Văn phòng công chứng có thể coi là “sản nghiệp” của công chứng viên, nên trong một số trường hợp văn phòng công chứng không còn trưởng văn phòng hoặc vì lý do nào đó mà các công chứng viên hợp danh không thể tiếp tục hành nghề công chứng, thì cần cho phép chuyển nhượng văn phòng công chứng để duy trì hoạt động cho văn phòng, tránh phải chấm dứt hoạt động, vì điều đó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa công chứng, việc chuyển nhượng văn phòng công chứng xảy ra như một nhu cầu tất yếu, dù Luật có điều chỉnh hay không thì vấn đề này vẫn đang diễn ra trong đời sống xã hội và được núp dưới nhiều hình thức khác nhau. Do vậy, yêu cầu bổ sung quy định về chuyển nhượng văn phòng công chứng trong dự án Luật Công chứng (sửa đổi) là cần thiết. Tuy nhiên, do văn phòng công chứng không phải là doanh nghiệp như những doanh nghiệp thông thường khác, nên chỉ trong một số trường hợp đặc biệt mới được chuyển nhượng và việc chuyển nhượng phải có sự quản lý của Nhà nước và trong khuôn khổ pháp luật theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, đảm bảo những yêu cầu nhất định.
Về vấn đề này, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 32 trang tháng 5/2014 đã có bài viết “Chuyển nhượng văn phòng công chứng – Xu thế tất yếu của quá trình xã hội hóa hoạt động công chứng” của tác giả Diễm Hằng. Bài viết bao gồm những nội dung chính như: Một số kết quả trong quá trình triển khai thi hành Luật Công chứng, một số yêu cầu của việc chuyển nhượng văn phòng công chứng và một số kiến nghị đề xuất về điều kiện của người nhận chuyển nhượng văn phòng công chứng.
Ngô Huyền