1. Vài nét về ngày Quốc tế Phụ nữ, phong trào nữ quyền và sự vinh danh trí tuệ phụ nữ ở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)
Năm 1910, bà Frau Clara Zetkin, đảng viên cộng sản đồng thời là nhà nữ lãnh đạo nổi tiếng của Đảng Cộng sản Đức, đã đưa ra gợi ý được chấp nhận trong một hội nghị của hơn 100 phụ nữ đến từ 17 quốc gia rằng, cần có một ngày Quốc tế phụ nữ trên toàn thế giới nhằm đấu tranh cho các yêu cầu của nữ giới - để từ đó ngày Quốc tế phụ nữ đầu tiên trên thế giới đã được tổ chức tại bốn quốc gia là Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sỹ vào ngày 19/03/1911, sau đó, từ năm 1913, được chuyển sang ngày 08/03 và ngày càng được tổ chức rộng rãi khắp toàn cầu, các bà, các mẹ, các chị và tất cả phụ nữ trên toàn thế giới đã có một ngày của riêng mình từ hơn một thế kỷ nay[1].
Đi trước hơn nửa thế kỷ so với các mốc thời gian kể trên, các phong trào nữ quyền với yêu cầu bình đẳng giữa hai giới nam - nữ trong mọi lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị trên thế giới, nhìn chung được bắt đầu từ nửa sau của thế kỷ XIX. Về mặt lịch sử, điểm qua các phong trào nữ quyền hiện đại, đa số các ý kiến đều cho rằng đã có ba “làn sóng” của phong trào này kéo dài cho tới ngày nay với các mục tiêu luôn mang tính hỗ trợ, kết nối và mở rộng từ làn sóng trước đến các làn sóng sau[2]. Về căn bản, khởi đầu từ hai nước Anh và Hoa Kỳ từ những năm 1830 kéo dài cho đến đầu thế kỷ 20, phong trào phụ nữ đòi các quyền về tài sản, quyền về ký kết hợp đồng, quyền bỏ phiếu và các cơ hội khác bình đẳng như nam giới được trải rộng. Ở Anh, điều này dẫn đến kết quả Nghị viện Anh đã thông qua một đạo luật vào năm 1918 (the Representation of the People Act 1918) cho phép phụ nữ trên 30 tuổi có nhà riêng được quyền bỏ phiếu và 10 năm sau (năm 1928) quyền này được áp dụng cho mọi phụ nữ ở độ tuổi từ 21 trở lên. Còn ở Hoa Kỳ, kết quả của phong trào đã dẫn đến sự sửa đổi lần thứ 19 Hiến pháp năm 1787, ghi nhận và thực hiện quyền bầu cử của phụ nữ ở tất cả các bang kể từ năm 1920.
Tiếp đó, giai đoạn hai diễn ra từ những năm 60 cho tới những năm 80 của thế kỷ XX, phong trào nữ quyền lan tỏa ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác với các mục tiêu được mở rộng và phát triển hơn nữa, bao gồm các quyền bình đẳng về dân sự (trong đó có các yêu cầu về quyền bình đẳng cho phụ nữ da màu và quyền tham gia tuần hành chống chiến tranh xâm lược Việt Nam), quyền sinh sản (trong đó có các đòi hỏi về quyền tránh thai và quyền phá thai) và quyền được tuyển dụng ngang hàng, bình đẳng của phụ nữ trước nam giới. Cho đến gần đây nhất, sự phát triển của phong trào nữ quyền ở giai đoạn thứ ba tính từ những năm 1990 cho đến nay đã trở nên ngày càng lan tỏa hơn cùng với sự mở rộng và phát triển thêm nhiều quyền khác như quyền đòi hỏi được đối xử ngang bằng về tình dục và giới tính của phụ nữ so với nam giới, như các quyền liên quan đến việc được nhận thức và được giáo dục về căn bệnh thế kỷ AIDS, quyền không bị lạm dụng tình dục, quyền về tính dục của những người đồng tính, bên cạnh tính chất ngày càng cấp tiến hơn của các quyền liên quan đến bầu cử, đến tự do hành xử, đến học thuật...
