The article analyzes the need to research and improve Vietnamese law on protection of intellectual property rights for lectures by lecturers at higher education institutions and states the legal status of this issue and offers some solutions.
1. Sự cần thiết phải nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với bài giảng[1] của giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học
Thời gian qua, để thích ứng với hoàn cảnh dịch bệnh, nhằm tránh tối đa việc tiếp xúc trực tiếp, công nghệ số được ứng dụng trong hầu khắp các khía cạnh của đời sống. Từ những lĩnh vực đơn thuần như kinh doanh, buôn bán hàng hóa cho đến những lĩnh vực dịch vụ đặc thù như giáo dục, y tế, bảo hiểm... Đặc biệt, đối với lĩnh vực giáo dục, việc nhanh chóng triển khai hình thức học trực tuyến ở tất cả các cấp học đã bảo đảm hoạt động giảng dạy và đào tạo được thực hiện thông suốt và tương đối hiệu quả. Mặc dù, hình thức học ứng dụng công nghệ số hiện nay có những ưu điểm như hạn chế tối đa sự tiếp xúc, linh hoạt, tiết kiệm thời gian, chi phí nhưng bên cạnh đó, hoạt động giảng dạy này cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định. Đó không chỉ là những hạn chế trong vấn đề tương tác, kiểm soát lớp học của người dạy, vấn đề hiệu quả tiếp thu của người học, mà còn có thể nảy sinh những rủi ro đối với hình ảnh, quyền sở hữu trí tuệ của người dạy và nhà trường.
Việc học qua các phần mềm như Trans, Zoom, Google Meet, Microsorf Teams... mặc dù hạn chế được sự tiếp xúc giữa người dạy và người học, phù hợp với hoạt động giáo dục trong thời kỳ dịch bệnh, tuy nhiên, vì không thực hiện giảng dạy, tiếp xúc trực tiếp nên người dạy cũng không thể quan sát và theo dõi tất cả các hành vi của người học. Do đó, trên thực tế, trong quá trình dạy và học trực tuyến, người học có thể dễ dàng thực hiện những hành vi như ghi âm, ghi hình bài giảng của giảng viên mà giảng viên không thể kiểm soát được. Nếu là hình thức học trực tiếp, để thực hiện những hành vi như trên người học sẽ phải xin phép người dạy trước khi tiến hành. Trong khi đó, quá trình dạy trực tuyến người dạy không thể xác định được người học có thực hiện hành vi đó hay không, vì vậy, việc người học ghi âm, ghi hình bài giảng của người dạy có thể thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển như hiện nay, khi mỗi sinh viên đều trang bị cho mình một chiếc điện thoại thông minh có tính năng ghi âm, quay phim, chụp ảnh thì việc thực hiện những hành vi vi phạm tác quyền đối với bài giảng càng trở nên phổ biến và dễ dàng. Với đối tượng người học ở các cấp học thấp hơn, việc chủ động thực hiện ghi âm, ghi hình bài giảng của người dạy có thể sẽ khó khăn hơn do điều kiện về phương tiện và nhu cầu của người học còn hạn chế. Trong khi đó, đối với người học là sinh viên ở bậc học đại học, thì phương tiện học tập, thiết bị ghi âm, ghi hình được trang bị đầy đủ hơn, đồng thời, nhu cầu ghi lại bài giảng của giảng viên để sử dụng cũng phổ biến hơn, do đó, hoạt động ghi âm, ghi hình quá trình giảng dạy của giảng viên có thể được thực hiện một cách thường xuyên và dễ dàng hơn.
Điều đáng lưu ý là, sinh viên thực hiện hoạt động trên mà không xin phép giảng viên, thậm chí sau đó họ còn sử dụng bài giảng đã ghi âm, ghi hình để “phát tán” trên các diễn đàn học thuật trực tuyến của sinh viên hoặc đưa lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok... không chỉ nhằm mục đích học tập, trao đổi học thuật và nghiên cứu mà còn nhằm mục đích thương mại. Đây đều là những nền tảng công nghệ có phạm vi cộng đồng thành viên tham gia mở, không giới hạn số lượng cũng như thành phần, vì vậy, có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý, hình ảnh của giảng viên, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các trường đại học.
