1. Quy định pháp luật về chôn lấp, tiêu hủy rác thải tại các khu dân cư
1.1. Quy định chung
Chôn lấp rác thải là một trong những hình thức xử lý chất thải, là phương pháp kiểm soát quá trình phân hủy của rác thải rắn sau khi chúng được chôn lấp, nén và phủ kín bề mặt. Mục đích của phương pháp chôn lấp chất thải là ngăn chặn sự lan truyền và ô nhiễm từ chất thải đến môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, duy trì sự cân bằng trong môi trường. Tuy nhiên, trước những tác động bất lợi đến môi trường và sức khỏe con người, hình thức xử lý chất thải này đã bị hạn chế tại nhiều quốc gia. Trên phương diện pháp lý, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 của Việt Nam cũng đã đưa ra quy định hạn chế hoạt động này[2].
Để thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Điều 60 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP) quy định cụ thể về lộ trình hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp. Theo đó, công nghệ chôn lấp trực tiếp là việc chôn lấp chất thải trực tiếp trong bãi chôn lấp theo quy định mà chưa qua xử lý bằng các biện pháp khác[3]. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi đầu tư mới hoặc đưa vào vận hành các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; bảo đảm giảm dần tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đáp ứng mục tiêu về quản lý tổng hợp chất thải rắn.
1.2. Quy định về ký quỹ bảo vệ môi trường khi thực hiện chôn lấp chất thải rắn
Trong trường hợp phải chôn lấp rác thải tại các khu dân cư, ngoài yêu cầu về đánh giá tác động môi trường, Điều 76 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ràng buộc trách nhiệm ký quỹ của các chủ thể thực hiện hoạt động chôn lấp chất thải[4]. Đây là việc tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới bãi chôn lấp chất thải gửi một khoản tiền để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường sau khi đóng bãi theo phương án cải tạo môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định. Số tiền ký quỹ phải được tính toán bảo đảm đủ kinh phí để cải tạo môi trường tại bãi chôn lấp chất thải, căn cứ vào các nội dung cải tạo môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc tính toán số tiền ký quỹ phải áp dụng định mức, đơn giá của địa phương tại thời điểm lập phương án cải tạo môi trường. Trường hợp địa phương không có định mức, đơn giá thì áp dụng theo định mức, đơn giá của bộ, ngành tương ứng. Trong trường hợp bộ, ngành không có đơn giá thì áp dụng theo giá thị trường. Tổng số tiền ký quỹ (chưa bao gồm yếu tố trượt giá) bằng tổng kinh phí của các hạng mục công trình cải tạo, đóng cửa đối với bãi chôn lấp chất thải, chi phí xử lý ô nhiễm, quan trắc môi trường và vận hành các công trình xử lý chất thải. Phương pháp tính và dự toán chi phí xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Số tiền ký quỹ hàng năm (chưa bao gồm yếu tố trượt giá) được tính bằng tổng số tiền ký quỹ chia đều cho các năm theo thời gian trong dự án đầu tư.
1.3. Quy định về xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt
Hoạt động xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt phải bảo đảm các yêu cầu sau:
- Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi đóng bãi và bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh phải được xử lý ô nhiễm, cải tạo đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
- Chủ dự án đầu tư hoặc cơ sở quản lý bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm ngay sau khi đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt phải tiến hành cải tạo cảnh quan khu vực, đồng thời có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường; tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến môi trường tại bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt kể từ ngày kết thúc việc đóng bãi chôn lấp và báo cáo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Ngoài ra, các chủ thể này cũng phải hoàn thành việc xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường, lập hồ sơ và bàn giao mặt bằng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi kết thúc hoạt động.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí nguồn lực, kinh phí cho việc xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt do Nhà nước quản lý và bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tự phát trên địa bàn.
Điều 32 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định cụ thể về việc đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động.
Trước khi tái sử dụng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, chủ dự án đầu tư tái sử dụng bãi chôn lấp có trách nhiệm theo dõi biến động của môi trường tại các điểm quan trắc; đánh giá các yếu tố môi trường có liên quan; kiểm tra chặt chẽ các lỗ khoan thu hồi khí gas, khi nồng độ khí gas không lớn hơn 5% mới được tái sử dụng; thành lập lại bản đồ địa hình của khu vực bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và tiếp tục thực hiện việc xử lý nước rỉ rác, khí thải (nếu có) theo quy định trong thời gian chờ tái sử dụng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
2. Đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về chôn lấp, tiêu hủy rác thải tại các khu dân cư ở tỉnh Vĩnh Phúc
2.1. Những kết quả đạt được
Thứ nhất, nhiều văn bản của địa phương hướng dẫn thực hiện chôn lấp, tiêu hủy rác thải tại các khu dân cư đã được ban hành.
Trước yêu cầu cấp bách của quản lý chất thải nói chung và chôn lấp, tiêu hủy rác thải tại các khu dân cư nói riêng trên địa bàn tỉnh, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý chất thải tại tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng được ban hành, sửa đổi và hoàn thiện. Nhiều văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành quy định về quản lý chất thải trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được ban hành và triển khai áp dụng trên thực tế để tăng cường hiệu quả công tác quản lý chất thải nói chung và chôn lấp, tiêu hủy rác thải tại các khu dân cư nói riêng. Chẳng hạn như:
- Quyết định số 2418/QĐ-UBND ngày 18/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về đơn giá dịch vụ quan trắc và phân tích các chỉ tiêu môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;
- Quyết định số 465/QĐ-UBND ngày 01/02/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về phê duyệt mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Vĩnh Phúc;
- Quyết định số 55/QĐ-UBND ngày 22/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;
- Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 21/4/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;
- Ban hành 02 nghị quyết, 05 quyết định và 02 kế hoạch để cụ thể hóa pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 32/2019/QĐ-UBND ngày 02/8/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc hỗ trợ các tổ chức tự quản về môi trường và một số mức chi sự nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 27/8/2019 của Ủy ban nhân dân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc thực hiện xã đạt chuẩn nông thôn mới, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2019 - 2020…);
- Quyết định số 38/2022/QĐ-UBND ngày 15/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành một số quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;
- Quyết định số 3235/QĐ-UBND ngày 26/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng năm 2030.
Thứ hai, đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể để chôn lấp, xử lý rác thải đúng quy định.
Theo số liệu tại Báo cáo công tác bảo vệ môi trường tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022, đến nay, tỉnh đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 02 nhà máy xử lý rác thải (01 nhà máy ở thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương và 01 khu xử lý rác thải ở xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc). Ngoài ra, để xử lý rác thải tại các khu dân cư, việc đầu tư tài chính cho hoạt động này cũng đã được chú trọng. Chẳng hạn, với đơn giá xử lý 370.000 đồng/tấn rác thải sinh hoạt, trong năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Vĩnh Yên đã trích khoảng 17,016 tỷ đồng để xử lý số rác thải sinh hoạt. Trên địa bàn tỉnh, đa số các lò đốt rác thải quy mô cấp xã đã được đầu tư hiện đang hoạt động tốt, góp phần xử lý trong ngắn hạn nhu cầu bức xúc về xử lý rác thải của các địa phương.
Thứ ba, đã chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung và xử lý rác thải nói riêng.
Công tác này trong thời gian qua luôn được quan tâm thực hiện và đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường và xử lý rác thải của các cấp ủy Đảng, chính quyền các ban, ngành, đoàn thể đã được nâng cao; nhận thức của nhân dân trong tỉnh về công tác này cũng được nâng lên một bước. Vì vậy, người dân cũng đã nhận thức được mức độ ảnh hưởng của việc xử lý, tiêu hủy rác thải tại các khu dân cư tới môi trường sống của họ.
2.2. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
2.2.1. Tồn tại, hạn chế
- Về xử lý rác thải ở đô thị: Ở khu vực thành phố Vĩnh Yên, rác thải được thu gom, chôn lấp tại khu vực cạnh núi Bông, Phường Khai Quang. Khu vực này nằm trong vùng quy hoạch phát triển đô thị và không bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định. Ở khu vực thành phố Phúc Yên, do đến nay vẫn chưa bố trí được địa điểm xử lý nên phải tổ chức vận chuyển rác đến các địa bàn khác để xử lý.
- Việc xử lý rác thải ở khu vực nông thôn: Hầu hết mỗi xã, thị trấn hiện nay có trung bình từ một đến hai bãi rác thải để xử lý cho toàn xã, thậm chí có địa phương hình thành bãi rác theo từng thôn, khu dân cư.
2.2.2. Nguyên nhân
- Các nhà máy xử lý rác trên địa bàn tỉnh còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn: Thời điểm hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc mới có 02 nhà máy xử lý rác đi vào hoạt động tại huyện Tam Dương và nhà máy rác tại huyện Yên Lạc. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu sự đồng thuận của cộng đồng. Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc giao cho các huyện tự chủ trong việc xây dựng các nhà máy xử lý rác thải. Song, hoạt động này gặp khó khăn khi người dân mới nghe đến nhà máy rác là đồng loạt phản đối. Một số huyện như Vĩnh Tường, Lập Thạch chưa thuyết phục được người dân đồng thuận xây nhà máy rác. Nguyên nhân của tình trạng này là do người dân không quan tâm bất cứ điều gì liên quan đến công nghệ xử lý rác mà chỉ kiên quyết đưa ra yêu cầu không được đặt các điểm xử lý rác thải (bãi rác) tại địa bàn xã. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực này chưa thực sự nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp. Nhu cầu vốn đầu tư cho công tác chôn lấp, tiêu hủy rác thải tại các khu dân cư là rất lớn, trong khi đó các nguồn lực của tỉnh còn hạn chế. Việc thu hút đầu tư xã hội hóa và các nguồn lực khác còn khó khăn do sức hút về lợi nhuận trong lĩnh vực này còn chưa cao.
