Toàn cảnh cuộc họp
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Vụ trưởng Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã báo cáo tình hình xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, ngày 24/3/2025, Bộ Tư pháp đã có công văn gửi Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội xin ý kiến về một số nội dung của dự thảo Nghị định đối với các nội dung gồm: Chương V (ngôn ngữ, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật); Phụ lục I (thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật; viết hoa trong văn bản quy phạm pháp luật); Phụ lục II (các mẫu văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ban hành) và phương án xử lý đối với Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 ngày 14/3/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Bên cạnh đó, Vụ cũng đã tiếp thu ý kiến góp ý, ý kiến thẩm định của Văn phòng Chính phủ chỉnh lý dự thảo Nghị định với 07 chương, 79 điều và 04 phụ lục.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Vụ trưởng Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phát biểu tại cuộc họp
Trao đổi tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận về khoản 3 Điều 2 dự thảo Nghị định, theo đó, các đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định về việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy, cần lược bỏ cụm từ “đăng tải trên cổng hoặc trang thông tin điện tử”, mặt khác, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu lại khoản này do chưa có sự thống nhất về nội dung.
Đối với quy định tại khoản 2 Điều 3 dự thảo Nghị định quy định về truyền thông chính sách, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu hợp nhất điểm b, điểm c khoản 2 thành một điểm, bỏ điểm d khoản 2 và một số cụm từ như “sự cần thiết” tại điểm a, “tác động đến xã hội, quyền, lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân” tại điểm c, “thấy cần thiết” tại điểm đ; khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị định nghiên cứu sửa đổi “cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm xây dựng các nội dung truyền thông theo quy định tại khoản 2 Điều này bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu để đăng tải trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan mình, Cổng Thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia và tổ chức truyền thông bằng các hình thức phù hợp” theo hướng bỏ “Cổng Thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia”; đồng thời nghiên cứu bỏ khoản 4 Điều 3 do nằm ngoài phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, rà soát, hoàn thiện ngôn ngữ kỹ thuật trình bày văn bản đối với dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình, cần nghiên cứu bổ sung các mốc thời gian cụ thể trong việc hoàn thành việc rà soát, hoàn thiện về ngôn ngữ, thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản đối với dự thảo văn bản.
Các đại biểu tham dự cuộc họp
Đối với quy định tại Điều 28 dự thảo Nghị định quy định về thẩm định dự thảo, cần minh bạch trách nhiệm của 05 cơ quan tham gia cuộc họp thẩm định gồm Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, bên cạnh đó, cần phải quy định cụ thể mốc thời gian gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản đến Bộ Tư pháp trong trường hợp thành viên Hội đồng thẩm định, người tham gia cuộc họp thẩm định không thể tham gia cuộc họp của Hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định thay vì quy định “trước khi kết thúc cuộc họp thẩm định”.
Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận một số nội dung khác có liên quan đến dự thảo Nghị định như: định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội; thẩm định chính sách trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; về việc Chính phủ thông qua chính sách và Chính phủ xem xét quyết định trình dự án luật, pháp lệnh của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình; về trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc thống nhất nội dung chính sách, dự án, dự thảo trước khi trình Chính phủ; về xem xét, thông qua dự thảo Nghị định …
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu kết luận cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại cuộc họp. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thùy Dung