“Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức vào ngày 21/4 hằng năm trên phạm vi toàn quốc (Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 04/11/2021) nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách.
Tại Tọa đàm, đại diện Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã khẳng định, sách pháp luật là kho tàng tri thức pháp luật. Dù tồn tại dưới hình thức nào thì sách pháp luật cũng là công cụ để lưu trữ những tri thức pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, theo khảo sát thì tỷ lệ người Việt Nam đọc sách, trong đó có sách pháp luật còn thấp và có xu hướng giảm sút. Bởi vậy, nhằm phát huy vai trò của sách pháp luật, nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách pháp luật, đại diện của Cục cũng gợi mở một số giải pháp như: Tiếp tục ban hành thể chế, chính sách để khuyến khích văn hóa đọc; nâng cao chất lượng biên soạn sách pháp luật; đẩy mạng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc xuất bản các loại hình sách pháp luật điện tử (sách nói, sách định dạng số…); quan tâm đầu tư, xuất bản sách pháp luật dành cho đối tượng là người yếu thế trong xã hội như người khiếm thị, người dân tộc thiểu số… Đây là những giải pháp được các đại biểu đánh giá là tương đối toàn diện, phù hợp.
Cũng trong buổi Tọa đàm, nhiều mô hình, cách làm hay trong cộng đồng về phổ biến pháp luật được các đại biểu chia sẻ như: “Tủ sách cộng đồng” tại làng Mộ Trạch, xã Tân hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương; “Quán cà phê pháp luật” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; “Thư viện làng Bình Vọng” xã Văn Bình, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội… Đây là những mô hình, cách làm được đánh giá là khá hiệu quả nhưng hiện nay cũng đang gặp phải một số hạn chế, khó khăn nhất định, có thể kể đến như: Khó khăn trong việc huy động nguồn kinh phí để bổ sung sách và nguồn nhân lực; lượng người đọc sách truyền thống giảm sút do sự phát triển của công nghệ; một số tuyên truyền viên chưa có nhiều kinh nghiệm; khó khăn trong việc tìm kiếm loại sách phù hợp về nội dung, kinh phí… Chính vì vậy, nhiều giải pháp đã được đề xuất, cụ thể là: Cần xây dựng mục tiêu hỗ trợ sách cho thư viện, tủ sách cộng đồng; ban hành văn bản để tổ chức triển khai chính sách phối hợp giữa “Tủ sách pháp luật” cấp xã và tủ sách, thư viện cộng đồng; tăng cường sự phối hợp giữa nhà xuất bản với cộng đồng địa phương nhằm tìm hiểu, nghiên cứu để xuất bản những loại sách phù hợp về chủ đề…
Bên cạnh đó, một câu hỏi được đặt ra đó là có cần thiết phải tiếp tục duy trì “Tủ sách pháp luật” cấp xã hay không? Có ý kiến cho rằng, không nên tiếp tục duy trì Tủ sách này bởi nhiều nơi không phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, cần duy trì “Tủ sách pháp luật” cấp xã, bởi những lý do sau: Một là, “Tủ sách pháp luật” cấp xã được khẳng định là có vai trò quan trọng cho cán bộ, người dân tra cứu, tìm hiểu pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, tuân thủ đúng pháp luật; hai là, Tủ sách này được xây dựng, quản lý bởi Nhà nước nên có tính ổn định, bền vững hơn so với ở cộng đồng; ba là, duy trì “Tủ sách pháp luật” cấp xã để thực hiện việc chủ động cung cấp sách pháp luật cho người dân thay vì việc họ sẽ có xu hướng tìm kiếm đọc những nội dung khác theo trào lưu, sở thích làm hạn chế việc đọc sách pháp luật; bốn là, không phải nơi nào cũng có hay phát triển mạng internet, tủ sách, thư viện cộng đồng nên “Tủ sách pháp luật” cấp xã vẫn là lựa chọn cần thiết. Như vậy, điều quan trọng hiện nay là cần thực hiện thế nào để nâng cao hiệu quả Tủ sách này. Ngoài những giải pháp chung được đề cập để nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách thì có ý kiến đề xuất không nên đặt “Tủ sách pháp luật” tại Ủy ban nhân dân cấp xã vì gây tâm lý e dè cho người dân mà nên đặt ở nơi thuận tiện hơn…
Uyên Nhi