1. Khái niệm thi hành pháp luật
Theo các giáo trình lý luận về Nhà nước và pháp luật được giảng dạy tại nhiều cơ sở đào tạo pháp luật ở Việt Nam một thời gian dài trước đây, thi hành pháp luật được xác định là một trong bốn hình thức thực hiện pháp luật. Cụ thể, theo Giáo trình Lý luận Nhà nước và pháp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội, thực hiện pháp luật là hành vi thực tế, hợp pháp, có mục đích của các chủ thể pháp luật nhằm hiện thực hóa các quy định của pháp luật, làm cho chúng đi vào đời sống, trở thành những hành vi thực tế, hợp pháp của các chủ thể pháp luật. Thực hiện pháp luật được biểu hiện dưới bốn hình thức là: Tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật[1]. Theo đó, thi hành pháp luật được hiểu là việc chủ động thực hiện nghĩa vụ pháp lý của chủ thể pháp luật (ví dụ như việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ quân sự...).
Theo tác giả, cách hiểu về thi hành pháp luật như vậy chưa thực sự sát với ý nghĩa đích thực của cụm từ “thi hành pháp luật” được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Tra cứu lịch sử pháp luật Việt Nam thời hiện đại, thuật ngữ “thi hành pháp luật” đã xuất hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng của Việt Nam từ khá sớm. Ngay từ Hiến pháp năm 1946, khi quy định về thẩm quyền của Chính phủ và cơ quan hành chính ở địa phương, Hiến pháp đã quy định rõ thẩm quyền thi hành pháp luật của các cơ quan này. Cụ thể, Điều 52 Hiến pháp năm 1946 quy định Chính phủ có quyền thi hành các đạo luật và quyết nghị của Nghị viện. Đến Hiến pháp năm 1959, Điều 50 quy định Quốc hội có quyền giám sát việc thi hành Hiến pháp, Điều 73 quy định Hội đồng Chính phủ có quyền kiểm tra việc thi hành những nghị định, nghị quyết, chỉ thị. Hiến pháp năm 1980 có nhắc tới nội dung toàn thể nhân dân Việt Nam ra sức thi hành Hiến pháp. Điều 107 Hiến pháp năm 1980 quy định Hội đồng Bộ trưởng có nhiệm vụ bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật. Đến Hiến pháp năm 1992, khoản 2 Điều 112 quy định Chính phủ có trách nhiệm bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật. Thêm vào đó, thi hành pháp luật cũng không phải chỉ là hành vi của cơ quan công quyền mà còn là hành vi của người dân, doanh nghiệp. Điều 9 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… động viên nhân dân… nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật”. Từ đó cho thấy, thi hành pháp luật không chỉ bó hẹp duy nhất ở hành vi chủ động thực hiện nghĩa vụ pháp lý được pháp luật quy định của các chủ thể mang nghĩa vụ.
Một số năm gần đây, giáo trình lý luận về Nhà nước và pháp luật của một số cơ sở đào tạo uy tín ở Việt Nam đã có sự căn chỉnh lại. Theo đó, hình thức “thi hành pháp luật” trong 04 hình thức thực hiện pháp luật đã được thay bằng “chấp hành pháp luật”[2]. Đây là cách đặt vấn đề phù hợp, tránh được những tranh luận không cần thiết về mặt nhận thức lý luận.
Từ các quy định của pháp luật, cách giải thích phù hợp hơn cả là coi thi hành pháp luật là hành vi (các hoạt động) của các chủ thể trong xã hội nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, biến các yêu cầu của pháp luật trở thành hành vi thực tế của các chủ thể trong xã hội[3].
