Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, trên tuyến giao thông Bắc - Nam và đường xuyên Á Đông - Tây, cách thủ đô Hà Nội 300 km về phía Nam. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 1.648.729 ha, trong đó miền núi chiếm 3/4 diện tích, phần lớn đồi núi tập trung ở phía Tây của tỉnh, trong đó, đơn vị hành chính xa nhất là huyện Kỳ Sơn (giáp biên giới với nước bạn Lào), cách TP. Vinh gần 300 km. Dải đồng bằng nhỏ hẹp chỉ có 17% chạy từ Nam đến Bắc giáp biển Đông và các dãy núi bao bọc. Địa hình của tỉnh bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi dày đặc và những dãy núi xen kẽ, đây là một trong những khó khăn để phát triển giao thông và kinh tế của tỉnh nhà.
Là đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An hiện nay gồm có 05 phòng chuyên môn và 21 Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc (17 huyện, 01 thành phố, 03 thị xã). Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được quan tâm củng cố, kiện toàn, trình độ đội ngũ công chức ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý ngày càng tăng cao, nhưng công tác thi hành án dân sự của tỉnh Nghệ An trong 06 tháng đầu năm 2018 đã có những tiến bộ, chuyển biến rõ rệt, ngày càng bền vững, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với phương châm đề cao tinh thần chủ động, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, 06 tháng đầu năm 2018, công tác thi hành án dân sự của tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ:
Một là, kết quả thi hành án về việc, về tiền
Về việc, trong 06 tháng đầu năm, tổng số việc Cục Thi hành án thụ lý là 12.157 việc, tăng 1.362 việc (13%) so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, năm trước chuyển sang 4.082 việc; thụ lý mới 8.075 việc, tăng 1.146 việc (16,5%) so với cùng kỳ năm 2017. Ủy thác thi hành án là 71 việc. Tổng số việc đưa ra thi hành là 12.086 việc, trong đó có điều kiện thi hành là 9.441 việc (chiếm 78%), chưa có điều kiện là 2.645 việc (chiếm 22%). Kết quả, đã thi hành xong 6.437 việc, đạt tỷ lệ 68%, tăng 902 việc (3%) so với cùng kỳ 2017.
Số việc chuyển kỳ sau là 5.649 việc, trong đó, có điều kiện thi hành là 3.004 việc, so với số việc có điều kiện năm 2017 chuyển sang (1.460 việc), tăng 1.544 việc (105,7%).
Về tiền, tổng số tiền Cục Thi hành án thụ lý là 881 tỷ 991 triệu 870 ngàn đồng, tăng 88 tỷ 699 triệu 885 ngàn đồng (11%) so với cùng kỳ 2017, trong đó, năm trước chuyển sang là 559 tỷ 697 triệu 460 ngàn đồng; thụ lý mới 322 tỷ 294 triệu 410 ngàn đồng, giảm 7,6 tỷ đồng (2,3%) so với cùng kỳ năm 2017. Ủy thác thi hành án là 13 tỷ 285 triệu 651 ngàn đồng.
Tổng số tiền đưa ra thi hành là 868 tỷ 706 triệu 219 ngàn đồng, có điều kiện thi hành là 563 tỷ 206 triệu 463 ngàn đồng (chiếm 65%), chưa có điều kiện thi hành là 305 tỷ 499 triệu 756 ngàn đồng (chiếm 35%). Kết quả, đã thi hành xong 87 tỷ 436 triệu 429 ngàn đồng, đạt tỷ lệ 16% tăng 48 tỷ 775 triệu 448 ngàn đồng (7%) so với cùng kỳ năm 2017.
Số tiền chuyển kỳ sau là 781 tỷ 269 triệu 791 ngàn đồng, trong đó có điều kiện là 401 tỷ 928 triệu 065 ngàn đồng, so với số tiền có điều kiện năm 2017 chuyển sang (256 tỷ 406 triệu 211 ngàn đồng), tăng 145 tỷ 521 triệu 854 ngàn đồng (57%).
Kết quả thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong 06 tháng đầu năm 2018 đạt được tích cực, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 cả về số liệu tuyệt đối và tỉ lệ thi hành; so với chỉ tiêu được giao cả năm đã đạt 93,8% về việc (68% so với 72,5%) và 48,5% về tiền (16% so với 33%). Nhiều đơn vị đạt kết quả cao về việc như Quỳ Châu, Quế Phong, Yên Thành, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn; đạt kết quả cao về tiền có Quỳnh Lưu, Quế Phong, Kỳ Sơn.
