Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có Báo cáo số 587/BC-CP về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15. Theo Báo cáo của Chính phủ, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Tổ Công tác) do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang là Tổ trưởng.
Việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã được tổ chức triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước, với sự tham gia của các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương cấp tỉnh, các tổ chức, hiệp hội có liên quan, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội.
Chính phủ đã tổ chức rà soát đối với các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật (trừ Hiến pháp) còn hiệu lực đến thời điểm rà soát (gồm cả các văn bản đã được ban hành nhưng đến thời điểm rà soát chưa có hiệu lực, các văn bản có dự thảo văn bản thay thế hoặc sửa đổi đang trình Quốc hội, Chính phủ nhưng chưa được thông qua hoặc ký ban hành).
Dự thảo Báo cáo của Chính phủ đã được lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội, các chuyên gia tại Hội nghị do Chính phủ và các cuộc họp do Bộ Tư pháp (Cơ quan thường trực Tổ công tác) tổ chức.
Trong đó, có 22 lĩnh vực trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá và các lĩnh vực khác đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân, doanh nghiệp kiến nghị.
Kết quả, tổng số văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan thực hiện rà soát là 523 văn bản gồm 66 luật, 02 pháp lệnh, 08 nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 167 nghị định, 63 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 217 văn bản do các cơ quan khác ở trung ương ban hành.
Phương án đề xuất xử lý sau rà soát văn bản quy phạm pháp luật còn chung chung.
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, qua rà soát, đã phát hiện nội dung được cho là mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc trong các luật, văn bản dưới luật có liên quan. Cụ thể, có 18 lĩnh vực trong 22 lĩnh vực trọng tâm được nêu tại Nghị quyết (đấu thầu, đấu giá, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính công, hợp tác công tư, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, doanh nghiệp, giám định, định giá) qua rà soát có quy định được cho là có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc; 04 lĩnh vực (gồm: xã hội hóa các dịch vụ công, ngân sách nhà nước, quy hoạch, trái phiếu) qua rà soát chưa phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc.
Việc tổ chức thực hiện rà soát vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Một số bộ, ngành, địa phương chậm gửi báo cáo kết quả rà soát, dẫn đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ rà soát chưa bám sát với thời hạn theo kế hoạch; việc phối hợp trong việc thực hiện rà soát, cho ý kiến đối với kết quả rà soát trong một số trường hợp còn chưa cụ thể dẫn đến khó tổng hợp, phân loại, đánh giá.
Các bộ, ngành, địa phương đã rà soát được số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm luật và văn bản dưới luật. Qua rà soát cho thấy, hệ thống pháp luật nói chung và các lĩnh vực pháp luật được xác định là trọng tâm theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 cơ bản đã thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng trong từng lĩnh vực; phần lớn văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thời gian qua.
Kết quả rà soát đã có những phát hiện bước đầu về những nội dung được cho là mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc; trong đó nhiều nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, đưa vào quy trình sửa đổi, bổ sung để trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định (như các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đấu giá tài sản...).
Kết quả rà soát cũng cho thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Sự trùng lặp với một số kết quả rà soát đã được thực hiện và báo cáo trước đây; nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập được phát hiện qua rà soát và phương án đề xuất xử lý sau rà soát còn chung chung; nội dung được nêu trong báo cáo rà soát của một số bộ, ngành, địa phương chưa chính xác; trong nhiều trường hợp, vấn đề được cho là vướng mắc, bất cập thực chất là do cách hiểu và áp dụng pháp luật, không phải do các quy định của pháp luật hoặc do quan điểm, chính sách quản lý nhà nước đối với vấn đề được điều chỉnh tại thời điểm ban hành.
Quy định của pháp luật trong phạm vi các lĩnh vực được rà soát vẫn tồn tại một số mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, chưa cụ thể; ngôn ngữ sử dụng trong một số văn bản chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu” theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.
Đề xuất các giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các văn bản dưới luật.
Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 tại phiên thảo luận tổ ngày 24/10, một số ý kiến phân tích nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trên là nhận thức về công tác rà soát văn bản nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật chưa được các bộ, cơ quan ngang bộ xác định là nhiệm vụ thường xuyên, chủ động thực hiện khi có căn cứ rà soát. Kết quả rà soát văn bản và một số nguyên nhân đã được chỉ ra tại các báo cáo rà soát trước đây chậm được các chủ thể có thẩm quyền xây dựng, ban hành văn bản xử lý, khắc phục triệt để. Một số vấn đề kinh tế - xã hội mới, phức tạp nảy sinh trong thực tiễn, nhưng pháp luật chưa kịp thời có quy định điều chỉnh phù hợp; trong khi nhận thức của chủ thể áp dụng pháp luật và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan, tổ chức liên quan trong tổ chức thi hành pháp luật một số trường hợp chưa bảo đảm liên thông, chặt chẽ, kịp thời.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao các cơ quan của Chính phủ đã nỗ lực tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và Ủy ban Pháp luật là đầu mối tổng hợp ý kiến thẩm tra các cơ quan của Quốc hội báo cáo kết quả rà soát đối với 22 lĩnh vực theo quy định tại Nghj quyết số 101/2023/QH15.
Việc tổ chức rà soát là quá trình được tiến hành theo quy trình mở, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo. Các cơ quan của Quốc hội cũng tổ chức làm việc với các bộ, ngành thuộc lĩnh vực quản lý về kết quả rà soát.
Trong tổng số 523 văn bản rà soát, đại biểu cho rằng, với kết quả rà soát của các cơ quan của Quốc hội có 174 văn bản có nội dung chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính hợp pháp, chưa đảm bảo tính thống nhất (chiếm 33% tổng số văn bản được rà soát) thuộc 23 luật; 85 nghị định; 1 Nghị quyết của Chính phủ; 2 Quyết định của Thủ tướng; 63 Thông tư.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh, việc phát hiện các văn bản có thực sự có vấn đề hay không, cần tiếp tục làm việc với các bộ ban ngành liên quan. Do vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, cho ý kiến đối với các nội dung do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đề xuất và thực hiện các giải pháp xử lý kết quả sau rà soát, khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư...) theo thẩm quyền và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh theo lộ trình cụ thể. Về phía cơ quan của Quốc hội, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị tăng cường hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện và đề xuất phương án khắc phục.
Đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang
Đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị làm rõ nguồn cung cấp thông tin rà soát và mở rộng nguồn rà soát văn bản. Đại biểu cho biết tại Phiên giải trình về thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán, vẫn còn 699 văn bản có kiến nghị nhưng vẫn chưa được sửa đổi; hay trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn 2016-2021 có tới trên 2.700 văn bản cần tiếp tục triển khai, hơn 360 văn bản chưa được triển khai khắc phục. Tuy nhiên, những nội dung này chưa được đưa vào báo cáo; hoặc có những văn bản đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa được cập nhật trong báo cáo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến nguồn từ hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan khác như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Mặt trận Tổ quốc…; việc thực hiện kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm trong các vụ án thấy rõ những lỗ hổng của pháp luật, cần được thống kê cập nhật xem xét xử lý sớm. Cùng với đó, tổng hợp ý kiến phản hồi báo cáo của các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện xem có vướng mắc, bất cập ở đâu để thống kê; Xem xét ý kiến từ hoạt động tiếp xúc cử tri về những vướng mắc liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật; Tổng hợp từ các khiếu nại, tố cáo để tổng hợp đầy đủ các ý kiến.
“Khi thống kê các vướng mắc, bất cập về văn bản quy phạm pháp luật, cần lưu ý thứ tự ưu tiên vấn đề quan trọng, có tác động lan tỏa về phạm vi, gây hậu quả nặng nề hoặc vấn đề liên quan đến tính mạng, sức khỏe người dân cần ưu tiên xem xét giải quyết sớm”, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị.
Lan Hương - Nghĩa Đức
(Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam)