Tham gia Hội thảo có đại diện một số bộ, ngành, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư, tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam và nhiều chuyên gia về lĩnh vực luật sư trong nước và Nhật Bản.
Đánh giá về thực tiễn thi hành Luật Luật sư, đại diện Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, sau hơn 17 năm thực hiện, Luật Luật sư năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2012 (Luật Luật sư) đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả, tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của luật sư phát triển. Tuy nhiên, hiện nay Luật này cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển nghề luật sư. Do đó, việc xây dựng Luật Luật sư (thay thế) đã được đề xuất đưa vào dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Tại Hội thảo, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, tập trung thảo luận đó là quy định pháp luật và thực tiễn đào tạo nghề luật sư, điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành luật sư. Theo đó, đại diện Học viện Tư pháp nhận định, đào tạo nghề luật sư ở nước ta những năm qua đã gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận, thể hiện toàn diện qua việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, đội ngũ nhân lực đào tạo, hệ thống học liệu, cơ sở vật chất, số lượng người tốt nghiệp… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng cho thấy một số bất cập của quy định Luật Luật sư và những khó khăn, vướng mắc khi triển khai trên thực tế, cụ thể như:
(i) Về tiêu chuẩn tham gia khóa đào tạo nghề luật sư, khoản 1 Điều 12 Luật Luật sư quy định “người có bằng cử nhân luật được tham dự khóa đào tạo nghề luật sư”. Trong khi đó, trên thực tiễn có những người có bằng thạc sỹ luật, tiến sỹ luật nhưng lại không có bằng cử nhân luật, như vậy, nếu thực hiện đúng “câu chữ” của điều luật thì những người này không được tham gia khóa học. Điều này là chưa hợp lý, chưa phù hợp với thứ hạng về giá trị văn bằng tốt nghiệp. Khoản 1 Điều 12 Luật Luật sư cũng chưa thống nhất với với điểm d khoản 1 Điều 17 Luật này. Do đó, quy định của khoản 1 Điều 12 Luật Luật sư cần nêu đầy đủ là người có bằng cử nhân luật, thạc sỹ và tiến sỹ đều được tham gia khóa học.
(ii) Về thẩm quyền quản lý nhà nước đối với chương trình đào tạo nghề luật sư, khoản 4 Điều 12 Luật Luật sư quy định “Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chương trình khung đào tạo nghề luật sư”. Quy định này thể hiện tầm quan trọng của hoạt động đào tạo nghề luật sư, cần có sự kiểm soát chặt chẽ từ góc độ quản lý nhà nước đối với nghề luật sư. Tuy nhiên, khi trải qua các bước, chương trình khung được ban hành đã quy định cụ thể về mục tiêu, chuẩn đầu ra, tổng số tín chỉ, số tín chỉ cho từng học phần, các học phần/bài học trong chương trình đào tạo, điều này đã gây khó khăn nhất định trong trường hợp phát sinh các nhu cầu mới trong quá trình tổ chức thực hiện cần điều chỉnh kịp thời nội dung chương trình đào tạo (để ban hành quyết định sửa đổi chương trình khung thì sẽ mất nhiều thời gian do phải thực hiện các bước bắt buộc trong quy trình xây dựng chương trình đào tạo). Vì vậy, phương án giải quyết được đề xuất đó là trong thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp nên quy định mang tính nguyên tắc về mục tiêu, chuẩn đầu ra, khung nội dung chương trình đào tạo nghề luật sư, trên cơ sở đó, thủ trưởng cơ sở đào tạo nghề luật sư quyết định ban hành chương trình đào tạo nghề luật sư mà không nhất thiết phải ban hành chương trình khung riêng lẻ như hiện nay.
(iii) Về đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư, thực tế hành nghề luật sư cho thấy, nhìn chung, những đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư (quy định tại Điều 13 Luật Luật sư) thiếu các kiến thức căn bản về quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng hành nghề luật sư. Do đó, quy định này cần được nghiên cứu, sửa đổi theo hướng vẫn phải trải qua khóa đào tạo ngắn hạn hơn so với khóa đào tạo nghề luật sư bình thường hoặc là khóa bồi dưỡng (tương tự như hành nghề công chứng). Đồng thời, mở rộng thêm đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư so với quy định hiện nay, đó là giảng viên cơ hữu (trong một số trường hợp) và trợ giúp viên pháp lý. Một số ý kiến cho rằng, yêu cầu về “tập sự” là điều cần thiết đối với những đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư.
Nhằm khuyến khích phát triển luật sư Việt Nam giữ các vị trí chủ chốt tại tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam, một số đại biểu cho rằng, nên bỏ quy định hoặc sửa đổi khoản 2 Điều 68 Luật Luật sư về điều kiện hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài từ yêu cầu bảo đảm ít nhất có “02 luật sư nước ngoài” thành ít nhất có “01 luật sư nước ngoài”. Bên cạnh đó, Điều 70 Luật Luật sư nên sửa đổi theo hướng cho phép luật sư trong tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam được tham gia tranh tụng nhưng ở mức độ nhất định. Ngoài ra, nên giải thích rõ hơn một số từ ngữ trong Luật Luật sư, chẳng hạn như về đáp ứng đủ các yêu cầu “tương tự” như đối với luật sư Việt Nam (Điều 76), có mặt “thường xuyên” tại Việt Nam (Điều 77) là như thế nào…
Cũng tại Hội thảo, đại diện Dự án JICA tại Việt Nam đã chia sẻ một số quy định về hoạt động hành nghề luật sư tại Nhật Bản. Một đặc trưng ở Nhật Bản mà ít quốc gia trên thế giới áp dụng đó là khóa đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp là chương trình chung thống nhất. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên mới lựa chọn để trở thành thẩm phán, kiểm sát viên hay luật sư. Để trở thành thẩm phán, kiểm sát viên hay luật sư thì sau khi hoàn thành khóa học, họ phải đỗ được kỳ thi tư pháp quốc gia. Tại Nhật Bản cũng có những trường hợp đặc biệt không cần thiết phải tham gia khóa đào tạo chức danh tư pháp mà vẫn có thể trở thành luật sư khi đảm bảo một số yêu cầu, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận. Ngoài ra, trong quy định về quyền và nghĩa vụ của luật sư, đại diện Dự án cũng chia sẻ, Nhật Bản không cho phép một luật sư thành lập từ hai văn phòng luật sư trở lên nhưng lại không hạn chế luật sư làm việc tại văn phòng luật sư của luật sư khác.
Kết thúc Hội thảo, bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp chân thành cảm ơn sự nhiệt tình tham dự và đóng góp ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo. Bà Đặng Kim Hoa khẳng định, ý kiến của các đại biểu đã được ghi chép lại đầy đủ và sẽ được nghiên cứu phục vụ cho công tác đánh giá thực tiễn thi hành cũng như sửa đổi Luật Luật sư trong thời gian tới.
Uyên Nhi