1. Thủ tục thông báo trong hoạt động thi hành án dân sự
Thông báo trong thi hành án dân sự là cách thức để thông tin đến các đương sự hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan về các quyết định, văn bản thi hành án, hay các thông tin khác liên quan đến việc thi hành án. Mục đích của việc thông báo là để những người này biết về quyền và nghĩa vụ của mình để thực hiện theo quy định của pháp luật. Do vậy, việc thông báo cần phải được thực hiện một cách minh bạch, kịp thời, chính xác và đúng pháp luật để đảm bảo quá trình thi hành án được diễn ra suôn sẻ và hiệu quả.
Hiện nay, pháp luật về thi hành án quy định khá chi tiết, chặt chẽ về trình tự thủ tục thông báo. Các vấn đề liên quan đến thông báo được quy định từ Điều 39 đến Điều 43 Luật Thi hành án dân sự; Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 15/3/2020 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định số 62/2015/NĐ-CP); Điều 2 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự...
2. Thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân
Quy định về thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân trong hoạt động thi hành án được quy định tại Điều 40 Luật Thi hành án dân sự hiện hành, cụ thể như sau:
“1. Văn bản thông báo cho cá nhân phải được giao trực tiếp và yêu cầu người đó ký nhận hoặc điểm chỉ.
2. Trường hợp người được thông báo vắng mặt thì văn bản thông báo được giao cho một trong số những người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người đó, bao gồm vợ, chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của đương sự, của vợ hoặc chồng của đương sự.
Việc giao thông báo phải lập thành biên bản. Ngày lập biên bản là ngày được thông báo hợp lệ.
Trường hợp người được thông báo không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng người đó từ chối nhận văn bản thông báo hoặc người được thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về thì người thực hiện thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được thông báo, có chữ ký của người chứng kiến và thực hiện việc niêm yết công khai theo quy định tại Điều 42 của Luật này.
3. Trường hợp người được thông báo đã chuyển đến địa chỉ mới thì phải thông báo theo địa chỉ mới của người được thông báo”.
Như vậy, theo quy định trên thì việc thông báo trực tiếp cho cá nhân có thể thực hiện bằng cách giao trực tiếp văn bản thông báo cho người được thông báo, hoặc thông báo thông qua người thân thích theo quy định, cụ thể:
- Thủ tục thông báo trực tiếp cho người được thông báo. Khi giao (thông báo) thì người thực hiện việc thông báo phải yêu cầu người nhận phải ký nhận hoặc điểm chỉ. Tuy nhiên, trong thực tế thường xảy ra trường hợp người được thông báo từ chối nhận văn bản và từ chối việc ký nhận vào biên bản do người thực hiện thông báo lập. Trong trường hợp này, trên thực tế người thực hiện việc thông báo (chấp hành viên, thừa phát lại hoặc thư ký) sẽ nói rõ nội dung được thông báo cho đương sự nghe sau đó lập biên bản và có người chứng kiến, thì xem như mục đích của việc thông báo đã đạt được. Như vậy, việc người được thông báo không đồng ý nhận văn bản và không đồng ý ký tên vào biên bản cũng không ảnh hưởng đến mục đích của việc thông báo, vì chính bản thân họ đã được nghe về nội dung cần thông báo đã biết được quyền và nghĩa vụ của mình trong văn bản cần thông báo, nên họ vẫn phải có nghĩa vụ thực hiện theo các quyền và nghĩa vụ đã được nghe (thông báo). Hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này tại khoản 4 Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định “Trường hợp đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan từ chối không nhận thông báo thì người thực hiện thông báo trực tiếp phải lập biên bản, có chữ ký của người chứng kiến và việc thông báo được coi là hợp lệ”.
Các quy định trên phản ánh nguyên tắc để xác định việc thông báo đã được thực hiện, dù người nhận có nhận hay từ chối không nhận, vấn đề quan trọng ở đây là họ đã được thông báo và đã nắm được thông tin. Biên bản lập ra trong trường hợp này là bằng chứng cho việc thông báo đã diễn ra đúng quy định của pháp luật.
- Thủ tục, giao thông báo cho người thân thích nhận thay. Trường hợp này cần đáp ứng được các điều kiện sau:
Một là, người được thông báo vắng mặt tại thời điểm, địa điểm người có thẩm quyền thực hiện việc thông báo.
Hai là, người được thông báo có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người đó. Người thân thích gồm có: Vợ, chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của đương sự, của vợ hoặc chồng của đương sự.
Ba là, người thân thích đồng ý nhận thay, cam kết giao tận tay hoặc thông báo ngay cho người được thông báo[1].
Bốn là, người thân thích nhận thay phải đồng ý ký nhận vào biên bản.
3. Thủ tục thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức
Quy định của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 41, cụ thể như sau:
“Trường hợp người được thông báo là cơ quan, tổ chức thì văn bản thông báo phải được giao trực tiếp cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này ký nhận. Trường hợp cơ quan, tổ chức được thông báo có người đại diện tham gia việc thi hành án hoặc cử người đại diện nhận văn bản thông báo thì những người này ký nhận văn bản thông báo. Ngày ký nhận là ngày được thông báo hợp lệ”.