Một trong những nội dung của các phong trào nữ quyền kể trên gắn với các yêu cầu, đòi hỏi về học thuật, việc làm và tuyển dụng cần phải thực sự được đối xử ngang bằng, bình đẳng như nhau giữa nam giới và nữ giới. Phần nào gắn với kết quả của phong trào mà lần đầu tiên trong thế giới hiện đại, vào năm 1847, bà Elizabeth Blackwell (1821-1910) - người phụ nữ trẻ đã giành được sự cho phép vào học tại một đại học y khoa ở Hoa Kỳ, để rồi ít năm sau đó, bà cũng trở thành người phụ nữ đầu tiên được nhận tấm bằng bác sỹ ở Hoa Kỳ, người phụ nữ đầu tiên được đăng ký hành nghề bác sỹ ở Anh, đồng thời là một nhà giáo dục uy tín với nhiều thành tựu được ghi nhận trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và xã hội[3].
Như một sự tiếp nối các thành tựu xuất sắc này của một người phụ nữ, thành tựu trí tuệ của nhiều phụ nữ khác trên thế giới với các kết quả lao động sáng tạo và tài năng của họ thực sự không thua kém gì so với nam giới xung quanh hoạt động của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) - theo tên gọi và nhiều sáng kiến hoạt động của tổ chức này gần đây được xác định gắn bó chặt chẽ với các mục tiêu về bình đẳng giới. Về lịch sử, WIPO chính thức được thành lập và hoạt động kể từ ngày 14/07/1967, sau đó gia nhập và trở thành một trong những cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc từ năm 1974. Tính đến nay (02/2017), đã có 189 quốc gia trên thế giới là thành viên của WIPO và Việt Nam gia nhập, trở thành thành viên của WIPO từ năm 1976[4]. Trong quá trình hoạt động của mình, WIPO thừa nhận có sự đóng góp to lớn của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo trí tuệ. Ở đây, tên tuổi của nhiều phụ nữ với thành quả trí tuệ nổi tiếng toàn cầu được trân trọng lưu nhắc, giữ gìn như trường hợp nhà bác học Marie Curie (1867 - 1934) - người phụ nữ đầu tiên và cũng là người phụ nữ duy nhất trên thế giới cho đến nay hai lần nhận giải Nobel cho các thành tựu nghiên cứu khoa học xuất chúng của mình, hay trường hợp nhà nữ hóa học Stephanie Kwolek (1923 - 2014) - tác giả của hàng chục sáng tạo được cấp bằng độc quyền sáng chế trong đó có những sáng chế đặc biệt nổi tiếng như sáng chế tạo ra nguyên liệu dệt Kevlar, một loại nguyên liệu chịu nhiệt, chịu lửa có sức bền và sức mạnh gấp nhiều lần so với thép đã được sử dụng trong việc sản xuất các loại giáp chống đạn[5]… Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của mình, WIPO cũng thừa nhận, dù trên thế giới ngày nay ở nhiều nước đã ngày càng có nhiều phụ nữ tốt nghiệp đại học hơn so với nam giới, vẫn còn đó một khoảng trống rất khó được san bằng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo trí tuệ khi so sánh giữa phụ nữ và nam giới. Chẳng hạn, mặc dù số liệu hay việc thống kê còn chưa được thực hiện ở nhiều quốc gia, kết quả điều tra năm 2005 cho thấy, tỷ lệ các tác giả nữ công bố kết quả nghiên cứu khoa học so với các tác giả nam là 24,1% ở Hoa Kỳ và 19,2% ở Đức, tuy nhiên, tỷ lệ này giữa nam và nữ trong các sáng tạo được cấp bằng độc quyền sáng chế còn thấp hơn rất nhiều, chỉ là 8,2% ở Hoa Kỳ và 4,9% ở Đức đối với phụ nữ[6]. Một phần vì lý do này, WIPO đã đồng thời cam kết thúc đẩy các hoạt động mang tính bình đẳng giới và tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy được sức mạnh sáng tạo của họ xung quanh môi trường hoạt động của tổ chức, cũng như trong sự phát triển của sáng tạo trí tuệ thế giới.
Thực hiện cam kết nêu trên, WIPO đã đưa ra nhiều sáng kiến và thực hiện nhiều chương trình hành động cụ thể. Có thể xem như khởi đầu từ Hội nghị quốc tế về cách tân và sáng tạo của phụ nữ (International Conference on Innovation and Creativity of Women)[7] nhưng căn bản dựa vào chính sách bình đẳng giới được thông qua từ năm 2014 nhằm nhất thể hóa yếu tố giới, hay sự bình đẳng nam nữ, trong các chính sách và chương trình, thủ tục làm việc của mình - đặc biệt khi các nội dung này liên quan đến vấn đề sử dụng nguồn lực con người, trong đó có việc tuyển dụng nhân lực nữ - tính đến hết năm 2016 vừa qua, WIPO đã lần lượt tổ chức khá nhiều hoạt động liên quan đến phụ nữ. Trong khuôn khổ các hoạt động này, có thể nhắc đến Hội nghị về bóng dệt (dành cho các nữ nghệ nhân) tổ chức tại Kenya trong hai ngày 17-18/02/2016; Tọa đàm quốc tế về các nhà nữ sáng chế và các chủ doanh nghiệp nữ tổ chức tại Hàn Quốc trong ba ngày 19-21/05/2015; Tháng tài sản trí tuệ phụ nữ (17/3/2015); Hội thảo chuyên đề: “Tài sản trí tuệ có thể hiện giới tính không?” được tổ chức tại Thụy Sỹ ngày 03/12/2014; Chương trình giáo dục quốc tế về ý tưởng, sáng chế, sáng tạo và tài sản trí tuệ năm 2014...
Tương ứng với dòng hoạt động kể trên, trong hai năm 2014 và 2015, WIPO đã lần đầu tiên tổ chức thăm dò ý kiến, trên cơ sở đó đã vinh danh 09 gương mặt phụ nữ tiêu biểu với các thành quả lao động sáng tạo trí tuệ có tính ứng dụng cao trong nhiều lĩnh vực của đời sống của họ. Tất cả 09 người phụ nữ này đều đến từ các nền kinh tế đang phát triển (gồm Honduras, Madagascar, Sri Lanka, Uganda, Uruguay, Nga, Chile và Tunisia) với thành tựu của từng người theo thứ tự sắp xếp bởi WIPO xin được tóm lược ngắn gọn sau đây[8]:
(i) Yeny Carolina Carías đến từ Honduras: Kết quả sáng tạo được WIPO vinh danh của Yeny Carolina Carías là một loại phần mềm được thiết kế đặc biệt nhằm dành riêng cho việc giảng dạy sinh viên và những người học khiếm thính khác (hearing-impaired students). Có hai đặc tính quan trọng gắn với sáng tạo của cô. Thứ nhất, nó thuộc một lĩnh vực hầu như chỉ toàn thấy có sự tham gia của nam giới và thứ hai, nó mang tính nhân văn sâu sắc.
(ii) Claudine Aimee Rasolohery đến từ Madagascar: Vốn là một nữ sơ sống và làm việc trong một tu viện với sự sẻ chia và tình yêu thương luôn dành cho những người kém may mắn trong cuộc đời, sáng tạo được vinh danh của bà gắn với việc bà đã phát triển và ứng dụng thành công một phương pháp sử dụng thảo dược điều bệnh huyết áp cao (plant-based treatments for high pressure) và nhiều chứng đau nan y khác cho các bệnh nhân. Cũng với sáng tạo này, trong năm 2014, bà Claudine Aimee Rasolohery đã giành được một giải thưởng xứng đáng khác từ chính quyền chính nơi quê hương của bà.
(iii) Tiến sỹ Nilwala Kottegoda đến từ Sri Lanka: Nilwala Kottegoda tốt nghiệp và nhận bằng tiến sỹ hóa vật liệu (Materials Chemistry) từ Đại học Cambridge năm 2006. Nhiều công trình nghiên cứu của bà gắn với công nghệ nano (nanotechnology) - ngành công nghệ nghiên cứu vật chất ở kích thước cực kỳ nhỏ, với độ dài của một nanomet (hay nanometer) chỉ bằng một phần tỷ mét (hay meter) hay một phần triệu milimet (hay millimeter)[9]. Kết quả sáng tạo của bà được WIPO vinh danh được xác định có hiệu quả rất tích cực đối với môi trường, do chúng có tác dụng làm chậm lại quá trình phân giải hay giải phóng các loại hóa chất được sử dụng trong phân bón hóa học được dùng trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường vốn đã và đang ô nhiễm nặng nề ở các nước đang phát triển nói chung. Cũng với công trình nghiên cứu này, Nilwala Kottegoda đã được trao giải thưởng Nhà Khoa học trẻ (Young Scientists Award) bởi Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba (Third World Academy of Science)[10].
(iv) Rose Twine đến từ Uganda: Rose Twine là người đã sáng tạo ra một loại hệ thống bếp sinh thái đặc biệt chuyển hóa năng lượng mặt trời thông qua việc hun nóng nguyên liệu đá tạo thành nguồn năng lượng sử dụng trong nhà bếp cùng nhiều ứng dụng thông thường khác. Tên của loại bếp này (EcoStove) cũng chính là tên của công ty nơi Rose và các đồng nghiệp của cô cùng nhau làm việc, nghiên cứu, sáng tạo, đồng thời đã và đang khai thác khá thành công giá trị thương mại của sản phẩm ở hai nước Anh và Uganda[11].
(v) Victoria Alonso Perez đến từ Uruguay: Victoria Alonso Perez đã thành công trong việc tạo ra và phát triển một hệ thống phương pháp mới, gọi là Chipsafer, sử dụng trong việc phát hiện và kiểm soát bệnh sốt cao ở trâu bò. Chipsafer có ý nghĩa rất lớn ở một đất nước như Uruguay, nơi chăn nuôi trang trại được xem là một trong những ngành kinh tế nông nghiệp quan trọng hàng đầu và trận dịch sốt trâu bò gây bệnh “lở mồm long móng” trong năm 2001 từng gây thiệt hại khá lớn và đe dọa nền kinh tế quốc gia này. Liên quan đến sáng tạo của mình, Victoria khiêm tốn thừa nhận cô đã có được sự góp ý và giúp đỡ quý báu của nhiều nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Kennedy thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ở Florida trong thời gian cô đang làm trợ giảng ở Đại học Không gian Quốc tế, do vậy đã có cơ hội để được làm việc với các nhà khoa học tài năng ở Trung tâm Kennedy[12]. Trong thực tế, với Chipsafer, Victoria còn giành được nhiều vinh danh khác, bao gồm giải thưởng cuộc thi Nhà Sáng tạo trẻ năm 2012 do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) tổ chức; Giải thưởng khởi nghiệp sáng tạo nhất châu Mỹ La Tinh và Vùng Caribbean năm 2014 của Ngân hàng Phát triển Liên hợp Châu Mỹ và Giải thưởng Nhà sáng tạo 2014 của Tạp chí Công nghệ MIT. Victoria cũng là người từng giành giải thưởng tài năng nhất trong cuộc thi Nhà Sáng chế trẻ do WIPO tổ chức năm 2013[13].
(vi) Marina Myagkova đến từ nước Nga: Sáng tạo được vinh danh ở WIPO của bà Marina Myagkova là một phương pháp mới gắn với việc sử dụng các thiết bị tương ứng nhằm phát hiện chính xác bệnh nhân hay bất kỳ người nào có liên quan khác, có lạm dụng hay sử dụng ma túy, thuốc gây mê, gây ngủ hoặc các loại thuốc kích thích khác hay không trong một giai đoạn kéo dài từ 02 đến 04 tháng. Điều đặc biệt khi sử dụng phương pháp của bà là người ta có thể kết luận về sự lạm dụng ma túy hay các chất kích thích khác, khi mà hoạt chất của các chất đã sử dụng cũng như của các chất đã chuyển hóa đã không còn được lưu giữ trong cơ thể người cần xét nghiệm hay kiểm tra nữa, vì vậy rất hữu ích không chỉ trong ngành y tế mà còn trong các hoạt động phòng chống tội phạm có liên quan[14].
(vii) & (viii) Ximena Munoz Abogabir và Carmen Cecilia Carreño Suazo đến từ Chile: Trong số 09 người phụ nữ được vinh danh bởi WIPO, Ximena Munoz Abogabir và Carmen Cecilia Carreño Suazo đều đến từ đất nước Chile. Sáng tạo của Ximena Munoz Abogabir, được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ cấp bằng độc quyền sáng chế ngày 09/06/2009, là một hệ thống máy chiếu sáng mà khi được sử dụng thì tạo nên một vùng băng rôn không gian ánh sáng vô cùng sinh động với đủ các loại màu sắc và hình ảnh như được thiết kế[15]. Cùng đến từ Chile như Ximena Munoz Abogabir, sáng tạo của Carmen Cecilia Carreño Suazo thuộc lĩnh vực công nghệ xanh, còn gọi là công nghệ sạch hay công nghệ thân thiện môi trường. Đó là một hệ thống máy móc khá tinh gọn, khi vận hành có tác dụng nghiền nát các loại chai lọ thủy tinh đã qua sử dụng như các loại chai bia, rượu, nước giải khát, từ đó có thể trực tiếp dùng làm nguyên liệu cho ngành sản xuất các sản phẩm tái sinh tương ứng[16].
(ix) Tiến sỹ Guizani Ikram đến từ Tunisia: Người phụ nữ cuối cùng trong danh sách 09 người phụ nữ được vinh danh bởi WIPO là tiến sỹ Guizani Ikram đến từ đất nước Tunisia. Bà là nhà dịch tễ học và nhiễm trùng học nổi tiếng quốc gia và quốc tế - đặc biệt trong lĩnh vực liên quan đến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - từng công bố 66 ấn phẩm khoa học với con số trích dẫn khoa học đã lên đến 602 lần[17]. Sáng tạo được vinh danh của Guizani Ikram ở WIPO gắn với chất Leishmania infantum polypeptide, một loại hợp chất có cấu trúc chuỗi gồm ít nhất 10 axit amin sử dụng trong việc chuẩn đoán các bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng sau khi bệnh nhân bị cắn và truyền chất xúc tác bởi một loại ruồi truyền nhiễm trung gian nguy hiểm[18].
2. Vài nét về phụ nữ Việt Nam và sức mạnh, trí tuệ phụ nữ Việt Nam
Vì nhiều lý do khác nhau mà trong số những người phụ nữ được vinh danh bởi WIPO không có gương mặt phụ nữ Việt Nam nào. Tuy nhiên, liên quan đến phong trào nữ quyền, Việt Nam là một đất nước vốn có truyền thống coi trọng vai trò của người mẹ, người vợ trong gia đình. Ở đây, cũng không thể không nhắc đến ý thức dân tộc quật cường, tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Nữ tướng Bùi Thị Xuân… cùng các chiến công hiển hách của họ trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước. Thường ngày, chúng ta vẫn ngân nga những câu ca dao như “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; những câu thành ngữ như “Lệnh ông không bằng cồng bà”, “Tam nam bất phú, tứ nữ bất bần” hay với những cách gọi tên đặc biệt như trường hợp tên của sông Hồng - con sông lớn nhất, rộng nhất, dài nhất miền Bắc còn được gọi là sông Cái, đôi đũa cả lớn nhất dùng để ghế cơm trong bữa ăn gia đình hàng ngày còn được gọi là đũa cái, cái trống đại lớn nhất trong một bộ trống còn được gọi là trống cái... Cùng với nhiều nét cư xử rất đặc biệt khác đối với phụ nữ trong quan hệ gia đình, truyền thống Việt Nam đã từng làm ngạc nhiên nhiều học giả nước ngoài vốn quen thuộc với các nền văn hóa phương Tây không chỉ là nguồn cội của biết bao tiến bộ, phát triển văn minh vật chất của loài người, mà còn là nơi xuất phát của các phong trào nữ quyền, cũng như vốn quen thuộc với nhiều nền văn hóa khác vốn có truyền thống ít coi trọng phụ nữ[19].
Tiếp nối và phát huy truyền thống đó, ngay từ Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng, Bác Hồ đã xác định rõ nhiệm vụ của cách mạng không chỉ là giành lại độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho nông dân nghèo, các sản nghiệp lớn cho công nhân, các quyền tự do dân chủ cho nhân dân, mà còn nhằm thực hiện “nam nữ bình quyền”[20]. Sau ngày Cách mạng Tháng 8 thành công, tinh thần và nguyên tắc “nam nữ bình đẳng” với các quyền quan trọng về chính trị - xã hội và trong nhiều lĩnh vực khác của người phụ nữ Việt Nam đã liên tục được Đảng và Nhà nước công nhận và thể hiện tại nhiều văn bản với các quy định rõ ràng như tại Sắc lệnh số 14 ngày 18/9/1945: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử...” hay tại Điều thứ 9 Hiến pháp năm 1946: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”...
Cho đến nay, chúng ta đã có nhiều gương mặt phụ nữ Việt Nam “ngang quyền, chẳng kém tài” so với nam giới, minh chứng cho điều này, xin được nhắc đến lĩnh vực khoa học tự nhiên - một lĩnh vực thường ít có sự tham gia của phụ nữ với Quỹ Giải thưởng quốc tế Kovalevskaya - giải thưởng cao nhất dành cho các nhà khoa học nữ Việt Nam trong mục tiêu chung của Quỹ nhằm hỗ trợ và tôn vinh các nhà khoa học nữ ở 08 quốc gia đang phát triển trên thế giới gồm Peru, El Salvador, Nicaragua, Mexico, Cuba, Nam Phi, Mozambic và Việt Nam[21]. Đây là giải thưởng quốc tế mang tên nhà nữ toán học nổi tiếng người Nga Sofya Vasilyevna Kovalevskaya (1850 - 1891) - người mà trong thời kỳ châu Âu hiện đại, vừa là người phụ nữ đầu tiên nhận bằng tiến sỹ toán học, vừa là người phụ nữ đầu tiên có tên trong hội đồng biên tập của một tạp chí khoa học tự nhiên, cũng vừa là người phụ nữ đầu tiên với tài năng xuất chúng của mình, được phong hàm giáo sư toán học[22]. Kể từ khi bắt đầu có giải thưởng mang tên nhà nữ khoa học nổi tiếng thế giới kể trên vào năm 1985, đã có nhiều nhà khoa học nữ Việt Nam nhận giải thưởng này như GS.TS. Võ Hồng Anh - nhà khoa học toán lý nổi tiếng quốc gia và quốc tế nhận giải thưởng năm 1988; PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm - nhà sinh học suốt đời vì các giống lúa lai Việt Nam nhận giải thưởng năm 2000[23]. Gần đây nhất, vào ngày 06/3/2016, giải thưởng Kovalevskaya năm 2015 đã được trao cho PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà thuộc Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam và TS.BS. Phạm Thị Ngọc Thảo thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh với các thành tích nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn xuất sắc của mình[24].
Tỏa sáng trên phạm vi quốc tế gần đây nhất, lần đầu tiên người ta đọc tên của một nhà khoa học nữ Việt Nam, TS. Trần Hà Liên Phương - giảng viên Khoa Công nghệ y sinh thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh - sánh ngang với tên của 14 nhà khoa học nữ đầy tiềm năng đến từ 13 quốc gia khác gồm Ai Cập, Brazil, Pháp, Malaysia, Canada, Australia, Mexico, Nam Phi, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Lebanon và Chile để nhận giải thưởng Tài trợ tài năng quốc tế năm 2015 do UNESCO và Tập đoàn L’Oréal nổi tiếng đồng tổ chức cho công trình nghiên cứu về hệ mixen chứa fucoidan trong ứng dụng điều trị và hỗ trợ quan sát mô ung thư tại Việt Nam của mình[25].
Như vậy, chúng ta có thể tự hào về truyền thống và sức mạnh quả cảm, cũng như về sức mạnh và thành tựu nghiên cứu khoa học, sáng tạo trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay, bên cạnh truyền thống tốt đẹp luôn coi trọng phụ nữ trong gia đình. Cùng với trào lưu thời đại, khi mà Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã tạo cơ sở pháp lý vững vàng và điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, thì rõ ràng mỗi người trong số chúng ta đều có thể hy vọng càng ngày sẽ có nhiều hơn những người phụ nữ Việt Nam thực sự ngang tài với nam giới cả về tài năng và trí tuệ, không chỉ ở tầm quốc gia mà còn cao hơn, xa hơn nữa để vươn tới các tầm vóc quốc tế cùng với điều kiện phát triển khoa học và trí tuệ trong thời đại ngày nay.
Đại học Luật Hà Nội
Ảnh: Nguồn: http://thoidai.com.vn
[1]. Xem thêm: Radhika Sanghani, “International Women’s Day: What Is It, How Did It Start and Why Is It Still Needed?”, The Telegraph (9 March 2016), https://www.telegraph.co.uk.
[2]. Xem: Laura Brunell & Elinor Burkett (14 July 2016), “Feminism Sociology”, https://www.britannica.com; Caroline Dorey-Stein (22 September 2015), “A Brief History: The Three Waves of Feminism”, https://www.progressivewomensleadership.com; New World Encyclopedia, “Feminism”, https://www.newworldencyclopediam.org; University of Minnesota Duluth, “Waves of Feminism”, https://www.d.umn.edu. Tuy nhiên, gần đây đã và đang có những quan điểm về “làn sóng thứ tư” của phong trào nữ quyền, cơ bản gắn với sự phát triển như vũ bão của công nghệ gắn với không gian mạng internet, xem, ví dụ, Martha Rampton (25 October 2015), “Four Waves of Feminism”, Pacific University Origon, https://www.pacific.edu; Kira Cochrane, “The Four Waves of Feminism: Meet the Rebel Women”, The Guardian (10 December 2013), https://www.theguardian.com; Zoe Zorka (30 November 2014), “Humanist Counter - Theory in the Age of Misandry: Millenials and the “4th Wave” of Feminism”, https://www.avoiceformen.com.
[3]. Xem thêm: Biography, “Elizabeth Blackwell - Author, Doctor, Educator”, https://www.biography.com; Changing the Face of Medicine, “Elizabeth Blackwell”, https://cfmedicine.nlm.nih.gov; Amazing Women in History, “Elizabeth Blackwell, MD, America’s First Female Doctor”, www.amazingwomeninhistory.com.
[4]. Xem thêm: WIPO, “Member States”, www.wipo.int/members/en/.
[5]. Xem thêm: WIPO, “Women and Intellectual Property”, www.wipo.int/women-and-ip/en/.
[6]. Xem thêm: WIPO, “The Challenge: Gender Gaps and Insufficient Data”, www.wipo.int/women-and-ip/en/. [7]. Xem thêm: WIPO, “Initiatives - Events, Eighth International Conference on Innovation and Creativity of Women: Design in Business Strategy”, www.wipo.int/meetings/en/details.jsp?meeting_id=35983.
[8]. Xem: WIPO, “Nine Inventive Women”, www.wipo.int/pressroom/en/stories/international_womens_day.html.
[9]. Xem thêm: University of Sri Jayewardenepura Sri Lanka, “Academic Staff - Department of Chemistry: Dr. Nilwala Kottegoda”, http://www.sci.sjp.ac.lk/sc/che/academic-staff/dr-nilwala-kottegoda/. Cũng xem: Forbes (14 December 2011), “Tech: How Big is a Nanometer” by Jim Handy, www.forbes.com.
[10]. Xem thêm: University of Sri Jayewardenepura Sri Lanka, “Faculty of Applied Sciences: Dr. Nilwala Kottegoda Receives TWAS Young Scientists Award” (19 March 2013), http://www.sci.sjp.ac.lk/sc/dr-nilwala-kottegoda-receives-twas-young-scientists-award/.
[11]. Xem thêm: Eco Stove, “Save Trees, Save Money Appeal”, http://www.eco-stovesystem.com.
[12]. Xem thêm: WIPO, “Smart Agriculture - Using Location to Protect Food Sources: Chisafer - Uruguay”, www.wipo.int/ipadvantage/en/details.jsp?id=5697.
[13]. Xem thêm: WIPO, “Smart Agriculture - Using Location to Protect Food Sources: Research and Development”, http://www.wipo.int/ipadvantage/en/details.jsp?id=5697.
[14]. Xem thêm: WIPO, “IP Services - PatentScope: (US20140186933) Method and device for detecting prior drug use, taking inflammation into account to increase test’s specifility and reduce falve positives”, https://patentscope.wipo.int/search/en/detail.jsf?docId=US105572466.
[15]. Xem thêm: WIPO, “IP Services - PatentScope: (US20070285914) Lighting system for generating light and an image,” https://patentscope.wipo.int/search/en/detail.jsf?docId=US41906307.
[16]. Xem thêm: Bottle Crusher, “The Leader in Bottle Crushing Technology”, http://www.bottlecrusher.com.au/; The Bottle Eater, “Turn Your Glass Green”, http://www.thebottleeater.com/.
[17]. Xem thêm: World Health Organization, “TDR for Research on Diseases of Poverty: Dr. Ikram Guizani”, http://www.who.int/tdr/about/governance/stac/guizani/en/; ResearchGate, “Ikram Guizani - Institut Pasteur de Tunis” (January 2017), https://www.researchgate.net/profile/Ikram_Guizani2.
[18]. Xem thêm: WIPO, “IP Services - PatentScope: 20060211056 Leishmania antigens suitable for a diagnostic kit of Leishmania”, https://patentscope.wipo.int/search/en/result.jsf?query=%28PA:%28Guizani%20Ikram%29%29.
[19]. Xem thêm: Insun Yu, Luật và Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, Nguyễn Quang Ngọc dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, 111, 115-116, 118, 120, 132-133, 150-151, 165, 182-183. Cũng xem: Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2001 (các chương như Chương 3 - Văn hóa tổ chức cộng đồng: Đời sống tập thể và Chương 4 - Văn hóa tổ chức cộng đồng: Đời sống cá nhân...).
[20]. Xem thêm: Lê Thị Hồng (02/03/2014), “Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng của phụ nữ”, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, www.hcmulaw.edu.vn.
[21]. Xem thêm: Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, “Giải thưởng Kovalevskaya”, www.hoilhpn.org.vn. Cũng xem: Wikipedia, “Giải thưởng Kovalevskaya”, https://vi.m.wikipedia.org.
[22]. Xem thêm: Encyclopedia Britannica, “Sofya Vasilyevna Kovalevskaya - Russian Mathematician”, https://www.britannica.com.
[23]. Xem thêm: Wikipedia, “Võ Hồng Anh”, https://vi.m.wikipedia.org; Dân Trí (21/07/2009), “Ký ức về người con gái của Tướng Giáp”, www.dantri.com.vn; VOV Online (07/03/2013), “Nhà khoa học nữ suốt đời đi tìm giống lúa mới”, www.vov.vn; Tuổi trẻ Online (21/06/2008), “Giống lúa 10 tỷ đồng”, www.tuoitre.vn.
[24]. Xem thêm: Công an nhân dân (06/03/2016), “2 nhà khoa học nữ được trao giải thưởng Kovalevskaya”, www.cand.com.vn.
[25]. Xem thêm: Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, “Khoa học công nghệ kỹ thuật: Một nhà khoa học nữ của Việt Nam được thế giới vinh danh”, www.ubvk.hochiminhcity.gov.vn. Cũng xem: United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization, “Gender and Science: For Women in Science Programme”, www.unesco.org; Asian Scientist (March 25, 2015), “Three Asians Bestowed L’Oréal-UNESCO Awards”, https://www.asianscientist.com; Revolvy, “L’Oréal-UNESCO Awards for Women in Science”, https://www.revolvy.com, truy cập ngày 05/02/2017.