1. Vài nét về quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ
Trong lịch sử của hoạt động bảo hiểm, học thuyết về quyền lợi có thể được bảo hiểm, được đưa ra và phát triển ban đầu ở Anh[1]. Nghị viện Anh đã ban hành hai đạo luật là George II và George III (1774)[2] để quy định bảo hiểm tài sản và bảo hiểm nhân thọ tương ứng. Hai đạo luật đều yêu cầu rằng, người mua bảo hiểm cần phải có lợi ích nhất định đối với đối tượng được bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm. Nếu như trong bảo hiểm về tài sản, quyền lợi được bảo hiểm được xem xét về sự mất mát, tổn thất về tài sản nếu có khi xảy ra rủi ro thì trong bảo hiểm con người quyền lợi bảo hiểm cũng có thể hiểu là những lợi ích có từ người được bảo hiểm[3]. Vì tham gia bảo hiểm nhân thọ là họ đang lo lắng về tương lai của bản thân, cho những người liên quan nhất định và cần tìm đến sự đảm bảo tài chính cho chính bản thân hoặc những người có liên quan khi rủi ro xảy ra rủi ro. Do vậy, mục đích của học thuyết về quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm con người còn được dùng nhằm để bảo đảm cho các công ty bảo hiểm chống lại các yêu cầu gian lận, bảo vệ người được bảo hiểm trước những hành vi vi phạm pháp luật, hành vi tàn ác của những người khác có chủ đích gây ảnh hưởng đến tính mạng của người được bảo hiểm[4].
Hiểu một cách chung nhất, thì quyền lợi có thể được bảo hiểm là mối quan hệ đặc biệt giữa bên tham gia hợp đồng bảo hiểm (người được bảo hiểm hoặc chủ hợp đồng) phải có với đối tượng bảo hiểm cho dù đó là cuộc sống hay tài sản hay trách nhiệm mà anh ấy/cô ấy có thể được tiếp xúc[5]. Trong bảo hiểm nhân thọ thì quyền lợi có thể được bảo hiểm chính là một mối quan tâm bảo hiểm trong cuộc sống có thể được thiết lập trên một trong hai loại:
(i) Yếu tố 1: Mối quan tâm yêu thương và tình cảm không thể bảo đảm cho những người có quan hệ mật thiết với huyết thống hoặc hôn nhân. Trong yếu tố này, người mua bảo hiểm hoặc lo lắng về khả năng rủi ro làm cho người được bảo hiểm bị chết, bị các ảnh hưởng khác làm cho chính bản thân họ hoặc người thân bị ảnh hưởng. Về yếu tố này, pháp luật các quốc gia tương đối thống nhất trong quy định rằng đó là những chủ thể có mối quan hệ hôn nhân hoặc huyết thống với nhau.
(ii) Yếu tố 2: Cho tất cả những người khác, một lợi ích kinh tế hợp pháp và đáng kể trong cuộc sống liên tục, sức khỏe và sự an toàn của cơ thể của người được bảo hiểm[6]. Đây là những chủ thể mà người được bảo hiểm có những mối quan hệ lợi ích nhất định nên những người này cần được đảm bảo khoản lợi ích vật chất đó khi người được bảo hiểm gặp những rủi ro nhất định. Đối với phần quy định này thì các quốc gia khác nhau có thể có những quy định khác nhau.
2. Thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam về quyền lợi được bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ
Theo khoản 9 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010, thì quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm. Đây là quy định về quyền lợi được bảo hiểm nói chung cho hoạt động bảo hiểm. Nếu theo quy định đó, thì quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ là quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm. Quy định này được làm rõ hơn tại khoản 2 Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010. Theo đó, bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho bản thân bên mua bảo hiểm; vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm; anh, chị, em ruột; người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng; người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm. Do vậy, quyền lợi được bảo hiểm của Việt Nam đã xác định cơ bản các yếu tố như: (i) Mối quan hệ dựa trên huyết thống và hôn nhân đang tồn tại hoặc ly hôn. Đây là mối quan hệ mà pháp luật thừa nhận, các thành viên có sự quan tâm, lo lắng lẫn nhau. Đồng thời pháp luật cũng quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của các chủ thể liên quan trên trong Luật Hôn nhân và Gia đình[7]; (ii) Mối quan hệ cấp dưỡng khác (nếu có) theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 khi gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe người khác.
Đánh giá quy định này, tác giả cho rằng: (i) Quy định này còn có sự trùng lắp. Bởi lẽ, trong điểm d khoản 1 Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 quy định một trong các chủ thể mà người mua bảo hiểm có thể mua bảo hiểm là “người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm”. Tuy nhiên, theo khoản 9 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 xác định rằng, “quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ là quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm”. Do vậy, người khác ở đây có thể hiểu là người mà bên mua bảo hiểm có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng. Tuy nhiên, điều này nó sẽ trùng với quy định của điểm c khoản 2 Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010; (ii) Quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ còn chưa đầy đủ. Pháp luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành mới chỉ nêu rõ được yếu tố 1 và một phần yếu tố 2 (đã được nêu ở phần 1 bài viết). Theo đó, pháp luật chưa xác định đa dạng hơn về những người khác có những quyền lợi được bảo hiểm khác, chẳng hạn như người sử dụng lao động và người lao động.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có phát sinh vấn đề mở rộng hơn so với quy định này. Đó là rất nhiều quy tắc bảo hiểm và điều khoản bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đã ghi nhận cho phép tổ chức (người sử dụng lao động) mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động. Quy định này được coi là một biện pháp, chính sách nhằm thu hút, giữ chân người lao động trong các doanh nghiệp[8].
Điều này đã và đang gây ra không thống nhất về mặt lý luận. Theo đó, có hai nhóm quan điểm:
Thứ nhất, đây là các sản phẩm chưa đúng quy định. Vì rõ ràng, trong quy định tại khoản 9 Điều 3 và Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 đều xác định người mua bảo hiểm chỉ mua bảo hiểm cho người khác khi có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng. Trong khi đó, mối quan hệ giữa tổ chức (người sử dụng lao động) và người lao động không hề có mối quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình hoặc Bộ luật Dân sự mà đó là mối quan hệ lao động chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động. Việc xác định cho phép tổ chức mua bảo hiểm cho người lao động là trái quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy, hoạt động này cần phải được ngăn chặn và không cho phép triển khai.
Thứ hai, đây là các sản phẩm hợp pháp. Bởi lẽ, theo quy định thì đối với các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai[9]. Cho nên, đây là các sản phẩm hợp pháp dựa trên sự cho phép của Bộ Tài chính. Đồng thời, trong các quy định khác có liên quan cũng đã và đang thừa nhận việc mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động là hợp pháp. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung điểm 2.11 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính) đã xác định: Phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để trích nộp bảo hiểm nhân thọ cho người lao động là khoản chi không được vào khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, khoản chi trích mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được tính vào chi phí được trừ ngoài việc không vượt mức quy định tại điểm này còn phải được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể; quy chế tài chính của công ty, tổng công ty, tập đoàn. Do vậy, khoản chi này được pháp luật thuế thừa nhận là hợp pháp nên hoạt động mua bảo hiểm nhân thọ giữa tổ chức cho người lao động là hợp pháp. Đây có thể xem là biện pháp áp dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giữ chân người lao động, thu hút nhân sự tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp.
3. Kiến nghị
Với những điểm bất cập và hạn chế trong quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ nêu trên, để hoàn thiện các quy định của pháp luật về vấn đề này, tác giả kiến nghị:
Một là, bỏ cụm từ “người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng” trong điểm c khoản 2 Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010, vì điểm d khoản 2 Điều 31 đã bao quát quy định của cụm từ này.
Hai là, cần xem xét và điều chỉnh lại khái niệm về quyền lợi được bảo hiểm theo hướng mở rộng nội hàm của phần quyền lợi được bảo hiểm. Theo đó, quyền lợi được bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ không chỉ là quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng bảo hiểm mà còn có thể bao hàm cả các lợi ích kinh tế khác (nếu có) sẽ gặp rủi ro nhất định cho chủ thể khác và cần được xem xét, quan tâm để bảo vệ quyền lợi của người khác. Trên cơ sở nền tảng đó, thay đổi quy định những người được bảo hiểm trong pháp luật nhân thọ thành các nhóm: (i) Nhóm quan hệ dựa trên hôn nhân, huyết thống: Cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em…; (ii) Nhóm quan hệ dựa trên sự tồn tại lợi ích kinh tế nhất định giữa người mua bảo hiểm và người thụ thưởng: Người có nghĩa vụ cấp dưỡng khi gây thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự, người lao động và người sử dụng lao động.
Đối với nhóm thứ hai, khi có quy định này đã hợp thức hóa những tồn tại trước đây trong các văn bản dưới luật (đã được trình bày ở phần trên). Tuy nhiên, cũng cần thận trọng và có những quy định chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các quy định này. Bởi vì việc mua bảo hiểm cho người lao động trong công ty, doanh nghiệp xuất phát từ hai khía cạnh là biện pháp thu hút và giữ chân người lao động trong công ty, doanh nghiệp và là cách thức để công ty có thể đạt được sự kỳ vọng tài chính nhất định từ người lao động của mình khi có rủi ro xảy ra.
Nếu theo khía cạnh thứ nhất, thì khoản tiền mà người sử dụng lao động mua bảo hiểm cho người lao động cũng được coi là thu nhập chịu thuế của người lao động. Do vậy, về lý luận, người thụ hưởng phải là người lao động. Tuy nhiên, trong quan hệ này, người mua bảo hiểm là người sử dụng lao động nên nếu người lao động không còn làm việc cho công ty, doanh nghiệp khi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vẫn còn thời gian thì xử lý như thế nào? Bởi việc chuyển nhượng cần tuân thủ Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 là việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng đó. Nếu lúc này người sử dụng lao động bất hợp tác thì câu chuyện đó sẽ xử lý ra sao là vấn đề mà pháp luật còn chưa quy định rõ. Vì vậy, cần có những quy định chặt chẽ để đảm bảo cho người lao động trong trường hợp này.
Nếu theo khía cạnh thứ hai, người sử dụng lao động sẽ chính là người thụ hưởng khoản tiền bảo hiểm vì họ đã không đạt được sự kỳ vọng vào người lao động của mình khi những người này chết bất ngờ. Đây là khía cạnh mà pháp luật Việt Nam chưa xem xét và chưa đề cập đến. Vì vậy, cần có quy định bổ sung để đảm bảo thêm quyền lợi cho công ty, doanh nghiệp để họ có thể giảm thiểu những tổn thất nhất định trong hoạt động kinh doanh và tránh việc xem đây là khoản thu nhập của người lao động.
Tóm lại, với tầm quan trọng của việc xác định quyền lợi có thể được bảo hiểm ảnh hưởng đến việc hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị vô hiệu, bị chấm dứt làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích các bên khi tham gia bảo hiểm nhân thọ nên việc nghiên cứu và hoàn thiện các quy định này là điều rất cần và hữu ích cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Do vậy, tác giả mong muốn rằng, những kiến nghị này góp phần hoàn thiện hơn các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm phát huy tích cực hơn nữa vai trò của bảo hiểm trong cuộc sống và nền kinh tế.
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh