1. Đối với công tác hộ tịch
Xác định vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đối với việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân và việc hoạch định chính sách an sinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngay từ khi bắt đầu tổ chức thực hiện Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên hướng dẫn, tạo những điều kiện thuận lợi trong khả năng để cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch các cấp trên địa bàn tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đáp ứng đầy đủ và kịp thời yêu cầu đăng ký hộ tịch của nhân dân.
Để thực hiện tốt công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, trước hết phải làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, để cả nhân dân và cán bộ hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của công tác đăng ký, quản lý hộ tịch; quyền và nghĩa vụ công dân về đăng ký hộ tịch. Chính vì vậy, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên đã sớm tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn cho lãnh đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân tất cả các huyện, đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hoạt động phù hợp theo tính đặc thù của từng địa bàn, giai đoạn từ năm 2015 đến 2019 đã tổ chức được 4.506 cuộc, gồm 12.471 lượt người tham gia với các hình thức tuyên truyền phổ biến như hội nghị phổ biến, tuyên truyền trực tiếp, lưu động; phát hành tài liệu, tờ rơi, tờ gấp và phát sóng trên đài truyền thanh tại các thôn, bản, tổ dân phố của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường. Các năm tiếp theo, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hộ tịch được triển khai thường xuyên và rộng khắp, chính vì vậy, hầu hết người dân đều nắm rõ các quyền và nghĩa vụ của mình trong công tác đăng ký hộ tịch, nắm rõ các trình tự, thủ tục để chuẩn bị hồ sơ và đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Việc bố trí đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch cũng được quan tâm kịp thời, đáp ứng được nhu cầu giải quyết công việc. Các Phòng Tư pháp cấp huyện đã được bố trí một cán bộ chuyên trách phụ trách công tác hộ tịch, dù số lượng biên chế của Phòng Tư pháp còn hạn chế; tại cấp xã cũng được bố trí đảm bảo 01 cán bộ phụ trách công tác tư pháp - hộ tịch có đủ trình độ và năng lực chuyên môn đáp ứng được yêu cầu công tác.
Cơ sở vật chất và thiết bị làm việc được quan tâm trang bị đầy đủ; đảm bảo tiến trình về cải cách tư pháp, xây dựng Chính phủ điện tử nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của công dân. Từ năm 2016, được sự quan tâm của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên đã trang bị đồng bộ máy vi tính có kết nối internet cho 129/129 xã, phường trên địa tỉnh và triển khai đồng bộ phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp. Đây là sự nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, mặc dù tình hình ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn.
Trên cơ sở sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo, hướng dẫn đó, công tác đăng ký các sự kiện hộ tịch cụ thể đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là trong việc đăng ký khai sinh cho trẻ em, là một trong các hoạt động đăng ký hộ tịch quan trọng, luôn được các ngành, các cấp, cơ quan, đoàn thể trong và ngoài nước quan tâm nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhất các quyền của trẻ em. Cơ quan đăng ký hộ tịch các cấp luôn quan tâm đảm bảo tất cả trẻ em sinh ra đều được đăng ký khai sinh, được hưởng các quyền lợi liên quan đến giấy khai sinh như: Bảo hiểm y tế, đăng ký cư trú…
Theo báo cáo thống kê của Ủy ban nhân dân các huyện, các xã trên địa bàn, tỷ lệ đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên đạt được gần 100%, trong đó, tỷ lệ trẻ em được đăng ký đúng hạn có chiều hướng tăng lên. Đặc biệt từ năm 2015, đăng ký được 10.479 trường hợp thì đến năm 2019, đăng ký được 15.721 trường hợp.
Bên cạnh việc đăng ký khai sinh cho trẻ em, nhằm bảo đảm quyền con người, thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024, để mỗi người dân đều được có giấy khai sinh hợp lệ, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên còn tích cực phối hợp với các bộ, ngành đánh giá, đề xuất các giải pháp và triển khai việc đăng ký hộ tịch nói chung, đăng ký khai sinh nói riêng cho 1.028 người di cư tự do trên địa bàn huyện Mường Nhé, đến nay cơ bản đã đăng ký và cấp giấy khai sinh cho 955/960 người, trong đó có 505 trẻ em; đăng ký kết hôn cho 54/58 trường hợp, góp phần ổn định cuộc sống cho người di cư trên địa bàn huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
2. Đối với công tác quốc tịch
Thực hiện Quyết định số 2627/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, Quyết định số 1662/QĐ-BTP ngày 15/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thỏa thuận; Quyết định số 133/QĐ-TTg ngày 03/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thỏa thuận được gia hạn hiệu lực đến ngày 14/11/2019, để bảo đảm quyền có quốc tịch của người di cư tự do và kết hôn không giá thú trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Sở Tư pháp đã cử 01 đại diện tham gia thành viên Tổ chuyên viên liên hợp của tỉnh thực hiện việc khảo sát, điều tra, xác minh, phân loại và lập danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đồng thời, tiến hành điều tra, xác minh, phân loại và lập danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của hai tỉnh Phông Sa Lỳ và Luông Pha Băng do nước bạn cung cấp; phối hợp thực hiện điều tra, xác minh song phương với bạn để thống nhất danh sách; đảm bảo thực hiện đúng các nội dung theo kế hoạch của Ban chỉ đạo; giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ trong quá trình rà soát, phân loại, lập danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú.
