Sau hơn 14 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp, khuôn khổ pháp luật về lý lịch tư pháp được xây dựng từ Luật Lý lịch tư pháp tới nghị định của Chính phủ và các thông tư của Bộ, ngành liên quan. Công tác quản lý nhà nước, xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được thực hiện ở cả Trung ương và địa phương đi cùng với tăng cường phối hợp liên ngành, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo cơ sở thuận lợi cho việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người dân, cơ quan, tổ chức.
Trong bối cảnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chính phủ và Bộ, Ngành Tư pháp đang quyết liệt xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực lý lịch tư pháp đang đặt ra những yêu cầu và trách nhiệm ngày càng cao của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác lý lịch tư pháp.
Trong buổi làm việc với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia về công tác lý lịch tư pháp (ngày 28/6/2024), Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về lý lịch tư pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Tư pháp về tổ chức và hoạt động của của Trung tâm, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng vị trí, vai trò của Bộ, Ngành Tư pháp đối với công tác lý lịch tư pháp. Khuôn khổ pháp luật về lý lịch tư pháp được xây dựng từ Luật Lý lịch tư pháp tới nghị định của Chính phủ và các thông tư của Bộ, ngành liên quan. Công tác quản lý nhà nước, xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được thực hiện ở cả Trung ương và địa phương đi cùng với tăng cường phối hợp liên ngành, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo cơ sở thuận lợi cho việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người dân, cơ quan, tổ chức. Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã có sự phát triển nhanh, trở thành một đơn vị sự nghiệp lớn của Bộ với hơn 40 viên chức, tự chủ một phần chi thường xuyên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác lý lịch tư pháp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp còn “lúng túng” và còn thông tin lý lịch tư pháp chưa được cập nhật kịp thời vào Cơ sở dữ liệu; vẫn còn tình trạng chậm cấp Phiếu lý lịch tư pháp; tổ chức và hoạt động của Trung tâm bộc lộ một số hạn chế. Thực trạng trên xuất phát từ các nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Với mục tiêu đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, xây dựng và vận hành tốt Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, tạo cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, ngày 26/8/2024, Ban Cán sự đảng ban hành Nghị quyết số 130-NQ/BCSĐ về tăng cường lãnh đạo, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác lý lịch tư pháp đến năm 2030. Theo đó, Ban Cán sự đảng đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cần thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác lý lịch tư pháp trong thời gian tới:
Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác lý lịch tư pháp: Tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác lý lịch tư pháp, trong đó có xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp… Bên cạnh đó, cần tăng cường, thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí của công tác lý lịch tư pháp trong tình hình mới; xác định rõ yêu cầu về đổi mới công tác lý lịch tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lý lịch tư pháp nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân về pháp luật và mục đích, ý nghĩa của Phiếu lý lịch tư pháp, ngăn chặn tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp/xuất trình Phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định.
Hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật về lý lịch tư pháp: Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả cho công tác lý lịch tư pháp và tháo gỡ được những điểm nghẽn về thể chế. Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, trong đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; tập trung tham mưu, xây dựng thể chế, chính sách, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác lý lịch tư pháp và hướng tới trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trên môi trường điện tử. Tập trung nguồn lực xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, tạo cơ sở cấp Phiếu lý lịch tư pháp nhanh chóng, hiệu quả, theo đúng quy định. Tiếp tục rà soát để đơn giản hóa thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người dân; nghiên cứu, tham mưu có thủ tục riêng cung cấp thông tin lý lịch tư pháp thay cho thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước và tổ chức có thẩm quyền. Đồng thời, thực hiện tốt, hiệu quả phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 11/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực lý lịch tư pháp ở cả Trung ương và địa phương; kịp thời phát hiện vi phạm, chấn chỉnh sai sót, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị; đồng thời, khen thưởng kịp thời các cơ quan, đơn vị, cá nhân làm tốt công tác lý lịch tư pháp, nhân rộng điển hình, gương sáng trong công tác lý lịch tư pháp.
Đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia: Nghiên cứu, xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Đề án đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đến năm 2030, bảo đảm tách bạch chức năng quản lý nhà nước và dịch vụ sự nghiệp công, kiện toàn tổ chức và đổi mới hoạt động đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, bảo đảm lộ trình thực hiện phù hợp. Rà soát, đánh giá và đề xuất về mức độ tự chủ về tài chính của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia phù hợp với thực tiễn phát triển.
Bảo đảm các điều kiện thực hiện công tác lý lịch tư pháp: Ưu tiên đầu tư nguồn lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho công tác lý lịch tư pháp để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Tập trung rà soát, đánh giá chính xác đội ngũ cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp để có định hướng, giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ này bảo đảm chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lý lịch tư pháp, trong đó tập trung nâng cấp Phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và cấp Phiếu lý lịch tư pháp, kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan.
Minh Trí
Ảnh: internet