Hai là, thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước
Trong tổng số việc thụ lý nêu trên thì có 9.342 việc, tương ứng số tiền là 72 tỷ 527 triệu 685 ngàn đồng (chiếm 77% về việc và 8,3% về tiền so với tổng số việc, tiền phải giải quyết). Trong đó, số có điều kiện thi hành là 7.373 việc, tương ứng với 34 tỷ 198 triệu 852 ngàn đồng, đã giải quyết được 5.746 việc, thu được số tiền là 16 tỷ 968 triệu 698 ngàn đồng, đạt tỷ lệ 78% về việc và 49% về tiền, tăng 1.114 việc (24%) và 3 tỷ 784 triệu 954 đồng (29%) so với cùng kỳ năm 2017.
Ba là, về kết quả thi hành số tiền trong các bản án tham nhũng
Từ 01/10/2017 đến 31/3/2018, tổng số việc phải thi hành là 07 việc, tương ứng số tiền là 219 triệu 194 ngàn đồng (chiếm 0,06% về việc và 0,03% về tiền so với tổng số việc, tiền phải giải quyết). Đến hết tháng 03/2018 đã thu được số tiền là 60 triệu 200 ngàn đồng.
Bốn là, về kết quả thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự
Tổng số việc phải thi hành loại này là 5.100 việc, tương ứng với 97 tỷ 688 triệu 672 ngàn đồng (chiếm 42% về việc và 11% về tiền so với tổng số việc, tiền phải giải quyết). Trong đó, số việc, tiền có điều kiện thi hành là 3.387 việc/33 tỷ 221 triệu 169 ngàn đồng. Kết quả, đã giải quyết được 2.324 việc, thu được số tiền là 10 tỷ 354 triệu 961 ngàn đồng, đạt tỷ lệ 46% về việc và 11% về tiền, giảm 111 việc (5%) và tăng 1 tỷ 348 triệu 692 ngàn đồng (15%) so với cùng kỳ năm 2017.
Năm là, về số vụ việc đã kê biên, bán đấu giá nhưng chưa xử lý được:
Tính đến ngày 31/3/2018, số vụ việc đã kê biên tài sản, định giá lại và bán đấu giá nhiều lần nhưng vẫn chưa xử lý được là 65 việc, tương ứng với số tiền là 68 tỷ 646 triệu 989 ngàn đồng (chiếm 1,2% về việc và 8,8% về tiền trong số có điều kiện thi hành, đang giải quyết).
Sáu là, về tình hình giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng
Trong 06 tháng đầu năm 2018, tổng số việc, tiền thụ lý là 238 việc (chiếm 2% so với tổng số việc thụ lý), tương ứng với tổng số tiền 546 tỷ 200 triệu 079 ngàn đồng (chiếm 62% so với tổng số tiền thụ lý), tăng 36 việc và 64 tỷ 580 triệu 071 ngàn đồng so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, có điều kiện thi hành là 192 việc (chiếm 81%), với số tiền 415 tỷ 722 triệu 573 ngàn đồng (chiếm 76%); chưa có điều kiện thi hành là 46 việc (chiếm 19%), với số tiền 130 tỷ 477 triệu 506 ngàn đồng (chiếm 24%). Đến hết tháng 03/2018, đã thi hành xong 20 việc, đạt tỉ lệ 10,4% so với số việc có điều kiện thi hành; số tiền thi hành xong 48 tỷ 310 triệu 024 ngàn đồng, đạt tỉ lệ 12% so với số tiền có điều kiện thi hành; tăng 2 việc và giảm 13 tỷ 176 triệu 520 ngàn đồng so với cùng kỳ năm 2017. Số chuyển kỳ sau là 218 việc, với số tiền là 497 tỷ 890 triệu 055 đồng, trong đó có điều kiện 172 việc (79%), với số tiền 375 tỷ 532 triệu 030 ngàn đồng (75%).
Bên cạnh đó, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kịp thời tiến hành rà soát, lập danh sách việc thi hành án dân sự trọng điểm bảo đảm đúng quy định tại Quyết định số 907/QĐ-TCTHADS ngày 29/8/2016 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quy định về tiêu chí xác định việc thi hành án dân sự trọng điểm. Đồng thời, Cục tập trung chỉ đạo quyết liệt, giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp kéo dài, xảy ra từ nhiều năm trước như vụ của ông Hồ Văn Thái, ở xóm 3, xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ; vụ của ông Nguyễn Mạnh Cường, bà Nguyễn Thị Tuyết, bà Nguyễn Thị Lợi, tại khối 4, thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương...
Để có được những kết quả đó là cả sự cố gắng, nỗ lực không ngừng tập thể cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự tại Nghệ An vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể:
- Một số đơn vị kết quả thi hành xong còn thấp hơn so với mức bình quân toàn tỉnh, nhất là về tiền có nhiều đơn vị đang rất thấp, như: Nghi Lộc (4%), Diễn Châu (6%), Thái Hòa (8%), Vinh (11%).
- Số việc, số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau đang tăng khá cao (toàn tỉnh tăng 105,7% về việc và 57% về tiền). Trong đó, một số đơn vị tăng cao như: Thành phố Vinh (tăng 92,7% tiền, 92% việc); Diễn Châu, Nghi Lộc (đều tăng 100% việc, 100% tiền)…
- Kết quả thi hành các việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng mặc dù có chuyển biến nhưng kết quả đạt được còn thấp; số việc, tiền có điều kiện chuyển kỳ sau còn cao, tăng 172 việc (79%) và 375 tỷ 532 triệu đồng (75%).
Về những tồn tại, hạn chế, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An cũng thẳng thắn nhìn nhận, tìm ra nguyên nhân để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới:
(i) Về nguyên nhân chủ quan, một số chấp hành viên chưa mạnh dạn, quyết liệt trong tổ chức thi hành án nhất là những vụ việc phức tạp; đôi lúc chưa năng động, linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết thi hành án. Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, kỹ năng giải quyết công việc của một số công chức cũng còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu. Lãnh đạo một số Chi cục trình độ, năng lực còn hạn chế, đôi lúc chưa thực sự quyết liệt, sát sao trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, chưa bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo trong việc giải quyết một số vụ việc trọng điểm, phức tạp, có đơn thư khiếu nại kéo dài có lúc chưa quyết liệt; việc hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc của một số phòng chuyên môn đối với Chi cục được phân công phụ trách có lúc chưa sâu sát, kịp thời.
(ii) Nguyên nhân khách quan:
- Lượng việc, tiền phải thi hành trong 06 tháng đầu năm 2018 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Tăng 1.362 việc (13%) và tăng 88.699.885 ngàn đồng (11%).
- Hồ sơ thi hành án trong các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng đều không có khả năng trả nợ bằng tiền mặt, mà phải xử lý tài sản là bất động sản để bảo đảm thi hành án, nên việc thi hành án thường khó khăn, phức tạp, kéo dài; một số trường hợp số tiền phải thanh toán nợ ngân hàng lớn hơn rất nhiều so với giá trị tài sản thế chấp, cầm cố, hoặc tài sản đưa ra thế chấp có tranh chấp, không phù hợp thực tế gây khó khăn cho quá trình xử lý…
- Nhiều tài sản là nhà đất đã kê biên để đảm bảo thi hành án đưa ra bán đấu giá nhiều lần nhưng không bán được, khiến cho việc thi hành án kéo dài.
- Điều kiện kinh tế mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng đời sống nhân dân và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn; mức độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật ở một số đối tượng phải thi hành án còn hạn chế, nhiều trường hợp cố tình chây ỳ, chống đối, cản trở thi hành án... đã phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, quy định của pháp luật hiện hành vẫn còn có những điểm chưa thực sự hợp lý, rõ ràng, là một khó khăn lớn khi cán bộ cơ quan thi hành án dân sự thực thi nhiệm vụ.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An có một số kiến nghị, đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
- Đề nghị Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn vốn để đầu tư xây kho tang vật cho các Chi cục Thi hành án dân sự chưa có kho; bố trí kinh phí cải tạo, mở rộng trụ sở một số đơn vị do đã quá cũ, chật hẹp như: Tân Kỳ, Quỳ Châu, Thanh Chương, Nam Đàn, Quế Phong.
- Đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật thi hành án dân sự, hành chính tại địa phương. Đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm xem xét thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh.
- Đề nghị cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử quan tâm kịp thời truy tìm, kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản của đương sự để bảo đảm thi hành án hiệu quả.
- Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản bảo đảm để cho vay; nghiên cứu cơ chế để tổ chức tín dụng được nhận tài sản đã đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua.
- Đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí, tạp chí của Ngành tiếp tục quan tâm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là pháp luật về thi hành án dân sự để tăng cường nhận thức về pháp luật thi hành án dân sự trong cán bộ và nhân dân. Đồng thời, quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền gương “Người tốt, việc tốt”, tuyên truyền nhân rộng các mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả, những điển hình tiên tiến trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn, qua đó góp phần xây dựng hình ảnh và nâng cao vị thế của các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh./.