Cùng với nội dung toàn diện về chế độ pháp lý của các vùng biển, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (sau đây gọi tắt là Công ước Luật Biển năm 1982 hoặc Công ước) đã dành một số lượng khá lớn quy định về giải quyết tranh chấp. Với gần 100 điều khoản (gồm cả phần chính và bốn phần phụ lục), Công ước Luật Biển năm 1982 là cơ sở pháp lý đầu tiên, quan trọng và toàn diện nhất trong giải quyết các tranh chấp về luật biển nói chung và tranh chấp về đánh cá nói riêng. Cùng với những nguyên tắc, Công ước còn mang đến cho các bên rất nhiều lựa chọn trong khi tìm kiếm một hay nhiều phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với mình, từ hoà giải, trọng tài, đến toà án hay trọng tài đặc biệt. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, bốn phần phụ lục (Phụ lục (5) về hoà giải, Phụ lục (6) về Toà án quốc tế về luật biển, Phụ lục (7) về trọng tài và Phụ lục (8) về trọng tài đặc biệt) còn là những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cho từng loại phương thức.
Cùng với Công ước Luật Biển năm 1982, Hiệp định thực thi các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá di cư xa năm 1995 đã thiết lập một khung pháp lý trong việc bảo tồn và quản lý các loài cá di cư. Hiệp định cũng đã đưa ra một số quy định về việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế mà các quốc gia ven biển cũng như các quốc gia đánh cá tầm xa có nghĩa vụ phải tuân theo dựa trên cơ chế giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế về đánh cá theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982. Điều này có nghĩa là phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, toà án, sử dụng những tổ chức hoặc những điều ước khu vực, hoặc bằng các biện pháp hoà bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình và phù hợp với quy định của Hiệp định.
Hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế là nguyên tắc quan trọng nhất được ghi nhận trong bất kì một điều ước quốc tế nào, từ những điều ước song phương, khu vực đến những điều ước phổ cập toàn cầu. Điều 279 Công ước Luật Biển năm 1982 quy định: “Các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp xảy ra giữa họ về việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng phương pháp hòa bình theo đúng Điều (2), khoản (3) của Hiến chương Liên Hợp Quốc và vì mục đích này, cần phải tìm ra giải pháp bằng các phương pháp đã được nêu ở Điều 33, khoản 1 của Hiến chương”. Nguyên tắc này tiếp tục được khẳng định trong Công ước cũng như các điều ước quốc tế khác trong việc bảo tồn, quản lý tài nguyên biển. Chẳng hạn, Điều 27 Hiệp định năm 1995 quy định nghĩa vụ của các quốc gia phải giải quyết tranh chấp một cách hoà bình.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết tranh chấp, các quốc gia được quyền lựa chọn những biện pháp phù hợp với mình. Điều 280, Công ước Luật Biển năm 1982 quy định: “Không một quy định nào của phần này ảnh hưởng đến quyền của các quốc gia thành viên đi đến thỏa thuận giải quyết vào bất cứ lúc nào, bằng bất kỳ phương pháp hòa bình nào theo sự lựa chọn của mình một vụ tranh chấp xảy ra giữa họ về vấn đề giải thích hay áp dụng Công ước”. Công ước cũng như Hiệp định năm 1995 mặc dù liệt kê rất nhiều những biện pháp mà các bên có thể sử dụng, từ thương lượng, trung gian, hoà giải, Uỷ ban điều tra đến Toà án, Trọng tài hay giải quyết thông qua các tổ chức khu vực, nhưng đồng thời không hạn chế quyền của quốc gia được tìm đến những biện pháp khác, miễn sao đó là biện pháp hoà bình.
2. Phương thức giải quyết tranh chấp
Phần XV Công ước Luật Biển năm 1982 ghi nhận những phương thức giải quyết tranh chấp bao gồm thương lượng, hoà giải và giải quyết thông qua các cơ quan tài phán là Toà án và Trọng tài. Theo quy định tại Hiệp định năm 1995, những quy định tại Phần XV của Công ước sẽ được áp dụng để giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên về việc giải thích, áp dụng Hiệp định cũng như giải thích, áp dụng các thoả thuận nghề cá tiểu khu vực, khu vực hay toàn cầu liên quan đến các đàn cá lưỡng cư, di cư xa mà các bên là thành viên, bao gồm bất kỳ tranh chấp nào về bảo tồn, quản lý những đàn cá đó, không phụ thuộc vào việc các bên tranh chấp có phải thành viên của Công ước hay không. Bài viết này tập trung vào phương thức giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan tài phán là Tòa án và Trọng tài.
Trong trường hợp khi một vụ tranh chấp không thể giải quyết được bằng thương lượng hay hòa giải thì theo yêu cầu của một bên, tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua các cơ quan tài phán có thẩm quyền sau:
+ Toà án quốc tế về luật biển (sau đây gọi tắt là Toà luật biển);
+ Toà án công lý quốc tế Liên Hợp Quốc;
+ Toà trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII của Công ước;
+ Một tòa trọng tài đặc biệt giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực riêng biệt về nghề cá.
Khi ký hay phê chuẩn Công ước hoặc tham gia Công ước, hay ở bất kỳ thời điểm nào sau đó, một quốc gia được quyền tự do lựa chọn, hình thức tuyên bố bằng văn bản, một hay nhiều biện pháp đã nêu trên. Tương tự, một quốc gia thành viên của Hiệp định nhưng không tham gia Công ước, khi ký, thông qua hay gia nhập Hiệp định hay ở bất kỳ thời điểm nào sau đó, được quyền tự do lựa chọn một hay nhiều biện pháp đã nêu trên dưới hình thức tuyên bố bằng văn bản. Nếu các bên tranh chấp đã chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp, thì vụ tranh chấp đó chỉ có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục đó, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Nếu các bên tranh chấp không chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp, thì vụ tranh chấp đó chỉ có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục trọng tài đã được trù định ở Phụ lục VII, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
2.1. Toà án quốc tế về luật biển
Toà án quốc tế về luật biển được thành lập ngày 1/8/1996, có trụ sở tại Hămbuốc – Đức. Cơ sở pháp lý cho hoạt động của toà được ghi nhận tại Phụ lục 6 về Quy chế của Toà án quốc tế về luật biển (kèm theo Công ước Luật Biển năm 1982) và Nội quy của Toà án quốc tế về luật biển, thông qua ngày 28/10/1997 và được sửa đổi, bổ sung ngày 15/3 và ngày 21/9/2001.
Toà án quốc tế về luật biển (sau đây gọi tắt là Toà) gồm 21 thẩm phán độc lập, được tuyển chọn trong số các cá nhân có uy tín về công bằng và liêm khiết, có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực luật biển, được bầu theo hình thức bỏ phiếu kín tại một hội nghị của các thành viên Công ước với nhiệm kỳ của các thẩm phán là 9 năm và có thể tái đắc cử, sau 3 năm sẽ tiến hành bầu lại 1/3. Ngoài các thẩm phán, cơ cấu tổ chức của toà còn gồm Ban thư ký, Viện giải quyết các tranh chấp đặc biệt và các thành phần khác.
Toà không có thẩm quyền đương nhiên. Căn cứ vào các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 và Quy chế của toà, các bên tranh chấp có thể chấp nhận thẩm quyền của Toà theo các cách thức: Chấp nhận trước thẩm quyền của Toà trong các điều ước quốc tế, chấp nhận bằng tuyên bố đơn phương hoặc chấp nhận theo từng vụ việc.
