Về mắt bản chất , mục tiêu của hành vi cạnh tranh nói chung và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (cartel) nói riêng là hướng tới tối đa hóa lợi nhuận , tăng cường quyền lực thống lĩnh , chi phới thị trường, Vì vậy, để điều tra một cách hiệu quả, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành những chính sách tác động trực tiếp vào lợi ích kinh tế và lợi ích thiết thân của các bên trong quá trình điều tra ,đặt họ vào tình thế phải chọn lựa hoặc bảo vệ lợi ích của bản thân, của cartel hoặc bị bên đối tác “ vạch tội” để nhận được sự khoan hồng từ phía nhà nước. Những chính sách đó hiện nay được sử dụng nhiều trong điều tra cartel với tên gọi là chính sách ân xá hoặc chính là khoan hồng nhằm phá vỡ bức tường vững chắc của các cartel, giảm bớt chi phí điều tra. Bài viết này sẽ nghiên cứu việc vận dụng “lý thuyết trò chơi về tình thế lưỡng nan của người tù” trong xây dựng chính sách ân xa/khoan hồng và kinh nghiệm của Hoa Kỳ, từ đó giúp cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam hoạch địch lại chính sách khoan hồng trong quá trình xử lý các thoản thuận hạn chế cạnh tranh
1 Bản chất của lý thuyết trò chơi về “tình thế lưỡng nan của người tù”
Trong cạnh tranh, lý thuyết trò chơi được sử dụng để điều tra hành vi của các doanh nghiệp bị nghi ngờ có tồn tại cartel nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng để buộc tội. Một “trò chơi” sẽ xảy ra khi cơ quan điều tra đặt các bên bị tình nghi vào “tình thế lưỡng nan của người tù”. Trò chơi này đem lại cho chúng ta kiến thức sâu sắc về việc tại sao các bên trong cartel khó duy trì được sự hợp tác khi rơi vào những tình thế nhất định. Từ đó, giúp cơ quan quản lý cạnh tranh có biện pháp phù hợp nhằm tạo ra “tình thế lưỡng nan của người tù” trong các vụ điều tra phát hiện cartel, khiến các cartel trở nên bất ổn định, mất đi sự liên kết.
Trong lý thuyết trò chơi, “tình thế lưỡng nan của người tù” là một bài toán kinh điển, là câu chuyện về hai phạm nhân (A và B) vừa bị cảnh sát bắt. Cảnh sát có đủ chứng cứ để buộc tội cả hai nghi phạm về tội ít nghiêm trọng (chẳng hạn mang súng trái phép) với mức án là một năm tù cho mỗi người. Tuy nhiên, cảnh sát còn nghi ngờ họ đã thực hiện tội khác nghiêm trọng hơn (chẳng hạn cướp ngân hàng) nhưng lại không có đủ chứng cứ để kết tội này. Tất nhiên, khi thẩm vấn lời khai các nghi phạm về vai trò của họ trong tội cướp ngân hàng, không nghi phạm nào thú nhận.
Bài toán đặt ra đối với cơ quan điều tra là, làm thế nào để một trong hai bên tự khai báo hành vi cướp ngân hàng? Để đạt được điều này, cảnh sát sẽ đặt các nghi phạm vào “tình thế lưỡng nan” nhằm đưa các bên vào hoàn cảnh nghi ngờ, không tin tưởng lẫn nhau, dẫn tới sự bất hợp tác trong việc cùng che giấu hành vi phạm tội và do đó khiến các bên phải tự khai báo để được hưởng sự khoan hồng. Mục tiêu của cảnh sát là buộc các bên phải tự nhận tội cướp ngân hàng và kết án cho ít nhất một người. Để đưa các bên vào “tình thế lưỡng nan” (nghĩa là buộc phải lựa chọn giữa khai nhận hay không khai nhận), cảnh sát sẽ tách riêng A và B, không cho liên lạc với nhau và đưa vào các phòng riêng biệt để hỏi cung, sau đó thông báo với từng người cùng một thông điệp: “Hiện nay chúng tôi có thể giam giữ anh một năm vì tội mang súng trái phép. Nhưng nếu anh nhận tội cướp ngân hàng và tố cáo đồng phạm, thì anh sẽ được miễn tội, còn người kia sẽ phải chịu 10 năm tù. Tuy nhiên, nếu người kia thú nhận và anh không thú nhận thì anh sẽ chịu 10 năm tù và người kia sẽ được tự do. Nếu cả hai cùng nhận tội thì mức phạt cho mỗi người là 05 năm tù. Cuối cùng, nếu không ai thú nhận, thì mỗi người sẽ chịu 01 năm tù vì tội mang súng trái phép. Bạn của anh cũng nhận được đề xuất này”.
Bài toán đặt ra đối với A và B là thú tội hay im lặng? Mỗi nghi phạm chỉ có hai chiến lược là thú nhận hoặc im lặng. Bản án mà mỗi nghi phạm nhận được phụ thuộc đồng thời vào chiến lược của cả hai bên. Có bốn khả năng xảy ra tương ứng với chiến lược lựa chọn của cả hai bên: (i) A và B đều im lặng: Mỗi người chỉ phải chịu mức phạt là 1 năm tù; (ii) A không thú nhận, B thú nhận: A 10 năm tù, B được miễn hình phạt; (iii) A thú nhận, B không thú nhận: A được miễn hình phạt, B 10 năm tù; (iv) A và B cùng thú nhận: Mỗi người sẽ chịu mức phạt là 05 năm tù.
Với các khả năng xảy ra như trên, chúng ta sẽ phân tích chiến lược của A. Anh ta lập luận rằng: “Ta không biết B sẽ làm gì. Nếu B im lặng thì chiến lược tốt nhất của ta là thú nhận, vì ta sẽ được thả tự do thay vì phải ngồi tù 01 năm. Nếu B thú nhận thì chiến lược tốt nhất của ta vẫn là thú nhận, vì ta chỉ phải ngồi tù 05 năm thay vì 10 năm. Do vậy, không cần biết B sẽ làm gì, tốt nhất là ta nên thú tội”. Như vậy, khi rơi vào “tình thế lưỡng nan”, chiến lược tốt nhất của A là thú tội. Anh ta sẽ phải ngồi tù ít hơn nếu nhận tội, bất kể chiến lược của B là gì.
Về phía B, anh ta cũng có sự lập luận tương tự như A. Cho dù A làm gì thì B vẫn có thể giảm được thời gian ngồi tù nếu thú nhận. Nói cách khác, thú nhận là chiến lược tốt nhất đối với B.
Như vậy, kết cục này xảy ra khi cả A và B đều không có sự tin tưởng tuyệt đối với nhau, họ rơi vào trạng thái nghi ngờ lẫn nhau, mỗi người chỉ theo đuổi lợi ích của riêng mình. Cuối cùng, cả A và B đều thú nhận và đều phải chịu mức án 05 năm tù vì tội cướp ngân hàng - một kết cục bất lợi đối với cả hai bên thay vì 01 năm tù vì tội mang súng trái phép nếu họ không khai báo.
2 Vận dụng lý thuyết trò chơi trong điều tra thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và kinh nghiệm của Hoa Kỳ
Trong quá trình điều tra các vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh, một hiện tượng khá phổ biến là điều tra viên khó thu thập chứng cứ để buộc tội các bên tham gia cartel, đặc biệt trong điều kiện quyền tự do kinh doanh được đề cao, các hình thức kinh doanh ngày càng đa dạng và công nghệ thông tin phổ rộng, sự sáng tạo trong cách thức hợp tác giữa các bên trong cartel không ngừng biến đổi. Do đó, khi nghi ngờ một vụ cartel có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh nhưng chưa đủ bằng chứng để xác định, thì việc ứng dụng mô hình “tình thế lưỡng nan của người tù” là phương án tối ưu đối với các điều tra viên. Trong trường hợp này, điều tra viên sẽ đặt các bên vào trạng thái nghi ngờ lẫn nhau, gây tâm lý e ngại đối tác sẽ khai báo và lựa chọn phương án tự thú nhận để được hưởng sự khoan hồng. Bằng cách này, điều tra viên sẽ dễ dàng có được chứng cứ buộc tội khi một hoặc một vài thành viên trong cartel thú nhận.
Về mặt lịch sử, Hoa Kỳ là một trong số các quốc gia sớm vận dụng lý thuyết trò chơi về “tình thế lưỡng nan của người tù” trong điều tra cartel. Chính sách này bắt đầu được triển khai từ năm 1978 thông qua chương trình ân xá (khoan hồng) được Cục Chống độc quyền trực thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ áp dụng đối với các bên tham gia cartel đã tự nguyện khai báo, cung cấp bằng chứng về vụ carte . Mục tiêu của chương trình này là khuyến khích các bên tham gia cartel tự nguyện thú nhận để được hưởng sự khoan hồng, được miễn tiền phạt. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu (từ năm 1978 đến năm 1993), hiệu quả của chương trình này rất thấp, mỗi năm chỉ có trung bình một (01) đơn xin áp dụng chương trình ân xá. thất bại của chương trình ân xá trước năm 1993 là chính sách này không tạo được “tình thế lưỡng nan của người tù”, cơ quan quản lý cạnh tranh yêu cầu bên vi phạm phải tự khai báo vi phạm trước khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ mở cuộc điều tra, do vậy không khuyến khích được các bên tham gia cartel thú nhận, không đặt các bên vào tình huống buộc phải lựa chọn khai báo càng sớm càng tốt như là phương án tối ưu. Việc các bên tham gia cartel không có động cơ tự nguyện khai báo để được hưởng chính sách ân xá trên của Cục Chống độc quyền xuất phát từ 02 lý do cơ bản sau đây:
- Lợi ích của việc giữ im lặng, không khai báo là rất lớn: Bởi lẽ, khi điều tra vụ cartel, điều tra viên đề xuất với tất cả các bên nghi phạm cùng một thỏa thuận: “hợp tác để đối lấy ân xá”, đồng thời thông báo rằng các nghi phạm khác cũng đã nhận được đề xuất như vậy. Đáng tiếc là, điều tra viên vụ cartel này thiếu một thứ so với mô hình chuẩn về tình thế lưỡng nan của người tù, đó là đòn bẩy “bằng chứng để kết tội nhẹ”. Trong mô hình chuẩn, cảnh sát đã có đủ bằng chứng để kết tội nhẹ cả hai nghi phạm. Điều này là quan trọng vì nó có nghĩa là cả hai nghi phạm sẽ phải chịu án tù dù họ có thú nhận tội nặng hay không. Do vậy, nếu thiếu chứng cứ cho tội nhẹ thì họ không rơi vào tình thế lưỡng nan.
Trong bối cảnh của cartel, khi không có chứng cứ cho bất kỳ vi phạm nào thì các bên tham gia cartel không bị sức ép phải khai báo, không có lợi ích nào bị mất hoặc phải đánh đổi nếu không khai báo, họ đều nhận thấy việc không khai báo sẽ có lợi hơn rất nhiều cho các bên tham gia cartel. Bởi lẽ, nếu cartel không bị phát hiện, khoản lợi nhuận lớn do cartel mang lại sẽ được duy trì và không bị bất kỳ một hình thức xử phạt nào từ phía nhà nước.
Khi không có bằng chứng kết tội nhẹ, chiến lược của các bên sẽ có bốn khả năng: (i) A và B đều im lặng, không thú nhận: Không ai bị xử phạt; (ii) A không thú nhận, B thú nhận: A 10 năm tù, B miễn hình phạt; (iii) A thú nhận, B không thú nhận: A miễn hình phạt, B 10 năm tù; (iv) A và B đều thú nhận: Mỗi người sẽ nhận án 05 năm tù.Các phương án chiến lược trên thể hiện rằng, cơ quan điều tra cạnh tranh không có “đòn bẩy” nào để buộc các bên phải khai báo, do không có bất kỳ một bằng chứng kết tội (nhẹ) nào đối với các bên. Do đó, tất cả các bên đều dễ dàng nhận thấy rằng, không có lý do nào buộc họ phải khai báo về một cartel mà cơ quan điều tra cạnh tranh đang nghi ngờ. Nếu tất cả họ đều “im lặng” thì sẽ không ai bị kết tội, trừ khi có một bên tham gia cartel “yếu bóng vía” tự ý khai báo.
- Các bên trong cartel không có động cơ tiết lộ về cartel vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Bởi lẽ:
Nếu tiết lộ cartel sẽ đồng nghĩa với việc các bên phải từ bỏ phần lợi nhuận khổng lồ đang có. Hơn nữa, sẽ khó có cơ hội tham gia các cartel khác trong tương lai, vì một khi đã tiết lộ sẽ làm mất lòng tin của những bên khác, thậm chí ở các thị trường sản phẩm khác nhau.
+ Ngoài các chi phí cơ hội này, thú nhận cũng đồng nghĩa với việc các bên phải chịu các chi phí liên quan tới quá trình xử lý các vụ kiện chống độc quyền. Ở Hoa Kỳ, bên tham gia cartel có thể phải bồi thường một khoản tiền phạt lớn gấp ba lần số tiền thiệt hại thực tế gây ra cho bên nguyên đơn thắng kiện. Điều này dẫn tới việc các bên tham gia cartel sẽ không muốn vi phạm luật chống độc quyền hoặc ít nhất là không để bị phát hiện.
+ Trong bối cảnh cartel quốc tế, khi một bên khai báo tại một quốc gia thì cũng sẽ bị các quốc gia khác điều tra về việc có vi phạm luật chống độc quyền của nước họ hay không.
+ Ảnh hưởng tới danh tiếng của các bên tham gia cartel, làm thiệt hại tới kết quả kinh doanh và doanh nghiệp có thể mất nhân viên, mất các nhà quản lý điều hành.
Vì rất nhiều hậu quả xảy ra nếu khai báo, nên việc thú nhận về âm mưu cartel không phải là chiến lược chiếm ưu thế. Lựa chọn tốt nhất là nên giữ im lặng khi các bên khác đang giữ im lặng. Khi tất cả không lên tiếng thì có nghĩa là cartel bền vững, các bên có thể tiếp tục định giá cao và thu được lợi nhuận lớn.
Như vậy, không phải cứ có chính sách ân xá là có thể thúc đẩy các bên khai báo với cơ quan điều tra. Để chính sách này phát huy được tác dụng thì chúng ta cần phải hiểu và tạo ra “tình thế lưỡng nan của người tù” để chiến lược chiếm ưu thế của các bên là khai báo với cơ quan chức năng chứ không phải giữ im lặng.
3. Một số yêu cầu nhằm tạo "tinh thể lưỡng nan của người tù" trong điều tra cartel
Một là, tạo ra sự không tin tưởng giữa các bên tham gia cartel. Để tạo tình thế lưỡng nan của người tù, cơ quan điều tra phải tạo ra tình huống để các bên mất lòng tin lẫn nhau và nhận thấy khai báo mang lại nhiều lợi ích hơn là giữ im lặng. Để bắt đầu trò chơi, cơ quan điều tra phải tạo tình huống để các bên nghi ngờ lẫn nhau, buộc họ phải lựa chọn giữa việc thú nhận hay không thú nhận. Lúc này mỗi bên tham gia cartel sẽ quan tâm tới đối phương sẽ làm gì, vì lựa chọn của đối phương sẽ ảnh hưởng tới hình phạt mà anh ta phải chịu. Nếu đối phương không khai báo thì anh ta sẽ giữ im lặng. Nhưng giả sử anh ta nghe “loáng thoáng” rằng đối phương có thể hợp tác với cơ quan điều tra để nhận sự khoan hồng, lúc này do lo sợ nguy cơ bị phát hiện, nguy cơ phải chịu mức phạt rất cao nên chủ động đến cơ quan cạnh tranh khai báo đầu tiên để được lợi nhiều nhất.
Có rất nhiều lý do khiến các bên lo lắng đối tác cartel sẽ thú nhận như:
- Lo sợ trước nguy cơ bị phát hiện cao và nguy cơ phải trả mức tiền phạt quá lớn khi bị phát hiện;
- Trường hợp một bên tham gia vào nhiều cartel khác nhau, nếu đối tác tham gia một cartel khác sắp bị phơi bày, các bên còn lại sẽ mất lòng tin. Chẳng hạn, trong vụ Cartel lysine, ADM là bên cuối cùng thú nhận và có ít đóng góp nhất trong điều tra vụ việc này ngoài việc khai báo tham gia vào Cartel citric acid. Điều này buộc các thành viên còn lại của Cartel citric acid phải thú nhận và trả tiền phạt. Theo chính sách ân xá của chính phủ, bên thú nhận phải khai báo tất cả các cartel mình tham gia để nhận được sự ân xá. Vụ việc ADM là một bài học xương máu cho các bên tham gia cartel khi một bên tin rằng đối tác của mình đang tham gia vào cartel khác chuẩn bị bại lộ, thì cartel hiện tại của mình với đối tác đó nguy cơ cũng sẽ bị bại lộ và do đó, thú nhận sớm có thể là chiến lược tốt nhất;
- Một thành viên cartel có thể lo sợ rằng đối tác của họ sẽ thú nhận vì họ cũng đã nhận ra được nguy cơ bị bại lộ do đang bị điều tra hoặc có người lao động đang bất mãn với doanh nghiệp hoặc với thành viên khác của cartel;
- Có thể có sự hiểu lầm giữa các thành viên cartel hoặc lỗi thông tin liên lạc, nên một bên sẽ tin rằng các thành viên khác của cartel đã thú nhận, vì vậy, anh ta sẽ nhanh chóng đến khai báo với cơ quan chức năng với hi vọng ở vị trí thứ hai và cuối cùng thì lại phát hiện ra là mình là người đầu tiên đến khai báo.
Như vậy, cơ quan cạnh tranh cần tạo ra đủ sự không tin tưởng giữa các thành viên cartel, bằng cách nào đó thuyết phục được họ hiểu rằng hoặc là đối tác của anh đã khai báo hoặc chuẩn bị khai báo.
Hai là, quy định các mức ân xá khác nhau căn cứ vào thứ tự khai báo. Trước đây, chính sách ân xá chỉ dành cho bên khai báo đầu tiên, nhưng hiện nay luật ở các nước đã quy định nhiều mức ân xá (ân xá toàn bộ hoặc một phần) tùy theo thứ tự khai báo, tức là bên thú nhận trước hưởng được nhiều lợi ích hơn bên thú nhận sau. Có ba trường hợp có thể xảy ra là thú nhận đầu tiên, thú nhận thứ hai hoặc không thú nhận. Thú nhận đầu tiên sẽ là lựa chọn tối ưu hơn thú nhận thứ hai. Điều này có vẻ như thú nhận đầu tiên luôn luôn là chiến lược chiếm ưu thế bởi vì không bên nào muốn gặp rủi ro là bên thú nhận thứ hai, ba hoặc cuối cùng. Nhưng một khi các bên còn tin tưởng rằng cartel là bền vững và không thể bị phát hiện thì các bên vẫn còn duy trì và im lặng. Chỉ khi thành viên cartel cảm thấy lo sợ rằng cartel có thể bị truy ra thì việc thú nhận trở thành chiến lược chiếm ưu thế.
Ở Hoa Kỳ, Cục Chống độc quyền đưa ra chính sách ân xá không chỉ cho người đầu tiên khai báo mà cho cả các bên khai báo tiếp theo, theo hướng giảm mức án phạt tùy thuộc vào thứ tự thú nhận, bên nào thú nhận trước thì hưởng mức giảm lớn hơn. Ví dụ, khi Cartel graphite electrodes bị phát hiện, bên thú nhận đầu tiên không phải chịu khoản tiền phạt nào, bên thứ hai thú nhận bị phạt 32.5 triệu đô la, bên thứ ba là 110 triệu đô la và bên cuối cùng là 135 triệu đô la.
Trong trường hợp cartel có nhiều thành viên, việc quy định các mức án phạt giảm dần là cần thiết vì nó sẽ làm cho sự thú nhận là chiến lược vượt trội ở nhiều thành viên (như trong bảng dưới). Nếu chỉ người đầu tiên thú nhận mới nhận được ân xá thì không khuyến khích các thành viên tham gia cartel còn lại (do việc khai báo sau người đầu tiên không mang lại lợi ích) do đó sẽ khó có thể mở rộng quy mô điều tra. Chính vì vậy, chính sách ân xá với nhiều mức phạt giảm dần phụ thuộc vào thứ tự khai báo sẽ thúc đẩy cho các bên tự khai báo. Điều này thể hiện ở chỗ, khi cartel là bền vững, các bên tin tưởng lẫn nhau, thì sự im lặng (không thú nhận) sẽ là chiến lược tối ưu.
Tuy nhiên, khi sự tin tưởng này bị phản bội do một thành viên cartel đã thú nhận để được hưởng chính sách ân xá thì thú nhận bắt đầu trở thành một quyết định chiếm ưu thế, các bên khác thấy rằng sẽ là có lợi nếu thú nhận ngay, càng sớm càng tốt để được xét ở vị trí thứ hai, thứ ba… Bên thú nhận trước thì nhận được nhiều mức giảm án phạt hơn. Sự nhanh hay chậm này có thể được tính bằng giờ bằng phút.
Như vậy, cơ quan điều tra cần phải tìm cách nào đó để thuyết phục tối thiểu một bên thấy rằng nguy cơ các bên tham gia cartel khác sẽ thú tội là rất cao. Một khi các bên tin rằng một trong số các đối tác của họ sẽ tìm tới chính sách ân xá thì sẽ có một cuộc đua tìm tới cơ quan điều tra để thú tội. Tuy nhiên, cuộc đua này chỉ bắt đầu khi có đủ sự không tin tưởng giữa các thành viên. Nếu không tạo ra được sự không tin tưởng thì các bên sẽ tiếp tục im lặng.
Ba là, tăng mức phạt - tăng lợi ích của sự khai báo. Thông qua mức phạt cao và chương trình ân xá, luật chống độc quyền của Hoa Kỳ đã giúp cơ quan điều tra tạo nên sự không tin tưởng giữa các bên. Sở dĩ tạo ra được tình thế này là bởi chính sách này đã tăng cường lợi ích cho bên khai báo đầu tiên để khuyến khích thú nhận và làm phát sinh sự lo lắng về án phạt tăng cao nếu để bên khác thú nhận trước. Việc tăng mức phạt, đồng thời quy định chính sách khoan hồng tương ứng với thứ tự khai báo sẽ có các tác dụng như:
- Khuyến khích nhận tội (nhằm hưởng lợi ích lớn hơn khi khai báo đầu tiên): Trong trò chơi tình thế lưỡng nan của người tù, các bên trở nên ít tin tưởng nhau khi mà lợi ích của thú nhận là tương đối lớn. Ví dụ, một người bị kết án 03 năm tù có thể sẽ không cung cấp chứng cứ phản bội lại đối tác của anh ta để được giảm chỉ 10 ngày tù, nhưng anh ta sẽ có thể thú nhận sẽ đổi lấy việc miễn hình phạt, tức là lợi ích phải đủ lớn để đánh đổi. Chúng ta thấy rằng, việc điều tra viên trao cho mỗi bên một thỏa thuận hấp dẫn sẽ làm cho tất cả các bên lo lắng. Lợi ích của thú nhận càng lớn, sự tin tưởng lẫn nhau càng giảm bớt. Vì tất cả các bên đều nhận được cùng một đề xuất như nhau nên các bên sẽ lo sợ và hoài nghi về sự trung thành tuyệt đối với thỏa thuận. Một khi anh ta thấy rằng, đối phương bớt tin tưởng ở anh ta, thì anh ta cũng trở nên giảm tin tưởng vào đối phương. Vòng luẩn quẩn của sự không tin tưởng cứ tiếp tục cho đến khi ai đó thú nhận. Không ngạc nhiên khi nghiên cứu thực nghiệm về tình thế lưỡng nan của người tù cho thấy càng tăng phần thưởng cho việc thú nhận thì càng làm tăng số lượng thú nhận.
- Tăng chi phí của sự phản bội: Khi ảnh hưởng tiêu cực của việc bị phản bội là thấp thì các bên sẽ tin tưởng nhau hơn. Ví dụ, phần lớn mọi người đều có thể sẵn sàng cho đồng nghiệp vay 500.000VNĐ mà không cần có giấy ghi nợ hay hình thức cam kết trả nợ hay thế chấp gì. Tuy nhiên, với khoản vay 500 triệu VNĐ, bên cho vay sẽ muốn có một giấy tờ ghi nợ nào đó nhằm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ trước pháp luật. Sở dĩ có sự khác biệt trong cách hành xử của bên cho vay như trên là vì chi phí của sự phản bội của bên vay (rủi ro của bên cho vay) là rất lớn nếu bên vay không giữ lời. Do đó, khoản tiền cho vay càng lớn, chi phí của sự phản bội càng cao thì bên cho vay càng giảm sự tin tưởng đối với bên vay. Trong tình thế lưỡng nan của người tù, chi phí của sự phản bội là chi phí gắn liền với kết cục xấu nhất - đối tác đã hợp tác cơ quan điều tra. Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, chi phí của việc bị phản bội càng lớn, càng làm tăng tỷ lệ thú nhận. Người chơi sẽ tin tưởng nhau hơn nếu tổn thất khi bị phản bội không quá lớn.
Ở Hoa Kỳ, chi phí của sự phản bội khi có một thành viên cartel thú nhận là khá lớn và có xu hướng tăng lên. Luật sửa đổi và tăng cường hình phạt đối với chống độc quyền năm 2004 của Hoa Kỳ (The Antitrust Criminal Penalty Enhancement and Reform Act of 2004) đã tăng số lượng năm tù tối đa từ 03 năm lên 10 năm. Đồng thời, tăng số tiền phạt doanh nghiệp lên 100 triệu đô la và tiền phạt cá nhân lên 1 triệu đô la. Với mong muốn thoát khỏi những hình phạt nặng nề này, các bên tham gia cartel có động cơ để trở thành bên thú nhận đầu tiên.
Ngoài trách nhiệm hình sự, chi phí của sự phản bội còn bao gồm cả trách nhiệm dân sự. Tất cả các bên không thú nhận đầu tiên có thể phải gánh chịu trách nhiệm đền bù gấp ba lần số tiền đã gây thiệt hại trong các vụ kiện dân sự Ngược lại, nếu một bên thú nhận đầu tiên, họ có thể loại bỏ rủi ro thiệt hại quá mức trong các vụ kiện bởi vì chương trình ân xá loại trừ việc phải đền bù gấp ba cho bên đầu tiên khai báo và giới hạn trách nhiệm ở mức thiệt hại đơn giản do mình hãng gây ra.
Như vậy, pháp luật của Hoa Kỳ tạo ra sự không tin tưởng bằng cách thưởng cho bên thú nhận đầu tiên chính sách ân xá không bị truy tố hình sự và giảm trách nhiệm dân sự từ bồi thường gấp ba xuống bồi thường mức đơn giản do họ gây ra. Đồng thời, nếu một cartel bị phanh phui, thì các hãng khác sẽ phải chịu hình phạt nặng nề. Với hai nỗ lực là thưởng cho bên thú nhận đầu tiên, trong khi phạt nặng các bên khác vận hành song song làm tăng khoảng cách giữa lợi ích của việc thú nhận và chi phí của việc bị phản bội, từ đó làm cho các bên khó có thể tạo và duy trì sự tin tưởng lẫn nhau Tóm lại., để điều tra các vụ thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, việc tìm hiểu và phân tích bản chất lý thuyết trò chơi về “tình thế lưỡng nan của người tù” sẽ giải thích được hành vi của các bên trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, chỉ ra các nguyên tắc của trò chơi và các yếu tố cần thiết để tạo nên tình thế lưỡng nan của người tù sẽ giúp cơ quan điều tra phá vỡ được các thỏa thuận này, từ đó hoạch định chính sách khoan hồng phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Tình
Đại học Thương mại
Tài liệu tham khảo:
[3] Christopher R.Leslie, Antitrust Amnesty, Game Theory, and Cartel Stability, tr. 467.