Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và Nghị định số 78/2025/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục thẩm định; nâng cao trách nhiệm của cơ quan đề xuất chính sách, chủ trì soạn thảo (cơ quan đề nghị thẩm định); ràng buộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ tham gia thẩm định; quy định rõ trách nhiệm, nâng cao vai trò, vị trí của Bộ Tư pháp trong quá trình thẩm định cũng như báo cáo thẩm định.
Thẩm định chính sách của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình được quy định tại Điều 31 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và được quy định cụ thể tại Điều 16 Nghị định số 78/2025/NĐ-CP. Thẩm định dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình được quy định tại Điều 34 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và Điều 19 Nghị định số 78/2025/NĐ-CP. Thẩm định dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Điều 28, Điều 33, Điều 35, Điều 37 Nghị định số 78/2025/NĐ-CP. Thẩm định văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025. Thẩm định văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 52 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại khoản 6 Điều 68 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và Nghị định số 78/2025/NĐ-CP về công tác thẩm định có một số điểm mới, cụ thể:
Một là, việc thẩm định chính sách, dự án, dự thảo bắt buộc phải có sự tham gia hoặc ý kiến của 05 Bộ: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Bộ Ngoại giao có ý kiến về tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có ý kiến về bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh; Bộ Tài chính có ý kiến về nguồn tài chính; Bộ Nội vụ có ý kiến về việc phân quyền, phân cấp và nguồn nhân lực; Bộ Tư pháp có ý kiến về tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật
Trường hợp không thể tham gia cuộc họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định, thành viên hội đồng thẩm định, người được cử tham gia cuộc họp thẩm định phải gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản đến Bộ Tư pháp trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày tổ chức cuộc họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định.
Trường hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ không có đại diện tham gia cuộc họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định mà không gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản thì Bộ Tư pháp có thông báo bằng văn bản gửi Bộ trưởng các Bộ về việc này và kèm theo báo cáo thẩm định
Hai là, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và Nghị định số 78/2025/NĐ-CP đã bỏ quy định cuộc họp thẩm định chỉ được tiến hành khi có đủ 2/3 thành viên hội đồng thẩm định có mặt.
Ba là, hồ sơ thẩm định được bổ sung một số tài liệu.
Đối với hồ sơ thẩm định chính sách bổ sung: Báo cáo rà soát các chủ trương, đường lối của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế có liên quan đến chính sách và Bản thuyết minh quy phạm hóa chính sách đối với hồ sơ thẩm định chính sách.
Đối với hồ sơ dự án, dự thảo bổ sung: việc phân quyền, phân cấp, chính sách dân tộc (nếu có); bản thuyết minh quy phạm hóa chính sách trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bản so sánh dự thảo sửa đổi, bổ sung, thay thế với luật, pháp lệnh, nghị quyết hiện hành; bản so sánh, thuyết minh nội dung dự thảo với nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bốn là, nội dung thẩm định được bổ sung một số nội dung: (i) bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh; (ii) việc phân quyền, phân cấp; chính sách dân tộc (nếu có).
Năm là, báo cáo thẩm định phải thể hiện rõ hồ sơ chính sách, dự án, dự thảo đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình Chính phủ; thể hiện việc tham gia ý kiến thẩm định của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ.
Trường hợp báo cáo thẩm định kết luận hồ sơ chính sách, dự án, dự thảo chỉ đủ điều kiện trình Chính phủ sau khi tiếp thu, hoàn thiện thì báo cáo thẩm định phải nêu rõ nội dung, yêu cầu tiếp thu, hoàn thiện.
Sáu là, trường hợp chưa đủ điều kiện trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo phải tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ dự án gửi Bộ Tư pháp để thẩm định lại. Việc thẩm định lại có thể tiến hành nhiều lần.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và Nghị định số 78/2025/NĐ-CP đã có nhiều quy định mới liên quan đến công tác thẩm định so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành (Nghị định số 34/2015/NĐ-CP ngày 14/5/2026 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 59/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ). Do đó, các quy định tại Quyết định số 2419/QĐ-BTP ngày 29/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và Nghị định số 78/2025/NĐ-CP.
Nghị định số 78/2025/NĐ-CP quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp; trách nhiệm của cơ quan đề xuất chính sách, chủ trì soạn thảo; trách nhiệm của thành viên hội đồng thẩm định hoặc người tham gia cuộc họp thẩm định trong quá trình thẩm định.