Thẩm quyền của Toà được quy định tại Điều 288, Điều 297, Phụ lục VI của Công ước và các Điều 21, Điều 22 Quy chế của Toà án quốc tế về luật biển. Theo đó, đối với các tranh chấp về đánh cá, Toà có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên của Công ước về việc giải thích và áp dụng Công ước trong việc thực hiện quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán của quốc gia ven biển liên quan đến việc đánh bắt hải sản, trừ khi quốc gia ven biển không chịu chấp nhận cách giải quyết như vậy về một vụ tranh chấp liên quan đến các quyền thuộc chủ quyền của mình đối với các tài nguyên sinh vật thuộc vùng đặc quyền về kinh tế của mình, hay liên quan đến việc thi hành các quyền này, kể cả quyền tùy ý quy định khối lượng đánh bắt có thể chấp nhận được và khả năng đánh bắt của mình, phân phối số dư ra giữa các quốc gia khác, quyết định các thể thức, điều kiện đặt ra trong các luật và quy định của mình về bảo vệ và quản lý. Ngoài ra, Toà sẽ có thẩm quyền giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến việc giải thích, áp dụng một hiệp ước hay công ước đã có hiệu lực liên quan đến các vấn đề về khai thác, bảo tồn, quản lý tài nguyên biển được đề cập trong Công ước khi được tất cả các bên chấp nhận thẩm quyền của Toà.
Trình tự tố tụng của Toà luật biển bao gồm giai đoạn xem xét thẩm quyền của Tòa và giai đoạn xét xử nội dung. Giai đoạn xét xử nội dung của vụ việc được thực hiện thông qua 2 thủ tục là thủ tục viết và thủ tục nói. Trong thủ tục viết, các bên hoàn thành và trao đổi bản bị vong lục và bản phản bị vong lục về lập luận của từng bên, lý lẽ buộc tội hay bào chữa. Thủ tục nói sẽ do Toà quyết định thời gian và địa điểm có tính đến yêu cầu của các bên và thời gian biểu của Toà. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, thủ tục tố tụng sẽ được tiến hành theo các bước sau:
+ Các bên nộp đơn kiện ra Toà, cử đại diện liên lạc;
+ Toà tiến hành xác định thẩm quyền của toà và có thể tiến hành các thủ tục bổ trợ khác cho thủ tục chính xét xử về nội dung như quyết định áp dụng các biện pháp tạm thời theo yêu cầu của các bên để bảo vệ quyền của mỗi bên trong trường hợp cần thiết; hợp nhất các vụ kiện có tranh chấp chung; xem xét việc tham gia của bên thứ ba...
+ Toà tiến hành xét xử về nội dung;
+ Toà nghị án và đưa ra quyết định cuối cùng.
Thành phần tối thiểu của mỗi phiên xét xử theo thủ tục thông thường là 11 thẩm phán (trừ trường hợp các phiên xét xử của Viện giải quyết các tranh chấp liên quan đến đáy biển và các Viện xét xử theo thủ tục đặc biệt hoặc rút gọn). Trong trường hợp một trong các bên tranh chấp có thẩm phán được bầu mang quốc tịch nước mình, thì thẩm phán đó vẫn có quyền được ngồi xét xử, nhưng bên kia có quyền chỉ định một thành viên của mình tham gia hội đồng xét xử. Nếu các bên tranh chấp không có thành viên nào mang quốc tịch nước mình, thì mỗi bên được chỉ định một thành viên tham gia hội đồng xét xử. Trong một số trường hợp đặc biệt, nếu thấy cần thiết, Tòa có thể thành lập các viện đặc biệt, gồm ít nhất 3 thẩm phán để xét xử những vụ kiện nhất định. Nhằm giải quyết nhanh các vụ kiện, mỗi năm, Toà lập ra một viện gồm 5 thẩm phán để xét xử theo thủ tục rút gọn.
Phiên toà được mở công khai, trừ khi các bên yêu cầu xử kín. Toà ra quyết định theo đa số các thành viên có mặt. Nếu số phiếu thuận và phiếu chống ngang nhau thì lá phiếu của chánh án hoặc người thay chánh án chủ toạ phiên toà có giá trị quyết định.
Phán quyết của Tòa có giá trị chung thẩm và bắt buộc đối với các bên tranh chấp. Trong trường hợp có sự tranh cãi về ý nghĩa và phạm vi của phán quyết thì Toà có trách nhiệm giải thích theo yêu cầu của bất kỳ bên nào. Trong trường hợp một quốc gia thành viên cho rằng, quyền lợi của mình bị ảnh hưởng thì có quyền tham gia vụ kiện, nếu được chấp thuận thì phán quyết của Toà có giá trị đối với cả bên đó.
2.2. Toà án công lý quốc tế Liên Hợp Quốc (ICJ)
Tòa án công lý của Liên Hợp Quốc (International Court of Justice - viết tắt tiếng Anh là ICJ) là một trong sáu cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, tiền thân là Pháp viện thường trực quốc tế. Tòa án công lý của Liên Hợp Quốc (Toà) chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 6/2/1946. Toà hoạt động dựa trên những cơ sở pháp lý là Hiến chương Liên Hợp Quốc, Nội quy của Toà và Quy chế của Toà.
Tòa bao gồm 15 thẩm phán, do Đại hội đồng và Hội đồng bảo an đề cử và bầu căn cứ vào năng lực cá nhân, quốc tịch, tương quan vị trí địa lý và hệ thống pháp luật trên thế giới với nhiệm kỳ 9 năm, cứ 3 năm thì lại bầu lại 1/3 tổng số các thẩm phán. Ngoài các thẩm phán, thành phần của ICJ còn bao gồm Ban thư ký và các thẩm phán vụ việc.
ICJ có chức năng giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia là thành viên của Liên Hợp Quốc hoặc các quốc gia không phải là thành viên của Liên Hợp Quốc nhưng chấp nhận Quy chế của Tòa. Tuy nhiên, Toà không có thẩm quyền đương nhiên. ICJ chỉ có thẩm quyền khi tất cả các bên tranh chấp chấp nhận thẩm quyền của Toà theo một trong ba cách thức đơn phương chấp nhận trước thẩm quyền của Toà, chấp nhận trước thẩm quyền theo các điều ước quốc tế và chấp nhận theo từng vụ việc.
Tương tự Toà án quốc tế về luật biển, trình tự tố tụng của ICJ bao gồm giai đoạn xem xét thẩm quyền của Tòa và giai đoạn xét xử nội dung. Giai đoạn xét xử nội dung vụ việc được thực hiện thông qua 2 thủ tục. ở thủ tục viết, các bên hoàn thành và trao đổi bàn bị vong lục và bản phản bị vong lục về lập luận của từng bên, lý lẽ buộc tội hay bào chữa. Tại thủ tục nói, Toà nghe các nhân chứng, luật sư, người đại diện các bên trình bày quan điểm, lập luận của mình. Thời gian và địa điểm do Tòa quyết định, có tính đến yêu cầu của các bên và thời gian biểu của Toà. Khi các bên trình bày xong, Toà sẽ thảo luận và ra quyết định. Phán quyết của Toà được thông qua theo nguyên tắc đa số, trong trường hợp số phiếu thuận và phiếu chống ngang nhau thì lá phiếu của chánh án hoặc thẩm phán thay thế chánh án chủ toạ phiên xét xử sẽ có giá trị quyết định.
Thành phần tối thiểu của mỗi phiên tòa là 9 thẩm phán (có thể bao gồm thẩm phán vụ việc). Trong một số trường hợp đặc biệt Tòa có thể thành lập các toà đặc thù như Toà rút gọn trình tự tố tụng gồm 5 thẩm phán (chánh án, phó chánh án và ba thẩm phán); Toà đặc biệt gồm 3 thẩm phán hoặc nhiều hơn; Toà rút gọn thành phần hay toà vụ việc với từng vụ việc có thành phần theo sự chấp thuận của các bên.
