Nhân dịp Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) kính mời độc giả cùng chúng tôi trò chuyện với một người lính giản dị giữa đời thường!
PV: Cháu chào bác, rất vui khi bác nhận lời mời trò chuyện cùng Tạp chí Dân chủ và Pháp luật nhân dịp Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024). Bác có thể giới thiệu đôi nét về bản thân.
Cựu chiến binh Phạm Xuân Ninh: Xin chào độc giả của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật. Tôi tên đầy đủ là Phạm Xuân Ninh, sinh năm 1956. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ATK Định Hóa, Thái Nguyên - Thủ đô gió ngàn. Mảnh đất có truyền thống cách mạng, nơi bảo vệ và nuôi giấu Trung ương Đảng và Bác Hồ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sinh ra trong gia đình có bố là bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, mẹ là dân công hỏa tuyến, từ nhỏ tôi đã được giác ngộ truyền thống yêu nước. Năm 1974, khi vừa tròn 18 tuổi, mặc dù đã có giấy báo trúng tuyển vào Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhưng tôi vẫn xung phong đi bộ đội.
PV: Vậy quá trình tham gia quân ngũ, bác đã trải qua những gì và bác có kỷ niệm gì đáng nhớ nhất khi tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc?
Cựu chiến binh Phạm Xuân Ninh: Năm 1974, với mong muốn được trực tiếp chiến đấu, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đơn tình nguyện tham gia chiến trường miền Nam của tôi đã được chấp thuận. Trải qua 06 tháng huấn luyện, vào một đêm cuối năm giá rét, tôi và đơn vị được lệnh khẩn trương hành quân vào Nam, vượt qua dãy Trường Sơn hùng vĩ, sẵn sàng cho một trận chiến quyết liệt.
Đầu năm 1975, tôi được bổ sung vào Trung đoàn 33 bộ binh, là Trung đoàn cơ động của Bộ Tư lệnh Miền Nam. Tôi đã cùng đơn vị tham gia chiến đấu nhiều trận. Đặc biệt là tham gia Chiến dịch giải phóng thị xã Xuân Lộc (cách Sài Gòn khoảng 80 km về phía Đông). Đây là chiến dịch quan trọng mở “cánh cửa thép” tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Trong một trận chiến đấu chốt chặn QL 1 không cho quân địch ứng cứu Xuân Lộc, tôi đã bị thương. Tuy nhiên, bằng tình yêu đất nước và tinh thần chiến đấu mãnh liệt, mặc dù vết thương chưa lành, tôi đã mạnh dạn xin được xuất viện để cùng đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau ngày Miền Nam giải phóng, tôi tham gia truy quét tàn binh. Năm 1977, tôi cùng đơn vị được cử đi làm nghĩa vụ quốc tế, chiến đấu với lính Pol Pot giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Năm 1983, tôi về làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới của Quân khu 7. Đến năm 1987, tôi được phục viên trở về địa phương.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những năm tháng chiến đấu của tôi, đó là: vào một đêm (trong trận chiến đấu với lính Pol Pot, Campuchia) tôi phải đưa 03 đồng đội bị thương nặng về trạm quân y tiền phương, trong đó chiến sĩ Nguyễn Trung Việt bị thương rất nặng. Việt sinh năm 1960 nhập ngũ năm 1978, bị thương ngày 02/01/1979. Biết mình khó qua khỏi, Việt nói đừng cứu mình nữa mà hãy cứu các đồng đội khác, nói xong, đôi môi anh đã tái nhợt vì mất máu. Anh nở nụ cười mãn nguyện rồi thanh thản ra đi. Cũng trong trận chiến với lính Pol Pot, tôi nhớ như in đó là vào ngày 24/01/1979, một trận chiến diễn ra rất ác liệt (từ lúc 14 giờ tới tối), địch sử dụng súng cối 82 ly bắn cấp tập vào bộ đội ta, bộ đội bị thương vong nhiều. Thế rồi, đường dây thông tin bị đứt, vô tuyến bị phá sóng, không truyền đạt được mệnh lệnh của chỉ huy đến các chiến sĩ. Đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn, dù không được phân công làm nhiệm vụ, nhưng đã xung phong đi nối đường dây, đồng chí trúng mánh đạn cối gẫy một chân nhưng vẫn lết theo đường dây để nối mối cuối cùng. Đoạn dây quá ngắn không đủ để nối, đồng chí đã dùng răng để cắn chặt vào hai đầu dây giúp cho mạch thông tin thông suốt. Khi đồng đội tìm đến, đồng chí đã anh dũng hy sinh trong khi hai hàm răng vẫn cắn chặt hai đầu dây… Đó là những kỷ niệm thời chiến mà đến tận bây giờ khi nhắc lại tôi vẫn còn xúc động, không thể nào quên được!
