Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành và địa phương là chủ trương được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, nhất là ý kiến chỉ đạo rất quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, phát biểu gần đây đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho đất nước.
Bảo đảm sự thống nhất về phân định thẩm quyền; phân cấp, phân quyền đi đôi với điều kiện bảo đảm về nguồn lực.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là một trong những nội dung đổi mới quản trị quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật Tổ chức Chính phủ) chưa có quy định mang tính nguyên tắc chung để bảo đảm sự thống nhất về phân định thẩm quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ và giữa Chính phủ với chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực. Vì thế, việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền, trách nhiệm giữa các chủ thể này trong các luật chuyên ngành chưa thống nhất với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ.
Đồng thời, Luật Tổ chức Chính phủ quy định Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, nhiều luật chuyên ngành hiện nay đang quy định trách nhiệm, thẩm quyền cụ thể đối với Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến việc Thủ tướng Chính phủ phải giải quyết quá nhiều công việc cụ thể thuộc phạm vi quản lý về ngành, lĩnh vực của các bộ, trong khi đó Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa thực hiện đúng, đủ vai trò là người đứng đầu bộ, ngành giúp Chính phủ quản lý về ngành, lĩnh vực và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, quyền hạn được giao là chưa bảo đảm yêu cầu về đổi mới hoạt động của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng.
Chính vì vậy, đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ đã xác định năm nhóm chính sách, trong đó có chính sách “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ, giữa Chính phủ với chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, bảo đảm đề cao trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành và trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với các nội dung được phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật”. Mục tiêu của Chính sách này phải làm rõ được nguyên tắc về phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành và giữa Chính phủ với chính quyền địa phương. Vì thế, đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ đã xác định rõ trách nhiệm chính trị của Chính phủ (cơ quan hành chính nhà nước cao nhất), Thủ tướng Chính phủ (người đứng đầu Chính phủ), Bộ trưởng - thành viên Chính phủ (người đứng đầu ngành, lĩnh vực, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách) đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong bộ máy hành chính nhà nước (nhất là đối với các nhiệm vụ đã phân cấp). Chính vì vậy, Chính sách này đã: (i) bổ sung các quy định chung liên quan đến nguyên tắc phân cấp, phân quyền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với định hướng Chính sách 1 “Hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả” trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực và xác định rõ đây là quy định có tính chất khung để từ đó rà soát sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành cho phù hợp; (ii) xác định rõ nguyên tắc cấp nào làm thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn diện về nhiệm vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ; đối với nhiệm vụ đã phân cấp cho địa phương, thì yêu cầu thực hiện theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Chính phủ, các bộ, ngành chỉ tập chung quản lý vĩ mô, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các chủ thể quản lý.
Để giải quyết vấn đề nêu trên, giải pháp được đề xuất cụ thể như sau:
- Nghiên cứu quy định mang tính nguyên tắc để bảo đảm sự thống nhất về phân định thẩm quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ và giữa Chính phủ với chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, làm cơ sở đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quá trình hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành, khắc phục tình trạng luật chuyên ngành quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định quá nhiều việc cụ thể như hiện nay. Thực tế, qua rà soát chưa đầy đủ, hiện có 154 luật chuyên ngành đang quy định Thủ tướng Chính phủ phải quyết định nhiều vấn đề cụ thể.
- Hoàn thiện nguyên tắc phân cấp, phân quyền đi đôi với điều kiện bảo đảm về nguồn lực cần thiết, như tổ chức bộ máy, nhân lực, tài chính… và cơ chế kiểm soát việc thực hiện phân cấp, phân quyền; đặc biệt, loại bỏ cơ chế kiểm soát của cấp trên qua các hình thức thỏa thuận, chấp thuận, xin ý kiến đối với các vấn đề đã phân cấp cho cấp dưới; sử dụng hiệu quả công cụ về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế - kỹ thuật để kiểm soát đối với các nội dung đã phân cấp, phân quyền.
- Hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng với tư cách thành viên Chính phủ theo hướng tăng cường trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo phân công của Chính phủ.
Quy định rõ việc phân định thẩm quyền và phân quyền, phân cấp, ủy quyền
Đối với đề nghị xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ Nội vụ dự kiện 06 nhóm chính sách, trong đó, Chính sách 1 với nội dung: hoàn thiện quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương[1]. Các mục tiêu cụ thể của chính sách này bao gồm:
Thứ nhất, quy định rõ việc phân định thẩm quyền và phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương và địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương.
Thứ hai, phân định rõ sự khác biệt về mô hình tổ chức, bộ máy, nhân sự giữa chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo hướng giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương; thực hiện thống nhất mô hình chính quyền đô thị trong cả nước.
Thứ ba, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương trên cơ sở nguyên tắc phân quyền, hạn chế quy định phân cấp; quy định nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân các cấp theo hướng giảm bớt nhiệm vụ của tập thể Ủy ban nhân dân, tăng cường nhiệm vụ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương.
Thứ tư, tăng cường liên kết vùng nhằm phát huy lợi thế so sánh, tạo lợi thế cạnh tranh, động lực phát triển cho vùng thông qua việc kết nối về không gian kinh tế - tự nhiên - văn hóa - xã hội giữa các địa phương trong vùng.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, tạo không gian phát triển, góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trọng tâm trong cải cách thể chế là phân cấp, phân quyền
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều ngày 12/11/2024, đặt vấn đề chất vấn Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho biết, Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả một cách thực chất hoạt động của bộ máy hành chính phải gắn với phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cấp. Tuy nhiên, thời gian qua, trong quá trình triển khai, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật chuyên ngành còn chậm; việc phân cấp, phân quyền chưa tính tới đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và khả năng quản lý của từng cấp, từng ngành, chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của từng địa phương. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết giải pháp đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các Bộ, ngành, các địa phương trong thời gian tới.
Cùng về nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn Đại biểu tỉnh Đắk Nông đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết thêm về những giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, bất cập để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài phát biểu tại phiên họp khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV ngày 21/10/2024.
Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề phân cấp, phân quyền, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đây là vấn đề lớn, đã được thảo luận nhiều lần, được triển khai trong thực tiễn. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 14 luật, 09 nghị quyết liên quan, bổ sung, thay thế 27 nghị định. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, tập trung chủ yếu ở Trung ương.
Đưa ra giải pháp, Thủ tướng cho rằng, cần rà soát lại thể chế, các quy định pháp luật, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, cụ thể là Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn; tăng cường giám sát, kiểm tra. Việc phân cấp, phân quyền cần phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp.
Bên cạnh đó, đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Đoàn Đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng để tháo gỡ rào cản, tạo môi trường, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ làm rõ những điểm nhấn quan trọng nhất trong thời gian tới.
Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trọng tâm trong cải cách thể chế là phân cấp, phân quyền. Bên cạnh đó, cần ưu tiên tăng trưởng, muốn tăng trưởng thì phải có nguồn lực. Nếu cứ tăng trưởng với tốc độ 06 - 07%/năm như hiện nay thì chúng ta rất khó đạt được mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện được ưu tiên tăng trưởng, chúng ta phải tháo gỡ vướng mắc về thể chế, để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, Nhân dân, xã hội, của nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.
Uyên Nhi