Phán quyết của Tòa có giá trị chung thẩm và bắt buộc đối với các bên tranh chấp. Nếu một trong các bên không thi hành thì các bên còn lại có quyền yêu cầu Hội đồng bảo an can thiệp và cưỡng chế thi hành. Trong trường hợp các bên bất đồng trong việc giải thích và thực hiện phán quyết thì có thể yêu cầu Toà giải thích hoặc sửa đổi phán quyết. Toà xem xét và có thể chấp thuận hoặc từ chối yêu cầu này.
2.3. Trọng tài
Bất kỳ bên nào trong một vụ tranh chấp đều có thể đưa vụ tranh chấp ra giải quyết bằng thủ tục trọng tài đã trù định trong phụ lục. Thủ tục trọng tài sẽ được bắt đầu bằng một thông báo viết gửi tới bên kia hoặc hoặc các bên khác trong vụ tranh chấp, trong đó, kèm theo bản trình bày các yêu sách và các lý do làm căn cứ cho các yêu sách đó.
Trừ khi các bên liên quan có thoả thuận khác, Hội đồng trọng tài được thành lập gồm có năm trọng tài viên. Mỗi bên có quyền cử một trọng tài viên trong danh sách trọng tài viên do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lập ra, ba thành viên còn lại sẽ do các bên thoả thuận cử ra trong danh sách, trong đó sẽ có một trọng tài viên được cử làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
Trừ khi các bên có thoả thuận khác, Toà trọng tài tự quy định thủ tục của mình. Các quyết định của Hội đồng trọng tài được thông qua theo đa số các thành viên của Hội đồng. Sự vắng mặt hoặc bỏ phiếu trắng của dưới một nửa số thành viên không cản trở Hội đồng ra quyết định. Trong trường hợp số phiếu ngang nhau, lá phiếu của Chủ tịch Hội đồng là lá phiếu quyết định. Phán quyết của Hội đồng trọng tài là chung thẩm và có giá trị bắt buộc với các bên. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành phán quyết, nếu có bất đồng liên quan đến việc giải thích hay thi hành phán quyết, các bên có thể đưa ra trước toà để toà đã ra phán quyết quyết định.
2.4. Trọng tài đặc biệt
Các bên trong vụ tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng các điều khoản của Công ước về việc đánh bắt hải sản có thể đưa vụ tranh chấp ra giải quyết theo thủ tục trọng tài đặc biệt được trù định trong phụ lục bằng thông báo viết gửi tới bên kia hoặc các bên kia trong vụ tranh chấp; thông báo có kèm theo bản trình bày các yêu sách và các căn cứ của các yêu sách đó.
Trừ khi các bên có thoả thuận khác, Toà trọng tài đặc biệt hay Hội đồng trọng tài (tiếng Anh là special arbitral tribunal) gồm năm thành viên. Mỗi bên được cử hai thành viên từ danh sách các chuyên viên được lập ra cho lĩnh vực đánh bắt hải sản. Bốn thành viên này sẽ thoả thuận và cử ra người thứ năm từ danh sách làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
Các bên của một vụ tranh chấp có thể thoả thuận yêu cầu Toà trọng tài đặc biệt tiến hành một cuộc điều tra và xác lập các sự kiện từ nguồn gốc của vụ tranh chấp. Ngoài ra, nếu tất cả các bên trong vụ tranh chấp yêu cầu thì Toà trọng tài đặc biệt có thể đưa ra các khuyến nghị làm cơ sở để các bên tiến hành xem xét lại những vấn đề làm phát sinh ra tranh chấp.
Trừ khi các bên có thoả thuận khác, Toà trọng tài đặc biệt tự quy định thủ tục của mình. Các quyết định của Hội đồng trọng tài được thông qua theo đa số các thành viên của Hội đồng trọng tài. Sự vắng mặt hoặc bỏ phiếu trắng của dưới một nửa số thành viên không cản trở Hội đồng trọng tài ra quyết định. Trong trường hợp số phiếu ngang nhau, lá phiếu của Chủ tịch Hội đồng trọng tài là lá phiếu quyết định. Phán quyết của Hội đồng trọng tài là chung thẩm và có giá trị bắt buộc với các bên. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành phán quyết, nếu có bất đồng liên quan đến việc giải thích hay thi hành phán quyết, các bên có thể đưa ra trước toà để toà đã ra phán quyết quyết định.
Có thể nói, hệ thống các quy định của luật quốc tế hiện hành đã và đang điều chỉnh khá toàn diện những hoạt động khai thác cá trên biển. Tất cả phản ánh những nỗ lực rất lớn của cộng đồng quốc tế trong việc bảo tồn, quản lý nguồn tài nguyên quý giá này. Mặc dù vẫn còn những “khoảng trống” nhưng không thể phủ nhận những nguyên tắc, những quy phạm này đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh những hoạt động khai thác, sử dụng biển nhằm hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững của con người.
3. Việt Nam với việc giải quyết tranh chấp đánh cá trên biển
Như trên đã đề cập, Công ước Luật Biển năm 1982 - được coi là Hiến pháp của thế giới về biển - là cơ sở pháp lý quan trọng mang tầm quốc tế, là thành quả lâu dài của cuộc đấu tranh, thương lượng, đàm phán, ký kết của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một trong số 107 quốc gia đã sớm tham gia ký Công ước, Điểm 1, 2 của Nghị quyết của Quốc hội ngày 23/6/1994 nêu rõ:
(1). Phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
2. Bằng việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”.
Khi tham gia Công ước Luật Biển năm 1982, là quốc gia ven biển, Việt Nam được quốc tế thừa nhận các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như các quyền và lợi ích chính đáng của nước ta trên biển, có vùng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý và có thể mở rộng tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Công ước cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tiến hành phân định các vùng biển chồng lấn với các quốc gia ven Biển Đông, như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia,… Cụ thể: Năm 1997, Việt Nam và Thái Lan đã ký Hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Thái Lan; Năm 2000, Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ; Năm 2003, Việt Nam và Indonesia ký Hiệp định phân định thềm lục địa của hai nước ở phía Nam Biển Đông (PGS.TS.LS. Nguyễn Bá Diến, Báo Tiền Phong Online ngày 10/12/2012).
Việc Việt Nam gia nhập Công ước Luật Biển năm 1982 đã góp phần tạo dựng sự hiểu biết, tin cậy, tạo môi trường ổn định, hoà bình, hợp tác và phát triển trong Biển Đông. Đồng thời, Công ước còn là cơ chế hữu hiệu giúp các quốc gia giải quyết tranh chấp phát sinh trên biển, trong đó có tranh chấp về đánh cá. Trên cơ sở vận dụng linh hoạt các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất đưa ra một giải pháp dàn xếp tạm thời, xoa dịu tranh chấp đó là khai thác chung nghề cá. Hai bên đã ký Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ vào ngày 25/12/2000. Theo đó, Việt Nam và Trung Quốc sẽ “tiến hành hợp tác nghề cá trong vùng nước Hiệp định trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nhau. Việc hợp tác nghề cá này không ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh hải của mỗi nước và các quyền lợi khác mà mỗi bên ký kết được hưởng trong vùng đặc quyền kinh tế của mình”.
Ngày 21/6/2012 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Với sự ra đời của Luật Biển, chúng ta đã thiết lập một cơ chế pháp lý bao gồm các quy định của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam phù hợp với nội dung của Công ước Luật Biển năm 1982. Luật Biển Việt Nam tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thống nhất quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở biển, phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta.
Trong tình hình Biển Đông đang có những diễn biến khá phức tạp, Đảng và Nhà nước ta đã, đang và sẽ tiếp tục xuất phát từ quan điểm tôn trọng và tuân thủ các quy định của Công ước, vận dụng Công ước để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như tôn trọng lợi ích của các nước liên quan và yêu cầu, kêu gọi các nước khác có liên quan cũng cần có thái độ tôn trọng và tuân thủ Công ước nói trên.