2. Khái niệm tổ chức thi hành pháp luật
Trong thuật ngữ “tổ chức thi hành pháp luật”, từ “tổ chức” là một động từ mô tả hành vi của một chủ thể có trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật. “Tổ chức” theo Từ điển tiếng Việt có nghĩa là “sắp xếp, bố trí cho thành một chỉnh thể, có một cấu tạo, một cấu trúc và những chức năng chung nhất định” hoặc “làm cho thành có trật tự, có nền nếp”[4]. Trong tiếng Anh, động từ “tổ chức” (organize) cũng được giải thích khá tương đồng như động từ “tổ chức” trong tiếng Việt. Theo đó, “organize” có nghĩa là “sắp xếp để làm cho việc gì đó xảy ra” (ví dụ, tổ chức cuộc họp) hoặc “làm hoặc sắp xếp điều gì đó theo một hệ thống nhất định”[5]. Trên cơ sở đó, theo lối chiết tự, tổ chức thi hành pháp luật chính là sắp xếp công việc thi hành pháp luật theo một trật tự nhất định hoặc làm cho việc thi hành pháp luật trở nên nền nếp. Theo ý nghĩa này, dường như chúng ta có thể hiểu rằng, mọi chủ thể trong xã hội đều có thể tổ chức thi hành pháp luật. Một doanh nghiệp tiến hành các hoạt động phổ biến, tập huấn pháp luật cho cán bộ quản lý, người lao động trong doanh nghiệp dường như cũng chính là việc thực hiện công việc tổ chức thi hành pháp luật. Thêm vào đó, nếu như ở phần trên khẳng định, hoạt động xét xử của Tòa án, với tư cách là một hoạt động áp dụng pháp luật, được xếp vào một dạng của hoạt động thi hành pháp luật, thì việc Tòa án tổ chức công tác xét xử phải chăng cũng cần phải được xem là tổ chức thi hành pháp luật. Đây là cách hiểu thông thường theo lối chiết tự về cụm từ “tổ chức thi hành pháp luật”. Tác giả cho rằng, dưới góc độ pháp lý và tổ chức quyền lực nhà nước ở Việt Nam, đây là cách hiểu chưa chính xác. Cần lưu ý rằng, tổ chức thi hành pháp luật với ý nghĩa là một thuật ngữ pháp lý (thuật ngữ được sử dụng chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật) có nội hàm không hoàn toàn giống như cách hiểu thông thường về tổ chức thi hành pháp luật như đã nêu ở trên.
Theo dòng lịch sử pháp luật Việt Nam thời hiện đại, chúng ta có thể thấy rằng, thuật ngữ “tổ chức thi hành pháp luật” thể hiện thông qua việc tổ chức thi hành một văn bản quy phạm pháp luật (nhất là một đạo luật cụ thể) đã từng được sử dụng. Chẳng hạn, năm 1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị số 254-CT ngày 13/8/1985 về việc tổ chức thi hành Bộ luật Hình sự. Sau đó, năm 1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 269-CT ngày 19/10/1988 về việc tổ chức thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự. Năm 1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 74-CT ngày 13/3/1990 về việc tổ chức thi hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính. Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/2000/CT-TTg ngày 09/8/2000 về việc tổ chức thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000… Khi nghiên cứu các văn bản vừa nêu, có thể thấy, tổ chức thi hành một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, mà ở đây là một đạo luật cụ thể, thường được thể hiện dưới các hình thức công việc như: (i) Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của các chủ thể có liên quan; (ii) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan; (iii) Tiến hành các công việc xử lý vi phạm pháp luật; (iv) Củng cố tổ chức bộ máy và cán bộ có trách nhiệm xử lý các hành vi vi phạm. Như vậy, thuật ngữ “tổ chức thi hành pháp luật” không chỉ bao hàm việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp luật quy định cho mình thông qua các hoạt động phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật (áp dụng pháp luật) hoặc kiềm chế không thực hiện các hành vi pháp luật cấm (không cho phép) (tuân thủ pháp luật), mà còn bao gồm cả hành vi tạo tiền đề, tạo điều kiện, tạo môi trường thuận lợi để các hoạt động thi hành pháp luật của chính cơ quan này hoặc cấp dưới của cơ quan này được hiệu quả mà còn bao gồm tạo tiền đề, tạo điều kiện, tạo môi trường thuận lợi để các chủ thể có quyền và nghĩa vụ pháp lý thực hiện được quyền và chấp hành nghĩa vụ pháp lý của mình.
