ bản, kỹ thuật diễn đạt các quy định phải thể hiện rõ tính tối cao của Hiến pháp trong mối quan hệ với các nguồn pháp luật khác. Một số quyền được định hình nội dung trong Hiến pháp song với đoạn kết là “do luật định” hoặc “do pháp luật quy định” tạo tư duy về khả năng chi phối của các văn bản dưới Hiến pháp, dưới luật đối với các quy phạm lập hiến (như các điều 20, 22, 23, 25, 27). Điều này cần nghiên cứu một cách nghiêm túc khi đề cập đến trường hợp hạn chế quyền. “Do pháp luật quy định” hoàn toàn không có hàm ý rằng, Hiến pháp quy định quyền, còn các văn bản khác có thể đưa ra hạn chế quyền. Việc hạn chế quyền cũng phải dựa trên tinh thần và nguyên tắc của Hiến pháp. Vấn đề hạn chế quyền không chỉ dừng ở khía cạnh kỹ thuật mà cần xem xét ở bình diện lý luận để hoàn thiện các quy định về nguyên tắc của chế định và đồng thời, thể hiện một cách chặt chẽ các quy định cụ thể về quyền. Khi Hiến pháp khẳng định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật thì có thể mở rộng quy định này theo hướng, quyền công dân và hạn chế quyền công dân do Hiến pháp và luật quy định. Liên quan đến vấn đề này, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, tuyên bố đó cần được nghiên cứu đầy đủ và thật kỹ lưỡng thì mới có cơ sở bổ sung vào một văn bản có giá trị pháp lý cao như Hiến pháp.
Có quan điểm cho rằng, đôi khi không phải chỉ thuần túy là cách diễn đạt mà chính bằng quy định của Hiến pháp, vị thế của công dân được khẳng định theo hướng: Nhà nước cam kết không xâm phạm và có cơ chế bảo vệ các quyền công dân vốn xuất phát từ quyền con người. Chẳng hạn như: “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ” có thể sửa thành: “Không ai được xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân”.
2.2. Về cơ chế pháp lý thực hiện chế định
Dưới góc độ ngôn ngữ, cơ chế được hiểu là “cách thức, theo đó một quá trình thực hiện”. Cơ chế pháp lý thực hiện chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân hướng tới việc hình thành các biện pháp mang tính pháp lý để đưa các quy định của Hiến pháp vào cuộc sống. Trong đó, phải nói đến việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, đề ra cách thức thực hiện một số loại quyền, nghĩa vụ và quy định chế độ trách nhiệm, thiết chế bảo vệ quyền khi bị vi phạm.
Vấn đề hiệu lực trực tiếp của Hiến pháp đã được bàn tại các diễn đàn, nhất là khi thảo luận về giá trị tối cao của Hiến pháp, về cơ chế thực thi Hiến pháp và cơ chế bảo hiến.
Với việc thực hiện chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân là hết sức cần thiết. Trong điều kiện thực tế về văn hóa pháp lý của các thành phần cư dân khác nhau, sự đa dạng về nhận thức, nghề nghiệp, địa bàn cư trú…, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải có cách thức phù hợp để tạo ra sự tự giác, thái độ nghiêm túc và niềm tin của người dân khi thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, để Hiến pháp đi vào cuộc sống thì trước hết, các quy định của Hiến pháp phải được hình thành cơ chế pháp lý để thực hiện. Hiện nay, một số quyền, nghĩa vụ hiến định cần có luật cụ thể hóa. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, việc hình thành cơ chế thực thi Hiến pháp không đồng nghĩa cách hiểu rằng bất kỳ quy định nào về quyền của Hiến pháp cũng cần có một luật điều chỉnh riêng. Việc Hiến pháp ghi nhận quyền của những nhóm công dân có đặc thù nhất định, trong nhiều trường hợp, là để định hướng cho việc thiết lập cơ chế bảo đảm các quyền đó trên bình diện rộng, kể cả nhận thức cho đến ban hành pháp luật và chế độ, chính sách. Chẳng hạn như các quy định riêng về quyền của phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi…
Như đã nêu, một trong những tư tưởng mang tính nền tảng cho việc xây dựng chế định quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân là đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm các quyền. Toàn bộ các quy định của Hiến pháp đã có không ít các tuyên bố về trách nhiệm của Nhà nước đối với xã hội: Nhà nước bảo hộ, Nhà nước có chính sách, Nhà nước tạo điều kiện… Trong ngữ cảnh bảo đảm quyền, trách nhiệm của Nhà nước không nhất thiết phải được ghi nhận theo mô hình liệt kê một cách hệ thống trong một nhóm quy phạm. Cơ chế bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ phải được hình thành đồng bộ và đan xen trong tất cả các quy định của Hiến pháp, kể cả các quy định về bản chất, mục đích của Nhà nước, về trách nhiệm của cán bộ, công chức, về các chính sách chủ đạo của Nhà nước. Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân gắn với vai trò điều tiết của Nhà nước. Nhà nước thực hiện chính sách điều tiết thu nhập để bảo đảm công bằng xã hội, phân phối đối với những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh và phân phối lại qua các điều khoản về thuế.
Vai trò và trách nhiệm của Nhà nước cũng phải được giải quyết qua lăng kính mối quan hệ Nhà nước - xã hội dân sự. Trong mối quan hệ đó, các giai tầng xã hội luôn có sự cạnh tranh và đều có mong muốn tác động, gây ảnh hưởng đến các thiết chế chính trị. Vì vậy, vai trò điều hòa của Nhà nước ngày càng được chú trọng, nhất là trong bối cảnh xuất hiện phân hóa xã hội được xem như mặt trái của kinh tế thị trường.
ThS. Phạm Thị Yến
Đại học Công nghệ Đông Á