Tóm tắt: Bài viết phân tích các quy định hiện hành về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nói chung, trên cơ sở đó đề xuất hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam.
Abstract: The article analyzes the current regulations on supporting human resource development for enterprises in general, on that basis, it proposes to improve the law on supporting human resource development in social enterprises in Vietnam.
Doanh nghiệp xã hội (DNXH) là thuật ngữ pháp lý được ghi nhận chính thức kể từ Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2014. Các DNXH ở Việt Nam có những mục tiêu hoạt động rất rõ ràng và đều chú trọng vào mục tiêu xã hội (thay bằng mục tiêu lợi nhuận như các doanh nghiệp thương mại thông thường). Theo Báo cáo Hiện trạng doanh nghiệp xã hội Việt Nam năm 2019 của Hội đồng Anh, Tổ chức DNXH Vương quốc Anh và Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, mục tiêu phổ biến nhất của các DNXH là tạo cơ hội việc làm (60%), cải thiện một cộng đồng cụ thể (55%) và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương (42%). Các chủ đề phổ biến khác bao gồm bảo vệ môi trường/tiết kiệm năng lượng (32%), cung cấp khả năng tiếp cận các sản phẩm/dịch vụ chất lượng (31%) và thúc đẩy sự gắn kết xã hội (30%).
Tuy góp phần không nhỏ hỗ trợ Nhà nước giải quyết vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế trong xã hội nhưng khu vực DNXH hiện nay ở nước ta vẫn chưa nhận được bất kỳ một chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể nào, đặc biệt trong vấn đề hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực - một nguồn vốn quan trọng giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển. Doanh nghiệp xã hội với đặc thù về mục tiêu hoạt động và nguồn nhân lực bao gồm 02 nhóm lao động với những hạn chế riêng, cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt, trong đó: (i) Đối với nhóm nhân lực quản lý, xuất phát từ đặc thù của DNXH là mô hình kinh doanh đa phần được khởi sự từ ý tưởng của những người làm công tác xã hội hoặc các mô hình DNXH tại địa phương do nhóm người yếu thế tự lực thành lập. Một bộ phận khác là DNXH do những người trẻ tuổi khao khát đồng hành cùng Nhà nước giải quyết các vấn đề của xã hội. Chính vì vậy, về cơ bản, chủ sở hữu hay thành viên sáng lập DNXH thường là những người ít có kinh nghiệm kinh doanh và quản lý. (ii) Đối với nhóm nhân lực lao động, xuất phát từ mục tiêu hỗ trợ cộng đồng nên phần lớn DNXH sử dụng lao động là nhóm yếu thế trong xã hội như phụ nữ nông thôn, người khuyết tật, trẻ em thiệt thòi… Do các điều kiện về nhận thức, tinh thần sức khỏe và bối cảnh sinh sống cũng như tay nghề lao động hạn chế nên sẽ dẫn đến chất lượng nhân lực và năng suất lao động thấp, nguồn nhân lực thiếu tính ổn định. Để cải thiện chất lượng lao động, DNXH phải đầu tư chi phí để đào tạo, huấn luyện kỹ năng làm việc tối thiểu và các chi phí tổ chức làm việc, chăm sóc cho nhóm người yếu thế.
Với những đặc thù về lao động như trên nhưng các DNXH hiện nay ở nước ta cũng chỉ được hưởng chung các chính sách hỗ trợ nhân lực giống như các doanh nghiệp thương mại khác. Không những vậy, các quy định hỗ trợ chung này cũng đang còn tồn tại nhiều bất cập cần có giải pháp hoàn thiện.
1. Thực trạng pháp luật về hỗ trợ nhân lực trong doanh nghiệp hiện nay
1.1. Đối với nhóm nhân lực lao động là người yếu thế
Người yếu thế là những đối tượng dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, ví dụ như người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số… Đối tượng được xác định thuộc nhóm người yếu thế là rất rộng và hiện nay không có quy định hay văn bản nào liệt kê đầy đủ các đối tượng thuộc nhóm người yếu thế. Dưới góc độ pháp lý, Nhà nước đã có các quy định hỗ trợ cụ thể dành cho nhóm người khuyết tật và người dân tộc miền núi.
