Tóm tắt: Bài viết bàn về một số vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật Việt Nam về quyền lao động của trẻ em, từ đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện nhằm bảo đảm quyền lao động của trẻ em trong giai đoạn hiện nay.
Abstract: The article discusses a number of problems and inadequacies in the provisions of Vietnamese law on children's labor rights, thereby proposing complete solutions to ensure children's labor rights in the current period.
1. Quyền lao động của trẻ em và quy định pháp luật quốc tế về quyền lao động của trẻ em
1.1. Quyền lao động của trẻ em
Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người năm 1948 (UDHR) khẳng định, quyền lao động là một trong những quyền cơ bản của con người: “Ai cũng có quyền được lao động, được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ khỏi sự thất nghiệp”[1]. Ở góc độ quốc tế, quyền lao động được thừa nhận như là một trong những quyền cơ bản của con người. Tuy vậy, hiện nay, chưa có văn bản nào có định nghĩa cụ thể về thuật ngữ “quyền lao động”. Theo quan điểm của tác giả, quyền lao động được hiểu một cách tổng quát là quyền mà mỗi cá nhân được tự do lựa chọn công việc và có thể trang trải cuộc sống bằng công việc đó trong môi trường làm việc công bằng và thuận lợi.
Công ước số 138 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tuổi lao động tối thiểu năm 1973 xác định: “Đối với bất kỳ công việc hoặc nghề nghiệp nào mà do tính chất hoặc điều kiện tiến hành có thể có hại cho sức khỏe, sự an toàn hoặc đạo đức của một người thì mức tuổi lao động tối thiểu không được dưới 18 tuổi”[2]. Theo Công ước Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em, người dưới 18 tuổi được xem là trẻ em[3]. Tuy nhiên, pháp luật một số quốc gia có thể quy định độ tuổi được xem là trẻ em sớm hơn. Ví dụ, pháp luật của Nepal quy định, bất kỳ ai dưới 16 tuổi đều được xem là trẻ em[4]; pháp luật của Singapore quy định, trẻ em nghĩa là bất kỳ ai dưới 14 tuổi[5]… Dù ở độ tuổi nào, chủ thể là trẻ em cũng sẽ được bảo vệ bằng các khung pháp lý khác nhau nhằm tránh khỏi sự bóc lột lao động. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật quốc tế lại chưa có định nghĩa cụ thể về quyền lao động của trẻ em. Theo quan điểm của tác giả, quyền lao động của trẻ em là quyền của trẻ em được tự do lựa chọn một công việc phù hợp với độ tuổi, nhu cầu và có thể trang trải cuộc sống bằng công việc đó trong môi trường làm việc công bằng và thuận lợi.
1.2. Quy định pháp luật quốc tế về quyền lao động của trẻ em
Với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu, trẻ em hiện nay đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động. Theo Báo cáo của ILO về lao động trẻ em năm 2017, có khoảng hơn 218 triệu trẻ em đang làm các công việc khác nhau trên thế giới[6]. Tính đến nay, pháp luật quốc tế đã xây dựng được các cơ chế pháp lý nhằm bảo vệ trẻ em khỏi sự bóc lột lao động và hướng đến mục tiêu là xóa bỏ lao động trẻ em[7].
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật quốc tế hiện tại chưa có quy định liên quan đến quyền lao động của trẻ em hay các lợi ích mà trẻ em cần phải có và cần được pháp luật bảo vệ khi tham gia lao động. Nói cách khác, trẻ em chưa được pháp luật quốc tế trực tiếp công nhận quyền lao động. Mặt khác, việc xác định “các công việc tước đi thời thơ ấu của trẻ, cản trở việc đi học thường xuyên” là rất khó, trong khi đó, quyền lợi của trẻ em như thế nào khi làm các công việc “gây tác hại về tinh thần, thể chất, xã hội hay đạo đức của trẻ em và các công việc nguy hiểm và độc hại đến khả năng phát triển thể chất của trẻ em” lại chưa được bàn đến[8].
Tóm lại, không thể phủ nhận rằng, khung pháp lý hiện nay đang ngày càng được hoàn thiện hơn để bảo vệ trẻ em khỏi sự bóc lột lao động. Điều này là dễ hiểu khi trẻ em được xem là đối tượng dễ bị tổn thương hơn người thành niên về cả mặt tâm lý và thể chất. Tuy nhiên, quyền lao động của trẻ em hiện nay vẫn đang là một vấn đề bỏ ngỏ và chưa được quy định cụ thể ở bất kỳ khung pháp lý quốc tế nào. Thậm chí, các chủ thể với mục tiêu cam kết xóa bỏ lao động trẻ em hiện đang tích cực phủ nhận quyền được tham gia của các tổ chức trẻ em trong vấn đề giải quyết quyền lao động của trẻ em[9]. Tuy nhiên, quyền lao động của trẻ em đã có những bước tiến mới, khi gần đây, hệ thống pháp luật của một số nước Mỹ Latinh đã có những sự thừa nhận nhất định về quyền lao động của trẻ em[10].
