Bài viết phân tích điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng trong pháp luật Việt Nam và so sánh với pháp luật một số nước. Đồng thời, trên cơ sở lý luận và thực tiễn, nhóm tác giả đưa ra đề xuất, kiến nghị cần phải làm rõ một số vấn đề pháp lý liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng này.
1. Quy định pháp luật về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Điều 3, Điều 107, Điều 115), nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng chỉ có thể được đặt ra khi vợ chồng ly hôn và là nghĩa vụ có điều kiện, còn khi đang là vợ chồng, giữa họ không tồn tại nghĩa vụ cấp dưỡng, mà thay vào đó là nghĩa vụ thương yêu, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau (khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn phát sinh khi thỏa mãn các điều kiện như sau:
Thứ nhất, một bên vợ hoặc chồng khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng và đồng thời phải kèm theo lý do chính đáng cho yêu cầu của mình.
Mặc dù nhà làm luật không lý giải cách hiểu về tình trạng khó khăn, túng thiếu nhưng thực tế, chúng ta cần nhìn nhận sự khó khăn, túng thiếu của bên yêu cầu cấp dưỡng phải là những khó khăn xuất phát từ yếu tố khách quan như ốm đau, già yếu, bị tai nạn dẫn đến không có khả năng lao động để kiếm sống. Trong những hoàn cảnh như vậy, việc chu cấp một khoản tiền hoặc tài sản khác cho bên có khó khăn, túng thiếu để họ trang trải cuộc sống là cơ chế hết sức nhân văn của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam. Để cơ chế pháp lý này được vận dụng đúng với tinh thần tương hỗ lẫn nhau giữa hai chủ thể từng có quan hệ vợ chồng thì việc nhìn nhận một cách khách quan, chuẩn xác nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng “khó khăn, túng thiếu” là điều vô cùng cần thiết. Chính vì lẽ đó mà bên cạnh điều kiện về sự khó khăn, túng thiếu, nhà làm luật yêu cầu bên có khó khăn, túng thiếu phải có lý do chính đáng thì yêu cầu cấp dưỡng của họ mới có khả năng được Tòa án xem xét thụ lý. Đối với những người tuy có khó khăn, túng thiếu thực sự nhưng lại do lười biếng không chịu lao động khi còn khả năng lao động thì dù họ có yêu cầu cũng không được cấp dưỡng. Đối với trường hợp do nghiện ngập, cờ bạc, hoang phí nên lâm vào tình trạng túng thiếu thì cũng không được cấp dưỡng[1].
Thứ hai, bên vợ hoặc chồng được yêu cầu có khả năng để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Kết hợp điều kiện một bên có khó khăn, túng thiếu và có lý do chính đáng cho yêu cầu cấp dưỡng của mình, pháp luật đặt ra quy định bên được yêu cầu cấp dưỡng phải có khả năng thực tế thì nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn mới phát sinh. Khả năng của người phải cấp dưỡng được xác định dựa trên điều kiện về kinh tế như có thu nhập, việc làm ổn định để chi trả cho các nhu cầu cơ bản của bản thân người phải cấp dưỡng. Ngược lại, thu nhập của người phải cấp dưỡng chỉ đủ đáp ứng các điều kiện cơ bản cho cuộc sống người đó và không có khả năng để cấp dưỡng cho bên kia thì nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp này không được đặt ra giữa vợ và chồng. Từ đây có thể thấy, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng là nghĩa vụ có điều kiện và các điều kiện phát sinh nghĩa vụ này được nhà lập pháp dự liệu tương đối khắt khe và chặt chẽ.
Nghiên cứu so sánh với pháp luật một số quốc gia trên thế giới cho thấy, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn có thể được nhìn nhận từ nhiều góc độ, đó có thể là nghĩa vụ có tính tương trợ, giúp đỡ nhau giữa những người đã từng là vợ chồng trong lúc một bên có khó khăn, túng thiếu. Trên phương diện khác, ở một số quốc gia, nghĩa vụ này phát sinh với mục đích đền bù cho người chồng (vợ) đã “hy sinh” thời gian kiếm tiền để chăm lo cho đời sống gia đình.
Ở Canada, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng được điều chỉnh bởi Đạo luật ly hôn Liên bang. Theo Điều 15.2 (1), Tòa án có thẩm quyền có thể, theo đơn của một bên hoặc cả hai vợ chồng, ban hành lệnh yêu cầu một bên vợ hoặc chồng thanh toán khoản tiền một lần hoặc định kỳ, vì Tòa án cho rằng hợp lý đối với bên còn lại. Lệnh của Tòa án nên: (i) Thừa nhận bất kỳ thuận lợi hoặc bất lợi kinh tế nào đối với vợ hoặc chồng phát sinh từ hôn nhân hoặc sự đổ vỡ của hôn nhân; (ii) Phân chia giữa hai vợ chồng bất kỳ hậu quả tài chính nào phát sinh từ việc chăm sóc con cái trong hôn nhân; (iii) Giải phóng mọi khó khăn kinh tế của vợ hoặc chồng phát sinh từ sự đổ vỡ hôn nhân; (iv) Trong chừng mực nhất định, thúc đẩy khả năng tự cung, tự cấp về kinh tế của mỗi bên vợ chồng trong một khoảng thời gian hợp lý[2]. Trong bối cảnh ngược lại, cách hiểu về nghĩa vụ cấp dưỡng ở bang Quebec có thể không tương ứng với nền lý thuyết về cấp dưỡng giữa vợ và chồng trong Đạo luật ly hôn, điều này bắt nguồn từ thực tế trước khi Chính phủ Liên bang thông qua Đạo luật ly hôn, việc hỗ trợ về kinh tế dưới hình thức cấp dưỡng cho vợ hoặc chồng sau khi ly hôn không tồn tại ở Quebec, bởi với việc chấm dứt quan hệ hôn nhân, mọi nghĩa vụ phát sinh từ hôn nhân đã chấm dứt, những nghĩa vụ hỗ trợ và giúp đỡ nhau sẽ biến mất[3].
Moge v. Moge (1992) là phán quyết tiêu biểu thể hiện việc cấp dưỡng có tính đền bù giữa vợ và chồng sau ly hôn. Theo đó, ông Moge và bà Moge là một cặp vợ chồng nhập cư có thu nhập thấp, hôn nhân giữa họ kéo dài 16 năm và họ ly hôn năm 1973. Ông Moge là thợ hàn, trong khi bà Moge lấy chồng trong bối cảnh trình độ học vấn còn nhiều hạn chế. Ban ngày, bà dành thời gian chăm sóc 03 con và làm công việc bán thời gian vào ban đêm. Khi ly thân, bà Moge được trao quyền nuôi con và ông Moge có nghĩa vụ cấp dưỡng là 150 USD/tháng cho vợ và con mình. Đến năm 1989, ông Moge nộp đơn xin chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng vì tất cả các con đã đến tuổi trưởng thành. Vào thời điểm đó, bà Moge có thu nhập 800 USD/tháng, trong khi thu nhập của ông Moge xấp xỉ 2.000 USD/tháng. Yêu cầu của nguyên đơn đã được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận, trong khi đó, Tòa án cấp phúc thẩm và Tòa án tối cao theo hướng bác yêu cầu này[4]. Trên phương diện học thuật, các lý thuyết đền bù đã thu hút được sự ủng hộ đáng kể khi đưa ra sự biện minh hợp lý, có tính lý thuyết cho nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau ly hôn trong cấu trúc gia đình hiện đại[5].
Vấn đề đền bù kinh tế khi ly hôn cũng được đặt ra tại Điều 1088 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020, theo đó, nếu một bên vì nuôi dưỡng con, chăm sóc người già, trợ giúp bên kia công tác mà gánh vác nhiều nghĩa vụ hơn thì khi ly hôn có quyền yêu cầu bên kia đền bù, bên kia phải đưa ra đền bù. Biện pháp cụ thể do hai bên thỏa thuận; nếu thỏa thuận bất thành thì do Tòa án nhân dân phán quyết[6].
Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn tiếp tục được mở rộng ở Canada thông qua vụ Bracklow v. Bracklow (1999). Cụ thể, sau khi chung sống được 04 năm, các bên tiến đến hôn nhân năm 1989 rồi chia tay 03 năm sau đó, khi đó, bà Bracklow 43 tuổi. Bà Bracklow ngừng công việc toàn thời gian năm 1989 và đến năm 1991, bà bị ốm nặng, chịu nhiều vấn đề về thể chất và tâm lý khiến bà hoàn toàn mất khả năng lao động, không thể làm việc và phụ thuộc tài chính vào ông Bracklow. Tại thời điểm ly hôn, thu nhập duy nhất của bà Bracklow là khoản trợ cấp khuyết tật từ Chính phủ tương đương 787 USD/tháng, trong khi thu nhập hàng năm của ông Bracklow khoảng 44.000 USD. Thẩm phán cho rằng, bà Bracklow không có quyền được cấp dưỡng vì cuộc hôn nhân không gây ra bất kỳ bất lợi nào về kinh tế cho bà (lý thuyết này được thể hiện rõ nét qua vụ Moge đã phân tích ở trên). Quyết định này được giữ nguyên tại Tòa phúc thẩm. Tuy nhiên, phán quyết này đã bị đảo ngược bởi Tòa án tối cao[7]. Việc cấp dưỡng không đền bù như trong phán quyết này được chứng minh bằng quan điểm coi hôn nhân là mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, hôn nhân có thể tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau, phức tạp mà khó có thể giải quyết khi ly thân, kết quả là vợ hoặc chồng cũ không phải lúc nào cũng dễ dàng chuyển từ tình trạng hôn nhân hỗ trợ sang sự độc lập tuyệt đối của cuộc sống độc thân[8]. Đánh giá một cách tổng quan, cách tiếp cận dựa trên mô hình này khá giống với khuynh hướng pháp lý về cấp dưỡng giữa vợ và chồng được nhà lập pháp của Việt Nam và Trung Quốc dự liệu. Cụ thể, ở Trung Quốc, nhà làm luật thời nhà Minh định nghĩa nghĩa vụ trợ giúp kinh tế khi ly hôn tại Điều 1090 Bộ luật Dân sự năm 2020, theo đó, khi ly hôn, nếu đời sống một bên khó khăn thì bên kia có khả năng đảm nhiệm phải đưa ra trợ giúp thích đáng. Biện pháp cụ thể do hai bên thỏa thuận, nếu thỏa thuận bất thành thì do Tòa án nhân dân phán quyết[9].
2. Thực tiễn giải quyết yêu cầu cấp dưỡng giữa vợ và chồng tại Tòa án Việt Nam
Xét ở khía cạnh thực tiễn, trong số các trường hợp cấp dưỡng, cấp dưỡng giữa cha mẹ và con là trường hợp diễn ra phổ biến nhất, kế đến là cấp dưỡng giữa vợ và chồng. Trong thực tiễn xét xử, để đánh giá điều kiện về sự khó khăn, túng thiếu của một bên vợ hoặc chồng sau ly hôn, Tòa án thường xem xét đến tình trạng sức khỏe của một bên, tình trạng này làm cho họ gặp nhiều khó khăn hoặc thậm chí không thể lao động tạo thu nhập để trang trải các nhu cầu sinh hoạt thông thường trong cuộc sống. Về mức và phương thức cấp dưỡng, Tòa án xem xét trên cơ sở cân đối với thu nhập thực tế của người cấp dưỡng cũng như tình trạng của bên được cấp dưỡng để đưa ra con số hợp lý.
Về thứ tự ưu tiên, mặc dù pháp luật thực định không chỉ rõ thứ tự ưu tiên thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nhưng dựa thực tiễn xét xử, có thể thấy, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con vẫn được ưu tiên hơn vì quyền lợi mọi mặt của con, đặt trong sự so sánh với nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng.