Về trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong quá trình thẩm định, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và Nghị định số 78/2025/NĐ-CP quy định trách nhiệm thẩm định của Bộ Tư pháp: (i) Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, tổ chức khác trong việc tổ chức thẩm định; (ii) tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ gửi thẩm định; (iii) tổ chức thẩm định theo các nội dung, hình thức, thời gian quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và Nghị định số 78/2025/NĐ-CP; (iv) xây dựng Báo cáo thẩm định bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và Nghị định số 78/2025/NĐ-CP; (v) tham gia khi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua các chính sách, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kết quả thẩm định (khoản 6 Điều 68 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025).
Riêng đối với dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo, Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan, tổ chức có liên quan rà soát về tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật của dự thảo; ngôn ngữ, thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản và có văn bản gửi bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo về kết quả rà soát (khoản 2 Điều 21 Nghị định số 78/2025/NĐ-CP).
Về trách nhiệm của cơ quan đề xuất chính sách, chủ trì soạn thảo, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và Nghị định số 78/2025/NĐ-CP có thể khái quát trách nhiệm của cơ quan đề xuất chính sách, chủ trì soạn thảo văn bản (cơ quan đề nghị thẩm định) trong quá trình thẩm định như sau: (i) gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định theo đúng thành phần và hình thức quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và Nghị định số 78/2025/NĐ-CP. Nếu hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu thì phải hoàn thiện và gửi lại Bộ Tư pháp; (ii) đối với thẩm định chính sách, dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình thì lãnh đạo cơ quan lập đề xuất chính sách, chủ trì soạn thảo có trách nhiệm thuyết trình và giải trình các vấn đề liên quan đến chính sách, dự án tại cuộc họp thẩm định; (iii) trường hợp báo cáo thẩm định kết luận hồ sơ chính sách, dự án, dự thảo chỉ đủ điều kiện trình Chính phủ sau khi tiếp thu, hoàn thiện thì cơ quan lập đề xuất chính sách, chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định và chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, giải trình để trình Chính phủ.
Trường hợp hồ sơ chính sách, dự án chưa đủ điều kiện trình Chính phủ, cơ quan lập đề xuất chính sách, chủ trì soạn thảo phải tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ chính sách, dự án, dự thảo và gửi Bộ Tư pháp thẩm định lại.
Về trách nhiệm của thành viên Hội đồng thẩm định hoặc người tham gia cuộc họp thẩm định, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và Nghị định số 78/2025/NĐ-CP, trách nhiệm của thành viên hội đồng thẩm định hoặc người tham gia cuộc họp thẩm định có thể khái quát:
(i) Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tham gia hoặc có ý kiến trả lời bằng văn bản khi Bộ Tư pháp mời họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định hoặc lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản. Trường hợp không thể tham gia cuộc họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định, thành viên hội đồng thẩm định, người được cử tham gia cuộc họp thẩm định phải gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản đến Bộ Tư pháp trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày tổ chức cuộc họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định. Trường hợp thẩm định gấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì thời hạn gửi ý kiến thẩm định theo đề nghị của Bộ Tư pháp. Hết thời hạn gửi ý kiến bằng văn bản mà không có ý kiến thì được hiểu là nhất trí với hồ sơ chính sách, dự thảo văn bản.
(ii) Nghiên cứu hồ sơ chính sách, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, phát biểu ý kiến thẩm định và thể hiện rõ ý kiến về hồ sơ đủ hay chưa đủ điều kiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
(iii) Chịu trách nhiệm về ý kiến thẩm định thuộc phạm vi quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực của cơ quan mình. Trong đó, đại diện Bộ Ngoại giao có ý kiến về tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có ý kiến về bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh; đại diện Bộ Tài chính có ý kiến về nguồn tài chính; đại diện Bộ Nội vụ có ý kiến về việc phân quyền, phân cấp và nguồn nhân lực.
(iv) Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ tham gia thẩm định nhận thông báo kèm báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp về việc không có đại diện tham gia cuộc họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định mà không gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản (chuẩn bị ý kiến tại phiên họp Chính phủ về những nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình khi được yêu cầu).
Minh Trí
Ảnh: internet