Toàn cảnh Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có: GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển; TS. Trương Thế Côn, Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Bộ Tư pháp; Luật sư Dương Quốc Thành, Giám đốc, Luật sư Điều hành Công ty Luật ALV Lawyers, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam; ông Lê Mạnh Cương, Phó Chủ tịch Hiệp hội logistics Hải Phòng; ông Bùi Thanh Bình, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế vùng Duyên Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội logistics Hải Phòng và đông đảo các đại biểu là lãnh đạo, nhân viên các công ty luật, văn phòng luật sư, các thành viên Hiệp hội logistics Hải Phòng.
TS. Trương Thế Côn, Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức với mục đích bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức về giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động logistics cho các thành viên Hiệp hội Logistics Hải Phòng; nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cho cán bộ làm công tác pháp chế, pháp luật, giải quyết tranh chấp... của các thành viên Hiệp hội để phòng ngừa rủi ro; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các thành viên Hiệp hội Logistics Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển và Luật sư Dương Quốc Thành, Giám đốc, Luật sư Điều hành Công ty Luật ALV Lawyers, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chia sẻ về: (i) tổng quan về tranh chấp và các phương thức giải quyết tranh chấp trong hoạt động logistics; (ii) một số vấn đề chung về giải quyết tranh chấp trong hoạt động logistics bằng trọng tài thương mại (điều kiện để tranh chấp được giải quyết tại trọng tài, quy trình, thủ tục tố tụng trọng tài; về việc lựa chọn, chỉ định, thay đổi trọng tài viên...); (iii) kỹ năng giải quyết tranh chấp trong hoạt động logistics bằng trọng tài thương mại (kỹ năng chuẩn bị đơn, hồ sơ khởi kiện; kỹ năng nghiên cứu hồ sơ và soạn thảo văn bản thể hiện ý kiến; đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; kỹ năng tham gia phiên họp hội đồng giải quyết tranh chấp...); (iv) một số vấn đề cần lưu ý khi giải quyết tranh chấp trong hoạt động logistics tại trọng tài.
Ông Lê Mạnh Cương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo.
Trao đổi tại Hội thảo, ông Lê Mạnh Cương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng cho biết, trên thực tiễn có những vụ việc mặc dù qua nhiều lần xử lý, nhưng hai bên không đồng thuận, vụ việc tranh chấp kéo dài, không giải quyết được, cuối cùng các bên vẫn phải đưa ra giải quyết tại Tòa án. Đại biểu muốn được các chuyên gia trao đổi nhiều hơn về tính hợp pháp, cơ chế thực thi các phán quyết của trọng tài, để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn, tự tin hơn khi lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua phương thức trọng tài.
GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển chia sẻ tại Hội thảo.
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, thực trạng này xảy ra do các bên chưa biết, chưa hiểu, thậm chí chưa “thiện chí” trong quá trình giải quyết tranh chấp thông qua phương thức trọng tài, bởi vì, phán quyết của trọng tài là phán quyết cuối cùng, có giá trị chung thẩm và bắt buộc các bên phải tôn trọng và thực hiện, giúp cho các tranh chấp được giải quyết một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên. Phán quyết trọng tài bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, được pháp luật ghi nhận, vì thế nếu bên phải thi hành phán quyết mà không tự nguyện thi hành thì bên được thi hành phán quyết có quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự thực hiện thi hành theo Luật Thi hành án dân sự. Tòa án chỉ hủy phán quyết của trọng tài trong những trường hợp vi phạm thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật, như: thỏa thuận trọng tài không có hiệu lực thi hành; thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của pháp luật; vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan của phán quyết trọng tài; phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam…
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh rằng Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 của Luật Trọng tài thương mại năm 2010, thì có quyền làm đơn gửi Toà án có thẩm quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài phải kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, trên thực tiễn, số lượng phán quyết của trọng tài bị hủy là rất thấp, do vậy, các doanh nghiệp có thể yên tâm lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Tại Hội thảo, đại biểu đến từ Trường Đại học Hàng hải Việt Nam nêu vấn đề, trường hợp trong hợp đồng, các bên không đưa ra phương thức giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài, vậy trường hợp này các bên có được lựa chọn phương thức trọng tài để giải quyết tranh chấp hay không? Về vấn đề này, GS.TS. Lê Hồng Hạnh cho biết, trong trường hợp hai bên không thỏa thuận về lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong hợp đồng, tuy nhiên, nếu hai bên thỏa thuận, thống nhất lựa chọn phương thức trọng tài để giải quyết tranh chấp là hợp pháp, được pháp luật tôn trọng và ghi nhận. Các bên có thể lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và quy định ngay trong hợp đồng, hoặc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sau khi ký kết hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng và thậm chí các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp kể cả khi đã phát sinh tranh chấp.
Luật sư Dương Quốc Thành, Giám đốc, Luật sư Điều hành Công ty Luật ALV Lawyers, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.
Các trung tâm trọng tài dù là “công” hay “tư” nếu được thành lập và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật là hợp pháp, các doanh nghiệp đều có thể lựa chọn. Về nội dung này, từ kinh nghiệm thực tiễn, theo Luật sư Dương Quốc Thành các doanh nghiệp nên nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về năng lực của trung tâm trọng tài, cũng như lựa chọn trọng tài viên là chuyên gia có uy tín liên quan đến lĩnh vực tranh chấp để giải quyết vụ tranh chấp phát sinh.
Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột. Qua Hội thảo, các đại biểu đã hiểu thêm về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, đây là một phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán phi chính phủ do các đương sự thỏa thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp thương mại và có thêm hiểu biết, kỹ năng để xử lý nếu tranh chấp phát sinh trên thực tiễn trong hoạt động, sản xuất, kinh doanh.
Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:
Minh Trí