Một trong những điều kiện để phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn, là khi người phải cấp dưỡng có khả năng thực hiện nghĩa vụ, do vậy trong thực tiễn, việc người cấp dưỡng không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ, cũng có thể là căn cứ chấm dứt nghĩa vụ. Theo nhóm tác giả, việc chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp này là phù hợp với tinh thần của pháp luật vì bản thân người có nghĩa vụ cấp dưỡng không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, do đó không có cơ sở để buộc họ tiếp tục thực hiện loại nghĩa vụ mang tính tương trợ giữa những người đã từng là vợ, chồng sau khi hôn nhân của họ đã chấm dứt. Tuy nhiên, pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành của Việt Nam chưa dự liệu đến trường hợp này.
3. Đề xuất, kiến nghị
Theo tác giả, có một số vấn đề pháp lý về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng cần thiết phải được làm rõ, cụ thể:
Thứ nhất, trường hợp người đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu, có là căn cứ chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng.
Trong các căn cứ chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không đề cập đến trường hợp này, tuy nhiên, khoản 6 Điều 118 có quy định “trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, trường hợp người đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu có thể được xếp vào nhóm căn cứ đó, hơn nữa, dựa vào điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng, nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình thì chúng ta hoàn toàn có thể suy luận ngược lại, nếu bên có nghĩa vụ cấp dưỡng không có khả năng cấp dưỡng thì nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn không thể phát sinh.
Thứ hai, miễn, giảm nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng.
Đây là vấn đề chưa được dự liệu trong pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, do đó, khi có đủ các điều kiện thì Tòa án sẽ ra phán quyết buộc bên được yêu cầu phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho vợ hoặc chồng của họ.
Về vấn đề này, ngoài căn cứ phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng, trong hệ thống pháp luật của một số quốc gia còn ghi nhận các trường hợp miễn, giảm nghĩa vụ này. Điều 207 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp ghi nhận, khi người được cấp dưỡng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ đối với người cấp dưỡng thì thẩm phán có thể miễn cho người cấp dưỡng toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ cấp dưỡng[10]. Thậm chí, theo Mục 1579 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Liên bang Đức, yêu cầu cấp dưỡng có thể bị từ chối nếu người có quyền được cấp dưỡng đã phạm một tội hình sự nghiêm trọng hoặc một tội nhẹ cố ý đối với người có nghĩa vụ hoặc đối với người thân của người có nghĩa vụ[11]. Ở nước ta, tục lệ, về phần mình, luôn cho rằng không thể tiếp tục đòi cấp dưỡng người đã có hành vi xâm phạm nghiêm trọng thân thể, danh dự, nhân phẩm của người có nghĩa vụ cấp dưỡng[12].
Theo quan điểm của nhóm tác giả, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu và lưu tâm đến trường hợp một bên vợ hoặc chồng trong quá trình chung sống có hành vi bạo lực gia đình đối với bên chồng hoặc vợ còn lại và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến mục đích hôn nhân không đạt được và dẫn đến ly hôn (khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Trường hợp này cần được xem là căn cứ loại trừ quyền được cấp dưỡng của bên đã từng có hành vi bạo lực gia đình với bên còn lại. Dù rằng trên thực tế, nhóm tác giả chưa tìm thấy vụ việc có liên quan đến trường hợp trên, nhưng thiết nghĩ, vấn đề này cần được dự liệu bằng cơ chế pháp lý cụ thể để bản thân các bên vợ, chồng ý thức được những hệ quả pháp lý bất lợi phát sinh do hành vi trái đạo đức của mình từng gây ra với chồng (vợ) mình.
Thứ ba, cần thiết ghi nhận nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân và khi ly hôn.
Khi vợ chồng ly hôn, pháp luật Việt Nam dự liệu nghĩa vụ cấp dưỡng của một bên vợ hoặc chồng đối với bên kia, nhưng khi đang tồn tại quan hệ hôn nhân, pháp luật Việt Nam lại không ghi nhận nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng, nhóm tác giả cho rằng đây là quy định hợp lý, bởi:
(i) Nếu như nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ với con nhằm bảo đảm điều kiện phát triển về mọi mặt của con cho đến khi con thành niên và có khả năng lao động tạo thu nhập, thì nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn là sự hỗ trợ tạm thời để bên được cấp dưỡng khắc phục những khó khăn, túng thiếu trước mắt. Ở thời điểm cấp dưỡng, giữa các bên không còn nghĩa vụ ràng buộc lẫn nhau về các yếu tố nhân thân và tình cảm, thế nhưng giữa hai chủ thể trong quan hệ cấp dưỡng này đã từng là những người có mối quan hệ đặc biệt - quan hệ vợ chồng, mối quan hệ từ bao đời nay luôn được xem trọng và nhìn nhận như một mối quan hệ thiêng liêng và sâu đậm. Do vậy, dù mục đích hôn nhân không đạt được nhưng khi một bên có khó khăn đặc biệt và bên kia có điều kiện giúp đỡ thì việc cấp dưỡng cần thiết được đặt ra như một việc làm thể hiện lẽ sống, nghĩa tình ở đời.
(ii) Trong thời kỳ hôn nhân, không cần thiết ghi nhận nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng bởi pháp luật đã quy định rõ trong thời kỳ hôn nhân, vợ, chồng có nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ nhau. Đây là những nghĩa vụ hết sức cơ bản, thể hiện tình nghĩa giữa vợ và chồng trong đời sống hôn nhân. Vì vậy, nếu một bên có ốm đau, bệnh tật… thì bên chồng hoặc vợ còn lại đương nhiên phải có nghĩa vụ san sẻ, giúp đỡ nhằm bảo đảm sự ổn định và phát triển của gia đình. Việc bảo đảm các điều kiện sống tối thiểu của vợ chồng có thể được đáp ứng bằng khối tài sản chung của vợ chồng, nếu tài sản chung không đủ thì các bên có nghĩa vụ đóng góp bằng tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên (Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Do vậy, việc đặt ra nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân không cần thiết, trong bối cảnh pháp luật hiện hành cũng đã có các quy định tương đối rõ nét điều chỉnh mối quan hệ về nhân thân và tài sản giữa vợ và chồng.
TS. Lê Vĩnh Châu
ThS. Ngô Khánh Tùng
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. Trường Đại học Luật Hà Nội (2021), Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nguyễn Văn Cừ (chủ biên), Nxb. Tư pháp, tr. 153.
[2]. https://laws-lois.justice.gc.ca/eng/acts/d-3.4/page-3.html#h-173185, truy cập ngày 16/02/2023.
[3]. Jodi Lazare (2018), “Spousal support in Quebec: Resisting the Spousal Support Advisory Guidelines”, Cahiers de Droit 59, (04), p. 948.
[4]. Moge v. Moge (1992) 3 SCR 813, https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/946/index.do, truy cập ngày 11/02/2023.
[5]. Carol Rogerson (2004), “The Canadian Law of Spousal Support”, Family Law Quarterly, Vol. 38, (1), p. 80.
[6]. Lê Khánh Linh và các tác giả khác (2021), Bộ luật Dân sự Trung Quốc 2020 (Bản dịch và lược giải), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 320 - 321.
[7]. Bracklow v. Bracklow (1999), 1 SCR 420, https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/1688/index.do, truy cập ngày 11/02/2023.
[8]. Carol Rogerson (2004), tlđd, p. 90.
[9]. Lê Khánh Linh và các tác giả khác (2021), tlđd, tr. 321.
[10]. Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (2018), Bản dịch Bộ luật Dân sự Pháp, tr. 61.
[11]. German Civil Code, https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_bgb/englisch_bgb.html#p5395, (truy cập ngày 08/02/2023).
[12]. Nguyễn Ngọc Điện (2022), Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình (Tập 1: Các quan hệ nhân thân về gia đình), Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 275.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 384), tháng 7/2023)