Abstract: Within the scope of this article, the author evaluates and analyzes the legal provisions on the receipt and initial settlement of denunciations and reports of crimes by police forces of communes, wards and townships, the police station, from there, makes a number of recommendations related to this issue.
1. Quy định của pháp luật về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an và quá trình tổ chức triển khai thực hiện trong lực lượng Công an nhân dân
Công tác tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và là căn cứ để kịp thời xác định có hay không hành vi phạm tội. Qua hoạt động phân loại, kiểm tra, xác minh ban đầu, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ xem xét để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Theo báo cáo của lực lượng Công an nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương[1], từ khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đến tháng 10/2021, còn 171 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gần hết thời hạn kiểm tra, xác minh, 77 vụ án gần hết thời hạn điều tra nhưng chưa có căn cứ để ban hành quyết định tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đây chính là những trở ngại, hạn chế khách quan và là những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn cần được xem xét, tháo gỡ để giải quyết, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chính vì vậy, ngày 12/11/2021, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó có quy định về việc tăng nhiệm vụ, quyền hạn cho lực lượng Công an cấp xã nói chung và Công an xã nói riêng. Tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2021 đã sửa đổi khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, theo đó, Công an cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Quy định trên đã thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về bố trí Công an xã chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thực hiện quy định của pháp luật, với phương châm “bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”[2]. Hiện nay, lực lượng Công an xã đã được tổ chức chính quy (về chức danh, cơ cấu lực lượng, năng lực, trách nhiệm…) là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã; đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp thì Công an xã càng đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cần thiết phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở. Do vậy, việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an) trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là cần thiết để tăng cường vai trò của Công an xã, đồng thời kịp thời giảm tải khối lượng công việc hiện đang rất lớn cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách trong hoạt động điều tra hình sự.
Để triển khai thực hiện quy định trên, ngày 29/11/2021, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP- BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC). Theo đó, nội dung trên được hướng dẫn cụ thể như sau:
Thứ nhất, quy định cụ thể các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã.
Trước đây, khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC) chỉ quy định chung hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an; chưa quy định cụ thể các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ là những hoạt động cụ thể nào. Để bảo đảm rõ ràng, minh bạch, Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC quy định hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã bao gồm các hoạt động: Lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, lấy lời khai người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng và người có liên quan; có mặt kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc, bảo vệ hiện trường; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; xác định sơ bộ thông tin về hậu quả, thiệt hại; phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm.
Mặc dù Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/01/2022, tuy nhiên, do Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2021 nên Công an xã vẫn có thẩm quyền kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm. Việc tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cụ thể, đề nghị công an các đơn vị, địa phương áp dụng các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đã được Lãnh đạo liên ngành thống nhất tại Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC để hướng dẫn Công an cấp xã thực hiện.
Thứ hai, quy định các trường hợp về thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã.
Trước đây, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC chỉ quy định một loại thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã là trong thời hạn 24 giờ hoặc 48 giờ (đối với xã ở vùng rừng núi, xa xôi, hẻo lánh, điều kiện đi lại khó khăn) kể từ khi tiếp nhận thì Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC quy định 02 loại thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã gắn với 02 trường hợp cụ thể:
- Thời hạn 24 giờ hoặc 48 giờ (đối với các xã ở vùng rừng núi, xa xôi, hẻo lánh, điều kiện đi lại khó khăn) được tính từ khi tiếp nhận đến khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm, áp dụng đối với tố giác, tin báo về hành vi phạm tội quả tang; tố giác, tin báo về hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc được dư luận xã hội quan tâm; tố giác, tin báo về tội phạm đã rõ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc rõ người bị tố giác mà có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn, có căn cứ và cần thiết phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
- Thời hạn 07 ngày được tính từ khi tiếp nhận đến khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm áp dụng đối với các tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc các trường hợp nêu trên. Trong thời hạn 07 ngày này, Công an cấp xã sẽ tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ như đã nêu ở trên. Trong quá trình giải quyết, nếu phát hiện tố giác, tin báo thuộc trường hợp phải chuyển trong thời hạn 24 giờ hoặc 48 giờ như đã nêu ở trên thì Công an cấp xã phải chuyển tố giác, tin báo về tội phạm trong thời hạn 24 giờ hoặc 48 giờ (đối với các xã ở vùng rừng núi, xa xôi, hẻo lánh, điều kiện đi lại khó khăn) mà không đợi hết 07 ngày mới chuyển tố giác, tin báo về tội phạm.
Trong thời gian từ ngày 01/12/2021 đến ngày 13/01/2022, Công an các đơn vị, địa phương áp dụng các mốc thời hạn 24 giờ và 48 giờ (áp dụng đối với các xã ở vùng rừng núi, xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn) kể từ khi tiếp nhận đến khi chuyển đến cơ quan điều tra có thẩm quyền được quy định tại khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC. Kể từ ngày 14/01/2022, sẽ thực hiện các thời hạn được quy định trong Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC có hiệu lực thi hành.
Thứ ba, quy định về cơ chế kiểm soát của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đối với hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã.
Trước đây, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC chưa quy định nội dung này. Để kiểm soát hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã, Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC quy định, khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, Công an cấp xã vào sổ tiếp nhận và báo cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện sẽ chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tiến hành kiểm tra việc tiếp nhận và kiểm tra việc tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã.
2. Một số vướng mắc, bất cập khi tổ chức tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an
Nhìn chung, với những quy định nêu trên, lực lượng Công an cấp xã đã được gia tăng thẩm quyền và có cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ giữ vững trật tự an toàn xã hội tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn đã xuất hiện những khó khăn nhất định, đồng thời khi đối chiếu với những quy định khác của pháp luật tố tụng hình sự, vẫn còn một số điểm mâu thuẫn thể hiện ở một số nội dung sau:
Thứ nhất, về sổ sách theo dõi, phân loại tố giác, tin báo về tội phạm: Còn tồn tại một số trường hợp Công an cấp xã sử dụng sổ tiếp nhận nguồn tin về tội phạm không đúng biểu mẫu ban hành theo Thông tư số 119/2021TT-BCA ngày 08/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự (Thông tư số 119/2021/TT-BCA); ghi chép chưa đầy đủ các tố giác, tin báo về tội phạm đã tiếp nhận vào sổ tiếp nhận nguồn tin về tội phạm và chưa ghi đầy đủ các cột, mục trong sổ.
Thứ hai, về công tác phân loại, kiểm tra, xác minh sơ bộ và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm: Một số tố giác, tin báo về tội phạm, Công an cấp xã sau khi tiếp nhận, tiến hành phân loại không đúng; chậm chuyển đến cơ quan điều tra theo quy định; một số trường hợp Công an cấp xã chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra nhưng không lập biên bản giao, nhận hoặc không lưu trữ biên bản giao nhận, hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc đã được chuyển cơ quan điều tra giải quyết.
Thứ ba, tại khoản 6 Điều 9 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 không quy định Công an xã là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, tại Điều 44 của Luật này lại quy định, Công an xã được thực hiện những hoạt động mang có tính chất là hoạt động điều tra hình sự, cụ thể là tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Những hoạt động này bản chất là các hoạt động điều tra ban đầu của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Bên cạnh đó, quy định tại Điều 44 của Luật này về trách nhiệm của Công an xã có sự khác biệt, thiếu thống nhất với trách nhiệm, quyền hạn của Công an phường, thị trấn. Cụ thể, về trách nhiệm, quyền hạn của Công an phường, thị trấn, Luật quy định, Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Như vậy, về vị trí hành chính, Công an xã và Công an phường, thị trấn là cùng cấp như nhau nhưng trách nhiệm, quyền hạn trong hoạt động điều tra hình sự của 02 chủ thể này lại khác biệt nhau.
Thứ tư, chưa quy định rõ ràng thời hạn lực lượng Công an cấp xã tiến hành xác minh sơ bộ ban đầu có được tính vào thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hay không? Khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, cán bộ Công an cấp xã phải lập biên bản tiếp nhận theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 119/2021/TT-BCA, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố giác, báo tin và hướng dẫn họ viết đơn trình báo (có thể ghi âm, ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận khi thấy cần thiết). Trường hợp người tố giác, báo tin từ chối cung cấp thông tin cá nhân thì vẫn phải tiến hành tiếp nhận theo trình tự, thủ tục và ghi rõ lý do từ chối vào biên bản[3]. Căn cứ vào hướng dẫn này, thời hạn giải quyết tin báo tố giác, tin báo về tội phạm sẽ được tính như thế nào theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Hiện nay, có 02 quan điểm khác nhau:
- Quan điểm thứ nhất: Công an cấp xã không có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm mà chỉ tiến hành một số hoạt động xác minh ban đầu. Do đó, thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được tính từ ngày cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Quan điểm này xuất phát từ quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC: “Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố…” và cơ quan có thẩm quyền ở đây được hiểu là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Quan điểm thứ hai: Căn cứ vào trình tự, thủ tục được quy định tại Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân, Công an cấp xã phải lập biên bản tiếp nhận theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 119/2021/TT-BCA. Mặt khác, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), kể từ ngày 01/12/2021, Công an cấp xã đã chính thức được gia tăng thẩm quyền khi tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm nên thời điểm tiếp nhận sẽ được tính từ khi Công an cấp xã lập biên bản tiếp nhận.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của lực lượng Công an cấp xã trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa bàn cơ sở trong tình hình hiện nay, tác giả kiến nghị một số vấn đề như sau:
Một là, Lãnh đạo công an các đơn vị ở địa phương đẩy mạnh quán triệt, chỉ đạo lực lượng Công an cấp xã tiếp tục nghiên cứu, nắm vững và thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Thông tư liên tịch số 01/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, kịp thời khắc phục các vi phạm, hạn chế đã nêu trên, không để xảy ra vi phạm, hạn chế tương tự trong thời gian tới.
Hai là, tiếp tục yêu cầu Công an cấp xã thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến 24/24 giờ nhằm tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kịp thời triển khai lực lượng giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn; thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo giữa Công an cấp xã với Công an cấp huyện để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, xử lý các tình huống, vụ việc khó khăn, phức tạp.
Ba là, tiếp tục rà soát, ban hành văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành về các điều, khoản liên quan đến Công an cấp xã của Luật Công an nhân dân năm 2018, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Theo đó, cần quy định “Công an cấp xã được tiến hành các hoạt động xác minh sơ bộ ban đầu” trong Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự để có sự thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Bốn là, cần thống nhất cách hiểu về cách tính thời hạn bắt đầu được khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm khi lực lượng Công an cấp xã lập biên bản tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Bởi, theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì: “Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: Khởi tố vụ án hình sự, không khởi tố vụ án hình sự, đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”. Do đó, nếu theo quan điểm thứ nhất nêu ở phần trên (tác giả hoàn toàn ủng hộ quan điểm này), cần có văn bản quy định cụ thể để giải thích rằng, Công an cấp xã không có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, do đó, thời hạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm được tính từ khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận. Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng có đủ thời gian kiểm tra, đánh giá thông tin tài liệu do lực lượng Công an cấp xã cung cấp thì tại khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC, tác giả kiến nghị sửa đổi như sau: “Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố…”.
Năm là, trong thời gian tới, các trường Công an nhân dân cần nghiên cứu xây dựng các chuyên đề liên quan đến điều tra hình sự gắn với đặc thù tại các địa bàn cơ sở, hướng đến nâng cao năng lực trình độ chuyên môn cho đội ngũ Công an cấp xã. Đồng thời, mở các lớp tổ chức tập huấn chuyên sâu về các quy định của pháp luật có liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn trong điều tra hình sự cho đội ngũ Công an cấp xã, đặc biệt đối với những địa bàn có tính chất đặc thù như vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
TS. Trần Hữu Tiến
Khoa Luật, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Báo cáo số 1038/BC-BCA ngày 02/9/2021 của Bộ Công an về tổng kết thực tiễn thi hành trách nhiệm của Công an xã trong điều tra hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; thi hành Điều 148 và Điều 229 của Bộ luật Tố tụng hình sự trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đến nay và Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổng kết thi hành các điều 146, 148, 155, 157, 229 và 247 Bộ luật Tố tụng hình sự.
[2]. Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
[3]. Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Số 374, tháng 2/2023)