Trong lịch sử lập hiến ở Việt Nam, thuật ngữ “tổ chức thi hành Hiến pháp/luật/pháp luật” chỉ xuất hiện từ Hiến pháp năm 2013. Điều 96 Hiến pháp năm 2013 quy định Chính phủ có nhiệm vụ tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Điều đó là hoàn toàn phù hợp với vị thế Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, bởi lẽ, nội dung cốt lõi của quyền hành pháp (executive power), theo nghĩa truyền thống, chính là quyền năng bảo đảm các đạo luật được thi hành một cách đầy đủ[6] hoặc thẩm quyền thi hành các đạo luật và bảo đảm rằng các đạo luật này được thi hành như ý định đặt ra các đạo luật ấy[7]. Như vậy, quyền hành pháp không chỉ là thi hành các đạo luật mà quan trọng hơn là phải bảo đảm rằng các đạo luật được thi hành như ý định đặt ra các đạo luật ấy[8]. Đó chính là cách nói khác đi của tổ chức thi hành luật. Điều này cũng có nghĩa rằng, tổ chức thi hành luật là phải bảo đảm làm sao để luật được thi hành đầy đủ như ý định ban đầu đặt ra. Bảo đảm cho luật được thi hành đầy đủ như ý định ban đầu đặt ra chính là mục đích cốt lõi của tổ chức thi hành luật[9]. Suy rộng ra, bảo đảm cho pháp luật được thi hành đầy đủ chính là mục đích cốt lõi của tổ chức thi hành pháp luật.
Hiến pháp năm 2013 quy định tổ chức thi hành pháp luật là trách nhiệm hàng đầu của các cơ quan hành chính nhà nước khác (Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp). Cụ thể, Điều 98 Hiến pháp năm 2013 quy định Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ “lãnh đạo việc tổ chức thi hành pháp luật”. Điều 99 Hiến pháp năm 2013 quy định Bộ trưởng “chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc”. Điều 100 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng… ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật”. Điều 112 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương”. Điều 114 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương”.
Xuất phát từ bản chất của quyền hành pháp như quan niệm phổ biến của quốc tế và thực tiễn sử dụng thuật ngữ “tổ chức thi hành luật”, “tổ chức thi hành pháp luật”, tác giả cho rằng, tổ chức thi hành pháp luật về bản chất chính là một chỉnh thể các hành vi công quyền do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhằm bảo đảm cho các yêu cầu của pháp luật được hiện thực hóa một cách đầy đủ và trọn vẹn. Đây là trách nhiệm chủ yếu và cơ bản nhất của chủ thể quyền hành pháp (Chính phủ) (đối với tổ chức thi hành luật) và các cơ quan hành chính nhà nước khác (đối với tổ chức thi hành luật và các văn bản dưới luật được gọi chung là pháp luật). Chủ thể tổ chức thi hành pháp luật, theo đúng nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 chỉ là các cơ quan hành chính nhà nước. Cơ quan lập pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp (Tòa án) không phải là chủ thể tổ chức thi hành pháp luật mặc dù hoạt động của các cơ quan này rõ ràng có ảnh hưởng và liên hệ mật thiết với hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước. Chỉ có cách hiểu như thế thì mới tương thích với quy định tại Điều 98 Hiến pháp năm 2013 quy định Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ “lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật”.
Tác giả cơ bản đồng ý với quan điểm cho rằng: Hiến pháp sử dụng thuật ngữ “tổ chức thi hành” cho các cơ quan hành chính với hàm ý ngoài việc chủ thể này có thể có trách nhiệm trực tiếp thi hành pháp luật, còn có trách nhiệm tạo ra các cơ sở, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành pháp luật của các chủ thể khác trong phạm vi toàn xã hội10. Như vậy, có thể thấy “vai trò kép” của các cơ quan hành chính trong thi hành và tổ chức thi hành pháp luật mà đứng đầu là Chính phủ. Từ những phân tích kể trên, có thể khẳng định, tổ chức thi hành pháp luật là trách nhiệm và nghĩa vụ riêng có của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền. Tổ chức thi hành pháp luật là những hoạt động do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện để tạo điều kiện, tạo tiền đề và bảo đảm việc hiện thực hóa các yêu cầu của pháp luật (đưa pháp luật vào cuộc sống).
3. Các dạng hoạt động tổ chức thi hành pháp luật
Các dạng hoạt động tổ chức thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước khá đa dạng. Điều này được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các đạo luật chuyên ngành, nghị định quy định chung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ (hiện tại là Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ). Đặc biệt, theo quy định tại Điều 183 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP), có 10 dạng hoạt động tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật: (i) Xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; (ii) Tổ chức thực hiện chính sách, biện pháp trong văn bản quy phạm pháp luật; (iii) Phổ biến văn bản quy phạm pháp luật; (iv) Ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật (nếu có); (v) Tập huấn văn bản quy phạm pháp luật; (vi) Tổ chức tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; (vii) Bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực để triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật; (viii) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật; (ix) Sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật; (x) Báo cáo việc tổ chức triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị, xử lý vướng mắc trong việc tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Có thể thấy, 10 loại hoạt động được nêu trong Điều 183 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP rất toàn diện. Mặc dù vậy, về mặt lý luận, nội dung quy định tại Điều 183 kể trên cũng còn một số điểm cần bàn thêm. Quy định này coi việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật với tư cách là văn bản hướng dẫn thi hành của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn như là một hoạt động tổ chức thi hành pháp luật dễ tạo ra sự nhầm lẫn giữa hoạt động xây dựng pháp luật với hoạt động thi hành pháp luật. Cần phải khẳng định rằng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, là hoạt động xây dựng pháp luật chứ không phải là hoạt động thi hành pháp luật. Thêm vào đó, công việc tổ chức thực hiện chính sách, biện pháp trong văn bản quy phạm pháp luật chưa được giải mã rõ gồm những loại hoạt động cụ thể nào. Ngoài ra, hoạt động phổ biến văn bản quy phạm pháp luật với hoạt động tập huấn văn bản quy phạm pháp luật cũng có thể xếp chung vào cùng một nhóm và cần có cách diễn đạt phù hợp hơn với quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nhằm kế thừa những nội dung hợp lý trong quy định tại Điều 183 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, đồng thời, khắc phục những điểm còn chưa hợp lý, tác giả cho rằng, tổ chức thi hành pháp luật có thể hiểu gồm các phương thức cơ bản sau: (i) Ban hành chương trình, kế hoạch triển khai các quy định pháp luật; (ii) Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật; (iii) Tổ chức các công việc giải quyết các yêu cầu tiếp cận dịch vụ công hoặc dịch vụ hành chính công của công dân (tiến hành các hoạt động đăng ký, cấp phép, cấp giấy chứng nhận...); (iv) Tổ chức bộ máy, nhân sự, trang thiết bị, ngân sách và các điều kiện bảo đảm khác để tổ chức thi hành pháp luật; (v) Tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo; (vi) Giải quyết các kiến nghị của các tổ chức, cá nhân; (vii) Tiến hành hoạt động theo dõi thi hành pháp luật; (viii) Tiến hành các hoạt động sơ kết, tổng kết thi hành pháp luật[11].
4. Đặc điểm của tổ chức thi hành pháp luật
Thứ nhất, tổ chức thi hành pháp luật là hoạt động có chủ đích rõ ràng. Tổ chức thi hành pháp luật thường là hoạt động được tính toán kỹ lưỡng (thông qua các kế hoạch tổ chức thi hành pháp luật, bố trí nguồn lực cho tổ chức thi hành pháp luật…), nhằm bảo đảm cho những tác động dự kiến khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật được hiện thực hóa.
Thứ hai, tổ chức thi hành pháp luật thường mang tính công quyền rõ nét. Tổ chức thi hành pháp luật chỉ là hoạt động của loại chủ thể đặc biệt là cơ quan hành chính nhà nước nhằm thúc đẩy, bảo đảm các yêu cầu trong quy định của pháp luật (dưới dạng quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan) được hiện thực hóa. Chính vì thế, trong nhiều trường hợp, chủ thể tổ chức thi hành pháp luật có thể sử dụng quyền uy để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật (các hành vi lệch chuẩn). Tuy nhiên, do việc tổ chức thi hành pháp luật thường gắn với yếu tố quyền uy nên để bảo đảm tổ chức thi hành pháp luật hiệu lực, hiệu quả, rất cần lưu ý tới những rủi ro mà hoạt động tổ chức thi hành pháp luật có thể gặp phải, trong đó có rủi ro xâm phạm các quyền con người, quyền công dân trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật.
Thứ ba, việc tổ chức thi hành pháp luật đối với lĩnh vực pháp luật tư và tổ chức thi hành pháp luật đối với lĩnh vực pháp luật công có những điểm khác biệt rất đáng lưu ý. Đối với lĩnh vực pháp luật công, pháp luật đặt ra nhiều nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trước Nhà nước và yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ hoặc chấp hành nghiêm chỉnh, từ đó, trong không ít trường hợp là sự ràng buộc quyền tự do của con người. Chính vì thế, việc tổ chức thi hành pháp luật đối với lĩnh vực pháp luật công thường đòi hỏi sự hiện diện của các thiết chế chuyên trách để tiến hành các hoạt động theo dõi, giám sát, phát hiện hành vi vi phạm và tiến hành xử lý hành vi vi phạm (hoặc truy tố người vi phạm trước Tòa án). Đối với lĩnh vực pháp luật tư, các quyền và nghĩa vụ pháp lý được xác lập dựa trên ý chí tự nguyện của các bên (thông qua hành vi sử dụng pháp luật). Khi có tranh chấp (hoặc có hành vi vi phạm), các bên sẽ đưa vụ việc của mình ra các thiết chế tài phán (Tòa án, trọng tài) hoặc hòa giải để giải quyết (nếu không tự thương lượng được). Chính vì thế, sau khi các quy tắc pháp luật tư được ban hành, việc tổ chức thi hành pháp luật chủ yếu dừng ở các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giải đáp pháp luật hơn là việc thực hiện các công việc theo dõi, giám sát, phát hiện hành vi vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật.
Thứ tư, tổ chức thi hành pháp luật do một loại chủ thể công quyền thực hiện, đó là các cơ quan hành chính nhà nước (thông qua đội ngũ công chức của mình). Cơ quan hành chính là chủ thể chịu trách nhiệm hàng đầu để bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và đầy đủ. Do đó, ở đâu trật tự pháp luật không được xác lập hoặc an ninh, trật tự có vấn đề, ở đó có trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước phụ trách địa bàn/lĩnh vực đó.
Thứ năm, tổ chức thi hành pháp luật với tư cách là một hoạt động quản lý nhà nước đối với xã hội vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật. Hoạt động này bị chi phối bởi những yêu cầu, đòi hỏi và quy luật khách quan mà chủ thể tổ chức thi hành pháp luật phải nhận diện đầy đủ thì mới thiết kế được các phương án tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả nhất. Thêm vào đó, việc tổ chức thi hành pháp luật tác động trực tiếp tới nhận thức, thói quen (đôi khi đã ăn sâu, bám rễ trong nhận thức, phong tục, tập quán của các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ chấp hành pháp luật) nên để đạt được mục tiêu điều chỉnh pháp luật đề ra ban đầu rất có thể cần nghệ thuật thuyết phục, tổ chức thi hành cùng sự kiên quyết, kiên trì trong tổ chức thực hiện.
Thứ sáu, tổ chức thi hành pháp luật có mối liên hệ mật thiết với các hoạt động thực thi quyền lực nhà nước khác, bao gồm hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân và hoạt động lập pháp, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan dân cử. Việc tổ chức thi hành pháp luật sẽ khó đạt mục đích nếu thiếu vắng sự tồn tại của hệ thống Tòa án hoạt động hiệu lực, hiệu quả cao. Việc có quá nhiều vụ án hình sự, các tranh chấp dân sự được đưa ra trước Tòa án nhưng không được thụ lý và giải quyết đúng hạn chắc chắn sẽ làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Ngược lại, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Tòa án nhân dân cũng đòi hỏi hoạt động tổ chức thi hành pháp luật được thực hiện với hiệu lực, hiệu quả cao. Các phán quyết của Tòa án sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu không được tổ chức thi hành một cách nghiêm minh.
Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[1]. Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lý luận Nhà nước và Pháp luật, Nxb. Chính trị quốc gia, 2013, tr. 396.
[2]. GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, Giáo trình Lý luận Nhà nước và Pháp luật (Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015), tr. 493 - 495.
[3]. TS. Lê Thành Long (chủ biên), Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về theo dõi thi hành pháp luật (Hà Nội: Nxb. Tư pháp, 2011), tr. 40.
[4]. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt (Đà Nẵng: Nxb. Đà Nẵng, 2004), tr. 1007.
[5]. Nguyên văn “to make arrangements for something to happen” hoặc “to do or arrange something to a particular system” <https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/organize>.
[6]. Bryan A. Garner (ed.), Black’s Law Dictionary, 9th ed. (St. Paul, MN: Thomson Reuteurs, 2009) at 651 (nguyên văn: The power to see that the laws are duly executed and enforced).
[7]. Andre Kaiser, “Executive Power” in Keith Dowding (ed.), Encyclopedia of Power (London: Sage, 2011) at 228 (nguyên văn “the executive power is the authority to enforce laws and to ensure that they are implemented as intended”).
[8]. Cần lưu ý rằng, thuật ngữ “đạo luật” (laws) ở nhiều quốc gia cần được hiểu chính là các quyết định có tính ràng buộc pháp lý của Quốc hội chứ không chỉ dừng lại ở các văn bản do Quốc hội ban hành có chứa quy phạm pháp luật.
[9]. Theo quan niệm được nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam tán đồng, quyền hành pháp trong các nền chính trị hiện đại ngày nay không chỉ là thi hành các đạo luật của Quốc hội mà phải bao gồm nghĩa đầy đủ hơn là hoạch định và điều hành chính sách quốc gia (xem: Bùi Xuân Đức (2019) “Quyền hành pháp theo Hiến pháp năm 2013: Những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện” http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210390).
[10]. Tổ chức thực hiện và kiểm tra, thanh tra, theo dõi việc thi hành pháp luật; ban hành văn bản hướng dẫn thi hành; ban hành kế hoạch và triển khai các biện pháp thực hiện, trong đó có phổ biến văn bản; bảo đảm các điều kiện thi hành như nguồn lực, tài chính, tổ chức bộ máy, cán bộ; kiểm tra, xử lý vi phạm; giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân; đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đánh giá tính hợp lý, khả thi của văn bản, tác động của văn bản đối với đời sống xã hội để có kiến nghị hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật nói chung…
[11]. Xem thêm: Đề tài khoa học cấp Bộ (năm 2018) “Cơ chế tổ chức thi hành pháp luật: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” của Bộ Tư pháp do GS.TS. Hoàng Thế Liên làm chủ nhiệm.