Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã khẳng định, đồng chí Lê Đức Thọ là tấm gương sáng ngời về lòng trung thành, tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; người cộng sản mẫu mực với tinh thần cách mạng, tiến công kiên cường, bất khuất, lạc quan, đức tính cần, kiệm, liêm chính và giàu tình thương yêu đồng chí. Đồng chí Lê Đức Thọ được toàn Đảng, toàn dân và bạn bè quốc tế kính trọng. Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương, danh hiệu vinh dự, cao quý khác; được Đảng và Nhà nước Liên Xô tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười và Đảng và Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Ăngco.
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911 - 10/10/2021), xin được giới thiệu tóm lược tiểu sử, quá trình hoạt động cũng như những đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
1. Tóm lược tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ
Đồng chí Lê Đức Thọ, tên chính là Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc (nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Với lòng yêu nước, thương dân và hoài bão tuổi trẻ, đồng chí Lê Đức Thọ đã sớm dấn thân trên con đường cách mạng vinh quang và gian khổ. Năm 1925, khi mới 14 tuổi đồng chí đã tích cực hoạt động trong phong trào học sinh yêu nước. Năm 1926, đồng chí tham gia các hoạt động bãi khóa, dự lễ truy điệu nhà chí sỹ yêu nước Phan Chu Trinh. Năm 1928, khi 17 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được hoạt động và rèn luyện trong tổ chức cách mạng. Năm 1929, tròn 18 tuổi, đồng chí được vinh dự kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, làm Bí thư Chi bộ học sinh và phụ trách công tác thanh niên, học sinh, đồng chí thuộc lớp những Đảng viên Cộng sản đầu tiên của Đảng ta.
Tháng 11/1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm khổ sai và bị đày đi Nhà tù Côn Đảo, làm Bí thư Chi bộ và Thường vụ Chi ủy Nhà tù. Năm 1936, trước sức đấu tranh mạnh mẽ của dân ta và phong trào Bình dân ở Pháp, thực dân Pháp ở Đông Dương phải trả tự do cho một số tù chính trị, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ. Trở về quê hương, trong những năm 1936 - 1939, đồng chí tiếp tục xây dựng cơ sở bí mật của Đảng và phụ trách công tác báo chí công khai của Đảng bộ. Từ năm 1939 - 1944, đồng chí bị địch bắt và bị kết án 05 năm tù tại các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La và Hòa Bình.
Tháng 9/1944, đồng chí được Trung ương giao phụ trách công tác tổ chức và huấn luyện cán bộ ở khu An toàn của Trung ương. Tháng 10/1944, được chỉ định là Ủy viên Trung ương Đảng trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Đồng chí đã tham dự Hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đêm ngày 9/3/1945, đề ra chủ trương phát động cao trào cách mạng tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa. Đồng chí cũng tham dự Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 12/1946, quyết định toàn quốc kháng chiến.
Năm 1948, đồng chí thay mặt Trung ương Đảng tham gia đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ vào miền Nam công tác. Năm 1949, đồng chí được chỉ định làm Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Năm 1951, tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được giao làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Từ năm 1949 đến năm 1954, đồng chí làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam.
Năm 1955, đồng chí tập kết ra Bắc, làm Trưởng ban Thống nhất Trung ương. Cuối năm 1955, đồng chí được bổ sung vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác sửa sai trong cuộc vận động cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Cuối năm 1956, đồng chí làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Từ tháng 11/1956 đến năm 1961, đồng chí kiêm chức Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Năm 1966, đồng chí kiêm Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Năm 1967, đồng chí được cử vào Quân ủy Trung ương. Đầu năm 1968, đồng chí được Bộ Chính trị cử vào miền Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Tháng 5/1968, đồng chí được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ phụ trách công tác đấu tranh ngoại giao, làm cố vấn đặc biệt của Đoàn Đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Pari. Sau hiệp định Pari và Việt Nam (năm 1973), đồng chí được cử làm Trưởng ban miền Nam của Trung ương. Năm 1975, được Bộ Chính trị cử vào miền Nam phổ biến nghị quyết về cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân và cùng với một số đồng chí lãnh đạo khác thay mặt Bộ Chính trị chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh. Tháng 12/1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Giữa năm 1977 đến tháng 01/1979, đồng chí được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác đặc biệt. Năm 1980, đồng chí được cử làm Bí thư Thường trực và phụ trách công tác tổ chức và tháng 10/1980, đồng chí kiêm Hiệu trưởng Trường Chính trị đặc biệt. Tại Đại hội lần thứ V của Đảng (3/1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và làm Bí thư Thường trực, phụ trách công tác tư tưởng, nội chính, ngoại giao. Năm 1983, đồng chí được chỉ định làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Đảng. Năm 1986, đồng chí làm Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội lần thứ VI của Đảng và tại Đại hội (tháng 12/1986), đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Với 64 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lê Đức Thọ đã đem tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta, là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với những giai đoạn của cách mạng Việt Nam, gắn liền với những thành quả cách mạng vĩ đại của dân tộc, là một trong những lãnh đạo có nhiều cống hiến lớn cho sự nghiệp cách mạng, để lại cho đồng bào, đồng chí những tình cảm vô cùng quý mến.
2. Đồng chí Lê Đức Thọ, lớp Đảng viên đầu tiên của Đảng, giàu nhiệt huyết và bản lĩnh cách mạng, góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng Việt Nam
Đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những nhà lãnh đạo tiền bối, tiêu biểu của Đảng và Nhà nước ta, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trên nhiều mặt. Quá trình làm việc và cống hiến, đồng chí đã thể hiện tài năng trí tuệ của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cụ thể:
2.1. Trong công tác tổ chức Đảng
Công tác tổ chức của Đảng là sự nghiệp hầu như suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ. Trong lao tù ở Côn Đảo, Hòa Bình, hay sau khi ra tù trở về hoạt động ở ATK, khi công tác ở Miền Nam, khi tham gia Bộ Chính trị, đồng chí đều được Đảng và Bác Hồ tín nhiệm giao phụ trách công tác tổ chức của Đảng. Trên cương vị ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn dự thảo các văn kiện từ Đại hội III đến Đại hội VI của Đảng. Với nhiệm vụ được giao phụ trách về công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức, đồng chí Lê Đức Thọ đã góp phần vào việc phát triển lý luận về xây dựng Đảng của một Đảng cầm quyền, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng chí là người trực tiếp chỉ đạo xây dựng Tạp chí Xây dựng Đảng và có nhiều bài viết sâu sắc về công tác tổ chức của Đảng được đông đảo cán bộ, đảng viên quan tâm nghiên cứu và vận dụng.
2.2. Trên mặt trận ngoại giao
Trong cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, với cương vị Cố vấn đặc biệt của Đoàn Đại biểu Chính phủ ta, đồng chí Lê Đức Thọ đã thể hiện năng lực của một nhà ngoại giao tài ba, nhà thương thuyết có tầm nhìn chiến lược, khôn khéo, “vừa đánh vừa đàm”, kiên quyết về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Trong các cuộc đàm phán trực tiếp công khai và nói chuyện với đại diện Chính phủ Mỹ, đồng chí đã chủ động tiến công ngoại giao đến cùng với Mỹ kéo dài trong hơn 05 năm tại Thủ đô Paris, đã làm thất bại mọi âm mưu và phá sản mọi con bài ngoại giao của Mỹ, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút”. Thắng lợi của cách mạng nước ta tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là thắng lợi của trí tuệ, thắng lợi của chính nghĩa, thắng lợi của một dân tộc anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng chân chính có đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo; trong chiến thắng này, có đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Đức Thọ. Những hoạt động ngoại giao của đồng chí Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris đã để lại một số bài học kinh nghiệm quý cho nền ngoại giao Việt Nam.
3. Đồng chí Lê Đức Thọ và những vần thơ sống mãi với thời gian
Trong cuộc hành trình qua các thời kỳ lịch sử của cách mạng, dù rất bận rộn với công việc của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ vẫn dành thời gian làm thơ ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Là người chiến sỹ cách mạng yêu thơ và làm thơ ngay từ khi bước vào đời hoạt động cách mạng, bị giam cầm trong ngục tù đế quốc, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, trong hành trình công tác từ Bắc vào Nam, lên các vùng biên giới, đồng chí Lê Đức Thọ đã sáng tác nhiều bài thơ có giá trị, được tập hợp in trong hai tập thơ: “Trên những nẻo đường” và “Nhật ký đường ra tiền tuyến”. Những sáng tác của đồng chí vừa giàu chất thực tế, có tính thời sự sâu sắc, vừa chứa chan tình cảm cách mạng, thiết tha yêu đời, yêu người; nhiều tác phẩm ẩn chứa tình cảm, suy nghĩ sâu sắc và chân thành của một nhà tư tưởng, một nhà hoạt động chính trị tài năng, nhà ngoại giao bản lĩnh, một chiến sỹ cộng sản kiên trung từng vào sinh ra tử trên khắp nẻo đường cách mạng. Thơ Lê Đức Thọ nặng tình non nước, nặng nghĩa với đồng chí, đồng bào, thủy chung với Đảng, với cách mạng và đồng cảm với các chiến sỹ bộ đội. Trong đó, nhiều bài thơ có giá trị trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam đã được đồng bào và chiến sỹ chuyền tay nhau đọc, chép vào sổ tay, mang theo trong hành trang chiến đấu, công tác như: “Lòng xuân chiến sỹ”, “Ý xuân”, “Lời anh dặn”, “Điểm tựa”, “Thăm anh”, “Anh chiến sỹ an ninh”, “Tình Miên - Việt”.
Đặc biệt xúc động khi trong thơ của Lê Đức Thọ là hình ảnh những người chiến sỹ, những em bé liên lạc. Hình ảnh những người chiến sỹ trong thơ ông mang nét đặc thù riêng, rất đời thường. Trong tập thơ “Nhật ký đường ra tiền tuyến”, ông đã thể hiện được sâu đậm không khí khẩn trương, sôi nổi của cả nước lên đường đánh giặc. Ông dành nhiều trang thơ đẹp đẽ viết về những chiến sỹ lái xe, những cô gái công binh, những người chiến sỹ đang tiếp bước nhau trên đường ra trận... Mỗi người đều có trước mắt cái đích thắng lợi, mang trong tâm hồn một khoảng trời xanh và trong tim là những lời nguyện ước. Lời nguyện ước ấy với ông cũng như bao chiến sỹ trên đường ra trận là lời của non nước, lời căn dặn của đồng chí, đồng bào[1].
Vậy đó, thơ Lê Đức Thọ như có hơi thở của sự sống, có những chất liệu đến từ giữa cuộc đời. Có lần ông đã từng tâm sự rằng: “Trong cuộc đời chiến đấu của mình, thơ thường đến với tôi vào những lúc tôi ra đi đến một vùng đất mới. Với tôi, thơ là một loài cây mới, một quê hương mới, những cảnh ngộ mới, những niềm vui nỗi buồn mới, tôi lại muốn đến với thơ như một thôi thúc sâu xa” (Lê Đức Thọ - Một vài suy nghĩ về thơ. Báo Văn nghệ, số 13 (1982)). Có phải vậy chăng mà cho đến bây giờ, dù bao năm, bao tháng đã trôi qua, bụi mù thời gian đã phủ lấp nhiều thứ, nhưng những vần thơ như gieo, như khắc của ông vẫn cứ neo trong lòng bạn đọc[2].
Ảnh: Internet
Bài viết được tổng hợp thông tin từ Đề cương Tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911 - 10/10/2021) của Ban Tuyên giáo Trung ương.