Tại phiên họp, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, thành phố Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, trọng điểm phát triển kinh tế (đặc biệt là kinh tế biển) của khu vực Bắc Bộ và cả nước; trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế; nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh
Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế thành phố phát triển toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng chuyển dịch theo đúng định hướng. Thành phố Hải Phòng đã khẳng định được vị thế của thành phố quan trọng trong nước và quốc tế; hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư, có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại. Văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ có bước phát triển mới, đạt nhiều kết quả quan trọng, dần khẳng định là một trung tâm của vùng duyên hải Bắc Bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố được sắp xếp, tinh gọn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt vai trò kiến tạo, phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố Hải Phòng còn gặp khó khăn, vướng mắc trong mô hình quản lý hiện nay. Cơ chế, chính sách phân cấp giữa Trung ương và thành phố Hải Phòng; giữa các cấp chính quyền của thành phố còn nhiều bất cập, đặc biệt là các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách; quy hoạch; kế hoạch đầu tư; tổ chức bộ máy; xây dựng và quản lý đô thị… Mô hình tổ chức chính quyền của thành phố chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc quản lý một đô thị lớn; tính tự chủ, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra đối với chính quyền các cấp còn hạn chế; chưa tạo được sự chủ động cho thành phố trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển, phục vụ nhân dân và yêu cầu phát triển đô thị hiện đại, văn minh…
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản trị, điều hành của chính quyền thành phố Hải Phòng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đô thị lớn trong giai đoạn tới, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc của tổ chức chính quyền thành phố hiện nay, tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh và bền vững thì việc xây dựng trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng là cần thiết.
Để tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo thuận lợi cho việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, đảm bảo Thành phố có thể hoàn thành nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, Dự thảo Nghị quyết đề xuất 11 chính sách cụ thể về: (i) Tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; (ii) Hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng theo hướng tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách; (iii) Hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân thành phố Thủy Nguyên: Tăng thêm 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố; thành lập thêm Ban Đô thị của Hội đồng nhân dân thành phố và tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách để bố trí các chức danh Trưởng ban, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Đô thị; (iv) Hoàn thiện cơ cấu của Ủy ban nhân dân quận, phường; (v) Số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng và các phường; (vi) Hoàn thiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền khi tổ chức chính quyền đô thị; (vii) Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành chuyên môn; (viii) Hoàn thiện cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập; (ix) Thực hiện thống nhất, liên thông một chế độ công vụ đối với cán bộ, công chức cấp xã; (x) Hoàn thiện thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trong việc ủy quyền; (xi) Hoàn thiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền trong quản lý đầu tư công.
Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về mô hình tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bỏ nội dung tại điểm d khoản 1 Điều 3 Dự thảo Nghị quyết quy định về quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C do quận, phường quản lý để phù hợp với Luật Đầu tư công đang được sửa đổi; cân nhắc bỏ nội dung quy định ủy viên hoạt động chuyên trách được hưởng lương theo quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức, được hưởng phụ cấp chức vụ bằng chức danh trưởng phòng cấp sở và các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật tại khoản 2 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo; cân nhắc, bổ sung quy định đáp ứng điều kiện về vị trí việc làm đối với công chức cấp xã để phù hợp với điều khoản chuyển tiếp của Dự thảo Nghị quyết; rà soát về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp của Dự thảo Nghị quyết để đồng bộ với Luật Đất đai năm 2024 vì Luật Đất đai năm 2024 đã quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp; rà soát các quy định của Dự thảo Nghị quyết và thời gian ban hành Nghị quyết để tránh chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật đang được xây dựng và sửa đổi, bổ sung...
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, đồng thời nhất trí đối với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về mô hình tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc về quy mô của thành phố Hải Phòng trong Dự thảo Nghị quyết; ngoài ra cần bám sát Dự thảo Luật đầu tư công (sửa đổi) để tránh trùng lắp trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết; về thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng cần rà soát để phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương... cùng với đó, tiếp thu tối đa các ý kiến của Hội đồng thẩm định để sớm chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết để sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024)./.
Hoàng Trung