Theo quy định trên thì việc thông báo cho cơ quan, tổ chức phải được giao trực tiếp cho người có thẩm quyền nhận thông báo (người này có thể là người đại diện theo pháp luật; người được cơ quan, tổ chức ủy quyền; người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó) và điều quan trọng là người này phải ký nhận thì việc thông báo mới được xem là hợp lệ. Do vậy, nếu họ không ký nhận thì xem như không thể thực hiện được việc thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức.
Hiện nay, có khá nhiều người cho rằng trong trường hợp người nhận thông báo cho cơ quan, tổ chức từ chối nhận văn bản, không ký tên thì áp dụng khoản 4 Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để thực hiện tương tự như thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân. Có nghĩa là khi người nhận thông báo cho cơ quan, tổ chức từ chối nhận văn bản, không ký tên thì người thực hiện thông báo chỉ cần lập biên bản về việc thông báo và có người chứng kiến thì xem như đã thông báo hợp lệ, mục đích thông báo đã đạt được. Tuy nhiên, với các quy định về thông báo trong hoạt động thi hành án dân sự như hiện nay (thủ tục thông báo trong thi hành án dân sự hiện nay có một số điểm khác với quy định về thông báo trong Bộ luật tố Tụng dân sự năm 2015), tác giả cho rằng cách hiểu và thực hiện như vậy là không đúng theo quy định của pháp luật vì các lý do sau:
Thứ nhất, người nhận thông báo cho cơ quan, tổ chức họ không phải là đương sự mà đương sự chính là cơ quan, tổ chức (pháp nhân phải thi hành án hoặc được thi hành án). Về mặt pháp lý, việc thi hành án không ảnh hưởng trực tiếp đến người nhận thông báo, mà ảnh hưởng đến cơ quan, pháp nhân họ đang đại diện.
Thứ hai, Điều 41 đã quy định rõ khi thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức thì những người nhận thông báo cho cơ quan, tổ chức đó phải ký nhận thì việc thông báo mới được xem là hợp lệ. Do vậy, nếu họ từ chối nhận thì xem như mục đích của việc thông báo không đạt được, không thực hiện được việc thông báo.
Vì vậy, trường hợp thông báo cho cơ quan, tổ chức mà người nhận thông báo từ chối nhận văn bản và ký nhận thì người thực hiện thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc thông báo trực tiếp để tiến hành niêm yết công khai theo quy định tại Điều 42 Luật Thi hành án dân sự, chứ không áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP được vì quy định này chỉ áp dụng cho “đương sự” và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tác giả thấy rằng việc quy định về cách thức thông báo trực tiếp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức như trên của Luật Thi hành án dân sự hiện nay là chặt chẽ, phù hợp và bảo đảm được quyền lợi cho các bên đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án.
4. Sự khác nhau giữa thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân so với thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức trong hoạt động thi hành án dân sự
Từ các quy định cụ thể của pháp luật về thi hành án dân sự hiện nay như đã phân tích ở trên thì thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân so với thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức trong hoạt động thi hành án dân sự có một số điểm khác biệt như sau:
Trong thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân thì có thể thực hiện giao văn bản cần thông báo trực tiếp cho họ. Trường hợp họ từ chối nhận, từ chối ký nhận thì chỉ cần lập biên bản và có chữ ký của người chứng kiến thì việc thông báo được coi là hợp lệ. Trường hợp, người được thông báo vắng mặt thì có thể giao cho người thân thích đủ điều kiện theo quy định để nhận thay.
Còn khi thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức thì những người nhận thông báo phải nhận văn bản thông báo và ký nhận thì mới được xem là thông báo hợp lệ. Nếu họ không nhận văn bản và không ký nhận thì phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc thông báo trực tiếp để tiến hành thủ tục niêm yết công khai theo quy định. Trường hợp, những người nhận thông báo vắng mặt thì không được giao thông báo cho người thân thích của họ nhận thay.
Thông qua những phân tích trên, có thể thấy rằng pháp luật về thi hành án dân sự đã có sự phân biệt rõ ràng về thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân và thủ tục thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức cả về mặt lập pháp (quy định ở các điều luật khác nhau) và cả về thủ tục thực hiện. Sự khác biệt này không chỉ góp phần vào hiệu quả của việc tổ chức thi hành án mà còn thể hiện sự chặt chẽ và đầy đủ thủ tục thông báo trong hoạt động thi hành án dân sự, góp phần đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan trong quá trình thi hành án. Do vậy, trong quá trình tổ chức thi hành án trên thực tế các chấp hành viên cần nắm vững và áp dụng chính xác để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và chặt chẽ cho hồ sơ thi hành án.
Hồ Quân Chính
Học viện Tư pháp
[1] Khoản 5 Điều 2 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.