Kết quả rà soát, phân loại danh sách người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú ở khu vực biên giới Việt - Lào có nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam, cư trú ổn định tại Việt Nam là: 112 trường hợp, trong đó tỉnh Phông Sa Lỳ 100 trường hợp, Luông Pha Băng 12 trường hợp. Kịp thời đề xuất danh sách người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú ở khu vực biên giới Việt - Lào có nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam với Ban chỉ đạo của tỉnh để trình Trưởng Đoàn đại biểu biên giới - Bộ Ngoại giao phê duyệt theo đúng quy định. Đến nay đã giải quyết cấp giấy chứng nhận kết hôn cho 62 người kết hôn không giá thú; hướng dẫn làm hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam cho 83/109 trường hợp kết hôn không giá thú. Chỉ còn 26 trường hợp chưa được làm hồ sơ xin nhập quốc tịchViệt Nam do một số nguyên nhân khách quan như: Không có nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam, vi phạm pháp luật…
3. Đối với công tác lý lịch tư pháp
Hiểu rõ và xác định được tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên đã nghiêm túc thực hiện triển khai Quyết định số 19/QÐ-TTg ngày 08/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Ðề án thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến”; Quyết định số 1051/QÐ-BTP ngày 04/06/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quyết định triển khai “Ðề án thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến”, Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Sở Tư pháp đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 134/QÐ-UBND ngày 28/01/2016 về ban hành kế hoạch triển khai việc đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên; ngày 14/12/2015, ký hợp đồng cung ứng dịch vụ chuyển phát hồ sơ, trả kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ Bưu điện; ngày 01/12/2016, Sở Tư pháp với Bưu điện tỉnh tiếp tục ký bổ sung phụ lục về quy trình cung cấp dịch vụ đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến kết hợp với chuyển phát hồ sơ, trả kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu điện đồng thời thông báo trên toàn tỉnh. Ðể tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công mức độ cao, tiến tới thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Sở Tư pháp đã có văn bản đề nghị Cục Công nghệ thông tin, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia - Bộ Tư pháp hướng dẫn điều kiện tích hợp, kết nối kỹ thuật phần mềm của Bưu điện với phân hệ đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến để vừa đảm bảo sự phù hợp với các quy định pháp luật vừa đảm bảo vận hành thông suốt, có hiệu quả. Cá nhân, tổ chức có thể ở tại nhà truy cập vào Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp để đăng ký trực tuyến và yêu cầu Bưu điện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả tại địa chỉ, Bưu điện cũng có thể nhận được yêu cầu sử dụng dịch vụ này của cá nhân, tổ chức và cử nhân viên Bưu điện đến tiếp nhận hồ sơ đăng ký của cá nhân, tổ chức tại địa chỉ theo yêu cầu.
Dịch vụ này đã nhận được sự hài lòng và ủng hộ rất lớn từ các cá nhân, tổ chức đã tham gia sử dụng dịch vụ; đỡ tốn kém về thời gian, công sức của cá nhân, chi phí tiền tàu xe đi lại của cá nhân, tổ chức; rút ngắn thời gian trả kết quả và đảm bảo thời hạn chuyển hồ sơ đến người dân đúng hạn quy định; qua đó góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với cơ quan nhà nước, đem lại hiệu quả cao hơn khi giải quyết thủ tục hành chính. Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên đã đề ra nhiều cách làm mới, sáng tạo và chủ động hơn nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, giảm tình trạng trễ hạn cho công dân như: Cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến cho phép người dân được nhận phiếu lý lịch tư pháp tại nhà hoặc tại nơi khác theo yêu cầu (cả trong và ngoài tỉnh). Điều này không chỉ tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức có thêm lựa chọn khi có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, mà còn rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân. Tỷ lệ hồ sơ sử dụng các hình thức cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính và đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến ngày càng tăng, từ gần 10% năm 2016 đến năm 2019 đã tăng lên trên 85%, trong đó, riêng hồ sơ đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến gần 90%.
Sở Tư pháp phối hợp với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia - Bộ Tư pháp triển khai mô hình “kiềng ba chân” giữa Sở Tư pháp - Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp - Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53), Bộ Công an trong công tác tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu lý lịch tư pháp. Theo đó, Sở Tư pháp đã cài đặt phần mềm “tra cứu án tích” kết hợp với máy scan tốc độ cao để truyền trực tiếp (qua internet) yêu cầu tra cứu thông tin lý lịch tư pháp và hồ sơ của người xin cấp phiếu lý lịch tư pháp từ Sở Tư pháp về C53 và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp. Sau khi rà soát, đối chiếu với cơ sở dữ liệu của Trung tâm, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia sẽ ký công văn trả lời kết quả tra cứu, xác minh rồi gửi qua internet cho Sở Tư pháp. Đây được coi là bước “đột phá” nhằm phát triển công tác lý lịch tư pháp ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp.
Có thể thấy, những điểm sáng trong công tác đăng ký hộ tịch, quốc tịch và cấp phiếu lý lịch tư pháp như đã nêu trên đã dần thể hiện được tính ưu việt và khắc phục những hạn chế trước đây, góp phần giảm thiểu chi phí, thời gian đi lại cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, là hình mẫu để từng bước nhân rộng ra đối với các thủ tục hành chính tư pháp khác, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên