Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã xác định: “Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất lượng đất”. Dựa trên tinh thần này, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp được quy định trong Luật Đất đai năm 2024 đã có những sửa đổi, bổ sung phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cụ thể:
Thứ nhất, hộ gia đình không còn thuộc đối tượng được áp dụng quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp
So với Luật Đất đai năm 2013, Luật đất đai năm 2024 đã có sự thay đổi về đối tượng được áp dụng quy định. Theo đó, hộ gia đình được hiểu là “những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung” sẽ không thuộc đối tượng được áp dụng quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đối tượng được áp dụng quy định này chỉ có cá nhân. Điều này có thể xuất phát từ việc Luật Đất đai năm 2024 đã sửa đổi quy định về người sử dụng đất, cụ thể: Điều 4 quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; nhận quyền sử dụng đất; thuê lại đất theo quy định của Luật này, bao gồm: (i) Tổ chức trong nước; (ii) Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; (iii) Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; (iv) Cộng đồng dân cư; (v) Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ; (vi) Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài; (vii) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, có thể thấy, hộ gia đình không còn là người sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2024, đồng nghĩa với việc hộ gia đình sẽ không được nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Thứ hai, về tăng hạn mức và bổ sung căn cứ xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân:
Luật Đất đai năm 2024 đã tăng hạn mức và bổ sung căn cứ xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân. Cụ thể:
Theo khoản 1 Điều 177 Luật Đất đai năm 2024, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất đã được mở rộng thành không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất thay vì không quá 10 lần như Luật Đất đai năm 2013. Trong đó, hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất được quy định như sau:
- Đối với đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp: Không quá 45 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 30 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
- Đối với đất trồng cây lâu năm: Không quá 150 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 450 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
- Đối với đất rừng phòng hộ; đất rừng sản xuất là rừng trồng thì không quá 450 ha đối với mỗi loại đất.
Với quy định này, Luật Đất đai năm 2024 được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn, góp phần phát triển Ngành Nông nghiệp nhanh, bền vững, hiệu quả, thu hút nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đồng thời sẽ có tác động tích cực đến cả nền kinh tế và thị trường bất động sản trong quá trình đô thị hóa và phát triển các khu dân cư nông thôn.
Bên cạnh đó, một trong những điểm mới đã được bổ sung trong Luật Đất đai năm 2024 về quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân là căn cứ xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất. Theo đó, việc xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp này phải căn cứ vào 02 yếu tố sau: (i) Điều kiện về đất đai và công nghệ sản xuất; (ii) Chuyển dịch lực lượng lao động, cơ cấu kinh tế; quá trình đô thị hóa.
Thứ ba, về thẩm quyền quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân:
Khoản 3 Điều 177 Luật Đất đai năm 2024 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương”. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, thẩm quyền này thuộc về Chính phủ. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2024 đã có sự sửa đổi theo hướng thể hiện rõ vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý phần diện tích đất nông nghiệp nằm trong địa giới hành chính của cấp mình bằng việc quy định cụ thể việc phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân. Mặt khác, quy định này cũng thể hiện sự linh hoạt, tạo sự chủ động hơn cho chính quyền địa phương trong việc quy định hạn mức đối với từng địa phương cụ thể. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể điều chỉnh một hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân thấp hơn để phù hợp với tình hình của địa phương mình./.
Thùy Dung
Ảnh: internet