Lịch sử ngàn năm của đất nước chúng ta luôn gắn liền với lịch sử của một quốc gia biển, gắn với biển để sinh tồn và phát triển. Đánh cá trên biển là một nghề truyền thống lâu đời của bao thế hệ nhân dân sinh sống tại các vùng biển Việt Nam. Trong quá khứ cũng như trong hiện tại, đã có nhiều trường hợp va chạm, tranh chấp quốc tế về đánh cá trên biển và trong tình hình phức tạp hiện nay có thể sẽ phát sinh tranh chấp quốc tế về đánh cá trên biển. Giải quyết tranh chấp về đánh cá trên biển đòi hỏi phải vận dụng một cách linh hoạt các giải pháp từ thương lượng, đàm phán, trung gian, hoà giải, trọng tài, toà án trên cơ sở vận dụng các quy định của luật pháp quốc gia hài hoà với khu vực. (Ví dụ: Các cam kết theo Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông) hoặc luật pháp quốc tế (Công ước Luật Biển năm 1982).
Tại kỳ họp của ủy ban Nghề cá Châu á - Thái Bình Dương (APFIC) lần thứ 32 từ ngày 20 đến ngày 22/9/2012, với sự tham dự của 40 đại biểu cấp cao là đại diện của các nước thành viên APFIC và các tổ chức nghề cá trong khu vực, trước các câu hỏi của báo chí về những căng thẳng trên khu vực Biển Đông hiện nay ảnh hưởng đến nghề cá, ông Siman Funge Smith, Tổng Thư ký ủy ban Nghề cá Châu á - Thái Bình Dương cho rằng, vấn đề Biển Đông là vấn đề lịch sử lâu dài, trong tương lai gần chưa thể giải quyết được ngay. Ông Siman Funge Smith còn cho rằng: “Với tư cách là một cơ quan, một tổ chức của Liên Hợp Quốc, chúng tôi cũng rất lo ngại về những tranh chấp lãnh thổ cũng như lãnh hải hiện nay trong khu vực Biển Đông giữa nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên đối với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) hay ủy ban Nghề cá Châu á - Thái Bình Dương là những cơ quan quản lý nghề cá thủy sản, chúng tôi nghĩ rằng, sau khi những tranh chấp này được giải quyết, chúng ta mới phát triển được nghề cá một cách bền vững. Bởi khai thác nghề cá bền vững có tương tác lớn với vấn đề chủ quyền lãnh hải”.
Hiện nay, do tranh chấp mà các nước liên quan đều đang tìm cách tăng cường sự hiện diện tàu cá của mình trong khu vực và điều này làm ảnh hưởng tới sự bền vững của nguồn lợi” (Xuân Trang, Báo Dân Việt ngày 21/09/2012).
“Kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng sức mạnh tổng hợp; kiên trì giải quyết tranh chấp Biển Đông và các vấn đề nảy sinh trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982, Việt Nam đã và đang thể hiện là một thành viên có trách nhiệm của Công ước, tích cực vận dụng Công ước nhằm thiết lập một trật tự pháp lý công bằng, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia” (Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao)
Tài liệu tham khảo
(1). Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
(2). Hiến chương Liên Hợp Quốc.
(3). Hiệp định năm 1995 về quản lý, bảo tồn các đàn cá di cư xa.
(4). Quy chế Tòa án quốc tế.
(5). Quy chế Tòa án quốc tế về Luật Biển.
(6). Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
(7). PGS.TS.LS. Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Luật Biển & Hàng hải Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội - Trả lời phỏng vấn Báo Tiền Phong Online ngày 10/12/2012.
(8). Xuân Trang, Tranh chấp Biển Đông làm ảnh hưởng nghề cá, Dân Việt, (Báo Điện tử của Nông thôn Ngày nay), 21/09/2012.
(9). “30 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 - Hiến pháp về đại dương”, - Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao, TTXVN ngày 10/12/2012.
Nguyễn Thị Hà