1.1.1. Đối với nhân lực lao động là người khuyết tật
Theo Điều tra Quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam năm 2016 - 2017 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có hơn 7% dân số từ 02 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người, là người khuyết tật. Trong đó, chưa đến 1/3 người khuyết tật có việc làm. Trong đó, tỷ lệ người khuyết tật 15 tuổi trở lên có việc làm là 31,7%, trong khi tỷ lệ này ở người bình thường cao gấp 2,5 lần, chiếm tới 82,4%. Để hỗ trợ người khuyết tật trong việc tìm kiếm việc làm, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định về đào tạo nghề cho người khuyết tật để họ có thể chủ động tạo việc làm hoặc gia nhập vào thị trường lao động giúp người khuyết tật có được một kỹ năng nghề nghiệp nhất định, đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy vậy, những quy định này vẫn đang còn tồn tại nhiều bất cập.
Cụ thể, Điều 4 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng quy định cụ thể về điều kiện người học được hỗ trợ đào tạo, theo đó, điều luật này đưa ra 03 điều kiện, bao gồm: (i) Người học nghề phải trong độ tuổi lao động (nữ từ đủ 15 - 55 tuổi; nam từ đủ 15 - 60 tuổi); (ii) Có trình độ học vấn; (iii) Phải có phương án tự tạo việc làm sau học nghề bảo đảm tính khả thi và nhiều điều kiện khác. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, những tiêu chí này chưa thực sự phù hợp với thực tiễn hiện nay về quy định độ tuổi lao động và đặc thù của đối tượng lao động là người khuyết tật, chưa tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia các chương trình đào tạo nghề. Cụ thể:
Thứ nhất, về yêu cầu người học phải trong độ tuổi lao động (nữ từ đủ 15 - 55 tuổi; nam từ đủ 15 - 60 tuổi): Hiện nay, Bộ luật Lao động năm 2019 đã có những điều chỉnh về độ tuổi lao động, theo đó, độ tuổi lao động của nữ là từ đủ 15 - 60 tuổi vào năm 2035; nam từ đủ 15 - 62 tuổi vào năm 2028. Do đó, quy định về độ tuổi để hưởng hỗ trợ đào tạo giới hạn đến 55 tuổi đối với lao động nữ và 60 tuổi đối với lao động nam là không còn phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật lao động.
Thứ hai, về yêu cầu người học được hỗ trợ đào tạo cần phải có trình độ học vấn: Chưa có quy định cụ thể “trình độ học vấn” tối thiểu người học cần đáp ứng là gì. Mặt khác, đối với những cá nhân bình thường, việc yêu cầu về trình độ học vấn có thể là điều kiện cần nhưng đối với người khuyết tật, việc đặt ra yêu cầu trình độ học vấn sẽ giới hạn cơ hội được đào tạo nghề của đối tượng này bởi sự hạn chế, khiếm khuyết cơ thể dẫn đến các rào cản về giao tiếp và tham gia các hoạt động xã hội nên rất ít người khuyết tật đạt được một trình độ giáo dục nhất định.
Thứ ba, về yêu cầu người học cần có phương án tự tạo việc làm sau học nghề và phải bảo đảm tính khả thi: Tác giả cho rằng, quy định này chưa phù hợp đối với người khuyết tật, bởi lẽ, vì những “khiếm khuyết” trên cơ thể nên rất hiếm người khuyết tật có thể có “phương án tự tạo việc làm” cho bản thân mình, thậm chí, tìm kiếm một cơ hội việc làm đối với họ còn là khó khăn. Chính vì vậy, quy định yêu cầu người khuyết tật phải có phương án tự tạo việc làm sau khi được hỗ trợ học nghề có thể sẽ trở thành một rào cản khi người khuyết tật đến với cơ hội được đào tạo nghề. Hơn nữa, phương án này phải “bảo đảm tính khả thi” là chưa thực sự hợp lý đối với đối tượng người học là người khuyết tật.
Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ đào tạo cho người khuyết tật theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng hiện nay cũng còn bất cập. Cụ thể, Quyết định này quy định mức hỗ trợ đi lại cho người khuyết tật khi tham gia các khóa đào tạo như sau: Hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 05 km trở lên[1]. Tác giả cho rằng, mức hỗ trợ này chưa thực sự phù hợp với đối tượng hỗ trợ là người khuyết tật và với thực tế tốc độ lạm phát, sự biến động về giá xăng dầu, dịch vụ vận chuyển như hiện nay. Chúng ta đều biết, người khuyết tật thường gặp khó khăn lớn về di chuyển (đặc biệt với những người khuyết tật chân), do đó, chi phí này không thể đủ để chi trả cho việc đi lại trong suốt khóa học và có thể là một nguyên nhân gây cản trở người khuyết tật tham gia các khóa học.
Bởi thời gian đào tạo ngắn hạn nên từ trước đến nay, người khuyết tật thường được định hướng đào tạo một số ngành nghề thủ công đặc thù như: Sản xuất tăm, may, vá, thêu thùa… Những nghề được đào tạo chủ yếu là nghề thủ công đơn giản, tuy vậy, những nghề này có lẽ không còn phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và thị trường hàng hóa, dịch vụ hiện nay. Thực tế, rất nhiều người lao động tuy có khiếm khuyết trên cơ thể nhưng họ lại có khối óc hoàn toàn bình thường, thậm chí là rất thông minh và cũng đã có rất nhiều người khuyết tật học và làm việc thành công trong lĩnh vực về máy tính, công nghệ thông tin. Vì vậy, tác giả cho rằng, danh mục nghề nghiệp hỗ trợ đào tạo người khuyết tật hiện nay là chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống và xu hướng nghề nghiệp của thời kỳ công nghệ số.
1.1.2. Đối với nhóm nhân lực lao động là người dân tộc miền núi
Đối với nhóm nhân lực là người dân tộc miền núi, bên cạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho bà con đồng bào theo quy định, Nhà nước còn rất quan tâm hỗ trợ các đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc miền núi. Cụ thể, ngày 08/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn (Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg). Quyết định này quy định chính sách hỗ trợ về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, định mức lao động, tiền thuê đất, nguồn vốn hỗ trợ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách này. Theo đó, về đào tạo, ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng) với mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học thực tế) đối với lao động phổ thông là người dân tộc thiểu số, đủ điều kiện tuyển dụng vào làm việc theo yêu cầu phải đào tạo trong kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của đơn vị sử dụng lao động.
Về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, ngân sách nhà nước hỗ trợ nộp thay đơn vị sử dụng lao động tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người dân tộc thiểu số được tuyển dụng mới hoặc mới ký hợp đồng lao động. Thời gian được Nhà nước hỗ trợ ngân sách nộp thay cho đơn vị sử dụng lao động là 05 năm đối với một người lao động.
Về áp dụng định mức lao động, đơn vị sử dụng lao động được áp dụng định mức lao động bằng 80% định mức lao động chung của đơn vị để khoán hoặc trả công cho người lao động là người dân tộc thiểu số. Thời gian áp dụng là 05 năm đối với một người lao động vào làm việc tại đơn vị.
Theo Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg, ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và 20% định mức lao động chung của đơn vị để khoán hoặc trả công cho người lao động là người dân tộc thiểu số. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2012 và được áp dụng tại 29 tỉnh.
Để cụ thể hóa Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg, ngày 13/6/2017, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 58/2017/TT-BTC hướng dẫn một số chính sách hỗ trợ tài chính cho các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Một trong các nội dung nổi bật của Thông tư này là việc hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ các nguyên tắc hỗ trợ: Lao động là người dân tộc thiểu số thuộc diện phải đào tạo theo kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của đơn vị sử dụng lao động được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng) mỗi người một lần. Kinh phí hỗ trợ đào tạo được cấp trực tiếp cho đơn vị sử dụng lao động theo kế hoạch đào tạo đã được cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt (tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước đối với các đơn vị trực thuộc; bộ, ngành đối với đơn vị thuộc bộ, ngành; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý bao gồm cả các hợp tác xã, doanh nghiệp ngoài Nhà nước, các công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty mẹ và doanh nghiệp thành viên của tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước có trụ sở chính đóng trên địa bàn). Việc đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động được thực hiện tại các cơ sở đào tạo đủ điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Nơi cư trú của người lao động để làm căn cứ xác định mức hỗ trợ chi phí đào tạo quy định tại Thông tư này được xác định theo quy định tại Luật Cư trú năm 2020 và các văn bản hướng dẫn.
Đối tượng hỗ trợ và mức hỗ trợ cụ thể như sau: (i) Về hỗ trợ chi phí đào tạo: Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được hỗ trợ mức tối đa là 04 triệu đồng/người/khóa học; người dân tộc thiểu số được hỗ trợ mức tối đa là 03 triệu đồng/người/khóa học. (ii) Về hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại: Hỗ trợ tiền ăn là 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại là 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên. Riêng đối với người học là người dân tộc thiểu số cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ tiền đi lại là 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 05 km trở lên. Trường hợp đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ cùng một nội dung thì chỉ được hưởng chính sách cao nhất.
1.2. Đối với nhóm nhân lực quản lý
Vấn đề phổ biến của nhiều DNXH là câu chuyện khởi nghiệp “một mình” và khó tìm kiếm được người chia sẻ tầm nhìn, khát vọng và giá trị giống mình để cùng khởi nghiệp hướng tới sự phát triển của một doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu xã hội bên cạnh mục tiêu lợi nhuận. Theo ông Lê Việt Cường, người đồng sáng lập 02 doanh nghiệp dành cho người khuyết tật là KymViet và Vụn Art (cung cấp các sản phẩm tái chế từ vải vụn) cho biết, khó khăn của các DNXH là không có đủ tài chính để chiêu mộ các nhân sự tốt, ở những vị trí quan trọng như quản trị, tài chính, phát triển sản phẩm… Chính vì vậy, hoạt động kinh doanh không thể bứt phá[2]. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều DNXH, trong đó có DNXH KOTO - một trong những DNXH ra đời đầu tiên tại Việt Nam và sau nhiều năm ra đời vẫn đang phát triển tốt. Trong một bài chia sẻ, ông Jimmy Phạm - nhà sáng lập, Chủ tịch điều hành KOTO cho biết, dù là DNXH thì KOTO cũng phải cạnh tranh với bên ngoài về lương. Ví dụ, một em dù rất yêu KOTO nhưng chưa chắc đã chấp nhận lương 03 - 04 triệu/tháng, trong khi bên ngoài trả cao hơn[3]. Mức lương hạn chế cũng cản trở việc doanh nghiệp tuyển dụng nguồn nhân lực có kỹ năng cao, đặc biệt đối với vị trí quản lý.
Cũng liên quan đến khó khăn về công tác nhân sự nhưng nhiều DNXH khác lại gặp vướng mắc trong việc tuyển dụng, đào tạo nhân sự có trình độ cao do những khác biệt về trình độ, văn hóa. Công ty cổ phần kinh doanh cây thuốc bản địa Sapa (tên tiếng Anh là Sapanapro) do anh Lý Láo Lở (người dân tộc Dao) là người sáng lập. Công ty Sapanapro là công ty đầu tiên của người dân bản địa tại Sapa, kinh doanh các sản phẩm bản địa và dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao ngay tại địa phương. Thành lập từ năm 2007, đến nay, vượt qua giai đoạn khó khăn của những ngày đầu hoạt động, Sapanapro đã dần đi vào hoạt động ổn định và có lãi, thu hút được nhiều khách du lịch trong và người nước quan tâm trải nghiệm dịch vụ khi đến du lịch Sapa. Tuy vậy, theo chia sẻ của anh Lở, khi công việc phát triển cũng có nghĩa là công ty đòi hỏi nhân sự nhiều hơn, nhân sự có trình độ cao hơn. Có giai đoạn, công ty cần tìm một vị trí “phó giám đốc” và một nhân viên “phát triển thị trường” mà 02 năm không tìm được. Lý do là vì tuyển người Kinh làm quản lý thì khó vì khác biệt văn hóa vùng miền, còn tuyển người đồng bào thì khó đáp ứng yêu cầu về trình độ vì trong bản, người học cao nhất chỉ đến được lớp 9[4].
Có thể thấy, về lực lượng lao động, các DNXH hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm khả năng tài chính để chi trả lương (mức lương phù hợp với thị trường lao động chung), bảo hiểm cho người lao động. Ngoài ra, nhu cầu đào tạo lao động, nâng cao trình độ tay nghề cũng như các kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp cũng là vấn đề nhiều DNXH quan tâm.
2. Đề xuất hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp xã hội
Hiện nay, pháp luật của nước ta đã rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm lao động là người khuyết tật với các quy định về hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, tay nghề. Tuy nhiên, một số quy định về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp xã hội hiện nay không còn phù hợp, cần được rà soát, sửa đổi theo hướng:
Một là, nghiên cứu sửa đổi điều kiện người học được hỗ trợ đào tạo:
- Sửa đổi độ tuổi lao động được hỗ trợ đào tạo đúng với quy định về độ tuổi lao động trong Bộ luật Lao động năm 2019 (nữ từ đủ 15 - 60 tuổi vào năm 2035; nam từ đủ 15 - 62 tuổi vào năm 2028; từ ngày 01/01/2021, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ).
- Cần quy định trình độ học vấn theo hướng là tiêu chí khuyến khích chứ không phải là điều kiện cần đối với người khuyết tật.
- Bỏ quy định điều kiện bắt buộc “có phương án tự tạo việc làm” đối với người khuyết tật bởi chính sách Nhà nước luôn là “khuyến khích” người khuyết tật tự tạo việc làm.
Ngoài vấn đề hỗ trợ chi phí đào tạo, một trong các khó khăn khác của người khuyết tật đó chính là vấn đề đi lại. Hiện nay, quy định về kinh phí hỗ trợ đi lại cho người khuyết tật đã có, tuy nhiên, mức chi hỗ trợ khó đảm bảo tính khả thi, vì vậy, Nhà nước cần quy định kinh phí hỗ trợ đi lại phù hợp thực tế hơn. Việc hỗ trợ kinh phí đi lại cần xem xét dựa trên nhiều yếu tố như dạng tật, tỷ lệ tật và khoảng cách địa lý; không nên đặt ra một mức tiền hỗ trợ cụ thể.
Hai là, vấn đề thời gian và ngành nghề đào tạo cần quy định linh hoạt hơn. Nhà nước cần có chính sách định hướng để các trung tâm dạy nghề có thời gian đào tạo linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của người khuyết tật, bảo đảm chất lượng đầu ra sau mỗi khóa học; cần chú trọng mở rộng ngành nghề đào tạo. Danh mục ngành nghề đào tạo cũng nên được quy định cụ thể và mở rộng sang các lĩnh vực đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ba là, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định về hỗ trợ nhân lực lao động là người yếu thế trong các DNXH, để tạo điều kiện cho người lao động nói chung khi làm việc trong DNXH, Nhà nước cần bổ sung thêm các biện pháp hỗ trợ lao động nói chung trong DNXH. Do nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế mà DNXH vẫn phải cạnh tranh về thị trường tuyển dụng lao động với các doanh nghiệp khác nên DNXH thường gặp rất nhiều khó khăn khi tuyển dụng lao động, đặc biệt là đối với nguồn lao động có năng lực, tay nghề cao. Chính vì vậy, pháp luật của nhiều quốc gia có quy định việc hỗ trợ lao động trong các DNXH (ví dụ như, Hàn Quốc cung cấp các gói hỗ trợ bảo hiểm xã hội, tiền lương cho người lao động làm việc trong DNXH). Ở nước ta, nguồn lực của ngân sách nhà nước còn hạn chế, do đó, việc hỗ trợ tiền mặt cho các DNXH để trả lương cho người lao động là chưa phù hợp, tuy vậy, hỗ trợ phần nào chi phí bảo hiểm xã hội để bù lại chênh lệch về thu nhập của người lao động khi làm việc trong DNXH với các doanh nghiệp khác là điều có thể và cần nghiên cứu bổ sung.
Bốn là, đối với nhóm nhân lực quản lý: Trong bất kỳ doanh nghiệp nào, nhân lực quản lý luôn đóng vai trò quan trọng, là đầu não dẫn dắt, lãnh đạo sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. DNXH chủ yếu xuất phát từ ý tưởng của các thương nhân xã hội - những người tìm đến kinh doanh trước tiên vì mong muốn giúp ích cho những người khó khăn và cho cộng đồng, chứ không phải vì mục tiêu lợi nhuận. Chính vì vậy, ở giai đoạn đầu thành lập, các thương nhân xã hội thường quản lý, vận hành DNXH bằng tình cảm nhiều hơn bằng kiến thức và việc còn hạn chế về kỹ năng quản lý, vận hành doanh nghiệp là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo DNXH cũng còn hạn chế về các kiến thức về kinh doanh, marketing sản phẩm, dịch vụ… Trong khi đó, việc tuyển thêm đội ngũ nhân lực hỗ trợ lãnh đạo lại rất khó vì DNXH khó bảo đảm mức thu nhập cạnh tranh với các doanh nghiệp thương mại khác. Vì vậy, để hỗ trợ DNXH phát triển, Nhà nước cần quan tâm việc hỗ trợ đào tạo khối lãnh đạo, quản lý của DNXH. Cụ thể, Nhà nước định kỳ mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng dành cho lãnh đạo, quản lý của các DNXH, các lớp này cần được mở miễn phí trên cơ sở sự kết hợp hỗ trợ của các cơ sở đào tạo đại học, các viện nghiên cứu và các doanh nhân xã hội đã thành công. Nhà nước cũng cần quy định việc tham gia hỗ trợ DNXH là một trong các nhiệm vụ của các đơn vị đào tạo bậc đại học, từ đó hình thành mạng lưới kết nối để hỗ trợ DNXH, giúp doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, phân tích tình hình, lập kế hoạch, tổ chức hội thảo và mở các khóa đào tạo. Đồng thời, tại mỗi tỉnh/thành phố nên thành lập hoặc giao một cơ quan là đầu mối hỗ trợ DNXH, trong đó bao gồm cả hỗ trợ thông tin, pháp lý và hỗ trợ đào tạo nhân lực.
Tóm lại, xuất phát từ vai trò quan trọng của nguồn vốn con người và thực tiễn lao động trong các DNXH mà việc hỗ trợ các DNXH nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vô cùng cần thiết. Hỗ trợ nhân lực sẽ giúp DNXH ổn định phát triển lâu dài, bền vững, đồng thời, giúp bảo đảm việc làm và các mục tiêu an sinh xã hội của DNXH được thực hiện hiệu quả nhất, trên cơ sở đó góp phần giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước.
Khoa Luật Kinh tế, Học viện Chính sách và Phát triển
[1]. Điểm b khoản 2 Điều 5 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.
[2]. Huyền Trang, Doanh nghiệp của người khuyết tật: Vật lộn để sống giữa “đại dương đỏ”, xem tại: https://doanhnhantrevietnam.vn/doanh-nghiep-cua-nguoi-khuyet-tat-vat-lon-de-song-giua-dai-duong-do-d9275.html, đăng ngày 05/8/2021, truy cập ngày 10/7/2022.
[3]. CSIP (2017), Thành công theo cách khác - 27 câu chuyện khởi nghiệp vì cộng đồng từ Việt Nam và thế giới, Nxb. Phụ nữ, tr. 127.
[4]. CSIP (2017), Thành công theo cách khác - 27 câu chuyện khởi nghiệp vì cộng đồng từ Việt Nam và thế giới, Nxb. Phụ nữ, tr. 110.