Hiện nay, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là khuyến khích các trường đại học triển khai mạnh mẽ hình thức đào tạo trực tuyến kết hợp song song với hình thức đào tạo truyền thống, từ đó, có thể phát huy ưu điểm và khắc phục hạn chế của hai phương thức này. Trong tương lai, hình thức giảng dạy trực tuyến sẽ được sử dụng phổ biến, trở thành một hình thức đào tạo chính thức bên cạnh hình thức giảng dạy trực tiếp. Chính vì vậy, cần có một khuôn khổ pháp lý vững chắc và an toàn cho hoạt động giảng dạy trực tuyến nói chung cũng như vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với bài giảng của giảng viên nói riêng. Pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành mặc dù đã quy định về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm dưới dạng bài giảng, bài phát biểu, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức độ ghi nhận và đưa ra một số nguyên tắc bảo hộ mà chưa xây dựng được những quy định cụ thể, phù hợp với đặc trưng, bản chất của loại tác phẩm đặc biệt này. Việc còn thiếu những quy định pháp luật điều chỉnh về vấn đề này là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số lượng hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của sinh viên đối với bài giảng trực tuyến của giảng viên và nhà trường. Chính vì vậy, pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với bài giảng của giảng viên nói riêng và người dạy nói chung là vấn đề cần được quan tâm, nghiên cứu, đánh giá để từ đó xây dựng giải pháp hoàn thiện trong bối cảnh hiện nay.
2. Thực trạng pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với bài giảng của giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay
Hiện nay, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ bao gồm Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 (Luật Sở hữu trí tuệ) cùng các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, văn bản dưới luật trực tiếp điều chỉnh về quyền tác giả đối với các tác phẩm trong một số lĩnh vực là Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan (Nghị định số 22/2018/NĐ-CP). Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có văn bản chuyên ngành điều chỉnh hoạt động sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả nói riêng trong trường đại học, do đó, cơ sở pháp lý cho vấn đề này chính là hệ thống văn bản pháp luật đã đề cập ở trên.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, bài giảng của giảng viên được xác định là một loại tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Cụ thể, Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ đã liệt kê các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học như: Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác; tác phẩm báo chí; tác phẩm sân khấu; tác phẩm nhiếp ảnh; tác phẩm điện ảnh; tác phẩm âm nhạc; tác phẩm kiến trúc… Theo đó, bài giảng là một trong 14 loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Có thể nói, đây là cơ sở pháp lý đầu tiên để ghi nhận quyền tác giả đối với bài giảng nói chung và của giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học nói riêng. Để có thể xác định được chính xác nội dung pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với bài giảng, trước hết cần nhận diện được định nghĩa về bài giảng. Trên thực tế, khi đề cập đến thuật ngữ “bài giảng” có thể hiểu gồm 02 loại, đó là: Bài giảng dưới dạng văn bản (như giáo án, tập bài giảng) và bài giảng dưới dạng thuyết giảng. Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP định nghĩa: “Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định”. Như vậy, dưới góc độ pháp lý, “bài giảng” được xác định là một tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ nói thuộc đối tượng ghi nhận và bảo hộ của pháp luật sở hữu trí tuệ. Điều đó có nghĩa là, giáo án, tập bài giảng bằng ngôn ngữ viết không thuộc phạm vi khái niệm này và mỗi đơn vị thời gian giảng viên giảng bài cho sinh viên sẽ được ghi nhận là một “bài giảng”. Tuy nhiên, để việc thuyết giảng của giảng viên đối với sinh viên được Luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ với tư cách một tác phẩm, cần bảo đảm điều kiện bài thuyết giảng đó được “định hình dưới một hình thức vật chất nhất định”.
