Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là “một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng”, do vậy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật cho cán bộ, nhân dân và góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật do thiếu kiến thức về pháp luật. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp năm 2018. Để triển khai kịp thời, hiệu quả và đồng bộ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình đã thường xuyên, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật; các bộ luật, luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua. Chính vì vậy, trong thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Trong 06 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức gần 3.500 hội nghị cho trên 278.000 lượt người; tổ chức 145 cuộc thi với hơn 160.000 lượt người tham gia; in ấn, phát hành hơn 100.000 tài liệu; thực hiện hơn 5.700 lần phát sóng chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trên đài truyền thanh xã và tuyên truyền gần 5.800 tin, bài trên phương tiện thông tin đại chúng… Nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật tập trung vào các quy định pháp luật mới của trung ương và địa phương, các quy định về đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, cải cách hành chính, khởi nghiệp… và các quy định liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp.
Điểm đáng chú ý là, với phương châm hướng về cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng đặc thù, Sở Tư pháp - cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo duc pháp luật tỉnh đã tổ chức tổ chức 08 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh...; 03 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật theo chương trình khung của Bộ Tư pháp về hoà giải cơ sở; phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 10 lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên, 04 lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho công chức tư pháp - hộ tịch và cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, 08 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân tại các địa bàn trọng điểm với 800 người tham dự.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh của tỉnh tổ chức 14 lớp tập huấn nghiệp vụ kỹ năng, kiến thức pháp luật, trong đó, tổ chức 03 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho Ban Chủ nhiệm các câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, phụ nữ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hội viên Hội liên hiệp Phụ nữ của tỉnh; tổ chức 03 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho Ban Chủ nhiệm các câu lạc bộ nông dân với pháp luật, nông dân làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật và hội viên Hội Nông dân tỉnh; tổ chức 03 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh của tỉnh, cựu chiến binh làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hội viên Hội Cựu chiến binh của tỉnh; tổ chức 04 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho thành viên Ban Công tác Mặt trận khu dân cư.
Hiện nay, để thực hiện Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 12/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình về tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012 - 2016”, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Sở Tư pháp đã tổ chức 09 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp tại các địa bàn trọng điểm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, qua đó, giúp người dân hiểu hơn các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hôn nhân và gia đình, chuẩn tiếp cận pháp luật; về khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và những quy định pháp luật khác. Trong đó, nổi bật là Cuộc thi tìm hiểu pháp luật qua Trang thông điện tử Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình, cuộc thi diễn ra theo từng đợt (mỗi đợt 01 tháng). Đây là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý rộng lớn trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian vừa qua, việc triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã bám sát với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã đẩy mạnh triển khai nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới và xét công nhận nông thôn mới. Sở Tư pháp đã tích cực, chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật đã tổ chức trong 06 tháng đầu năm, Sở Tư pháp đều triển khai hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, qua đó, góp phần không nhỏ vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đã phát huy vai trò tư vấn, hướng dẫn, định hướng triển khai và đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị - xã hội trong thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hàng tháng, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương về nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của mỗi tháng. Cùng với đó, nhằm phát huy hiệu quả của hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, Sở Tư pháp đã biên soạn, thu âm các quy định của pháp luật rồi chuyển tải về Ủy ban nhân dân cấp huyện để phát trên hệ thống loa truyền thanh của các đơn vị cấp xã.
Ngay sau khi Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành, Sở Tư pháp cũng đã tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 3904/QĐ-UBND ngày 30/10/2017 về kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh. Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở đang tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và đề nghị các huyện, thành phố tiến hành rà soát, kiện toàn và đề ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện trong thời gian tới. Cùng với đó, việc kiện toàn, củng cố các tổ hòa giải luôn được quan tâm, đến nay toàn tỉnh có 1.348 tổ hoà giải với 9.006 tổ viên. Trong 06 tháng đầu năm 2018, các tổ hòa giải đã thụ lý 858 vụ việc, hòa giải thành 689 vụ việc, hòa giải không thành 131 vụ việc, số vụ việc chưa giải quyết xong là 56 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,3%.
Ngoài ra, công tác quản lý, khai thác tủ sách pháp luật đã được thực hiện có nền nếp. Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.375 tủ sách pháp luật, trong đó, có 820 tủ sách ở xã, phường, thị trấn và 1.555 tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, bao gồm cả thư viện. Số lượng đầu sách của mỗi tủ sách từ 30 đến 700 cuốn (các thư viện từ 1.000 đến 40.000 cuốn). Tủ sách pháp luật đều được bổ sung từ 10 đến 3.000 cuốn/tủ/thư viện. Nhìn chung, các tủ sách đều có tương đối đầy đủ các loại tài liệu theo quy định Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tủ sách pháp luật đã được một số cơ quan, đơn vị thực hiện. Đối tượng khai thác chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.
Có thể nói, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, phù hợp với từng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm. Để tiếp tục đạt được những kết quả tốt trong thời gian tới, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Các ngành, các cấp và các thành viên của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, của các ban chỉ đạo về phổ biến, giáo dục pháp luật cần tiếp tục chỉ đạo, phổ biến, quán triệt các văn bản của trung ương, của tỉnh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân.
- Tiếp tục tổ chức các hoạt động “Ngày pháp luật”, triển khai công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đa dạng hình thức để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao hơn.
- Chú trọng xây dựng đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bởi đây là đội ngũ có vai trò quyết định chất lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, phải đặc biệt chú trọng việc rà soát, phân loại, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và định hướng nội dung giáo dục pháp luật thường xuyên cho đội ngũ làm công tác giáo dục pháp luật.
- Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và các cơ quan, đơn vị phải tập trung xây dựng kế hoạch hành động; thực hiện tốt việc kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tiếp tục đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tiếp tục phát huy tốt chức năng là cơ quan thường trực, tích cực tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và các ban chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kinh phí phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, các ban chỉ đạo cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực để triển khai có hiệu quả hơn công tác này trong thời gian tới. Ngoài ra, để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thì một yếu tố không kém phần quan trọng nữa là các cấp, các ngành cần dành một khoản kinh phí thỏa đáng để phục vụ hiệu quả cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình