Có thể nói, sau 38 năm kể từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước CEDAW, Việt Nam đã và đang huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tổ chức liên quan cùng tham gia vào sự nghiệp vì sự tiến bộ của phụ nữ, luôn cố gắng cao nhất để thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên trong việc hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới ở Việt Nam. Kết quả là hệ thống pháp luật của Việt Nam về cơ bản đã phù hợp với các nguyên tắc và tương thích với các quy định của Công ước CEDAW và các điều ước quốc tế khác về bình đẳng giới. Tuy nhiên, trong tương lai, trước xu thế hội nhập quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình để ngày càng tiệm cận với những tiêu chí và chất lượng về bình đẳng giới ở tầm quốc tế.
1. Pháp luật quốc tế về bình đẳng giới
Theo Liên Hợp Quốc, bình đẳng giới (BĐG) có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung. Do đó, BĐG đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của một đất nước nhằm hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Cùng với xu thế chung ấy, cho đến nay, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế (ĐƯQT) về BĐG, trong đó gồm cả những ĐƯQT về nhân quyền nói chung và những ĐƯQT cụ thể về BĐG, như: Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) năm 1948; Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) năm 1979; Tuyên bố của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ năm 1993; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) năm 1966; Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC) năm 1989… Bên cạnh đó, Việt Nam còn tham gia vào các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc để trao đổi, thảo luận về vấn đề BĐG như: Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc; Cơ chế Rà soát phổ quát định kỳ tình hình thực hiện quyền con người (UPR)...
Có thể thấy, trong số các ĐƯQT về quyền con người mà Việt Nam tham gia, CEDAW[1] là ĐƯQT quan trọng và toàn diện nhất về quyền bình đẳng của phụ nữ, được biết đến như một bộ luật về quyền của phụ nữ, được Liên Hợp Quốc thông qua ngày 18/12/1979 và có hiệu lực từ ngày 03/9/1981. Công ước xác định các nguyên tắc, khái niệm và chuẩn mực về BĐG, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên. Công ước xác lập sự bình đẳng về các quyền cho phụ nữ bất kể tình trạng hôn nhân của họ trên cơ sở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự. Cần nhấn mạnh rằng, sự phân biệt đối xử theo Công ước CEDAW không chỉ hạn chế ở hành động do Chính phủ thực hiện hay được tiến hành nhân danh Chính phủ. Điều 2(e) Công ước CEDAW kêu gọi các quốc gia thành viên áp dụng tất cả những biện pháp thích hợp để xóa bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ do bất kỳ cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp nào tiến hành.
Tuyên bố của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ năm 1993 nhấn mạnh và làm rõ thêm các quy định của Công ước CEDAW. Tuyên bố khẳng định: Phụ nữ có quyền được hưởng thụ một cách bình đẳng và được bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự hay bất kỳ lĩnh vực nào khác. Những quyền này bao gồm: Quyền sống; quyền được bình đẳng; quyền được tự do và an ninh cá nhân; quyền được pháp luật bảo vệ bình đẳng; quyền không bị phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào; quyền được hưởng tiêu chuẩn cao nhất có thể đạt được về thể chất và trí tuệ; quyền có điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi; quyền không bị tra tấn, hoặc đối xử hay trừng phạt dã man, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm (Điều 3). Các quốc gia cần lên án bạo lực đối với phụ nữ và không được áp dụng bất kỳ tập quán, truyền thống hay ràng buộc về tôn giáo nào nhằm tránh những nghĩa vụ của mình về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ. Các quốc gia cần theo đuổi, thông qua những biện pháp thích hợp và không được trì hoãn một chính sách xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (Điều 4).
Ngoài ra, các ĐƯQT khác cũng có những quy định về BĐG và yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện. Công ước ICCPR quy định: “Các quốc gia thành viên của Công ước này cam kết đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ đối với tất cả các quyền dân sự và chính trị mà Công ước đã đề ra” (Điều 3); “Cấm mọi sự phân biệt đối xử và bảo đảm cho mọi người sự bảo hộ bình đẳng và có hiệu quả” (Điều 26). Trong khi đó, Công ước ICESCR yêu cầu các quốc gia thành viên cam kết: Bảo đảm rằng, các quyền được nêu trong Công ước này sẽ được thực hiện không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc các quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các địa vị khác (khoản 2 Điều 2); đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ đối với mọi quyền kinh tế, xã hội và văn hóa mà Công ước này quy định (Điều 3)...
2. Thực thi Công ước CEDAW tại Việt Nam
2.1. Nghĩa vụ báo cáo việc thực thi Công ước
Sau khi Công ước CEDAW có hiệu lực, Ủy ban về xóa bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Ủy ban CEDAW) được thành lập năm 1982[2]. Nhiệm vụ chính của Ủy ban CEDAW là xem xét báo cáo định kỳ mà quốc gia thành viên đệ trình về những biện pháp lập pháp, tư pháp, hành chính và các biện pháp được thông qua để thực hiện Công ước. Trên cơ sở xem xét báo cáo, Ủy ban CEDAW đưa ra những khuyến nghị với các quốc gia thành viên về những bước đi cần tiến hành để thực hiện Công ước.
Theo quy định tại Điều 18 Công ước CEDAW, các quốc gia thành viên Công ước sẽ cam kết gửi cho Ủy ban CEDAW, qua Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, để Ủy ban xem xét báo cáo về những biện pháp lập pháp, tư pháp và hành chính hay các biện pháp khác mà họ tiến hành nhằm thực hiện các điều khoản của Công ước này và thông báo về những tiến bộ đạt được trong vấn đề này trong thời gian một năm, kể từ khi Công ước có hiệu lực đối với quốc gia và sau đó ít nhất cứ 04 năm một lần và ngoài ra mỗi khi được Ủy ban yêu cầu. Các báo cáo nói trên cần chỉ rõ những yếu tố và những khó khăn làm ảnh hưởng đến mức độ hoàn thành nghĩa vụ nêu ra trong Công ước.
Thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên, Việt Nam đã hoàn thành các báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện Công ước CEDAW để trình lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và đã đối thoại thành công với Ủy ban CEDAW về các báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước: Báo cáo quốc gia lần đầu tiên sau 01 năm trở thành thành viên; Báo cáo quốc gia lần thứ 02, 03 và 04 (năm 2001); Báo cáo quốc gia lần thứ 05, 06 (năm 2006); Báo cáo quốc gia lần thứ 07, 08 (năm 2015)[3]. Ủy ban CEDAW đánh giá tiến trình nội luật hóa CEDAW của Việt Nam là khá thành công vì mục tiêu nâng cao quyền của phụ nữ trên thực tế.
2.2. Đánh giá của Ủy ban CEDAW
Sau khi nghiên cứu, xem xét Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện Công CEDAW lần thứ 07 và 08 của Việt Nam, Báo cáo cập nhật Báo cáo quốc gia này trong giai đoạn 2011 - 2014 và trên cơ sở kết quả đối thoại trực tiếp của Đoàn Việt Nam tại Phiên đối thoại lần thứ 61, Ủy ban CEDAW đã có Báo cáo chính thức đánh giá tình hình thực hiện Công ước, trong đó có những đánh giá tích cực và có một số khuyến nghị đối với Chính phủ Việt Nam:
2.2.1. Việt Nam đã rất nỗ lực và đạt được nhiều thành công
Ủy ban CEDAW khen ngợi những thành tựu và nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước CEDAW, kể từ khi Ủy ban xem xét báo cáo ghép định kỳ lần thứ 05 và 06 vào năm 2006 của Việt Nam. Đặc biệt, trong triển khai cải cách pháp luật, Việt Nam đã thông qua: Hiến pháp năm 2013, trong đó ghi nhận nguyên tắc bảo đảm BĐG và cấm phân biệt đối xử về giới; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch năm 2014 đã giúp cho phụ nữ tị nạn và không có quốc tịch được đăng ký quốc tịch Việt Nam và ngăn ngừa tình trạng không có quốc tịch; Luật Đất đai năm 2013 quy định việc cấp giấy chứng nhận sử dụng đất phải ghi đầy đủ họ, tên vợ và họ, tên chồng; Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 đã quy định nghiêm cấm lao động cưỡng bức và bóc lột tình dục…
Ủy ban CEDAW cũng hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện khung thể chế và chính sách nhằm đẩy mạnh việc xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ và thúc đẩy BĐG, chẳng hạn như: Thông qua Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020; Thông qua Chương trình Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015; Ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia về phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 - 2015.
Ngoài ra, Ủy ban CEDAW đánh giá cao Việt Nam đã gia nhập những ĐƯQT như: Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gia nhập năm 2015); Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật (gia nhập năm 2015); Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư Palermo), bổ sung Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (gia nhập năm 2012)...
2.2.2. Một số khuyến nghị
Bên cạnh những đánh giá tích cực, Ủy ban CEDAW đã đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam nhằm thực thi ngày càng hiệu quả hơn Công ước CEDAW. Các khuyến nghị cụ thể của Ủy ban CEDAW về các lĩnh vực được đề cập theo từng nội dung của Công ước, bao gồm các nhóm khuyến nghị chủ yếu như:
(i) Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và thể chế có liên quan:
- Tận dụng cơ hội sửa đổi theo lịch trình các luật, bao gồm Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự và Luật Trợ giúp pháp lý để hài hòa hóa những luật này với các điều khoản của Công ước CEDAW và Hiến pháp năm 2013;
- Xem xét sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình và Bộ luật Lao động để phù hợp với Công ước CEDAW và Hiến pháp năm 2013;
- Xây dựng các cơ chế trách nhiệm giải trình mạnh mẽ phục vụ cho việc thực thi pháp luật và chính sách liên quan tới BĐG và sự tiến bộ của phụ nữ, bao gồm Chương trình Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020, với các mốc thời gian, chỉ tiêu và chỉ số rõ ràng, phân công trách nhiệm rõ ràng, các cơ chế giám sát công tác thực hiện và phân bổ đầy đủ nguồn lực về con người, kỹ thuật và ngân sách;
- Nâng cao năng lực cho các nhà hoạch định pháp luật và chính sách, các quan chức Chính phủ, các cán bộ tư pháp và hành pháp cấp quốc gia và cấp tỉnh nhằm thúc đẩy hiểu biết của họ về khái niệm BĐG thực tế theo tinh thần của Công ước CEDAW;
- Phổ biến rộng rãi Công ước CEDAW, Hiến pháp năm 2013 và Luật Bình đẳng giới trên toàn quốc, bao gồm cấp cộng đồng và dịch ra các thứ tiếng dân tộc thiểu số.
(ii) Tăng cường trợ giúp pháp lý (TGPL) và tiếp cận tư pháp:
- Tăng cường thực thi pháp luật quốc gia có liên quan, trong đó ưu tiên quy trình pháp lý đối với công tác giảng hòa và hòa giải, nâng cao nhận thức cho các nhà lãnh đạo cộng đồng, các cán bộ hành pháp, luật sư và bộ máy tư pháp nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận pháp lý của phụ nữ;
- Đưa việc xây dựng một đề án TGPL toàn diện vào trong việc sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 theo kế hoạch nhằm bảo đảm phụ nữ có thể tiếp cận hiệu quả hệ thống Tòa án, bao gồm các vụ, việc về phân biệt đối xử và bạo lực với phụ nữ, có các mốc thời gian rõ ràng cũng như cơ chế giám sát, đối với các vụ án hình sự, theo các Nguyên tắc và Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về tiếp cận TGPL trong hệ thống tư pháp hình sự (Nghị quyết Đại hội đồng 67/187).
- Nâng cao nhận thức của phụ nữ về quyền và hiểu biết pháp luật của họ trên mọi lĩnh vực pháp luật nhằm trao quyền cho phụ nữ để họ có thể tận dụng các thủ tục và biện pháp nhằm đòi hỏi các quyền của mình theo Công ước CEDAW.
(iii) Hình sự hóa tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ:
- Sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và hình sự hóa tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ, bao gồm cưỡng bức tình dục trong hôn nhân, bạo lực hẹn hò, bạo lực tại những nơi công cộng và quấy rối tình dục;
- Ưu tiên xây dựng một kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn ngừa và ứng phó với mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và phân bổ đầy đủ nguồn lực về con người, kỹ thuật và tài chính để phục vụ cho công tác triển khai có hiệu quả;
- Khuyến khích phụ nữ trình báo về các trường hợp bạo lực và xâm hại bằng cách xóa bỏ sự kỳ thị đối với nạn nhân và nâng cao nhận thức về bản chất hình sự của những hành vi như vậy, và đảm bảo rằng, tất cả các vụ, việc trình báo sẽ được điều tra hiệu quả, rằng thủ phạm sẽ bị truy tố và trừng phạt thích đáng;
- Rà soát việc sử dụng hình thức hòa giải và bảo đảm rằng, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình có thể tiếp cận hiệu quả tới những lệnh bảo vệ và biện pháp giải quyết về mặt pháp luật;
- Tiến hành tập huấn bắt buộc đối với thẩm phán, công tố viên, luật sư, cảnh sát, cán bộ y tế và cán bộ xã hội về việc áp dụng chặt chẽ các điều khoản pháp luật hình sự hóa hành vi bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái;
- Bảo đảm rằng, nạn nhân có thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, bao gồm hỗ trợ pháp lý miễn phí, chăm sóc y tế và tâm lý, nhà tạm lánh, hỗ trợ tư vấn và sinh kế;
- Thu thập số liệu thống kê một cách có hệ thống về tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ được tách biệt theo hình thức bạo lực, lứa tuổi, khuyết tật, dân tộc, mối quan hệ giữa nạn nhân và kẻ gây ra bạo lực, số lượng các vụ khiếu nại, khởi tố, kết án và các bản án áp dụng với thủ phạm, cũng như bồi thường thiệt hại đối với nạn nhân.
(iv) Hoàn thiện cơ chế hoạt động và bảo đảm nguồn lực hoạt động cho bộ máy quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ:
Ủy ban CEDAW đã ghi nhận các cơ quan khác nhau có vai trò thúc đẩy quyền của phụ nữ, bao gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, Ủy ban CEDAW đưa ra những khuyến nghị sau với Việt Nam:
- Bảo đảm cơ chế phối hợp chung giữa các cơ quan nhà nước có liên quan nhằm đảm bảo BĐG và quyền của phụ nữ, với nhiệm vụ rõ ràng và trách nhiệm được xác định rõ đối với từng cơ quan cũng như bảo đảm đầy đủ nguồn lực con người, kỹ thuật tài chính và thẩm quyền để hoàn thành nhiệm vụ của mình;
- Nâng cao công tác triển khai có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới (2011 - 2020) thông qua phân bổ nguồn lực con người, kỹ thuật và tài chính cần thiết cho công tác triển khai, nhằm bảo đảm rằng, BĐG được lồng ghép trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Chính phủ.
(v) Nhóm các khuyến nghị khác:
Bên cạnh những khuyến nghị nêu trên, Ủy ban CEDAW cũng có một số khuyến nghị cụ thể thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như:
- Tiếp tục các công việc nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của những định kiến, khuôn mẫu mang tính phân biệt đối xử về giới;
- Tiếp tục xây dựng các chương trình hành động cụ thể nhằm giải quyết hiệu quả tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, vấn đề buôn bán và bóc lột mại dâm đối với phụ nữ và trẻ em gái; tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ trong đời sống kinh tế, xã hội; đồng thời, có các chương trình hành động nhằm tăng cường BĐG trong một số lĩnh vực cụ thể như: Phụ nữ tham chính, lĩnh vực giáo dục, việc làm, y tế, hôn nhân và quan hệ gia đình và đối với một số nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương như phụ nữ nông thôn, phụ nữ di cư, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ là người khuyết tật và trẻ em gái;
- Tăng cường công tác thu thập số liệu thống kê có sự phân tách về giới, đặc biệt là số liệu thống kê về tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ được tách biệt theo hình thức bạo lực, lứa tuổi, khuyết tật, dân tộc, mối quan hệ giữa nạn nhân và kẻ gây ra bạo lực, số lượng các vụ khiếu nại, khởi tố, kết án, các bản án áp dụng với thủ phạm cũng như bồi thường thiệt hại đối với nạn nhân.
2.3. Kết quả thực hiện khuyến nghị của Ủy ban CEDAW
2.3.1. Kế hoạch triển khai cấp quốc gia và vai trò của Bộ Tư pháp
Sau khi Ủy ban CEDAW đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam[4], ngày 16/5/2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 668/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban CEDAW (Quyết định 668/QĐ-TTg). Triển khai Quyết định 668/QĐ-TTg, các bộ, ngành có liên quan đã ban hành Kế hoạch của mình để thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban CEDAW.
Bộ Tư pháp được Thủ tướng Chính phủ phân công chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xem xét, thực hiện 04 khuyến nghị: (i) Rà soát đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước nhằm góp phần xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; (ii) Đánh giá, rà soát việc triển khai thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình nhằm bảo đảm quy định của Hiến pháp và phù hợp với Công ước; (iii) Tiếp tục xây dựng dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn nhằm bảo đảm phụ nữ có thể tiếp cận hiệu quả tới cơ quan Tòa án các cấp, bao gồm các vụ việc về phân biệt, đối xử và bạo lực đối với phụ nữ; (iv) Rà soát, đánh giá việc thực hiện các biện pháp hòa giải cơ sở trong việc xử lý các vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ trên phạm vi toàn quốc.
Thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2306/QĐ-BTP ngày 15/11/2017 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban CEDAW. Theo Kế hoạch này, Bộ Tư pháp đã và đang triển khai các công việc: (i) Rà soát, nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện các biện pháp hòa giải cơ sở trong việc xử lý các vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ trên phạm vi toàn quốc; (ii) Đánh giá, rà soát việc triển khai thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình nhằm đảm bảo quy định của Hiến pháp; (iii) Xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý nhằm bảo đảm phụ nữ thuộc diện được TGPL có thể tiếp cận hiệu quả tới cơ quan Tòa án các cấp, bao gồm các vụ việc về phân biệt, đối xử và bạo lực với phụ nữ; (iv) Rà soát, đánh giá mức độ tương thích của các quy định pháp luật Việt Nam trong các lĩnh vực nêu trên và tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chuyển hóa các quy định của Công ước CEDAW vào pháp luật trong nước để từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam theo hướng đảm bảo phù hợp với Công ước CEDAW.
Đối với nhiệm vụ “Rà soát đề xuất sửa đổi, các quy định pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước nhằm góp phần xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ”, năm 2018, Bộ Tư pháp đã chủ động tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước nhằm góp phần xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ trong Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời, Bộ Tư pháp đã đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, đánh giá việc thực hiện các biện pháp hòa giải ở cơ sở trong việc xử lý các vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ và xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Ngày 08/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước (Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg). Theo Điều 17 Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Quyết định này trên phạm vi cả nước. Do đó, ngày 27/6/2018, Bộ Tư pháp đã tổ chức Lễ bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước từ Bộ Tư pháp sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2.3.2. Kết quả thực hiện khuyến nghị về hoàn thiện thể chế
- Về tăng cường cải thiện khung thể chế nhằm thúc đẩy BĐG, ngày 22/6/2015, Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016). Theo đó, một trong những nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải bảo đảm lồng ghép vấn đề BĐG trong văn bản quy phạm pháp luật[5]. Việc lồng ghép vấn đề BĐG trong dự thảo văn bản được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho thấy việc coi trọng BĐG từ bước xây dựng luật. Theo quy định tại Điều 34 và khoản 2 Điều 35 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì “Nội dung đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải nêu rõ: Vấn đề cần giải quyết; mục tiêu của chính sách; giải pháp để thực hiện chính sách; tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn giải pháp của cơ quan, tổ chức và lý do của việc lựa chọn; đánh giá tác động thủ tục hành chính, tác động về giới (nếu có)”.
- Về các khuyến nghị liên quan đến lĩnh vực hình sự, năm 2015, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Năm 2017, Quốc hội tiếp tục ban hành Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tại Điều 3 một loạt các nguyên tắc xử lý của chính sách hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội và một trong những nguyên tắc này đã thể hiện sâu sắc tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về BĐG, đó là “Mọi cá nhân phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội”. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi đối với cấu thành của tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ (Điều 165), mở rộng phạm vi đối tượng được bảo vệ theo hướng không chỉ đối với phụ nữ mà cả đối với nam giới, những người đồng tính và những người có khiếm khuyết về giới. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định một số tội danh liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ. Nhóm tội về mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm phù hợp với quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC) và Nghị định thư về việc ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước TOC. Đối với nhóm tội về hiếp dâm và cưỡng dâm, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng nhóm hành vi bị xử lý hình sự, bao gồm hành vi giao cấu và hành vi quan hệ tình dục khác để bảo đảm xử lý triệt để loại tội phạm này.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không trực tiếp quy định về tội danh đối với vấn đế bạo lực với phụ nữ mà chỉ quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự. Trường hợp nạn nhân là trẻ em gái thì theo thủ tục đặc biệt quy định tại Chương XXXVIII Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
- Về khuyến nghị liên quan đến Luật Trợ giúp pháp lý, năm 2017, Việt Nam đã có Luật Trợ giúp pháp lý mới nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp người được TGPL, trong đó có phụ nữ. Các văn bản quy định chi tiết tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, công khai, bình đẳng và thuận lợi cho người dân thuộc diện được TGPL, trong đó có phụ nữ, khi có vướng mắc pháp luật cần tiếp cận cơ quan tư pháp và tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL.
Năm 2018, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng. Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, Hội đồng phối hợp liên ngành ở trung ương và địa phương trong việc phát hiện, chuyển gửi, bảo đảm và tạo điều kiện cho người được TGPL (trong đó, có phụ nữ và trẻ em gái) khi họ có vướng mắc pháp luật... Ngoài ra, nhằm cụ thể hóa Luật Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy tắc nghề nghiệp TGPL. Dự thảo Thông tư quy định các chuẩn mực về hành vi, ứng xử của người thực hiện TGPL trong hoạt động TGPL, trong đó có nhiều chuẩn mực nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thuộc diện được TGPL là phụ nữ và trẻ em gái.
- Về khuyến nghị liên quan đến kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn ngừa và ứng phó với mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ, ngày 22/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1464/QĐ-TTg ban hành Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Trước đó, ngày 06/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 215/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên phạm vi toàn quốc.
- Về khuyến nghị rà soát việc sử dụng hình thức hòa giải, Việt Nam tiếp tục thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 về việc hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình. Theo đó, gia đình, dòng họ có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình. Khi có yêu cầu của thành viên gia đình thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa người thuộc cơ quan, tổ chức mình với thành viên gia đình họ; trường hợp cần thiết thì phối hợp với cơ quan, tổ chức ở địa phương để tiến hành hòa giải. Trong trường hợp xảy ra bạo lực gia đình, nạn nhân có quyền yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình (khoản 1 Điều 5). Bên cạnh đó, Luật cũng quy định trách nhiệm của cơ quan công an, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình (Điều 18).
- Nhằm nâng cao nhận thức về hòa giải ở cơ sở các vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được quan tâm triển khai thực hiện ở Việt Nam. Tại trung ương, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục được thực hiện thông qua các hoạt động như: Tập huấn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; thông qua biên soạn tài liệu; tiếp tục triển khai Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, TGPL, tư vấn pháp luật cho phụ nữ... Tại địa phương, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đến các tổ hòa giải, hòa giải viên tiếp tục được thực hiện bằng hình thức lồng ghép trong các buổi tuyên truyền miệng, các lớp tập huấn về hòa giải ở cơ sở, các buổi họp thôn, làng, tổ dân phố và tuyên truyền trên loa phát thanh cơ sở, hoặc biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến...
- Về khuyến nghị liên quan đến BĐG trong lĩnh vực chính trị và một số lĩnh vực khác, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định đảm bảo tỷ lệ 35% ứng cử viên là nữ trong tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định bảo đảm BĐG là một trong các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong bảo đảm quyền bình đẳng nam, nữ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình...
Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và văn bản hướng dẫn thi hành khi được xây dựng đã hướng tới các mục tiêu như bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về BĐG trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo quy định tại Điều 20 Luật Bình đẳng giới; đóng góp vào việc thiết lập cơ chế bảo đảm BĐG về vấn đề quốc tịch.
Trong lĩnh vực dân sự, khoản 1 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”. Do đó, trong quan hệ pháp luật dân sự được điều chỉnh trong Bộ luật này, phụ nữ và nam giới được đối xử bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
Trong lĩnh vực lao động, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng có nhiều vấn đề liên quan đến nội dung BĐG như: Việc làm, tuyển dụng, hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động, những quy định riêng đối với lao động nữ, lao động giúp việc gia đình, lao động là người khuyết tật…
Với mong muốn làm trọn vẹn hơn nữa BĐG ở Việt Nam, trong xu thế phát triển chung của thế giới với những biến đổi không ngừng và yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục rà soát và hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật của mình để ngày càng tiệm cận với những tiêu chí và chất lượng về BĐG ở tầm quốc tế trong tương lai.
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
[1]. Việt Nam là nước thứ 06 trên thế giới ký và là nước thứ 35 phê chuẩn Công ước CEDAW (ký ngày 29/7/1980 và phê chuẩn ngày 17/02/1982). Công ước CEDAW có hiệu lực ở Việt Nam từ ngày 19/3/1982. Việt Nam bảo lưu khoản 1 Điều 29 Công ước CEDAW.
[2]. Điều 17 Công ước CEDAW.
[3]. Đoàn liên ngành của Chính phủ Việt Nam đã tiến hành đối thoại với các thành viên của Ủy ban CEDAW và bảo vệ Báo cáo quốc gia của Việt Nam về tình hình thực hiện CEDAW lần thứ 07 và 08 tại Phiên họp lần thứ 61 của Ủy ban tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ vào ngày 10/7/2015.
[4]. Tại Quan sát kết luận về Báo cáo quốc gia ghép định kỳ lần thứ 07 và 08 của Việt Nam về tình hình thực hiện Công ước CEDAW.
[5]. Khoản 4 Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.