- Một số lò đốt rác không hoạt động hoặc gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động: Theo báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020, hiện có 03 trên tổng số 37 lò đốt rác đã được đầu tư không hoạt động do người dân phản đối không cho xe chở rác vào để đốt rác. Thêm vào đó, việc đầu tư lò đốt nhỏ chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt. Hiện nay, hầu hết các lò đốt đều đã xuống cấp, công nghệ thô sơ, lạc hậu và không đáp ứng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường[5]. Ngoài vấn đề tài chính, nguyên nhân của tình trạng này còn do đây là vấn đề lớn liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Trong khi đó, quan điểm nhận thức về lĩnh vực này của từng đối tượng chủ thể còn có sự khác nhau. Chi ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tăng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiều địa phương và bổ sung kinh phí hỗ trợ xử lý rác thải bằng lò đốt dẫn đến một số xã bố trí một số nội dung chi không đúng quy định.
- Còn tồn tại nhiều bãi rác tạm gây ô nhiễm môi trường: Thống kê của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, toàn tỉnh hiện có khoảng 232 bãi rác tạm với tổng diện tích hơn 31 ha. Các điểm tập kết rác thải tạm thời quy mô cấp xã (bãi rác tạm trong khi chưa có nhà máy xử lý tập trung) hầu hết chưa được đầu tư hạ tầng bài bản, có diện tích nhỏ hẹp, phân tán manh mún với hình thức chôn lấp đơn giản chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về điều kiện vệ sinh môi trường. Đa số các bãi rác được xây dựng và hoạt động từ giai đoạn 2014 - 2015 nên đến nay đã quá tải và đang trong tình trạng ô nhiễm gây bức xúc trong nhân dân.
- Tỷ lệ rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư được xử lý bằng phương pháp đốt còn hạn chế, chủ yếu là chôn lấp làm giảm đáng kể hiệu quả xử lý rác thải tại các khu dân cư: Xử lý chất thải bằng phương pháp thiêu đốt là một trong những hình thức xử lý chất thải giúp làm giảm bớt chất thải cho khâu xử lý cuối cùng là chôn lấp tro, xỉ. Năng lượng phát sinh trong quá trình thiêu đốt có thể tận dụng cho các lò hơi, lò sưởi hoặc các ngành công nghiệp cần nhiệt và phát điện. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê trong Báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc, tỷ lệ rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư được xử lý bằng phương pháp đốt mới chỉ đạt khoảng 25%, chủ yếu vẫn là xử lý bằng phương pháp chôn lấp chưa bảo đảm vệ sinh môi trường[6].
Như vậy, so với chôn lấp rác thải sinh hoạt, việc thiêu đốt rác thải có hiệu quả cao hơn nhưng lại được áp dụng khá hạn chế tại tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, đây cũng là tình trạng khá phổ biến tại nhiều địa phương trên phạm vi cả nước chứ không chỉ riêng tỉnh Vĩnh Phúc. Nguyên nhân của tình trạng này là xử lý rác thải tại các khu dân cư bằng nhiệt tuy rẻ hơn một số phương pháp xử lý rác khác nhưng lại đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu cho các lò đốt và hệ thống vận hành cao, nếu chỉ nhìn trong ngắn hạn thì đây là phương pháp xử lý không hiệu quả về mặt kinh tế. Trong điều kiện còn nhiều hạn chế về đầu tư tài chính, nguồn vốn và vấn đề thu hút đầu tư, việc áp dụng xử lý rác thải tại các khu dân cư bằng phương pháp nhiệt vẫn là “bài toán” rất nan giải.
Ngoài ra, để lý giải cho những hạn chế nêu trên trong thực tiễn áp dụng pháp luật về chôn lấp, tiêu hủy rác thải tại các khu dân cư tại tỉnh Vĩnh Phúc, còn phải kể đến một số nguyên nhân khác như:
- Việc triển khai các dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại các huyện, thành phố còn chậm dẫn đến tình trạng hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt toàn tỉnh còn manh mún, thiếu đồng bộ và không thể tổ chức phân loại rác thải tại nguồn được.
- Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một bộ phận doanh nghiệp, người dân còn chưa tốt, ý thức về bảo vệ môi trường, tinh thần chia sẻ khó khăn của một bộ phận cộng đồng dân cư về địa điểm đặt nhà máy xử lý rác thải còn hạn chế, chưa đồng tình ủng hộ[7].
