Thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng chính phủ ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 619/QĐ-TTg); Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Thông tư số 07/2017/TT-BTP); kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg; công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Phòng Tư pháp huyện Lệ Thủy đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện ban hành các văn bản triển khai thực hiện và lồng ghép tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 619/QĐ-TTg, Thông tư số 07/2017/TT-BTP cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân và cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã; chủ động hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật ở cấp xã; bố trí công chức trực tiếp theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tham mưu Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn xây dựng và ban hành kế hoạch xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, 100% các xã, thị trấn đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Quyết định số 619/QĐ-TTg và Thông tư số 07/2017/TT-BTP, vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng thông qua việc lồng ghép tổ chức hội nghị, qua loa truyền thanh ở các thôn, bản, tổ dân phố.
2. Những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Trong quá trình triển khai thực hiện, công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở huyện Lệ Thủy còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc như sau:
- Một số cán bộ nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cho rằng đây là nhiệm vụ mới hoặc chưa quen với việc lập hồ sơ giải quyết và xử lý công việc theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa.
- Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực bảo đảm của nhiều đơn vị cấp xã cho hoạt động thực thi công vụ còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
- Năng lực, trình độ, thói quen trong lề lối làm việc của một số cán bộ, công chức cấp xã còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
- Khó khăn trong triển khai chấm điểm các tiêu chí tiếp cận pháp luật theo Thông tư số 07/2017/TT-BTP như:
+ Chỉ tiêu 2, Tiêu chí 1 quy định: “An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút) trên địa bàn cấp xã được kiềm chế, có giảm so với năm trước”. Trên thực tế, có một số vụ án nghiêm trọng, tệ nạn xã hội xảy ra trên địa bàn cấp xã do người ở địa phương khác đến gây án, vi phạm, nhưng theo quy định của tiêu chí trên thì xã có vụ việc xảy ra phải chịu kết quả đánh giá.
+ Chỉ tiêu 2, Tiêu chí 2 quy định: Bố trí địa điểm, công chức tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định: Đảm bảo diện tích làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; đảm bảo trang thiết bị của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên một số đơn vị chưa đáp ứng được chỉ tiêu này.
+ Nhiều đơn vị chưa đáp ứng được chỉ tiêu về bố trí đủ kinh phí hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định: Hỗ trợ kinh phí cho tổ hòa giải và hòa giải viên (Chỉ tiêu 3, Tiêu chí 4).
- Về điều kiện, thẩm quyền công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Điều 6 Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ban hành kèm theo Quyết định số 619/QĐ-TTg):
+ Điểm b quy định về điều kiện: “Tổng số điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III”. Thực tế, cấp xã loại I là những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, có địa bàn rộng, dân cư thưa, nhưng theo quy định thì tổng số điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải cao hơn các cấp xã khác có điều kiện thuận lợi, dễ đáp ứng về điều kiện được công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hơn.
+ Tại điểm d quy định về điều kiện: “Trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra”. Trên thực tế, có những tình huống cụ thể như: Hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện từ nhiều năm trước, trước khi cán bộ đó thay đổi đơn vị công tác và xảy ra tại địa bàn xã khác, đến nay mới phát hiện, nhưng theo quy định, xã có cán bộ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên thì không được công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong những trường hợp như vậy, đơn vị tiếp nhận cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật ở đơn vị khác và bị xử lý kỷ luật ở đơn vị mình đã làm ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu của toàn xã trong một năm công tác.
3. Một số kiến nghị, giải pháp
Để đẩy mạnh công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, thời gian tới, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tác động của công tác xây dựng, đánh giá tiếp cận pháp luật. Trên cơ sở đó, xác định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xây dựng xã, thị trấn bảo đảm việc tiếp cận pháp luật cho người dân gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, công tác hòa giải cơ sở... để nâng cao điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
Tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các phòng ban, ngành có liên quan, các thành viên của hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trong việc xây dựng và cải thiện điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
Thường xuyên kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc triển khai thực hiện, đồng thời biểu dương nhân rộng điển hình để đội ngũ công chức và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
Cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong việc đánh giá, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Phòng Tư pháp huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình