1. Nhận diện bản chất pháp lý của sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là một trong những quan hệ xã hội khá phức tạp, có mối liên hệ chặt chẽ cả về các yếu tố về y học và các yếu tố pháp lý. Xét dưới phương diện y học, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản khá đa dạng, bao gồm nhiều phương pháp khác nhau nhằm mục đích điều trị tình trạng vô sinh, hiếm muộn, giúp các cặp vợ chồng được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ. Về bản chất, đặc trưng cơ bản nhất của việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là hình thức sinh con phải có sự can thiệp của các kỹ thuật y sinh học; áp dụng các tri thức về khoa học để hỗ trợ cho việc sinh con mà vì lý do nào đó không thể thụ thai tự nhiên. Tùy thuộc vào thể trạng và các yếu tố sinh học của mỗi cá nhân khác nhau, các bác sĩ, chuyên gia có thể lựa chọn các phương pháp hỗ trợ sinh sản cho phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất.
Dưới phương diện pháp lý, trước đây, để xác định các trường hợp sinh con cần có sự tác động, can thiệp của y học, pháp luật Việt Nam sử dụng thuật ngữ “sinh con theo phương pháp khoa học” tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/02/2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học (Nghị định số 12/2003/NĐ-CP). Theo đó, “sinh con theo phương pháp khoa học là việc sinh con được thực hiện bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm”. Tuy nhiên, về mặt logic, khái niệm về sinh con bằng phương pháp khoa học được quy định trên không thật sự hợp lý. Bởi lẽ, cách định nghĩa như trên là sử dụng một khái niệm khác để giải thích cho khái niệm cần làm rõ. Với cách định nghĩa này, một lần nữa lại cần làm rõ khái niệm “sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản” là gì. Điều này tạo ra sự rườm rà và khó hiểu trong việc vận dụng thuật ngữ. Do đó, để khắc phục hạn chế này, khoản 21 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã pháp điển hóa bằng cách sử dụng khái niệm thống nhất là “sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản”. Theo đó, “sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm”. Như vậy, pháp luật hiện hành đã có sự thay đổi trong việc điều chỉnh thuật ngữ pháp lý nói trên. Điều này là phù hợp, dễ hiểu và súc tích. Định nghĩa này đã chỉ ra rằng, hai phương thức quan trọng để thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm.
Đối với kỹ thuật thụ tinh nhân tạo: Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ông nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (Nghị định số 10/2015/NĐ-CP) không đưa ra cách giải thích từ ngữ cụ thể. Đồng thời, khoản 2 Điều 1 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về phạm vi điều chỉnh cũng đã giới hạn rằng: “Việc thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được thực hiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này”[1]. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng, việc làm rõ khái niệm này là rất cần thiết bởi lẽ thực tế vẫn có sự nhầm lẫn trong cách thức vận dụng hai trường hợp này khi tiến hành thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Trước đây, định nghĩa về thụ tinh nhân tạo đã được quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP. Về mặt kỹ thuật thì phương pháp này được quy định cụ thể tại Mục III Thông tư 12/2012/TT-BYT ngày 05/7/2012 của Bộ Y tế ban hành quy trình kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm. Theo đó, thụ tinh nhân tạo là kỹ thuật không quá phức tạp, kỹ thuật này được thực hiện nhằm mục đích giúp các chủ thể có nhu cầu gia tăng khả năng thụ thai, với cách thực hiện tự thụ tinh và phát triển ngay trong cơ thể của người phụ nữ mà không cần phải tạo phôi ở môi trường bên ngoài và chuyển phôi để người phụ nữ này mang thai.
Đối với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm: Xét dưới khía cạnh y học, thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp tạo phôi bên ngoài cơ thể, sau một thời gian nuôi cấy bên ngoài, phôi sẽ được đưa trở lại buồng tử cung của người phụ nữ để làm tổ và bắt đầu quá trình mang thai. Đây là một kỹ thuật y khoa phức tạp được sử dụng điều trị các trường hợp vô sinh, hiếm muộn và là phương pháp đem lại hiệu quả điều trị khá cao trong giai đoạn hiện nay. Xét dưới khía cạnh pháp lý, định nghĩa thụ tinh trong ống nghiệm được quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP. Đây là sự kế thừa quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP trước đây. Đồng thời, Nghị định số 10/2015/NĐ-CP cũng đưa ra các định nghĩa nhằm giải thích cụ thể cho sự kết hợp để tạo phôi như quy định tại khoản 4 Điều 2, khoản 3 Điều 3. Như vậy, thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp thực hiện hỗ trợ sinh con trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y học nhằm tạo phôi từ sự kết hợp giao tử của nam và nữ. Việc tạo phôi này phải được thực hiện trong ống nghiệm, bên ngoài cơ thể. Điều này cũng có nghĩa là, thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp thường được thực hiện khi các chủ thể không có khả năng thụ tinh tự nhiên hoặc thụ tinh nhân tạo không phát huy hiệu quả. Ngày nay, thụ tinh trong ống nghiệm chủ yếu được dùng trong điều trị vô sinh hoặc thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.
2. Một số vấn đề pháp lý phát sinh trong trường hợp sinh con từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và giải pháp hoàn thiện
Trong những thập niên gần đây, việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã không còn là khái niệm xa lạ đối với nhiều người tại Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia trên thế giới nói chung. Việc áp dụng kỹ thuật này để sinh con cũng đã và đang trở thành lựa chọn của rất nhiều cặp vợ chồng không thể có khả năng làm cha mẹ một cách tự nhiên. Tuy nhiên, với những đặc trưng của một quan hệ chỉ có thể tiến hành dựa trên cơ sở của việc ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì vấn đề này cũng đang đặt ra nhiều rắc rối, phức tạp. Một số vấn đề pháp lý phát sinh chưa theo kịp những thay đổi có liên quan đến việc thực hiện kỹ thuật này trong thực tiễn. Điều này thể hiện rõ trong các vấn đề sau:
Một là, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc thực hiện sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm sẽ phải trải qua nhưng quy trình khắt khe về mặt kỹ thuật[2]. Tuy nhiên, không có điều gì có thể đảm bảo rằng việc thực hiện các quy trình kỹ thuật đó là luôn luôn đúng. Giả thiết được đặt ra là, nếu trong quá trình cặp vợ chồng vô sinh thực hiện kỹ thuật này nhưng sai sót là các kỹ thuật viên y tế đã cấy nhầm phôi. Sau đó, khi đứa trẻ được sinh ra thì họ xét nghiệm đứa trẻ này không có cùng huyết thống với chính họ. Vậy, việc giải quyết hậu quả pháp lý trong trường hợp trên được đặt ra như thế nào?
Vấn đề này cũng sẽ là trở ngại đối với trường hợp các bên thực hiện mang thai hộ. Pháp luật Việt Nam hiện hành cho phép các cặp vợ chồng không thể mang thai và sinh con ngay cả khi thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Song, với giả thiết về việc “cấy nhầm phôi” nói trên thì rõ ràng, giữa các bên không phát sinh những tranh chấp trong việc thực hiện mang thai hộ, đứa trẻ sau khi sinh ra vẫn được chuyển giao và thực hiện các thủ tục hộ tịch nên không thể có sự can thiệp từ các cơ quan có thẩm quyền về việc xác định thỏa thuận mang thai hộ trên là vô hiệu do vi phạm quy định về điều kiện thực hiện. Điều này cũng dẫn đến hệ quả là không có bất kỳ chế tài nào được áp dụng để xử lý các trường hợp mang thai hộ vi phạm quy định của pháp luật đối với các bên cũng như đối với cơ sở y tế thực hiện kỹ thuật này. Do đó, vấn đề này cần được cân nhắc và hướng dẫn kịp thời nhằm tránh các trường hợp vi phạm xảy ra cũng như tạo cơ chế pháp lý và sự ràng buộc trách nhiệm đối với các cơ sở y tế thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Theo quan điểm tác giả, nếu việc vi phạm về các điều kiện thực hiện (như trường hợp cấy nhầm phôi nêu trên), nhưng đứa trẻ đó được sinh ra thì cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ vẫn được xác định là cha mẹ của trẻ và có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ. Tuy nhiên, pháp luật cũng cần đặt ra các biện pháp chế tài xử lý đủ sức răn đe đối với các cơ sở y tế để hạn chế tình trạng thẩm định hồ sơ mang thai hộ tắc trách dẫn đến sự vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, tước giấy phép thực hiện nếu vi phạm quá số lần quy định; tước chứng chỉ hành nghề đối với cán bộ y tế thẩm định thiếu trách nhiệm dẫn đến sai phạm, đồng thời áp dụng các hình phạt khác như phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ... Đối với chủ thể thực hiện mang thai hộ cố tình lợi dụng quy định của pháp luật về mang thai hộ vì mục đích thương mại để vi phạm về điều kiện thực hiện có thể bị xử lý hành chính, dân sự hoặc hình sự tùy thuộc mức độ vi phạm.
Hai là, việc giải quyết quan hệ cha, mẹ, con trong một số trường hợp “hi hữu” nhưng hoàn toàn có khả năng xảy ra trên thực tế là chưa có những dự liệu phù hợp, dẫn đến không có cơ sở để giải quyết tranh chấp cho các chủ thể (nếu có) phát sinh. Vấn đề này được minh chứng cụ thể trong tình huống sau: Chị C thỏa thuận đồng ý mang thai hộ vì mục đích thương mại với giá 300 triệu đồng cho vợ chồng anh A và chị B. Sau khi cấy phôi được hình thành từ cặp vợ chồng A và B thì chị C được thông báo là đã mang thai đôi. Quá trình mang thai thuận lợi và chị C đã sinh được hai bé là cháu M và cháu N. Sau khi sinh, hai cháu được giao cho bên nhờ mang thai hộ là anh A và chị B. Tuy nhiên, sau đó, qua một xét nghiệm thì các bên phát hiện ra rằng, một trong hai đứa trẻ là cháu M không phải là con của A và B mà là con đẻ của chị C và chồng (do trong quá trình cấy phôi thai, chị C cũng có quá trình rụng trứng và thụ thai). Hiện tượng y học hiếm gặp này được gọi là “siêu thai”, trong đó, một người phụ nữ tiếp tục rụng trứng sau khi mang thai. Hai em bé có gen di truyền khác nhau đã ở trong cùng một bụng mẹ. Chị C yêu cầu hai vợ chồng anh A và chị B trao trả con nhưng không được chấp nhận. Hai vợ chồng này yêu cầu chị C phải trả một khoản tiền lớn để bồi thường nếu muốn nhận con. Do không đủ tiền bồi thường, nên cháu M đã bị vợ chồng A và B bỏ rơi.
Như vậy, rõ ràng thỏa thuận giữa các bên là mang thai hộ vì mục đích thương mại, là hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy, đương nhiên, nếu chị C khởi kiện yêu cầu được nhận lại con hoặc vợ chồng A và B khởi kiện yêu cầu trả cháu M nhưng chị C không nhận thì thỏa thuận này bị tuyên bố là vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Tuy nhiên, trường hợp trên sẽ phát sinh hai vấn đề cần giải quyết:
- Việc xác định quan hệ cha, mẹ, con đối với cả hai đứa trẻ trong trường hợp trên được giải quyết thế nào? Căn cứ vào quy định tại khoản 6 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trường hợp này vẫn có thể được xác định là “tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân và ngay cả khi không rơi vào điều luật này thì Tòa án nhân dân cũng không có quyền từ chối giải quyết vì lý do không có điều luật áp dụng[3]. Tuy nhiên, cách thức giải quyết tranh chấp nói trên hiện chưa có những hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật. Trong những trường hợp trên, nếu bên nhờ mang thai hộ có yêu cầu Tòa án giải quyết thì chắc chắn hợp đồng mang thai hộ được xác định là vô hiệu. Tuy nhiên, những phụ nữ mang thai hộ vì mục đích thương mại mang thai vì hi vọng kiếm tiền, do đó, khi hợp đồng bị tuyên bố là vô hiệu, họ sẽ phải tự sinh con và nuôi con. Đứa trẻ được sinh ra được xác định là con của bên mang thai hộ và chồng của người đó nếu có theo nguyên tắc suy đoán pháp lý được quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 dù cho đứa trẻ không có huyết thống với họ. Trong khi đó, bên nhờ mang thai hộ không thể nhận con có cùng “máu mủ” với chính mình. Điều này rõ ràng có ảnh hưởng sâu sắc đến quyền lợi của trẻ em, làm mất ổn định trật tự xã hội. Vì vậy, dưới góc độ bảo vệ quyền trẻ em, tác giả cho rằng, việc thực hiện theo nguyên tắc trên là không hợp lý. Bởi vì, đứa trẻ không có cùng huyết thống với người mang thai hộ nhưng họ vẫn được xác định là cha, mẹ của trẻ thì trẻ em sẽ phải đối diện với nguy cơ bị bỏ rơi, bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp bởi lẽ rõ ràng người mang thai hộ không mong muốn được nuôi trẻ. Vì vậy, trẻ em sẽ lại là nạn nhân của một thỏa thuận trái pháp luật do người lớn thực hiện. Quan điểm của tác giả cho rằng, cho dù rơi vào hoàn cảnh nào thì trẻ em vẫn luôn phải là đối tượng được ưu tiên và bảo vệ tối đa. Nguyên tắc này cần phải được luật hóa: “Trong mọi trường hợp, lợi ích của trẻ em được sinh ra từ kỹ thuật này luôn được đặt lên hàng đầu và phải được xem là tối quan trọng”. Do đó, mặc dù là mang thai hộ vì mục đích thương mại nhưng nếu đứa trẻ được xác định là có quan hệ huyết thống với người nhờ mang thai hộ thì vẫn được xác định là con của cặp vợ chồng này để đảm bảo rằng trẻ nhận được tình yêu thương và chăm sóc chu đáo. Đồng thời, để xây dựng hành lang pháp lý ngăn chặn và xử lý hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại thì chính người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ phải chịu những chế tài của pháp luật vì những hành vi vi phạm của mình để đảm bảo sự răn đe và tính nghiêm minh của pháp luật. Do đó, Nhà nước cần xây dựng cơ chế kiểm soát tốt việc mang thai hộ, có chế tài nghiêm khắc với các cán bộ y tế thực hiện mang thai hộ vì mục đích thương mại và áp dụng ngay cả với người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ vì mục đích thương mại. Điều này sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn quan hệ pháp luật về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
- Giả sử như trường hợp hi hữu về việc mang “siêu thai” nói trên nhưng lại được thực hiện trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hoàn toàn hợp pháp thì được giải quyết như thế nào? Giả thuyết được đặt ra là chị C yêu cầu vợ chồng anh A và chị B trả con đẻ nhưng không được chấp nhận nên chị C khởi kiện tại Tòa án nhân dân. Rõ ràng đứa trẻ này được sinh ra từ kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nên theo nguyên tắc tại Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì trẻ được xác định là con của bên nhờ mang thai hộ. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, đối với trường hợp này không thể áp dụng nguyên tắc xác định quan hệ cha, mẹ, con nói trên để giải quyết mà cần căn cứ vào việc xác định quan hệ huyết thống của trẻ với cha, mẹ để giải quyết. Về nguyên tắc, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là kỹ thuật bắt buộc thực hiện thụ tich trong ống nghiệm từ giao tử của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ nên trẻ sinh ra sẽ có quan hệ huyết thống với bên nhờ mang thai. Do đó, nếu đứa trẻ không phải là con do bên mang thai hộ nhờ mang thai thì đứa trẻ được sinh ra vẫn được xác định là con của người mang thai hộ. Các bên có thể chứng minh qua việc cung cấp kết quả giám định AND và theo đó, các bên phải thực hiện nghĩa vụ nhận/giao con nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên và lợi ích hợp pháp của bên mang thai hộ và của chính bản thân trẻ em.
Tóm lại, sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là một trong những quan hệ pháp luật chịu những tác động nhất định của các khía cạnh pháp lý, y học, khoa học kỹ thuật và đạo đức. Đây là vấn đề không còn quá mới nhưng có xu hướng phát triển nhanh trong giai đoạn gần đây, nhất là khi những tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật và y học đã và đang tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Do vậy, việc dự liệu những mối quan hệ phát sinh và xử lý những hệ quả pháp lý mang tính dự báo là vô cùng quan trọng. Điều này vừa góp phần đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, đặc biệt là lợi ích của trẻ em, vừa góp phần ổn định xã hội, tránh những tranh chấp không đáng có, tạo cơ sở cho việc kiện toàn hệ thống pháp luật đáp ứng những yêu cầu đa dạng, phức tạp và nhiều biến động trong bối cảnh xã hội ngày càng hiện đại.
Trường Đại học Luật, Đại học Huế