Những kết quả đạt được
Để thực hiện Chương trình trọng tâm công tác thi hành án dân sự năm 2018 của Bộ Tư pháp và Quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ của Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quán triệt và triển khai kịp thời, đồng bộ tất cả các mặt công tác đến các phòng chuyên môn, Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc. Được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự; sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành và đặc biệt là sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu của cán bộ công chức, chấp hành viên toàn ngành, năm 2018 các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, trong đó, hoàn thành và vượt quá 02 chỉ tiêu về việc và tiền. Kết quả một số mặt công tác cụ thể:
Về việc triển khai thi hành Luật Thi hành án dân sự sửa đổi: Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục triển khai thi hành Luật và các văn bản hướng dẫn bằng nhiều hình thức khác nhau như: Phát tờ rơi tại Bộ phận một cửa và hỗ trợ trực tuyến, thông qua công tác tiếp dân, giải thích pháp luật, cử 01 đồng chí Lãnh đạo Cục tham gia thành viên Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh; triển khai đến các phòng chuyên môn, Chi cục văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, phổ biến đến người dân thông qua tổ chức thi hành án; kịp thời tổng hợp, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình áp dụng do các đơn vị phản ánh, từ đó cho ý kiến chỉ đạo hoặc xin ý kiến nghiệp vụ của Tổng cục Thi hành án dân sự; phối hợp với cơ quan liên quan trong việc áp dụng các văn bản pháp luật.
Về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo: (i) Công tác tiếp dân: Cơ quan thi hành án dân sự trong toàn tỉnh nghiêm túc thực hiện Luật Tiếp công dân và Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo; các cơ quan thi hành án dân sự địa phương tiếp tục quan tâm, chú trọng đối với công tác tiếp công dân, trong đó Cục và các Chi cục có bố trí phòng tiếp dân, lịch tiếp dân của Lãnh đạo và cán bộ tiếp dân, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc tiếp công dân theo định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu; (ii) Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo: Đến hết tháng 9/2018, tổng số đơn tiếp nhận là 105 đơn/99 việc khiếu nại, trong đó Cục tiếp nhận 67 đơn/61 việc (chuyển cơ quan khác 50 việc), các Chi cục trực tiếp giải quyết 33 việc. Từ ngày 01/6/2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và 08 Chi cục đã thực hiện việc hỗ trợ trực tuyến thủ tục khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự qua hộp thư điện tử công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục; đồng thời, thực hiện việc công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị tiêu cực trong công tác thi hành án dân sự.
Công tác thi hành án hành chính: Triển khai các quy định về theo dõi thi hành án hành chính, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật như đăng tải các quyết định buộc thi hành án hành chính, phân công chấp hành viên theo dõi và làm việc với người phải thi hành án, thường xuyên đôn đốc bằng văn bản về tiến độ thực hiện thi hành án hành chính, lập bảng theo dõi và cập nhật tiến độ thi hành. Tính đến hết ngày 30/9/2018, có 27 việc có nội dung theo dõi, trong đó đã thi hành xong 15 việc, trong 12 việc chưa thi hành xong có 08 việc đã quyết định buộc thi hành án hành chính.
Về phối hợp trong thi hành án dân sự: Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã chủ trì ban hành quy chế phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Công an tỉnh. Việc ban hành quy chế và kết quả thực hiện đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp. Ngoài ra, các cơ quan thi hành án dân sự đã phối hợp tốt với trại giam trong việc xác minh điều kiện thi hành án của người đang chấp hành án phạt tù, bố trí công chức thu tiền do người dân nộp thay, xác nhận kết quả thi hành án theo quy định, từ đó xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đặc xá theo quy định; phối hợp với ngân hàng trong việc giải quyết việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Trên thực tế, chính sự chủ động của chấp hành viên đã làm cho công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan khác hiệu quả hơn.
Về tình hình thực hiện một số chỉ tiêu khác: (i) Các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh bảo đảm ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật; (ii) Bám sát các tiêu chí để bảo đảm chính xác, đúng pháp luật trong việc xác minh, phân loại án dân sự có điều kiện thi hành án và chưa có điều kiện thi hành; (iii) Trong quá trình kiểm tra định kỳ và tự kiểm tra các đơn vị đã cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án.
Ngoài ra, công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, công tác kiểm tra và các công tác khác đều được các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm minh, kịp thời, tuân theo pháp luật.
Khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định như: (i) Số lượng thụ lý việc thi hành án ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp; (ii) Nhiều vụ việc liên quan đến tài sản là đất đai khó xử lý do hiện trạng sử dụng đất đã thay đổi qua nhiều chủ sử dụng; có trường hợp, ngân hàng không giao bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài liệu liên quan để cơ quan thi hành án thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản; việc đo, vẽ, tách thửa, khôi phục mốc giới mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả giải quyết việc thi hành án; khi xử lý tài sản thế chấp, ưu tiên các khoản thu cho ngân hàng (thường là không đủ để trả nợ gốc và lãi phát sinh), do vậy thuế thu nhập cá nhân từ việc chuyển nhượng tài sản không thu được, dẫn đến không sang tên được cho người mua trúng thầu đấu giá; (iii) Ngoài ra, việc không thu được các khoản án phí dẫn đến lượng án tồn đọng nhiều; các tổ chức tín dụng không thẩm định kỹ tài sản thế chấp dẫn đến khi cơ quan thi hành án dân sự kê biên, xử lý thì phát sinh tranh chấp; nhiều vụ việc trả lại tiền, tài sản có giá trị thấp đương sự không đến nhận; xử lý xong tài sản thế chấp không đủ thanh toán hết nợ cho tổ chức tín dụng, số tiền còn lại ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án...
Nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn, vướng mắc nêu trên là: (i) Về chủ quan: Trong quá trình tổ chức thi hành án còn một số hạn chế như xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức cưỡng chế, ủy thác thi hành án và xử lý, tiêu hủy vật chứng còn chậm; chấp hành viên chưa chủ động bố trí, sắp xếp công việc phù hợp, khoa học trong điều kiện việc thụ lý nhiều; năng lực của một số chấp hành viên, thư ký chưa đáp ứng được yêu cầu so với nhiệm vụ và áp lực công việc; một số phòng chuyên môn thuộc Cục và Chi cục chưa phát huy hết vai trò của người đứng đầu; trong quan hệ phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác thi hành án dân sự còn chưa thật sự chủ động. (ii) Về khách quan: Số vụ việc thụ lý mới tăng cao hơn năm 2017 nhưng biên chế vẫn phải giảm theo yêu cầu về tinh giảm biên chế chung của toàn Ngành Thi hành án dân sự nên áp lực công việc ngày càng lớn; việc công chứng tài sản đấu giá thành chậm được giải quyết, ảnh hưởng đến việc xử lý tài sản, từ đó ảnh hưởng đến chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, còn một số vụ việc chiếm lượng tiền và việc lớn hiện chưa thi hành được do vướng mắc về quy định ủy thác tư pháp; ý thức tuân thủ pháp luật của đương sự chưa cao, nhiều trường hợp có thái độ chống đối không thực hiện nhiệm vụ phải thi hành án; thủ tục liên quan đến tài sản là đất đai còn phức tạp, mất nhiều thời gian.
Giải pháp và kiến nghị
Để công tác thi hành án dân sự của tỉnh đạt được những kết quả tích cực trong thời gian tới, Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Bà Rịa - Vũng Tàu xác định những giải pháp cụ thể và đưa ra một số kiến nghị như sau:
Giải pháp: (i) Một là, tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục và Lãnh đạo các Chi cục; (ii) Hai là, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; (iii) Ba là, tăng cường công tác cải cách hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường hiệu quả Bộ phận một cửa và hỗ trợ trực tuyến công tác thi hành án dân sự; triển khai và thực hiện tốt phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự; (iv) Bốn là, giải quyết kịp thời những đề nghị, xin ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của các Chi cục; xây dựng hồ sơ xin hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của Tổng cục Thi hành án dân sự đối với hồ sơ có khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, chỉ đạo các Chi cục phối hợp tốt hơn nữa với các cấp, các ngành tại địa phương trong công tác thi hành án dân sự.
Kiến nghị
- Đối với Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự: (i) Kịp thời tháo gỡ vướng mắc về áp dụng pháp luật trong thi hành án dân sự, công chứng tài sản bán đấu giá thành; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho những đối tượng trực tiếp tổ chức việc thi hành án là chấp hành viên, thư ký thi hành án, kế toán... nhằm giúp cho họ ngày càng nâng cao trình độ, năng lực công tác, chuyên môn nghiệp vụ từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; (ii) Tổng cục Thi hành án dân sự tham mưu Bộ Tư pháp đề xuất Thủ tướng Chính phủ đôn đốc việc thi hành án hành chính hoặc xử lý trách nhiệm người phải thi hành án theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
- Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh: Chỉ đạo sát sao hơn nữa các cơ quan chuyên môn trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai; chỉ đạo các cơ quan địa phương tích cực trong phối hợp tốt hơn nữa, hỗ trợ cơ quan thi hành án dân sự như kịp thời cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Đoàn công tác chúng tôi tạm biệt thành phố biển mang theo một niềm tin rằng, với việc phát huy những thành tựu đã đạt được, cùng tinh thần quyết tâm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, trong thời gian tới, công tác thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ gặt hái được nhiều khởi sắc, đưa Cục Thi hành án dân sự Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành đơn vị đứng đầu Ngành Thi hành án dân sự cả nước.
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin khác
Tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính
Đây là một trong ba nhiệm vụ và giải pháp quan trọng được quy định tại Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026 (Chương trình).
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên (Chỉ thị số 05/CT-TTg).
Quy định mới về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam
Ngày 18/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số...
Tổ chức và hoạt động của luật sư ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu bài viết “Tổ chức và hoạt động của luật sư ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” trong ấn phẩm 200 trang “Hoàn thiện pháp luật về luật sư tại Việt Nam”, xuất bản năm 2024.
Thực trạng đào tạo nghề luật sư và đề xuất giải pháp góp phần nâng cao chất lượng nguồn luật sư
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu bài viết “Thực trạng đào tạo nghề luật sư và đề xuất giải pháp góp phần nâng cao chất lượng nguồn luật sư” trong ấn phẩm 200 trang “Hoàn thiện pháp luật về luật sư tại Việt Nam”, xuất bản năm 2024.