Để có thể “định hình” tác phẩm, các chủ thể có thể thực hiện một trong những hành vi sau: Biểu hiện bằng chữ viết, các ký tự khác, đường nét, hình khối, bố cục, màu sắc, âm thanh, hình ảnh hoặc sự tái hiện âm thanh, hình ảnh dưới dạng vật chất nhất định để từ đó có thể nhận biết, sao chép hoặc truyền đạt (khoản 3 Điều 3 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP). Như vậy, các biểu hiện của hoạt động “định hình” tác phẩm có thể xác định được đối với bài giảng (được biểu hiện thông qua ngôn ngữ nói) là thông qua hoạt động ghi âm, ghi hình buổi thuyết giảng đó của giảng viên. Từ thời điểm tồn tại bản ghi âm, ghi hình đó thì phần thuyết giảng của giảng viên trở thành tác phẩm được bảo hộ bởi pháp luật sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, chủ thể xác lập quyền tác giả với bài giảng trong trường hợp này được xác định theo như thế nào?
Trên cơ sở nguyên tắc bảo hộ quyền tác giả theo cơ chế tự động và nội dung quyền tác giả được xác lập bao gồm hai nhóm quyền là quyền nhân thân và quyền tài sản, chủ thể thiết lập quyền tác giả đối với bài giảng có thể có hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất, nếu tác giả - chủ thể trực tiếp thuyết giảng tự thực hiện việc định hình bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác dưới hình thức bản ghi âm, ghi hình, thì tác giả được hưởng quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác, đồng thời là chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Sở hữu trí tuệ (khoản 2 Điều 8 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP). Điều này nghĩa là, giảng viên vừa là tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả đối với bài giảng của mình. Theo đó, họ có thể xác lập quyền nhân thân (quyền đặt tên, đứng tên, sửa chữa, công bố tác phẩm) và quyền tài sản (sao chép, làm tác phẩm phái sinh, truyền đạt, phân phối, nhận thù lao...) đối với bài giảng hay cụ thể là bản ghi âm, ghi hình đối với bài giảng của mình.
Trường hợp thứ hai, nếu tác giả là người trực tiếp thuyết giảng và nhà trường là chủ thể thực hiện việc định hình bài giảng dưới hình thức bản ghi âm, ghi hình thì giảng viên sẽ là tác giả của bài giảng và nhà trường sẽ trở thành chủ sở hữu của quyền tác giả đối với bài giảng. Do đó, trong trường hợp này, giảng viên sẽ nắm giữ quyền nhân thân và nhà trường sẽ nắm giữ quyền tài sản đối với bài giảng mà giảng viên thực hiện. Như vậy, việc xác lập toàn bộ hay một phần quyền nhân thân và quyền tài sản đối với một chủ thể sẽ phụ thuộc vào hành vi định hình tác phẩm của chủ thể trực tiếp thực hiện bài giảng đó. Nếu nhà trường hoặc giảng viên thực hiện “định hình” bài giảng của mình, thì họ trở thành chủ thể quyền tác giả đối với bài giảng tồn tại dưới hình thức vật chất là bản ghi âm, ghi hình bài giảng đó và họ sẽ có quyền ngăn cấm các chủ thể khác xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm này theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp này, mọi hành vi khai thác, sử dụng, sao chép, phân phối, truyền đạt... tác phẩm mà không xin phép, không thực hiện nghĩa vụ tài chính bị coi là hành vi vi phạm quyền tác giả[2] đối với tác phẩm, đồng thời bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp, bản ghi âm, ghi hình bài giảng của giảng viên do các chủ thể khác (như sinh viên tham dự lớp học) thực hiện, thì giảng viên và nhà trường lại không thể xác lập quyền sở hữu trí tuệ với bản ghi âm, ghi hình đó.
