1. Khái quát chung về chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại
Biện pháp tự vệ là một trong ba bộ phận cấu thành của biện pháp phòng vệ thương mại (bên cạnh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp). Theo đó, phòng vệ thương mại là các công cụ được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước tình trạng nhập khẩu gia tăng gây thiệt hại cho sản xuất trong nước[1]. Khác với hai biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, biện pháp tự vệ thường được coi như một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước trong trường hợp khẩn cấp nhằm hạn chế những tác động không thuận lợi gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu. Biện pháp tự vệ có thể được áp dụng kể cả khi các đối tác thương mại thực hiện kinh doanh một cách chính đáng, không có tình trạng bán phá giá hoặc trợ cấp. Chính vì vậy, biện pháp tự vệ được áp dụng một cách khắt khe hơn so với hai biện pháp còn lại[2].
Trong hoạt động thương mại toàn cầu, tình trạng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (trong đó có biện pháp tự vệ) thường xuyên xảy ra. Đây là hành vi nhằm trốn tránh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thực thi biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực đối với hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp này khi nhập khẩu vào lãnh thổ một quốc gia nào đó. Để tránh trường hợp đó xảy ra, pháp luật đã có những quy định về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại là một trong những hành vi trốn tránh việc thực thi phòng vệ thương mại. Do đó, có thể hiểu, lẩn tránh tự vệ thương mại là hành vi của chủ thể đáng ra bị áp dụng các biện pháp hạn chế hàng hóa vào thị trường của quốc gia sở tại do hàng hóa đó có: (i) Hàng hóa liên quan được nhập khẩu tăng đột biến về số lượng; (ii) Ngành sản xuất sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa đó bị thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng; (iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa hiện tượng nhập khẩu tăng đột biến và thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại nói trên. Tuy nhiên, chủ thể này lại tìm cách trốn tránh việc áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu của quốc gia sở tại thông qua các hành vi nhất định. Như vậy, lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại là hành vi thay đổi nguồn gốc hoặc loại hàng hóa để tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng, từ đó, làm giảm hiệu quả các biện pháp này.
Chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại được hiểu là các biện pháp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chống lại, đối kháng lại hành vi lẩn tránh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thực thi biện pháp tự vệ thương mại đang có hiệu lực đối với hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp này khi nhập khẩu vào lãnh thổ một quốc gia như: Áp dụng thuế tự vệ; áp dụng hạn ngạch nhập khẩu; áp dụng hạn ngạch thuế quan; cấp giấy phép nhập khẩu; các biện pháp tự vệ khác.
2. Thực trạng pháp luật Việt Nam về chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại
Hiện nay, pháp luật về phòng vệ thương mại các quốc gia đều nhấn mạnh rằng, khi tiến hành biện pháp tự vệ, mục tiêu của Chính phủ phải nhằm thúc đẩy điều chỉnh cơ cấu và khuyến khích chứ không hạn chế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Để đạt được mục đích đó, các biện pháp tự vệ chỉ áp dụng trong giai đoạn tạm thời để ngành sản xuất bị tác động tiến hành như những bước tự điều chỉnh đối với sự cạnh tranh phát sinh sau khi hủy bỏ các biện pháp ấy. Việc điều chỉnh diễn ra dưới dạng áp dụng công nghệ mới hoặc hợp lý hóa cơ cấu sản xuất. Các biện pháp tự vệ sẽ chỉ áp dụng ở mức độ cần thiết để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh và trên cơ sở không phân biệt đối xử với nhập khẩu từ mọi nguồn. Các hành động tự vệ được tiến hành như tăng thuế hay hạn chế định lượng nhập khẩu sẽ do cơ quan điều tra quyết định. Khi sử dụng những hạn chế về định lượng thì hạn ngạch có thể phân bổ giữa các nước cung cấp. Trong trường hợp này, từng hạn ngạch riêng được phân bổ có tham khảo ý kiến các nước cung cấp, trên cơ sở phần nhập khẩu của họ trong thời kỳ tiêu biểu trước đây. Trong việc phân bổ từng phần dựa trên cơ sở này, cũng sẽ xem xét thỏa đáng lợi ích của các nhà cung cấp mới. Trong trường hợp ngoại lệ, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại của WTO (GATT) cho phép các nước thành viên, xuất phát từ quy tắc không phân biệt đối xử và chỉ áp dụng hạn chế hạn ngạch với một hay nhiều nước khi nhập khẩu từ nước này tăng tỷ lệ phần trăm mất cân đối với tổng số tăng nhập khẩu của sản phẩm liên quan trong thời kỳ tiêu biểu. Để bảo đảm những hành động này chỉ tiến hành trong trường hợp ngoại lệ, Hiệp định GATT quy định những hành động này được tiến hành sau khi đã tham khảo ý kiến và được Ủy ban tự vệ phê duyệt.
Ở Việt Nam, pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp tự vệ được quy định tại Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại (Nghị định số 10/2018/NĐ-CP) và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Theo khoản 1 Điều 72 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (trong đó có biện pháp tự vệ) được hiểu là hành vi nhằm trốn tránh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thực thi biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại đang có hiệu lực đối với hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp này khi nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam. Đây là một định nghĩa tương đối rộng, tạo điều kiện cho Việt Nam có thể dễ dàng khởi xướng, điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại trên thực tế. Quy định này của Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 cũng cho thấy sự quan tâm của Nhà nước khi hướng đến hàng hóa nhập khẩu phải đi vào lãnh thổ của Việt Nam thì mới xem xét có hay không có hiện tượng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và biện pháp tự vệ nói riêng[3]. Những hành vi lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại được quy định cụ thể tại Điều 73 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP. Trong số toàn bộ các loại hàng hóa được Điều 73 Nghị định này liệt kê đối với hành vi mở rộng phạm vi áp dụng phòng vệ thương mại, có thể thấy, tiêu chí mà pháp luật Việt Nam quan tâm chính là nguồn gốc xuất xứ từ một quốc gia đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của hàng hóa đó hoặc hàng hóa nhập khẩu không có sự khác biệt đáng kể với hàng hóa đó nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam; hoặc thành phần để sản xuất ra hàng hóa nhập khẩu đó hay thành phần để sản xuất ra hàng hóa nhập khẩu tương tự với hàng hóa đó có nguồn gốc xuất xứ từ một quốc gia đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (trong đó có biện pháp tự vệ thương mại)[4].
Có thể nhận thấy, vấn đề chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại đã được quy định khá đầy đủ trong Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành chế định này còn có những hạn chế, bất cập nhất định:
- Nội dung các hành vi lẩn tránh quy định tại các điều 74, 76, 77 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP chưa bao gồm cả hành vi lẩn tránh biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại như pháp luật của nhiều nước phát triển;
- Pháp luật chưa quy định cụ thể các hành vi lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại của hai loại hàng hóa: (i) Hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được chuyển tải thông qua nước thứ ba; (ii) Hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được thay đổi hình thức kinh doanh và kênh phân phối để hưởng lợi từ mức áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thấp hơn mức đang áp dụng;
- Pháp luật chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam quy định một thời hạn điều tra chung cho các hành vi lẩn tránh biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại là chưa thực sự phù hợp bởi mỗi hành vi có phạm vi nội dung, mức độ rộng hẹp khác nhau;
- Chưa có sự đồng bộ trong việc quy định về cơ quan có thẩm quyền điều tra lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại: Thẩm quyền được giao cho Cục Phòng vệ thương mại theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại (Thông tư số 37/2019/TT-BCT); khoản 3 Điều 72 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 quy định: “Cơ quan điều tra có thể tiến hành điều tra hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại căn cứ vào yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước hoặc các thông tin mà cơ quan điều tra có được”; Điều 80 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định cơ quan điều tra tiến hành lập hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét quyết định điều tra. Như vậy, quy định tại khoản 3 Điều 72 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 dễ dẫn đến cách hiểu cơ quan điều tra có thể tự tiến hành điều tra mà không cần phải thông qua Bộ trưởng Bộ Công Thương. Điều này chưa đồng bộ với các quy định tại Nghị định số 10/2018/NĐ-CP và Thông tư số 37/2019/TT-BCT đã nêu.
3. Thực tiễn thực thi pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, tính đến tháng 12/2022, các nước trên thế giới đã tiến hành điều tra 225 vụ việc phòng vệ thương mại với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam[5]. Trước các vụ việc này, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài và đã đem lại những kết quả tích cực.
Tính đến năm 2023, Việt Nam chỉ mới thực hiện điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (cũng là vụ duy nhất liên quan đến biện pháp tự vệ) vào năm 2018. Ngày 26/7/2018, Bộ Công Thương Việt Nam ban hành quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép dây/thép cuộn nhập khẩu vào Việt Nam từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Đây là vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đầu tiên mà Việt Nam tiến hành. Vụ kiện này dựa trên nghi ngờ có hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại từ vụ kiện gốc có mã vụ việc là SG04, sau khi Việt Nam áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Ngày 13/5/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1230/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép dây, thép cuộn nhập khẩu vào Việt Nam. Biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung với mức thuế là 10,9% kể từ ngày 28/5/2019 đến hết ngày 21/3/2020 (nếu biện pháp tự vệ ban đầu không gia hạn)[6].
Thực tiễn thực thi pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại cũng cho thấy còn có những hạn chế, khó khăn nhất định. Cơ quan quản lý còn lúng túng trong quá trình thực thi pháp luật chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu[7]. Nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về các biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại nói riêng chưa đầy đủ và khả năng khởi kiện còn hạn chế. Các doanh nghiệp chưa thể chủ động trong việc sử dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của chính doanh nghiệp mình. Khả năng phát hiện và ứng phó kịp thời khi xuất hiện các dấu hiệu cho thấy cần phải áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại của cộng đồng doanh nghiệp còn chưa cao. Các doanh nghiệp còn lúng túng, thiếu kỹ năng trong việc chuẩn bị số liệu, thông tin để tiến hành các vụ việc phòng vệ thương mại[8]. Việc thu thập dữ liệu thông tin để yêu cầu khởi kiện điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại của các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn. Các thông tin liên quan đến nhập khẩu hàng hóa ở Việt Nam vẫn còn thiếu, không công khai, minh bạch, thông tin công khai từ các nguồn khác nhau lại không tương thích với nhau. Bên cạnh đó, nguồn lực tìm kiếm thông tin thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp còn hạn chế, việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp với nhau gần như chưa được thực hiện... Điều này khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng một bộ hồ sơ khởi kiện khi quyết định sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại nói riêng.
4. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại ở Việt Nam
Qua phân tích ở phần trên cho thấy, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện pháp luật phòng vệ thương mại của Việt Nam nói chung và chống lẩn tránh phòng vệ thương mại nói riêng (trong đó có biện pháp tự vệ thương mại) nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ, phù hợp và thống nhất với các cam kết quốc tế, cũng như đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về vấn đề này cho các chủ thể có liên quan.
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi lẩn tránh biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại.
Quy định về các hành vi lẩn tránh biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại là căn cứ để phát hiện, xác định và điều tra chống lẩn tránh các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại. Việc quy định không đầy đủ, rõ ràng các hành vi lẩn tránh có thể sẽ giới hạn việc điều tra, gây khó khăn cho cơ quan điều tra khi tiến hành, cũng như làm giảm hiệu quả tổng thể của biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại khi bỏ qua những trường hợp có thể mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại. Vì vậy, pháp luật Việt Nam cần bổ sung quy định tại Điều 74, Điều 76 và Điều 77 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP theo hướng bao gồm cả hành vi lẩn tránh biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại như cách quy định của pháp luật chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại một số quốc gia phát triển.
Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật hiệu quả, cũng như quy định rõ hơn về các điều kiện, tiêu chí xác định hành vi lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP cần sửa đổi, bổ sung theo hướng chuyển tải thông qua nước thứ ba như quy định của pháp luật chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại Úc. Theo đó, lẩn tránh biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại thông qua thay đổi hình thức kinh doanh và kênh phân phối để hưởng lợi từ mức áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại thấp hơn mức đang áp dụng như cách mà pháp luật chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại Úc quy định về xuất khẩu thông qua dàn xếp giữa các nhà xuất khẩu. Đồng thời, cần quy định cụ thể về vấn đề mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại đối với hành vi lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại thông qua việc làm rõ mức thuế áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn điều tra khác nhau cho các hành vi lẩn tránh biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại khác nhau phù hợp với tính chất của từng hành vi.
Hiện nay, pháp luật chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam quy định một thời hạn điều tra chung cho các hành vi lẩn tránh biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Úc… cho thấy, cần có quy định về thời hạn điều tra khác nhau cho các hành vi lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại khác nhau phù hợp với tính chất của từng hành vi. Do đó, cần nghiên cứu thực tiễn các nước và điều kiện ở Việt Nam để quy định các thời hạn điều tra khác nhau cho các hành vi khác nhau, phù hợp với tính chất của từng hành vi lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về cơ sở tiến hành điều tra hành vi lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Theo đó, cần sửa đổi Điều 72 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 để bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Pháp luật hiện nay quy định, Cục Phòng vệ thương mại chỉ có thể trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét quyết định điều tra hành vi lẩn tránh biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại nói riêng và biện pháp phòng vệ thương mại nói chung. Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ, cần sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 72 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 theo hướng: “Cơ quan điều tra kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương tiến hành điều tra hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại căn cứ vào hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại hợp lệ của đại diện ngành sản xuất trong nước hoặc các thông tin mà cơ quan điều tra có được.”
Thứ tư, các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại cho các chủ thể có liên quan:
- Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về nội dung các biện pháp phòng vệ thương mại; những hoạt động “tiền phòng vệ thương mại” nhằm thực thi hiệu quả các chính sách, biện pháp phòng vệ thương mại[9]. Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan cần thực hiện nghiêm túc và có sự giám sát việc thực hiện Quyết định số 2074/QĐ-BCT ngày 05/8/2020 của Bộ Công Thương ban hành Chương trình hành động thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”.
- Cần xây dựng các hiệp hội ngành hàng uy tín, mạnh về chất lượng[10]. Trong thực tế, các vụ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại có thể bắt đầu với bị đơn là một doanh nghiệp hoặc một vài doanh nghiệp. Vụ việc của họ gắn với lợi ích của một ngành hàng, gắn với nền sản xuất của cả nước. Do lợi ích chung như vậy, nên vai trò của các hiệp hội, các tổ chức đại diện doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh là rất lớn. Cần thực hiện cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua giám sát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu (kể cả tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh) các mặt hàng đang bị các đối tác kinh tế quan trọng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để đưa ra khuyến nghị kịp thời (theo Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”).
- Trong trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu gặp phải sự đối phó của phía nước ngoài bằng biện pháp tự vệ thì các doanh nghiệp cần[11]: (i) Có hiểu biết chung về biện pháp tự vệ, cũng như nhận biết về sự tồn tại của nguy cơ bị kiện tại các thị trường xuất khẩu và cơ chế vận hành của chúng, nhóm thị trường và mặt hàng thường bị kiện; (ii) Xây dựng chiến lược trong kinh doanh một cách cụ thể và bài bản. Cần phải tính đến khả năng bị kiện khi xây dựng chiến lược xuất khẩu hàng hóa của mình để có kế hoạch chủ động phòng ngừa và xử lý khi không phòng ngừa được, ví dụ như: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phát triển quá nóng một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, tiến tới giảm dần cạnh tranh bằng giá rẻ… (iii) Tích cực hợp tác khi vụ kiện xảy ra. Phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp có cùng mặt hàng xuất khẩu để có chương trình, kế hoạch đối phó chung đối với các vụ kiện có thể xảy ra; sử dụng các chuyên gia tư vấn và luật sư trong những tình huống cần thiết và thích hợp; giữ liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước về thương mại để các cơ quan này có tiếng nói bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho doanh nghiệp, kể cả việc đàm phán các hiệp định có cam kết không áp dụng hoặc hạn chế áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa của nhau, bày tỏ quan điểm đối với các nước áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa của Việt Nam, yêu cầu có bồi thường quyền lợi thương mại khi có việc nước khác áp dụng biện pháp tự vệ[12].
TS. Trần Viết Long
Trường Đại học Luật - Đại học Huế
[1]. Uyên Chi (2022), Hệ thống pháp luật quy định về phòng vệ thương mại tại Việt Nam, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/he-thong-phap-luat-quy-dinh-ve-phong-ve-thuong-mai-tai-viet-nam-101629.htm, truy cập ngày 10/9/2023.
[2]. Phạm Nguyệt Hằng, Biện pháp tự vệ trong phòng vệ thương mại, https://moj.gov.vn/qt/cacchuyenmuc/pldn/Pages/pho-bien-pl-doanh-nghiep.aspx?ItemID=26, truy cập ngày 10/9/2023.
[3]. Lâm Hồng Loan Chị, Nguyễn Hoàng Thiện (2022), Pháp luật Việt Nam về chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện, Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế, Trường Đại học Tây Đô, số 15, tr. 154 - 165.
[4]. Lâm Hồng Loan Chị, Nguyễn Hoàng Thiện (2022), tlđd.
[5]. Đăng Huy (2022), Tăng cường rà soát, hoàn thiện pháp luật về phòng vệ thương mại, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tang-cuong-ra-soat-hoan-thien-phap-luat-ve-phong-ve-thuong-mai-102105.htm, truy cập ngày 10/9/2023.
[6]. Xem thêm nội dung vụ điều tra tại: Thép dây, thép cuộn - Việt Nam điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (AC01.SG04), https://chongbanphagia.vn/thep-day-thep-cuon-viet-nam-dieu-tra-ap-dung-bien-phap-chong-lan-tranh-bien-phap-phong-ve-thuong-ma-n18059.html, truy cập ngày 10/9/2023.
[7]. Xem các thông tin tại: Viết Đoàn, Chí Kiên, Duy Tấn (2021), Người trồng mía kêu cứu, https://nhandan.vn/nguoi-trong-mia-keu-cuu-post641315.html, truy cập ngày 10/9/2023; https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Quyet-dinh-1514-QD-BCT-2022-chong-lan-tranh-bien-phap-phong-ve-thuong-mai-duong-mia-524444.aspx, truy cập ngày 10/9/2023; Đường mía - Việt Nam điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (AC02.AD13-AS01), https://chongbanphagia.vn/duong-mia—viet-nam-dieu-tra-chong-lan-tranh-bien-phap-phong-ve-thuong-mai-ac02ad13-as01-n24068.html, truy cập ngày 10/9/2023.
[8]. Xem hồ sơ vụ điều tra tại: Sợi dài làm từ polyester - Việt Nam điều tra chống bán phá giá (AD10), https://chongbanphagia.vn/soi-dai-lam-tu-polyester—viet-nam-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-ad10-n20908.html, truy cập ngày 10/9/2023.
[9]. Trương Vĩnh Xuân, Nguyễn Việt Anh (2020), Nâng cao hiệu quả thực hiện quy định của pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 21 (421), tr. 11 - 19.
[10]. Trương Vĩnh Xuân, Nguyễn Việt Anh (2020), tlđd.
[11]. Khôi Nguyên (2009), Biện pháp tự vệ trong thương mại quốc tế, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=1091, truy cập ngày 10/9/2023.
[12]. Hoàng Phương (2022), Ứng phó với phòng vệ thương mại và vai trò của doanh nghiệp, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ung-pho-voi-phong-ve-thuong-mai-va-vai-tro-cua-doanh-nghiep-102065.htm, ngày 26/12/2022, truy cập ngày 10/9/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 393), tháng 11/2023)