PV: Từ khi rời quân ngũ, bác đã công tác tại đâu và tham gia những hoạt động xã hội nào?
Cựu chiến binh Phạm Xuân Ninh: Trở về địa phương trong thời kỳ bao cấp, phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh, phải làm đủ mọi công việc để kiếm sống. Năm 1994, tôi được nhận vào làm bảo vệ cho Trung tâm Y tế thuộc Công ty Cao su Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó làm nhân viên khoa Phục Hồi Chức Năng bệnh viện Tâm Thần tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2016, tôi được Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ.
Trở về với cuộc sống đời thường nhưng tôi vẫn luôn cố gắng phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia các công tác xã hội, là Hội phó Hội Hỗ trợ thân nhân gia đình liệt sĩ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bản thân tôi đã hỗ trợ để một số gia đình di dời 05 bộ hài cốt liệt sĩ từ nghĩa trang về địa phương, cùng các gia đình tìm kiếm, cất bốc thành công 18 liệt sĩ, tìm kiếm nhưng chưa đạt kết quả 21 trường hợp. Có những lần tìm kiếm nhiều ngày trong rừng, mắc võng ngủ trong rừng rất vất vả.
Hiện tại, tôi là Phó Ban thường trực Ban Liên lạc Cựu Chiến binh Trung đoàn 33. Tôi đã giúp Trung đoàn lập hồ sơ để khắc bổ sung tên liệt sĩ và điều chỉnh thông tin liệt sĩ trên bia ghi danh liệt sĩ Trung đoàn 33 tại Khu di tích lịch sử Trung đoàn 33.
Hàng năm, vào dịp Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và các ngày lễ lớn của đất nước, tôi thường xuyên được mời tham dự các buổi sinh hoạt ngoại khóa, nói chuyện về truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh anh dũng của cha ông ta cho các cháu học sinh (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) các trường trong và ngoài huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)…
PV: Được biết, bác có sáng tác thơ và có rất nhiều bài thơ hay về người lính, vậy, bác có thể chia sẻ bài thơ mà bác tâm đắc nhất cho các độc giả của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật?
Cựu chiến binh Phạm Xuân Ninh: Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, xin gửi tới các bạn độc giả bài thơ “Mãi Xứng danh người lính”
“Tôi là Phạm Xuân Ninh
Hội viên Cựu chiến binh
Đời lính vui là chính
Tặng thơ toàn vần inh
Thức dậy cùng bình minh
Để sảng khoái trong mình
Vẫn tác phong người lính
Tập thế võ dưỡng sinh
Huy hiệu Cựu chiến binh
Luôn nhắc nhở cho mình
Phải cần, kiệm, liêm, chính
Lời Bác dậy đinh ninh
Dù là một thương binh
Mấy mảnh đạn trong mình
Vẫn giúp đỡ gia đình
Như một lao động chính
Nêu gương sáng điển hình
Năm xưa là người lính
Vì nước quên thân mình
Dù gian khổ hy sinh
Xông lên không suy tính
Nay đất nước thanh bình
Vẫn trọn nghĩa vẹn tình
Giúp nhau không toan tính
Sáng đẹp đức hy sinh
Phê bình tự phê bình
Quyết vượt lên chính mình
Sống đoàn kết thân tình
Chống diễn biến hòa bình
Vững tin Đảng quang vinh
Giữ vững phẩm chất lính
Của một thời chiến chinh
Ca bài ca người lính
Vì nhân dân quên mình
Vì nhân dân quên mình
Vì nhân dân hy sinh
Mãi xứng danh người lính
Lính Cụ Hồ Chí Minh!”
PV: Qua các buổi nói chuyện về truyền thống cách mạng, truyền thống đấu tranh anh dũng của cha ông ta, bác có lời nào muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ ngày nay?
Cựu chiến binh Phạm Xuân Ninh: Mong muốn lớn nhất của tôi là qua các buổi nói chuyện về chiến tranh về các trận chiến anh dũng của các thế hệ ông cha đi trước, các cháu sẽ hiểu hơn về giá trị cuộc sống. Để lá cờ đỏ sao vàng có thể kiêu hãnh tung bay trên bầu trời xanh hòa bình đã có không biết bao nhiêu người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, nhiều người tuổi đời còn rất trẻ. Các cháu hãy cố gắng sống, lao động, học tập sao cho xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ đi trước. Thực hiện thật tốt lời căn dặn của Bác “các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”!
Cảm ơn bác đã dành thời gian trò chuyện cùng Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, chúc bác luôn có thật nhiều sức khỏe, nhiều nhiệt huyết và tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trong công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ ngày nay!