Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, các tác giả nêu ra một số quan điểm về những quy định của pháp luật về biện pháp thực nghiệm điều tra trong hoạt động điều tra vụ án hình sự.
Abstract: Within the scope of this article, the authors raise a number of views on the legal provisions on experimental investigation measures in the investigation of criminal cases.
Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, để chứng minh làm rõ vụ án, cơ quan điều tra có thể sử dụng nhiều biện pháp điều tra khác nhau; trong đó có những biện pháp điều tra phổ biến, thường xuyên được tiến hành như lấy lời khai, hỏi cung, khám xét… Tuy nhiên, cũng có những biện pháp điều tra chỉ được tiến hành khi thực sự cần thiết và có thể như biện pháp thực nghiệm điều tra. Thực tế hoạt động điều tra vụ án hình sự cho thấy, thực nghiệm điều tra đóng vai trò là một biện pháp điều tra hiệu quả, giúp cơ quan điều tra củng cố những tài liệu chứng cứ đã thu thập được, thu thập những tài liệu chứng cứ mới, kiểm tra và đánh giá các giả thuyết điều tra. Đặc biệt, trong một số vụ án, thực nghiệm điều tra đóng vai trò quyết định trong việc chứng minh tội phạm và người phạm tội. Thực nghiệm điều tra là một biện pháp điều tra theo quy định của pháp luật. Do vậy, việc tiến hành biện pháp này phải căn cứ, tuân thủ chặt chẽ theo các quy định của pháp luật.
Biện pháp thực nghiệm điều tra được quy định tại Điều 204 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể, khoản 1 quy định: “Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết”. Với quy định này có thể thấy rằng, các trường hợp được cho phép sử dụng biện pháp điều tra thực nghiệm điều tra tương đối rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan điều tra, điều tra viên dễ dàng, linh hoạt hơn trong việc sử dụng thực nghiệm điều tra như là một công cụ, phương tiện hữu hiệu để kiểm tra và đánh giá các tài liệu chứng cứ đã thu thập được hoặc để kiểm tra các giả thuyết điều tra định hướng cho các hoạt động điều tra khác chính xác hơn.
Các trường hợp cần tiến hành thực nghiệm điều tra cụ thể như:
- Khi lời khai của bị can, bị hại, người làm chứng,... có mâu thuẫn với thực tế khách quan: Mâu thuẫn với thực tế khách quan ở đây được hiểu là lời khai của những người này không phù hợp với các quy luật của tự nhiên, xã hội, quy luật hình thành dấu vết…, thông thường đã được khoa học kiểm chứng và thừa nhận hay lời khai của họ không phù hợp với các thông tin, tài liệu khác mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã thu thập được như: Lời khai của những người khác trong vụ án, các vật chứng thu được liên quan đến vụ án, kết quả công tác khám nghiệm hiện trường, khám xét... Thực nghiệm điều tra còn được tiến hành trong trường hợp đối tượng khai gian dối, khẳng định mình vô tội, bằng cách đưa ra chứng cứ ngoại phạm, trong trường hợp này, việc tiến hành thực nghiệm điều tra là hết sức cần thiết để phá vỡ lập trường khai báo gian dối của đối tượng, buộc đối tượng phải khai báo đúng sự thật phục vụ quá trình điều tra, làm rõ vụ án hình sự.
- Khi cần củng cố thêm vững chắc tài liệu, chứng cứ đã thu được phục vụ cho việc truy tố, xét xử các đối tượng phạm tội: Trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng đã thu thập được các thông tin, tài liệu chứng minh tội phạm, người phạm tội; các thông tin, tài liệu này phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác, phù hợp với quy luật khách quan; tuy nhiên, xuất phát từ tính chất phức tạp, nghiêm trọng của vụ án hình sự, nhằm xác định chính xác một người là người phạm tội chứ không phải người khác, ngoài họ không có ai khác là đồng phạm khi thực hiện tội phạm khi đó các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành thực nghiệm điều tra. Việc này được tiến hành phổ biến trong các vụ án giết người, cướp tài sản, các vụ phạm tội có tổ chức, phạm tội với phương thức, thủ đoạn mới hoặc phạm tội đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp, năng khiếu cá nhân,...
- Việc tiến hành thực nghiệm điều tra còn được tiến hành trong trường hợp việc nhận xét đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng về vụ án còn nhiều ý kiến, lập luận, giả thuyết khác nhau đòi hỏi phải có căn cứ để kết luận khách quan. Quá trình tiến hành hoạt động điều tra, đặc biệt ở giai đoạn điều tra ban đầu còn nhiều lập luận, quan điểm trái chiều nhau về vụ án, điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân những tài liệu, chứng cứ về vụ án tại thời điểm này chưa được thu thập một cách đầy đủ, nhiều tài liệu còn tản mát, chưa được kiểm tra, xác minh, vì thế các điều tra viên có thể đưa ra những lập luận, ý kiến, giả thuyết trái chiều nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau. Do vậy, để giải quyết vấn đề này điều tra viên có thể áp dụng biện pháp thực nghiệm điều tra để có thể giải quyết các mâu thuẫn đó.
- Thực nghiệm điều tra là một biện pháp điều tra, do đó, khi tiến hành thực nghiệm điều tra như: Diễn lại hành vi, tình huống, các tình tiết của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm khác không được trái với nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa. Nghĩa là, việc tiến hành thực nghiệm điều tra phải tuân thủ nghiêm chỉnh, triệt để các quy định của pháp luật có liên quan đến thực nghiệm điều tra, việc tiến hành thực nghiệm không được trái với các quy định của pháp luật, không được vi phạm các quy định của pháp luật. Để bảo đảm vấn đề trên, khi tiến hành thực nghiệm điều tra, điều tra viên phải quán triệt những vấn đề sau:
+ Không được diễn lại, làm thử những vấn đề gây ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người như: Thực hiện những vụ phá hoại ở nơi công cộng, thực nghiệm điều tra diễn lại những động tác, hành vi “nhạy cảm” những vụ hiếp dâm, cưỡng dâm gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác.
+ Không được gây hư hại đến tài sản của Nhà nước, công dân.
+ Phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục và thẩm quyền tiến hành thực nghiệm điều tra như: Phải có người chứng kiến, lập biên bản theo đúng quy định của pháp luật, thông báo cho Viện kiểm sát trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra.
+ Tuyệt đối tôn trọng thực tế khách quan: Đây là một vấn đề hết sức quan trọng để bảo đảm tính chính xác, khách quan của cuộc thực nghiệm; kết quả thực nghiệm đúng hay sai phụ thuộc lớn vào việc điều tra viên và những người tham gia cuộc thực nghiệm vô tư, có khách quan trong quá trình tiến hành các hoạt động thực nghiệm hay không. Vì vậy, cần thận trọng, không gò ép, bắt buộc, “gợi mớm”, dụ dỗ người diễn lại hoặc làm thử theo ý chủ quan của điều tra viên; bảo đảm những người tham gia thực nghiệm điều tra phải tự giác, bình tĩnh, khách quan; có thái độ nghiêm túc, phân tích kỹ lưỡng trên cơ sở thực tế mới có căn cứ đầy đủ để kết luận cơ sở thực tế mới có căn cứ đầy đủ để kết luận một cách đúng đắn, chính xác phục vụ yêu cầu đặt ra của công tác điều tra; tránh tư tưởng, định kiến, suy luận chủ quan, thiếu cơ sở thực tế; nếu kết quả thực nghiệm điều tra trái ngược với dự đoán thì phải bình tĩnh nghiên cứu lại toàn bộ tình hình lúc xảy ra sự việc so với điều kiện lúc tiến hành thực nghiệm điều tra để tìm rõ nguyên nhân.
+ Theo quy định tại Điều 204 Bộ luật Tố tụng hình sự, chủ thể tiến hành thực nghiệm điều tra là cơ quan điều tra và Viện kiểm sát mà trực tiếp là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên hoặc Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, kiểm sát viên là người tổ chức thực nghiệm điều tra. Ngoài cơ quan điều tra và Viện kiểm sát là cơ quan chủ trì cuộc thực nghiệm, thì trong quá trình tiến hành thực nghiệm điều tra còn có sự tham gia của những thành phần khác tham gia thực nghiệm điều tra như: Người thực nghiệm, người chứng kiến, lực lượng bảo vệ cuộc thực nghiệm..., bảo đảm tuân thủ những quy định của pháp luật và kết quả của cuộc thực nghiệm.
Trên đây là một số nội dung liên quan đến những quy định của pháp luật về biện pháp thực nghiệm điều tra giúp cho cơ quan điều tra nói riêng và các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tiến hành biện pháp này phải căn cứ, tuân thủ chặt chẽ theo các quy định của pháp luật để bảo đảm hiệu quả trong quá trình áp dụng, góp phần cùng với các biện pháp khác chứng minh, làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Bên cạnh đó, việc chấp hành những quy định của pháp luật và quán triệt những vấn đề nêu trên sẽ bảo đảm hiệu quả và giá trị của cuộc thực nghiệm điều tra.
ThS. Lê Xuân Trường
Khoa Cảnh sát điều tra - Học viện Cảnh nhân dân