2. Thực trạng pháp luật Việt Nam về quyền lao động của trẻ em
Thứ nhất, Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 đã xác định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019 là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI Bộ luật Lao động. Theo đó, Điều 143 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành” và “người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công việc nhẹ thỏa mãn quy định tại khoản 3 Điều 145” của Bộ luật Lao động năm 2019.
Có thể thấy rằng, khi Việt Nam đang ngày càng tham gia nhiều công ước quốc tế hơn thì việc điều chỉnh, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành để phù hợp hơn với các công ước quốc tế là rất cần thiết. Cụ thể, Bộ luật Lao động năm 2019 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật về lao động, cụ thể là trường hợp lao động chưa thành niên là người dưới 15 tuổi[11]. Nhìn chung, những công việc và nơi làm việc ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất, trí tuệ, đạo đức và nhân cách của người chưa thành niên đã được đề cập đến chi tiết hơn. Các quy định của pháp luật nhằm để tránh sự tổn hại liên quan đến sự phát triển thể lực, trí lực và nhân cách của người chưa thành niên. Tuy nhiên, việc điều chỉnh một cách gián tiếp và chưa đầy đủ này có thể tạo ra những khoảng trống pháp lý trong việc bảo vệ trẻ em trước sự lạm dụng và bóc lột sức lao động. Hậu quả là, trẻ em dễ bị tước bỏ quyền được hưởng những lợi ích cơ bản của người lao động và được pháp luật bảo vệ trong khi lẽ ra họ còn phải có được những cơ chế bảo vệ riêng biệt và chặt chẽ hơn vì thuộc đối tượng dễ bị tổn thương và cần chăm sóc đặc biệt. Ví dụ, trong trường hợp trẻ em có nhu cầu muốn làm thêm giờ và được sự đồng ý của cha/mẹ hoặc người giám hộ thì có được hưởng cơ chế tiền lương làm thêm giờ như người lao động bình thường không? Hoặc trẻ em có được hưởng các ngày nghỉ phép năm mà vẫn hưởng nguyên tiền lương hay không? Để trả lời cho các câu hỏi trên, đòi hỏi cần cơ chế điều chỉnh cụ thể và phù hợp dưới góc độ pháp luật về lao động. Đây cũng sẽ là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền, lạm dụng và bóc lột sức lao động trẻ em, đặc biệt là khu vực lao động phi chính thức nơi mà có số lượng trẻ em tham gia chiếm tỷ lệ cao[12].
Thứ hai, theo Điều tra Quốc gia về lao động trẻ em năm 2012, trong tổng số trên 18,3 triệu trẻ em, có khoảng 1/6 trong số này (2,83 triệu trẻ em) đang tham gia hoạt động kinh tế[13]. Thực tế, các hoạt động kinh tế này của trẻ em có bản chất như một công việc bất kỳ nào được đề cập đến trong hợp đồng lao động, vì trẻ em đã sử dụng sức lao động của mình để làm một công việc nào đó. Tình trạng nghèo đói là một trong những nguyên nhân làm hạn chế cơ hội đến trường của trẻ em và cũng là nguyên nhân khiến trẻ em phải tham gia vào thị trường lao động từ rất sớm. Cụ thể, tỷ lệ lao động trẻ em là rất cao trong các gia đình có thu nhập thấp, các gia đình sống ở khu vực nông thôn và các gia đình có cha mẹ là người ít học[14]. Mặt khác, có khoảng một phần ba trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế là do sự cần thiết và một phần tư trẻ em lựa chọn làm việc vì lương cao[15]. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ILO đã ước tính có hơn một triệu người từ 5 - 17 tuổi đã tham gia lao động tại Việt Nam, hơn một nửa trong số đó đang làm công việc nguy hiểm và khi kinh tế gia đình của họ đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thì họ còn có nguy cơ làm việc nhiều giờ hơn hoặc trong điều kiện tồi tệ hơn[16]. Rõ ràng, việc trẻ em đi làm để kiếm thu nhập là khó tránh khỏi khi các em phải mang gánh nặng về kinh tế gia đình. Ở Việt Nam, cơ chế hiện tại mới chỉ nhằm bảo vệ trẻ em khỏi việc bị bóc lột với xu hướng là hạn chế vấn nạn trẻ em có thể bị tổn thương thông qua lao động, mà chưa xem xét đến mong muốn của các em trong bối cảnh kinh tế hiện tại hay tạo cơ chế bảo đảm các em được bảo vệ công bằng trong mối quan hệ lao động đó.
