Toàn cảnh Tọa đàm
Tham dự Tọa đàm có TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; TS. Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp; đồng chí Trần Trung Kiên, Chánh Văn phòng Đoàn khối các cơ quan trung ương và đoàn viên, thanh niên các chi đoàn, đoàn cơ sở thuộc Bộ Tư pháp. Đồng chí Trịnh Xuân Tùng, Ủy viên Ban chấp hành Đoàn Khối, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp chủ trì Tọa đàm.
Với tham luận “Nhập môn về nghiên cứu khoa học pháp lý”, TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý đã chia sẻ toàn diện về nghiên cứu khoa học pháp lý. Nghiên cứu khoa học pháp lý không chỉ cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng các quy định pháp luật, mà còn nâng cao hiệu quả trong tổ chức thi hành pháp luật. Các nghiên cứu góp phần phát triển lý luận pháp lý, từ đó hoàn thiện hệ thống lý luận về Nhà nước và pháp luật. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế, việc phát triển khoa học pháp lý càng trở nên cấp thiết, mở ra nhiều cơ hội cho việc đổi mới phương pháp nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi các thành tựu nghiên cứu pháp lý vào thực tiễn. Hiện nay, có ba xu hướng chính trong lĩnh vực khoa học pháp lý; đó là, triết học pháp luật, nghiên cứu thực chứng về pháp luật và nghiên cứu luật học so sánh. Cụ thể: (i) Triết học pháp luật tập trung vào việc tìm hiểu bản chất của Nhà nước và pháp luật, cũng như mối quan hệ giữa pháp luật và công lý. Tại Việt Nam, xu hướng này chịu ảnh hưởng lớn từ tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, vốn chú trọng tới yếu tố cấu trúc giai cấp và đấu tranh giai cấp trong phân tích về Nhà nước và pháp luật. (ii) Nghiên cứu thực chứng về pháp luật tiếp cận pháp luật từ góc nhìn xã hội học và kinh tế học, tìm hiểu về tác động của pháp luật trong xã hội và mối tương tác giữa pháp luật với quá trình phân bổ nguồn lực. Các phương pháp định tính như phân tích tài liệu, phỏng vấn và các phương pháp định lượng như thống kê, phân tích số liệu đều được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu này. Trường phái kinh tế học pháp luật nhấn mạnh vai trò của pháp luật trong việc phân bổ nguồn lực một cách tối ưu trong xã hội. (iii) Nghiên cứu luật học so sánh tìm hiểu cách thức các hệ thống pháp luật quốc gia tương tác và học hỏi lẫn nhau, giải thích lý do vì sao một số quốc gia lại tiếp nhận pháp luật từ quốc gia khác, những yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công hoặc thất bại của quá trình tiếp nhận này.
TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý trình bày tham luận
Tại buổi Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Cương cũng đề cập điểm quan trọng trong nghiên cứu khoa học pháp lý đó là quy trình triển khai một đề tài hoặc dự án nghiên cứu. Quy trình này bao gồm các bước: chọn chủ đề; đánh giá tình hình nghiên cứu; làm rõ vấn đề nghiên cứu; xác định nguồn lực và điều kiện cần thiết cho nghiên cứu; lưu ý các khía cạnh đạo đức; chọn phương pháp nghiên cứu; thu thập dữ liệu; giải mã dữ liệu; đưa ra kết luận và chia sẻ tri thức mới. Việc tuân thủ quy trình này không chỉ giúp các nhà nghiên cứu pháp lý tiếp cận vấn đề một cách có hệ thống và khoa học, mà còn bảo đảm tính chính xác và đáng tin cậy của kết quả nghiên cứu.
Chia sẻ về kinh nghiệm ứng tuyển vào chương trình học bổng, chương trình đào tạo tiến sĩ trong và ngoài nước cho cán bộ trẻ, TS. Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp cho biết khi chuẩn bị ứng tuyển vào các chương trình học bổng hoặc chương trình đào tạo tiến sĩ, việc viết một bài nghiên cứu chất lượng không chỉ là điều kiện cần mà còn là cơ hội để các ứng viên thể hiện năng lực, tư duy khoa học của mình. Việc chuẩn bị bài nghiên cứu hoặc đề cương nghiên cứu là một trong những yếu tố quan trọng, giúp ứng viên gây ấn tượng với hội đồng xét duyệt. Bài nghiên cứu cần thể hiện rõ năng lực tư duy, khả năng giải quyết vấn đề và định hướng nghiên cứu của ứng viên trong lĩnh vực đã chọn. Ngoài hồ sơ học thuật, thư giới thiệu từ những người hướng dẫn hoặc các giáo sư có uy tín cũng là yếu tố quan trọng, bởi nó chứng minh sự tin tưởng và ghi nhận từ những chuyên gia trong lĩnh vực. Thêm vào đó, thư tự giới thiệu là cơ hội để ứng viên trình bày mục tiêu học tập, lý do chọn chương trình và kế hoạch dài hạn sau khi hoàn thành. Thư này cần thể hiện rõ đam mê và cam kết của ứng viên đối với lĩnh vực nghiên cứu, cũng như sự phù hợp với chương trình ứng tuyển. Sự chuẩn bị về tinh thần, sẵn sàng học hỏi và hòa nhập vào môi trường đa văn hóa cũng rất quan trọng. Một hồ sơ chuẩn bị tốt, kết hợp với sự quyết tâm và kế hoạch dài sẽ giúp các ứng viên tăng cơ hội thành công khi ứng tuyển vào các chương trình học bổng và chương trình đào tạo tiến sĩ danh giá.
TS. Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp chia sẻ tại Tọa đàm
Tại buổi Tọa đàm, các đoàn viên, thanh niên đã tích cực trao đổi, đặt câu hỏi cho các diễn giả về các vấn đề như kinh nghiệm nghiên cứu khoa học pháp lý, ứng dụng AI trong nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm viết bài nghiên cứu cho cán bộ trẻ ứng tuyển vào chương trình học bổng, chương trình tiến sĩ trong và ngoài nước...
Tọa đàm “Chia sẻ kỹ năng nghiên cứu khoa học pháp lý cho công chức, viên chức trẻ ngành Tư pháp” không chỉ cung cấp những kiến thức quan trọng về nghiên cứu khoa học pháp lý mà còn là diễn đàn đối thoại sôi nổi giữa các diễn giả và các đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp. Qua buổi Tọa đàm, các đoàn viên, thanh niên không chỉ được trang bị thêm kỹ năng, kiến thức để phát triển sự nghiệp mà còn được truyền động lực, cảm hứng trong việc tìm kiếm những cơ hội học tập, nghiên cứu tại môi trường quốc tế. Với những định hướng, kinh nghiệm quý báu được các chuyên gia chia sẻ, buổi Tọa đàm đã thực sự trở thành cầu nối giúp đoàn viên, thanh niên tự tin hơn trong hành trình chinh phục tri thức và góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý của đất nước.
Hoàng Trung