Bài giảng của giảng viên được thực hiện một cách công khai, trên phạm vi rộng, có sự tham dự, tiếp cận của nhiều chủ thể, nên hành vi ghi âm, ghi hình bài giảng được sinh viên thực hiện một cách dễ dàng mà người giảng dạy không thể can thiệp được. Mặc dù là giảng dạy trực tiếp trên lớp nhưng trong nhiều trường hợp, người dạy không biết bài giảng của mình được định hình từ phía sinh viên. Trong khi đó, với hình thức giảng dạy trực tuyến (giảng viên chỉ có thể tiếp cận với sinh viên thông qua camera của các phần mềm giảng dạy) thì khả năng nhận biết và kiểm soát việc sinh viên ghi âm, ghi hình bài giảng khó có thể thực hiện được.
Vấn đề mấu chốt là, ngay cả trong trường hợp giảng viên có phát hiện ra sinh viên thực hiện hành vi ghi âm, ghi hình bài giảng của mình mà không xin phép, thì họ chỉ có khả năng xử lý đối với hành vi ghi hình mà không có cơ chế để xử lý hành vi ghi âm. Bởi lẽ, việc ghi hình bài giảng mà không xin phép là hành vi xâm phạm quyền nhân thân đối với hình ảnh của giảng viên theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong khi đó, đối với hành vi ghi âm, hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để giảng viên có thể ngăn cấm và xử lý đối với sinh viên khi họ thực hiện hành vi này.
Thực tế cho thấy, hiện nay, khả năng kiểm soát đối với những hành vi vi phạm nêu trên hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự bảo vệ và các quy định mang tính hạn chế quyền ghi âm, ghi hình của người học trong bộ quy tắc ứng xử hoặc quy chế đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu các cơ sở giáo dục đại học không có sự chuẩn bị, chủ động xây dựng quy chế pháp lý mang tính nội bộ để điều tiết hành vi ghi âm, ghi hình bài giảng thì sẽ không có cơ chế để bảo vệ giảng viên trước hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với bài giảng.
3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với bài giảng tại các cơ sở giáo dục đại học
Để khắc phục tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với bài giảng của giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể như: (i) Hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với bài giảng trong hệ thống pháp luật Việt Nam; (ii) Nâng cao ý thức pháp luật của đối tượng tiếp nhận bài giảng là sinh viên; (iii) Nâng cao ý thức tự bảo vệ của các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ nhất, bổ sung quy định về quyền tác giả đối với tác phẩm bài giảng trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành theo hướng: Ghi nhận quyền của tác giả thực hiện bài giảng trong việc định hình tác phẩm tương tự như người biểu diễn đối với cuộc biểu diễn. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư đối với cuộc biểu diễn của mình có quyền nhân thân và quyền tài sản (khoản 1 Điều 29). Trong đó, quyền tài sản được độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện bao gồm “định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình” (điểm a khoản 3 Điểu 29 Luật Sở hữu trí tuệ). Như vậy, với người biểu diễn như ca sỹ, vũ công, diễn viên... họ thực hiện tác phẩm của mình trước công chúng và có quyền quyết định việc tự mình hoặc cho phép chủ thể khác thực hiện việc định hình cuộc biểu diễn đó. Trong trường hợp này, mọi hành vi định hình cuộc biểu diễn mà chưa xin phép, thỏa thuận với người biểu diễn sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ. Trong sự đối sánh tương quan, giảng viên thực hiện bài giảng có những nét tương đồng với người biểu diễn, do đó, có thể bổ sung quy định liên quan đến hoạt động định hình bài giảng của giảng viên tương tự như đối với người biểu diễn. Theo đó, bổ sung quy định về quyền tài sản của tác giả bài giảng theo hướng, tác giả bài giảng có quyền định hình trực tiếp bài giảng nói trên bản ghi âm, ghi hình. Quyền này có thể do tác giả độc quyền thực hiện hoặc chuyển giao cho chủ thể khác trong trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu của tác phẩm bài giảng đó. Trong trường hợp giảng viên thực hiện bài giảng trên cơ sở hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, thì giảng viên sẽ nắm giữ quyền nhân thân và các cơ sở giáo dục đại