Thứ ba, cơ chế hiện tại khiến cho lao động là trẻ em trở thành bên bị yếu thế khi tham gia các hoạt động kinh tế. Hiện nay, Việt Nam chưa đưa ra định nghĩa pháp lý chính thức nào về lao động trẻ em nhưng trong pháp luật quốc tế, lao động trẻ em thường được hiểu là việc trẻ em và người chưa thành niên làm các công việc trái quy định pháp luật về lao động, tham gia lao động mà hoạt động lao động đó cản trở hoặc tác động tiêu cực đến sự phát triển thể chất, trí tuệ, nhân cách và sự phát triển toàn diện của các em. Có thể thấy, không phải công việc nào do trẻ em thực hiện cũng là lao động trẻ em. Vấn đề đặt ra là, khi trẻ em thực hiện các hoạt động kinh tế một cách hợp pháp và không vi phạm các quy định về lao động thì sẽ không bị coi là lao động trẻ em nhưng pháp luật hiện hành cũng chưa có khung pháp lý cụ thể để công nhận quyền và bảo vệ chủ thể này trong quan hệ lao động. Về phía trẻ em, sự mập mờ trong quy định của pháp luật khiến các em trở nên yếu thế khi tham gia vào các hoạt động kinh tế vì chưa có cơ chế rõ ràng để các em tự bảo vệ chính bản thân mình. Về phía người sử dụng lao động, điều này sẽ càng khiến cho người sử dụng lao động có ưu thế hơn và có thể tạo nhiều “quy luật” riêng để đối xử không công bằng với các lao động là trẻ em.
3. Một số kiến nghị
Trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy hợp tác quốc tế, thị trường lao động nước ta đang ngày càng trở thành một trong những thị trường lao động hấp dẫn. Với nhu cầu về lao động trẻ ngày càng gia tăng, sự tham gia của người lao động là trẻ em là khó tránh khỏi. Thực tế khảo sát cho thấy, mặc cho sự hạn chế tham gia lao động của đối tượng là trẻ em thì số lượng lao động là trẻ em ngày càng gia tăng. Như vậy, có thể thấy rằng, có một khoảng trống giữa nhu cầu thực tế của việc tham gia thị trường lao động của trẻ em và cơ chế hiện hành nhằm mục đích bảo vệ các chủ thể này khỏi sự bóc lột sức lao động. Do vậy, trong bối cảnh sự phát triển của thị trường lao động như hiện nay, việc bảo vệ trẻ em khỏi mọi sự xâm hại, lạm dụng khi tham gia thị trường lao động là một vấn đề quan trọng cần được xem xét kỹ lưỡng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hiện nay, khu vực lao động phi chính thức vẫn là một khu vực cần được lưu ý nhiều hơn để bảo đảm những quyền cơ bản và lợi ích hợp pháp khi trẻ em phải làm việc trong những “thị trường ngầm” và chịu nhiều thiệt hại do chưa có hành lang pháp lý bảo vệ. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, khái niệm quyền lao động của trẻ em nên được pháp luật ghi nhận trực tiếp tại khung pháp lý hiện hành để có cơ sở điều chỉnh các hoạt động của lao động là trẻ em. Ý nghĩa của việc quy định này không chỉ giúp trẻ em sẽ được đối xử công bằng như những người lao động khác khi tham gia lao động mà còn có thể là cơ sở quan trọng để bản thân người lao động là trẻ em cũng tự bảo vệ được bản thân mình trước sự bóc lột sức lao động có thể xảy ra.
Thứ hai, pháp luật lao động cần đưa ra chế định riêng về người lao động là trẻ em do sự khác biệt về thể chất, tâm lý, nhận thức so với người thành niên. Một số nội dung có thể được tiếp cận khi nói về quyền lao động của trẻ em có thể kể đến như: Quyền được tham gia công đoàn hoặc các quyền được hưởng lương thêm giờ, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ đào tạo nâng cao tay nghề, lương thưởng… Cách tiếp cận dựa trên quyền sẽ tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để một mặt bảo vệ trẻ em khỏi việc bị tước bỏ quyền và lợi ích chính đáng, mặt khác là để hạn chế được sự bóc lột sức lao động của trẻ em trong thị trường lao động hiện nay khi đối tượng này chưa có những cơ chế rõ ràng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ ba, cần hiểu rằng, việc thừa nhận quyền lao động của trẻ em không có nghĩa là trẻ em bị tước đi các quyền cơ bản mà pháp luật hiện hành đã ghi nhận. Việc thừa nhận quyền lao động song song cùng các cơ chế để bảo vệ trẻ em khỏi sự bóc lột lao động theo quy định hiện hành sẽ góp phần đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, cơ chế này cũng sẽ góp phần bảo vệ chặt chẽ hơn quyền của người lao động là trẻ em.
ThS. Nguyễn Thị Xuân Mai
Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh
ThS. Trần Thiên Trang
Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang
Ảnh:internet
[1]. Khoản 1 Điều 23 Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người.
[2]. Khoản 1 Điều 3 Công ước số 138 về độ tuổi tối thiểu của Tổ chức Lao động Quốc tế.
[3]. Điều 1 Công ước Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em.
[4]. Đạo luật Trẻ em (Children’s Act), (1992), khoản A, Điều 2 quy định: “Trẻ em là những ai chưa đủ 16 tuổi” (‘Child’ means a minor not having completed the age of sixteen years).
[5]. Đạo luật Trẻ em và thanh niên (Children and young persons act), điểm d, Điều 2, Chương 38 quy định: “Trẻ em là những ai dưới 14 tuổi” (child’ means a person who is below the age of 14 years).
[6]. ILO (2017), Global Estimates of Child Labour, 2012 - 2016, Geneva, tr. 23 (Số liệu này được ILO cập nhât 04 năm/lần)
[7]. Xem thêm Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em năm 1989, Công ước 138 về tuổi lao động tối thiểu năm 1973, Công ước 182 về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất năm 1999, Công ước 105 về xoá bỏ lao động cưỡng bức năm 1957, Công ước về lao động cưỡng bức năm 1930, Công ước về lao động giúp việc gia đình năm 2011, Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước quyền trẻ em về trẻ em tham gia vũ trang 2000, bổ sung Công ước về quyền trẻ em về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em năm 2000.
[8]. Nguyên văn như sau: “Child labour often defined as work that deprives children of their childhood, their potential and their dignity, and that is harmful to physical and mental development”.
[9]. Saadi Iven (2012), Children’s Rights as “Work in Progress”: The Conceptual and Practical Contributions of Working Children’s Movements, Children’s Rights from Below: Studies in Childhood and Youth, Palgrave Macmillan, tr. 160 - 161.
[10]. Manfred Liebel (2012), Do children have a right to work? Working children’s movements in the struggle for social justice, Reconceptualizing Children’s Rights in International Development: Living Rights, Social Justice, Translations, Cambridge University Press, tr. 244.
[11]. Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định về lao động chưa thành niên”.
[12]. Theo Điều tra Quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 - Các kết quả chính, Lao động phi chính thức tại Việt Nam chiếm tới 57%, tương đương 18 triệu người, góp phần quan trọng trong nền kinh tế. Xem thêm: Tổ chức Lao động Quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê (2014), Điều tra Quốc gia về lao động trẻ em 2012 - Các kết quả chính.
[13]. Tính đến thời điểm này, đây là số liệu mới nhất từ ILO. Đối với Điều tra Quốc gia về lao động trẻ em lần thứ hai năm 2018 hiện đang có kế hoạch triển khai theo nội dung của Hội thảo Tư vấn xây dựng pháp luật về lao động trẻ em ngày 21/3/2018. Xem thêm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội thảo tư vấn xây dựng pháp luật về lao động trẻ em, truy cập tại địa chỉ: http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=27658.
[14]. Tổ chức Lao động Quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê (2014), Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em 2012 - Các kết quả chính, tr. 7.
[15]. ILO, One in ten Vietnamese youngsters aged 5-17 in child labour, truy cập tại:
https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/newsitems/WCMS_237788/langen/index.htm?fbclid=IwAR18IoCGzc_19G4h9VOpJ9huPGLUhoRvJ0VI12BlzBI13iLIM02dJIS86g#:~:text=Country%20survey, One%20in%20ten%20Vietnamese%20youngsters%20aged%205%2D17%20in%20child,close%20to%20the%20regional%20figure.
[16]. ILO, One in ten Vietnamese youngsters aged 5-17 in child labour, truy cập tại: https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/newsitems/WCMS_237788/langen/index.htm?fbclid=IwAR18IoCGzc_19G4h9VOpJ9huPGLUhoRvJ0VI12BlzBI13iLIM02dJIS86g#:~:text=Country%20survey,
One%20in%20ten%20Vietnamese%20youngsters%20aged%205%2D17%20in%20child,close%20to%20the%20regional%20figure.