- Bộ máy quản lý môi trường các cấp còn bất cập về năng lực chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, đặc biệt là các cấp cơ sở; phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong một số hoạt động còn chưa rõ ràng, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng trong việc xây dựng và giám sát thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường chưa cao.
- Công tác tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, chỉ đạo của cấp trên về bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém, hạn chế; việc cưỡng chế tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường còn yếu[8].
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về chôn lấp, tiêu hủy rác thải tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Một là, thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về chôn lấp, xử lý rác thải tại các khu dân cư thông qua việc hạn chế chôn lấp trực tiếp, đẩy mạnh việc thiêu đốt rác thải.
So với phương pháp chôn lấp, xử lý rác thải bằng phương pháp thiêu đốt có khá nhiều ưu điểm. Nếu đẩy mạnh hoạt động xử lý rác thải tại các khu dân cư bằng phương pháp thiêu đốt, có thể đem lại nhiều lợi ích, bao gồm:
- Tiết kiệm được chi phí: So với nhiều phương pháp xử lý rác thải tiên tiến khác, việc đốt các loại rác thải tiết kiệm hơn nhiều, đặc biệt là việc thu gom, tái chế rất tốn thời gian và tiền bạc. Trong khi các lò đốt hiện nay đã được cải tiến với công nghệ đốt mới, cho phép sử dụng ít hoặc gần như không sử dụng nhiên liệu đốt, công nghệ rác tự cháy bảo đảm nhiệt độ luôn duy trì ở mức cao khiến rác được nạp vào liên tục tự cháy.
- Tận dụng được lợi thế về nhân công: Nguyên lý cơ bản của tất cả phương pháp đốt chất thải rắn đều có hai đầu nạp rác và xả tro. Còn lại, các quá trình đốt hầu như tự động vận hành. Con người chỉ tiếp xúc trong quá trình nạp rác và xử lý tro nên ngoài việc dễ vận hành, các lò đốt rác sinh hoạt còn hạn chế tối đa việc con người tiếp xúc với rác thải trong quá trình xử lý và không đòi hỏi nhiều nhân công.
- Tận dụng được lợi thế dễ lắp đặt và tận dụng tro thải: Các lò đốt chất thải theo phương pháp đốt chất thải rắn thường có cấu tạo đơn giản, dễ thi công lắp đặt với nhiều loại công suất khác nhau (phục vụ cho nhu cầu xử lý rác lớn hay nhỏ). Bên cạnh đó, các lò đốt có thể được lắp đặt ngay tại nơi tập kết rác thải với diện tích không quá lớn, vì vậy, việc lựa chọn nơi đặt nhà máy xử lý cũng khá dễ dàng. Ngoài việc xử lý chất thải rắn, đây cũng là phương pháp có thể xử lý được cả vi khuẩn, vi trùng lây nhiễm, một trong những vấn đề nan giải trong xử lý rác thải bằng lò đốt rác và các trạm quan trắc tự động. Thêm vào đó, tro thải có thể được tận dụng để làm gạch xây nhà hoặc làm phân bón nên gần như có thể xử lý được triệt để rác thải.
Hai là, khắc phục các hạn chế hiện có đang làm cản trở hiệu quả áp dụng pháp luật trong lĩnh vực này tại địa phương.
Trong điều kiện hiện tại của địa phương, nên thực hiện một số biện pháp sau:
- Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại các huyện, thành phố nhằm khắc phục tình trạng manh mún, thiếu đồng bộ trong hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt toàn tỉnh.
- Chú trọng công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một bộ phận doanh nghiệp và cộng đồng. Đặc biệt, cần tuyên truyền để nâng cao tinh thần chia sẻ khó khăn của một bộ phận cộng đồng dân cư về địa điểm đặt nhà máy xử lý rác thải tại địa phương.
- Kiện toàn bộ máy quản lý môi trường các cấp về năng lực chuyên môn, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác quản lý, đặc biệt là các cấp cơ sở.
- Ban hành các quy định pháp luật về phân công, phân cấp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường một cách rõ ràng, vận động các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng tham gia xây dựng và giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung, pháp luật về xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng.
PGS.TS. Vũ Thị Duyên Thủy
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ đề tài cấp tỉnh: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp áp dụng pháp luật về xử lý rác thải tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”.
[2]. Xem: Khoản 5 Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
[3]. Xem: Khoản 1 Điều 60 Luật Bảo vệ mội trường năm 2020.
[4]. Xem: Điều 76 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
[5]. Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020.
[6]. Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
[7]. Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
[8]. Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc (2019), Báo cáo công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 386), tháng 8/2023)