học là chủ sở hữu bài giảng, họ nắm giữ quyền tài sản. Như vậy, họ sẽ có quyền độc quyền thực hiện hoặc cho phép chủ thể khác thực hiện việc định hình tác phẩm bài giảng. Quy định này sẽ giải quyết được tình trạng bất kỳ chủ thể nào khi tiếp cận bài giảng của giảng viên cũng có quyền tự mình định hình tác phẩm đó trên bản ghi âm, ghi hình nhất định như hiện nay. Trên cơ sở pháp lý đó, giảng viên và nhà trường sẽ có cơ chế để kiểm soát và xử lý hành vi định hình bài giảng mà không xin phép. Hay nói cách khác, trước khi thực hiện ghi âm, ghi hình bài giảng, sinh viên sẽ phải xin phép và chỉ khi được giảng viên đồng thuận, hành vi ghi âm, ghi hình bài giảng của sinh viên mới là hành vi hợp pháp. Nếu không được sự đồng ý của giảng viên, thì việc ghi âm, ghi hình của sinh viên là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với bài giảng và bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về quyền thực hiện hoạt động định hình bài giảng thuộc về tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm sẽ giúp giảng viên và các cơ sở giáo dục đại học có cơ chế kiểm soát đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình sau đó của sinh viên. Đối với những hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình bài giảng của giảng viên cho các mục đích không phải để học tập và nghiên cứu hoặc tự ý đưa bản ghi âm, ghi hình bài giảng lên các nền tảng mạng xã hội, diễn đàn mở... sẽ bị xử lý bằng các biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự tương tự như các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khác.
Thứ hai, cần tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung cũng như về quyền tác giả nói riêng bằng các hình thức khác nhau, giúp sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của việc tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với bài giảng của giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học. Là chủ thể lĩnh hội kiến thức, có cơ hội tiếp cận với bài giảng của giảng viên, họ cần nhận thức được bài giảng cũng là một tác phẩm khoa học, là kết quả của một quá trình lao động, sáng tạo của giảng viên, bất kỳ chủ thể nào tiếp cận đều phải tôn trọng quyền tác giả của giảng viên đối bài giảng. Để nâng cao ý thức pháp luật của sinh viên trong lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả trong các cơ sở giáo dục đại học, trước hết cần giúp họ nhận thức được những tác phẩm khoa học nào ở cơ sở giáo dục mà họ cần phải tôn trọng và bảo vệ. Bên cạnh đó, cần phổ biến giúp cho sinh viên hiểu được quyền tác giả nói chung cũng như quyền tác giả trong các cơ sở giáo dục hiện nay được ghi nhận và bảo vệ bởi các quy định pháp luật.
Thứ ba, đối với các cơ sở giáo dục đại học, cần tăng cường các biện pháp tự bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm bài giảng của giảng viên nói riêng và quyền tác giả trong các cơ sỏ giáo dục đại học nói chung. Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, sự thiếu vắng các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ trong việc xác định quyền định hình tác phẩm bài giảng chưa tạo được cơ chế bảo hộ đầy đủ và hiệu quả cho các cơ sở giáo dục đại học và giảng viên. Do đó, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử hoặc quy chế nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc ghi nhận quyền định hình bài giảng nói là độc quyền thuộc về giảng viên hoặc nhà trường. Bên cạnh đó, trong các bộ quy tắc, quy chế phải xác lập nghĩa vụ cho sinh viên trong việc tôn trọng và cam kết không xâm hại quyền tác giả đối với bài giảng cũng như các quyền sở hữu trí tuệ khác trong cơ sở giáo dục đại học. Ngoài ra, cũng cần phải xây dựng các biện pháp xử lý cụ thể, chi tiết trong quy chế, quy định của nhà trường để vừa bảo đảm phòng ngừa, răn đe hành vi vi phạm, vừa xử lý một cách hiệu quả đối với hành vi vi phạm.
TS. Đỗ Phương Thảo
Trường Đại học Thương Mại
Ảnh: internet
[1]. “Bài giảng” được đề cập trong bài viết này là bài giảng của giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học được thể hiện bằng ngôn ngữ nói.
[2]. Khoản 2 Điều 20 và Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.